Giáo hội Nhật Bản cử hành 10 ngày cầu nguyện cho hoà bình
OSAKA - Trong sứ điệp gửi tín hữu và nhân dân toàn nước nhân tuần cầu nguyện cho hoà bình, các Giám mục Nhật Bản khẳng định rằng hoà bình là yêu thương và tôn trọng sự sống con người.
Hằng năm, Giáo hội Nhật Bản cử hành Tuần Cầu nguyện cho Hoà bình từ mồng 6 đến 15-8. Nó đã bắt nguồn từ chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Gioan Phaolô II hồi năm 1981. Trong dịp này, từ Hiroshima và Nagasaki, Đức Gioan Phaolô II đã đưa ra lời kêu gọi hoà bình trên thế giới.
Từ đó đến nay, hằng năm, trong 10 ngày, tín hữu Nhật Bản cử hành Tuần Cầu nguyện cho Hoà bình, tưởng niệm các nạn nhân chết vì bom nguyên tử tại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki và ngày kết thúc đệ nhị thế chiến.
Sứ điệp mang chữ ký của Đức cha Leo Ikenaga, Tổng Giám mục Osaka, kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nhật Bản, có đoạn viết: “Con đường hoà bình không là gì khác hơn là con đường yêu thương và tôn trọng sự sống. Trận động đất lớn ngày 11-3-2011 và tai ương nguyên tử sau đó đã tàn phá đất nước. Tôi hy vọng rằng việc tái thiết các vùng bị nạn sớm được thực hiện. Sau tai ương xảy ra tại Fukushima, như là các giám mục, chúng tôi đã yêu cầu lập tức huỷ bỏ các chương trình năng lượng hạt nhân. Các hậu quả liên quan tới plutonium không hoạt động và lò nguyên tử bị nổ vẫn chưa được giải quyết, thế mà chính quyền lại đã quyết định tái khởi động trung tâm hạt nhân Oi. Chúng tôi tin rằng đây là một sai lầm lớn. Tuy nhiên, con đường dẫn đến hoà bình khác xa với các điều này. Một cách chính xác, nó là con đường yêu thương và tôn trọng sự sống. Vì thế, chúng ta cố gắng tái kêu gọi huỷ bỏ các chương trình hạt nhận ngay tức khắc, và tạo dựng một xã hội, trong đó con người che chở sự sống và tìm kiếm hoà bình”. (ASIANEWS 8-8-2010)
HĐGM Philippines trợ giúp các nạn nhân bão lụt
MANILA - Qua Uỷ ban Công lý Hoà bình và Phát triển Xã hội các Giám mục Philippines đã đóng góp 850.000 pesos, tương đương với 16.000 Euro, để cứu trợ các nạn nhân bão lụt “Gener” ập trên thủ đô Manila và nhiều vùng khác hồi cuối tháng 7 vừa qua.
Trận bão lụt đã khiến cho hàng chục người thiệt mạng, nhiều người mất tích và hàng ngàn người phải bỏ nhà cửa lánh nạn. Linh mục Edu Gatinguez, Thư ký Uỷ ban Công lý và Hoà bình, cho biết 250.000 pesos được gửi tới cho Tổng Giáo phận San Fernando, 100.000 cho Giáo phận Antipolo, 150.000 cho Giáo phận Iba, 100.000 cho Giáo phận Alaminos và 100.000 cho Giáo phận San Pablo.
Số tiền này được trích từ quỹ quyên góp Mùa Chay hằng năm, do Caritas địa phương phát động. Nhưng cần có thêm nhiều ngân khoản khác nữa, vì thế, Đức cha Broderick Pabillo, Chủ tịch Uỷ ban Công lý Hoà bình và Phát triển Xã hội, đã kêu gọi các Giám mục toàn nước trợ giúp thêm, bởi vì trận bão Gener chỉ là trận bão thứ bảy trong số 20 trận bão, mà các chuyên viên khí quyển cho biết sẽ đổ ập trên Philippines. (SD 10-8-2012)
Các tổ chức Kitô cứu trợ nạn nhân lũ lụt tại Ambon, Indonesia
JAKARTA - Linh Mục Christo Tara, dòng Phanxicô, cho biết hàng chục tổ chức Kitô tại Indonesia đang nỗ lực cùng nhau phối hợp công tác trợ giúp các nạn nhân bão lụt tại Ambon, thủ phủ quần đảo Maluku.
