Dẹp bỏ Thiên Chúa không giúp con người sống tốt đẹp hơn
CHATSWOOD - Dẹp bỏ Thiên Chúa không khiến cho xã hội được tốt đẹp hơn. Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Tái Truyền giảng Tin Mừng, đã nói như trên trong Đại hội “Loan báo 2010”, tổ chức tại Chatswood, Úc.
Thuyết trình về đề tài “Tái truyền giảng Tin Mừng là gì?” tại Đại hội, Đức cha Fisichella nhấn mạnh: “Con người ngày nay gặp khủng hoảng, vì nó đã quên đi điều nòng cốt: đó là nhu cầu về Thiên Chúa, nằm sâu trong tâm hồn. Không phải khi bắt buộc ước muốn về Thiên Chúa phải im lặng, con người có thể đạt được sự tự lập của mình. Con người gặp khủng hoảng, nhưng không phải bằng cách gạt bỏ Kitô giáo ra bên lề, mà có thể có một xã hội tốt lành hơn. Ai muốn tự do sống như thể là Thiên Chúa không hiện hữu, có thể làm điều đó, nhưng phải biết mình sẽ gặp cái gì. Con người ngày nay đề cao sự độc lập và trách nhiệm cá nhân đối với kiểu sống của mình, nhưng không phải loại bỏ Thiên Chúa khỏi cuộc sống mà thế giới này tốt lành hơn.
Các tín hữu Công giáo sẽ không bao giờ chấp nhận bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, và sẽ tiếp tục đem Tin Mừng của Chúa Giêsu đến cho thế giới. Nhưng họ không loan báo với thái độ kiêu căng, ngạo mạn, hay với mặc cảm tự tôn coi mình hơn người khác, mà với sự hiền dịu, tôn trọng và lương tâm ngay thẳng. Công tác tái truyền giảng Tin Mừng của mọi thành phần Giáo Hội: các chủ chăn, linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ là ở đó. Nó không khác với nội dung sứ điệp cứu rỗi trong quá khứ, nhưng khác trong phương cách chuyển tải Tin Mừng, với các hình thức mới, ngôn ngữ mới, khả năng thích ứng mới, và nhất là qua chứng tá sống động, cụ thể trong cuộc sống thường ngày. Không phải các chiến thuật có thể cứu thoát chúng ta và Kitô giáo, nhưng là một đức tin được tái suy tư và sống một cách mới mẻ, qua đó Chúa Kitô và Thiên Chúa hằng sống bước vào lòng thế giới.
Dựa trên Lời Chúa và noi gương Chúa Giêsu Kitô, Kitô hữu dành ưu tiên cho tất cả những gì mà thế giới khước từ vì coi đó là vô ích và không hữu hiệu: người đau yếu, người hấp hối, người bị gạt bỏ ra bên lề cuộc sống, người tàn tật và tất cả những gì thế gian coi là không có hy vọng và không có tương lai. Và đó là chứng tá sống động của Tin Mừng. (SD 9-8-2012)
Rời Toà Giám quản Tông toà Kuweit về Bahrain
BAHRAIN - Hôm 10-8-2012, Đức cha Camillo Ballin, Giám quản Tông toà miền bắc Ảrập, cho biết đã rời trụ sở từ Kuweit về Bahrain, để có thể tới với các Kitô hữu toàn vùng dễ dàng hơn.
Giám quản Tông toà miền bắc Ảrập bao gồm 4 nước Kuweit, Bahrain, Qatar, Ảrập Sauđi, và có 2 triệu tín hữu Công giáo, hầu hết là những người di cư. Lý do thứ nhất là vì Bahrain ở trung tâm, từ đó dễ dàng đến với các tín hữu hơn. Lý do thứ hai vì Bahrain là quốc gia dễ ra vào hơn cho các cuộc họp các linh mục, các giáo lý viên và thủ lãnh giáo dân.
