MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Thánh lễ tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử tại Hiroshima

Một phút mặc niệm đã được cử hành tại lễ tưởng niệm
vào lúc 8g15 giờ địa phương, thời khắc quả bom được
người Mỹ ném xuống vào ngày 6-8-1945
HIROSHIMA - Chúa Nhật mồng 5-8-2012, Đức Tổng Giám mục Luigi Celata, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn, đã đồng tế Thánh lễ trong Nhà thờ Chính toà Hiroshima để tưởng niệm các nạn nhân của bom nguyên tử, nổ tại đây ngày mồng 6-8-1945.

Ngỏ lời đầu thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Celata đã định nghĩa vụ ném bom nguyên tử đó là một “tội phạm kinh khủng”. Đức Cha đã ca ngợi thái độ can đảm và cương quyết của nhân dân Nhật “đã biến đổi trang đen tối ấy của lịch sử nhân loại thành điểm tham chiếu sáng ngời dưỡng nuôi niềm tin tưởng và hy vọng cho một thế giới tốt đẹp hơn”.

Tiếp đến, Đức Tổng Giám mục Celata mời gọi thắng vượt các khép kín và sợ hãi để rộng mở cho sự gặp gỡ với các ngưới khác, cả khi họ khác biệt chúng ta, bằng cách thừa nhận rằng chúng ta tất cả đều là các thành phần của cùng một gia đình nhân loại, có chung một số phận. Vì thế, cần phải chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau. Trong tính chất thánh thiêng của sự sống, trong các lựa chọn của lương tâm, nhất là liên quan tới tôn giáo và trong phẩm giá của mọi người. Chúng ta được mời gọi hiệp nhất các năng lực tinh thần và vật chất để cộng tác với sự tin tưởng và niềm hy vọng vào việc xây dựng các xã hội công bằng và liên đới hơn, hầu có thể sống trong hoà bình và hoà hợp. Trong con tim của từng người và giữa các dân tộc ẩn núp cám dỗ của ích kỷ, đàn áp, thống trị, vơ vét của cải, thường là qua lừa đảo, bạo lực và chiến tranh. Vì thế, tất cả những ai tin nơi Thiên Chúa và các người thiện chí phải phản ứng chống lại nguy cơ ấy bằng cách dấn thân phục vụ hoà bình, ủng hộ các giá trị tinh thần trong các truyền thống của mình.

Cách đây 67 năm, lúc 8 giờ 14 phút sáng ngày mồng 6-8-1945, máy bay bỏ bom “Enola Gay” đã thả trái bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại xuống thành phố Hiroshima, khiến cho 250.000 người chết ngay tại chỗ hay sau đó vì chất phóng xạ. Hậu quả của bom nguyên tử vẫn còn kéo dài cho tới nay, vì con cháu của các nạn nhân vẫn tiếp tục bị tàn tật. Ba ngày sau, trái bom nguyên tử thứ hai tàn phá thành phố Nagasaki, khiến cho Nhật Bản phải đầu hàng.

Hôm 6-8-2012, hàng chục ngàn dân Nhật đã tham dự buổi cầu nguyện tại Đài Tưởng niệm các Nạn nhân Bom Nguyên tử trong thành phố Hiroshima. Tại khắp nơi, mọi người đã thinh lặng 1 phút để tưởng niệm biến cố buồn thương này.

Phát biểu trong buổi lễ, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định rằng năng lực nguyên tử, kể cả khi chỉ được sử dụng cho các mục đích hoà bình, vẫn luôn luôn nguy hiểm.

Thật thế, hiện nay kho vũ khí hạt nhân trên thế giới có thể làm nổ tung trái đất này nhiều lần. (SD 4-8-2012; RG 5-8-2012)

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Radio Vatican)