Từ mấy ngày qua, bão lụt đã khiến cho ít nhất 10 người thiệt mạng và 700 nhà bị ngập nước. Cho tới chiều mùng 7-8-2012 trời vẫn mưa lớn ngăn cản công tác cứu trợ. Dân chúng đang sống tạm trong các trại tị nạn và chờ được tiếp tế mọi nhu yếu phẩm. Hàng chục nhà trong khu phố cổ của Ambon nằm dưới bùn đất, và có hàng chục vùng chung quanh như Skip, Aster và Passo đều bị ngập dưới 5 mét nước. Có các bệnh như tiêu chảy và các vấn đề hô hấp bắt đầu xảy ra cho dân chúng.
Các tổ chức Kitô đang hiệp lực với nhau để quyén góp và gửi phẩm vật cứu trợ đến cho các nạn nhân. Trong khu ngoại ô Aster, mục sư James Timisela đã phát động chiến dịch quyên góp phẩm vật trợ giúp các người tị nạn, với sự trợ giúp của lực lượng cảnh sát và quân đội.
Ambon là thủ phủ của quần đảo Maluku, nơi đã xảy ra nạn bạo lực kéo dài từ năm 1999 tới 2002, khiến cho 9.000 người thiệt mạng. Hiện nay nhiều trường học bị đóng cửa vì ngập nước. (ASIANEWS 9-8-2012)
Đức Giám mục và 130 linh mục Zambia yêu cầu chính quyền thu hồi lệnh trục xuất Lm. Viateur, người Rwanda
LUSAKA - Đức cha George Cosmas Zumaire Lungu, Giám mục Chipata và 130 linh mục Zambia đã mạnh mẽ phản đối chính quyền nước này bắt giữ và trục xuất Linh mục Viateur Banyangandora, gốc Rwanda, mà không có lý do chính đáng và không cho biết tin tức gì của cha.
Trong một Thư Mục vụ gửi giáo dân được đọc trong toàn Giáo phận Chipata Chúa Nhật 12-8-2012, Đức cha Lungu gọi việc bắt Cha Viateur ngày 30-7 vừa qua là một vụ bắt cóc. Đức Cha cho biết Cha Viateur đã gọi điện thoại báo cho Đức Cha biết ngài bị cảnh sát bắt nhưng không biết vì tội gì. Đức Cha đã đến và chỉ có thể gặp cha trong chốc lát. Sau đó cha VIATEUR đã bị dẫn về Lusaka mà không được liên lạc với ai. Trong khi đó, Đức cha Lungu đã tìm mọi cách để có tin tức của Cha mà không được. Chỉ vào ngày mồng 2-8-2012, Đức cha mới nghe tin Cha Viateur bị trục xuất về Rwanda.
Cha Viateur đã là một thanh niên ti nạn Rwanda, nhưng được chịu chức linh mục trong Giáo phận Chipata năm 2004 và là người rất tốt lành. Theo Đức cha Lungu, Cha Viateur đã bị nhà nước Zambia trục xuất chỉ vì trong một bài giảng Thánh lễ Chúa Nhật trước đó Cha đã than phiền về giá bông gòn quá thấp khiến cho cuộc sống của người dân thêm khốn khổ, nhưng đã không hề chỉ trích chính quyền.
Trong một thông cáo công bố sau đại hội linh mục toàn quốc kết thúc hôm mồng 9-8-2012, 130 linh mục giáo phận đã yêu cầu chính quyền Zambia thu hồi lệnh trục xuất Cha Viateur.