Đức cha Ballin cho biết vùng Giám quản Tông toà của ngài rộng gấp 4 lần Italia, tương đương với 4 lần nước Việt Nam. Các tín hữu đến từ các nước Philippines, Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka. Tại Kuweit, số tín hữu Công giáo có khoảng 350.000 người; tại Qatar cũng thế; tại Bahrain có khoảng 100.000 đến 140.000; và tại Ảrập Sauđi có 1,5 triệu.
Thách đố lớn nhất là sự khác biệt quốc tịch, ngôn ngữ và văn hoá. Thánh lễ trong Nhà thờ Chính toà Kuweit được cử hành bằng 12 thứ tiếng khác nhau và theo 5 lễ nghi khác nhau là Latinh, Malabar, Malankara, Marônít, và Copte. Chính việc phối hợp các sinh hoạt phụng vụ bằng 12 thứ tiếng khác nhau theo 5 lễ nghi đôi khi gây ra các căng thẳng. Nhưng vấn đề chính trong toàn vùng là các nơi phụng tự đều chật hẹp. Điều này cũng tạo các khó khăn giữa các nhóm.
Còn một thách đố khác nữa đó là làm sao khiến cho các cộng đoàn khác nhau này làm thành một Giáo hội Công giáo, chứ không phải nhiều Giáo hội Công giáo. Nhưng Đức Cha cho biết có tin vui: đó là chính quyền Bahrain mới cho Giáo Hội một miếng đất rộng 9.000 mét vuông để xây một nhà thờ mới.
Trong thủ đô đã có 1 nhà thờ, nhưng chỉ chứa được 1.000 người. Theo Đức cha Ballin, đây là dấu chỉ của một sự rộng mở tích cực, có thể nêu gương cho các nước khác. (RG 10-8-2010)
Giáo hội Ấn Độ dấn thân chống tệ nạn loại trừ các bào thai nữ
NEW DEHLI - Giáo hội Ấn Độ gia tăng dấn thân chống tệ nạn loại bỏ các bào thai nữ, và tái khẳng định đây là một tội mà chính quyền phải trừng phạt.
Nữ tu Helen Saldanha, Thư ký Văn phòng Đặc trách các Vấn đề Nữ giới của Hội đồng Giám mục Ấn Độ, cho biết từ nhiều thập niên qua Giáo Hội đã cố gắng chống lại tệ nạn loại bỏ các bào thai nữ, và Giáo Hội được chính quyền của một vài tiểu bang ủng hộ.
Xã hội Ấn Độ theo chế độ phụ hệ và có tâm thức trọng nam khinh nữ. Não trạng này phát xuất từ các quan niệm văn hoá và tôn giáo dành đặc quyền cho nam giới, và khinh rẻ nữ giới như trong nhiều xã hội phụ hệ tại Á châu. Con gái luôn bị người Ấn coi là một gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Ngày nay, với các kỹ thuật y khoa tân tiến, người ta có thể biết bào thai là nam hay là nữ. Do đó, việc giết các bào thai nữ lại càng gia tăng. Theo chị Helen, việc trừng phạt tội giết bào thai nữ sẽ góp phần thay đổi não trạng của người dân Ấn thích có con trai hơn con gái. Việc thích con trai hơn con gái là một bệnh, đang tạo ra sự mất quân bình trong xã hội Ấn. Các thống kê trẻ em dưới 5 tuổi cho biết hồi năm 2001, cứ 1.000 trẻ nam, thì chỉ có 927 trẻ nữ. Năm ngoái 2011, số trẻ nữ giảm xuống chỉ còn 800 so với 1.000 trẻ nam.
Bác sĩ Ruchika Dewan Singh, thuộc Hiệp hội Sức khoẻ Công giáo Ấn Độ, cho biết mặc dù từ năm 1994 có luật cấm các xét nghiệm xác định phái tính và lựa chọn các bào thai, nhưng trong rất nhiều tầng lớp xã hội Ấn tâm thức loại bỏ các bào thai nữ vẫn được chấp nhận.
Ngoài ra, tại Ấn Độ còn có tệ nạn “giết người vì của hồi môn”. Tại Ấn Độ mỗi năm có hàng ngàn phụ nữ bị giết, vì không trả được tiền hồi môn, mà cha mẹ hai bên đã “thoả thuận” với nhau.