Thông cáo có đoạn viết: “Nhiều người trong chúng tôi đã học, sống, và làm việc chung với Cha Viateur. Cha là một linh mục rất tốt lành, trọn vẹn và là con người của hoà binh”. Các linh mục đã không hài lòng về các lời giải thích mơ hồ của chính quyền Zambia. Vì thế, các vị xin chính quyền Lusaka giải thích một cách rõ ràng các lý do trục xuất. Ngoài ra các vị cũng yêu cầu chính quyền cộng tác với Giáo Hội và can đảm đương đầu với các vấn đề đích thực của đất nước gắn liền với cuộc sống của dân nghèo như giá bắp và bông gòn quá thấp, khiến cho các nông dân không sống nổi.
130 linh mục cũng xin tín hữu Giáo phận Chipata hoà hoãn bình tĩnh và cầu nguyện trong các ngày này trong khi chờ đợi Cha Viateur có thể trở lại với họ. (FIDES 7.9-8-2012)
Giáo hội Colombia kêu gọi tích cực phòng ngừa ma tuý
BOGOTÀ - Trong ngày khai mạc Tuần Cầu nguyện cho Hoà bình mồng 9-8-2012, Giáo hội Colombia mạnh mẽ kêu gọi mọi thành phần xã hội tích cực tham gia phong trào phòng ngừa ma tuý cho người trẻ.
Đứng trước đề nghị của ông thị trưởng thủ đô Bogotà xây các trung tâm sử dụng ma tuý, hay kiểm soát sử dụng ma tuý, Đức cha Héctor Fabio Henao Gaviria, Giám đốc Văn phòng Mục vụ Xã hội của Hội đồng Giám mục Colombia, khẳng định rằng đó chỉ là bước đầu. Giáo Hội xác tín rằng việc phòng ngừa ma tuý đòi hỏi các dấn thân cương quyết và tích cực hơn nữa trên bình diện xã hội. Nó đòi hỏi phải có sự cộng tác của mọi cơ cấu xã hội để giúp các trẻ em và người trẻ tránh tiếp xúc với thế giới ma tuý. Đây là nhiệm vụ đầu tiên và nền tảng.
Chắc chắn là có nhiều cách thế khác nhau giúp giải quyết vấn đề. Xã hội Colombia ngày nay phải nhắm tới việc giúp phòng ngừa ma tuý. Tuy nhiên, thách đố lớn nhất đó là phải tổ chức cuộc sống xã hội có khả năng khiến cho trẻ em và người trẻ sống hạnh phúc mà không cần tới ma tuý. (SD 10-8-2012)
Lần đầu tiên Thánh lễ trên núi Tabor được truyền hình trực tiếp
TABOR - Ngày mồng 6-8-2012, lễ Chúa Hiển Dung, Thánh lễ do Cha Pierbattista Pizzaballa, Bề trên Tỉnh dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa, chủ sự, đã được vài đài truyền Công giáo trình chiếu trực tiếp lần đầu tiên trong lịch sử.
Giảng trong thánh lễ, Linh mục Zaher Abboud nói: Lên núi Tabor có nghĩa là biết nhìn mọi lo lắng và thánh giá trong cuộc sống thường ngày với đôi con mắt của Thiên Chúa.
Trong thánh lễ, mọi người đã cầu nguyện cho tình hình khó khăn bên Syria. Sau Thánh lễ, tín hữu đã đi rước kiệu xuống núi. Chiều hôm trước đã có buổi canh thức cầu nguyện có sự tham dự của nhiều tín hữu đang hành hương bên Thánh Địa/ (SD 8-8-2012)
3.000 bạn trẻ Phi châu tham dự Ngày Giới trẻ Toàn quốc Burkina Faso
BANFORA - Trong các ngày 2-5 tháng 8 vừa qua gần 3.000 bạn trẻ đã tham dự Ngày Giới trẻ Toàn quốc Burkina Faso, do Giáo phận Banfora tổ chức.