Linh mục Tomi Thomas, Giám đốc Văn phòng Đặc trách các Vấn đề Nữ giới của Hội đồng Giám mục Ấn Độ, cho biết vấn đề trước hết có nguồn gốc văn hoá. Để cải tiến tình hình, Văn phòng của Hội đồng Giám mục thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo cho các nhân viên y tế và các cặp vợ chồng để thuyết phục họ đừng giết các bào thai nữ.
Tệ nạn giết các bào thai nữ tại Ấn Độ cũng như Trung Quốc và một số nước Á châu đang đe doạ thế quân bình dân số trên thế giới cũng bị phân bộ đặc trách các vấn đề kinh tế xã hội của Liên Hiệp Quốc và Văn phòng Kiểm kê Dân số của Trung tâm Quốc tế báo động. Hai tổ chức này tố cáo hai nước Ấn Độ và Trung Quốc đứng đầu thế giới liên quan tới tệ nạn huỷ hoại các bào thai nữ. (SD 8-8-2012)
HĐGM Czech yêu cầu chính quyền giải quyết vấn đề nhà ở cho dân
PRAHA - Trong các ngày vừa qua, Uỷ ban Công lý và Hoà bình của Hội đồng Giám mục Czech đã yêu cầu nhà nước nỗ lực giải quyết vấn đề nhà ở cho dân, và chú ý đến tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay.
Trong thông cáo mang chữ ký của Đức cha Václav Malý, Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình, các Giám mục nêu bật rằng “nhà ở đã luôn luôn là một trong những quyền và nhu cầu nòng cốt của mọi người. Vì thế mọi xã hội tân tiến đều có bổn phận cung cấp nhà ở cho dân, đặc biệt là cho những người yếu đuối, tàn tật và già nua. Và chính quyền cũng phải cho họ có thời gian thích đáng để hoà hợp các điều kiện sống với các khả năng tài chính, làm sao để họ không cảm thấy bị rơi vào trong một tình trạng tuyệt vọng, và có thể duy trì phẩm giá là người của họ”.
Các Giám mục Czech ghi nhận rằng tình hình kinh tế khó khăn đã khiến cho số người làm đơn xin trợ cấp xã hội gia tăng. Tiến trình tự do hoá luật thuê nhà tại Cộng hoà Czech đã chỉ bắt đầu hồi năm 2007, tức là quá trễ, khi các căn hộ cho thuê theo luật quân bình đã bị 1,7 triệu người chiếm hữu.
Các Giám mục yêu cầu chính quyền thành lập một hệ thống trợ giúp của nhà nước trong việc giao nhà cho thuê theo luật quân bình. Việc đóng góp tài chính sẽ được dự trù cho một thời gian chuyển tiếp cho từng gia đình gặp khó khăn. Nhưng nó sẽ giảm dần với chủ ý bắt các người được thụ hưởng cố gắng giải quyết tình trạng của họ, với sự trợ giúp ban đầu của chính quyền trung ương và địa phương. Các Giám mục Czech cũng yêu cầu chính quyền chú ý tới các hệ luỵ và các khó khăn, mà các gia đình gặp phải trong việc chuyển dời tới một chỗ ở rẻ hơn. Nó liên quan tới công ăn việc làm, các tương quan liên bản vị và môi trường sống, mà họ đã xây dựng trong bao nhiêu năm trời. Thay đổi hoặc rời xa cũng có nghĩa là cắt chặt cuộc sống của họ.
Tuy không khởi hành từ giả thiết nhà nước có bổn phận phải cung cấp công ăn việc làm và nhà ở cho mọi công dân, cũng như ý thức về các chi phí phải trả cho các nhà thầu và lợi nhuận của họ, nhưng trong ý thức là Kitô hữu các Giám mục Czech khẳng định rằng quyền có nhà ở thuộc các nhu cầu nền tảng của cuộc sống con người. (SD 9-8-2012)
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)