Đức cha Lucas Kalfa Sanou, Giám mục sở tại, cho biết 3.000 bạn trẻ nói trên đến từ các nước Burkina Faso, Mali, Niger, Benin, Côte d'Ivoire, Togo và Ghana. Các bạn trẻ đã được tiếp đón tại sân vận động thành phố. Ông Alain Edouard Traoré, Bộ trường Truyền thông Xã hội, đã chào mừng các bạn trẻ nhân danh Tổng thống Baise Compaoré của Burkina Faso.
Trong 4 ngày đại hội, các bạn trẻ đã tham dự các buổi học giáo lý, Thánh lễ, chầu Thánh Thể và cầu nguyện, cũng như các buổi thảo luận và trao đổi chứng từ liên quan tới các vấn đề cuộc sống tính dục, các đòi hỏi của đức tin trước các thách đố và đối nghịch của thế giới ngày nay. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng được hướng dẫn tham quan các danh lam thắng cảnh địa phương. (SD 8-8-2012)
Đại Chủng viện Thần học Thánh Phaolô dời về Juba
JUBA - Đức cha Paolino Lukudu Loro, Tổng Giám mục Juba Nam Sudan, cho biết Toà Thánh đã cho phép dời Đại Chủng viện Thần học Khartum về Munuki Juba, thuộc nước Nam Sudan.
Đức cha Lukudu đặc trách các đại chủng viện của Hội đồng Giám mục Bắc và Nam Sudan. Trong các tuần qua, Đức cha Lukudu Loro đã cùng với Đức Hồng y Gabriel Zubeir Wako, Tổng Giám mục Khartum, và Đức cha Erkolano Lodu Tombe đã về Rôma tiếp xúc với Toà Thánh để thu xếp việc dời Đại Chủng viện Thần học Khartum về Juba.
Đại Chủng viện Triết học tạm đóng cửa 2 năm. Vì thế, các Giám mục phải lo liệu cho các chủng sinh của mình. Vào đầu năm nay, Toà Thánh đã cử Đức cha Kihara Kariuki, Giám mục Marsabit bên Kenya, sang Sudan để theo dõi tình hình các đại chủng viện Juba và Khartum. Đại Chủng viện Thánh Phaolô trở lại chỗ cũ là Munuki trong Giáo phận Juba. Đại Chủng viện đã bị dời về Khartum trong thập niên 1980 vì cuộc nội chiến. (FIDES 10-8-2012)
Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô Myanmar kêu gọi hoà giải và hoà bình
YANGOON - Trong đại hội triệu tập tại thủ đô Yangoon ngày 9-8-2012, Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô Myanmar đã mạnh mẽ kêu gọi hoà giải và hoà bình trong nước.
Đại hội có đề tài là “Hoà bình, an ninh và hoà giải tại Myanmar” và được bảo trợ bởi Uỷ ban ngoại vụ của Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô, Hiệp hội Kitô Á châu và Hội đồng các Giáo hội Myanmar. Tham dự đại hội có giới lãnh đạo các tôn giáo Myanmar và bà San Suu Kyi, giải Nobel Hoà Bình 1991.
Ngỏ lời trong đại hội, bà San Suu Kyi khẳng định rằng việc chấp nhận sâu thẳm tha nhân và ý chí rộng mở cho sự hiệp nhất trong đa dạng để bảo vệ các giá trị của hoà giải, hoà bình và an ninh trong mỗi xã hội và cộng đoàn, là điều không thể thiếu. Cần phải vượt qua các ranh giới của thù hận và ghen tương. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể nghĩ tới hoà giải và hoà bình. Một khi đạt được hoà giải thì sẽ có hoà bình và an ninh sẽ được bảo đảm. Một xã hội không đạt được hoà giải sẽ không có hoà bình.
Trong đại hội, các tham dự viên đã nhấn mạnh nhiều lần sự cần thiết phải phát triển các chiến thuật mới để xây dựng hoà bình tại Myanmar bằng cách tránh các thù hận và báo oán. Bà San Suu Kyi nói để có một xã hội công bằng hơn cần phải loại trừ hận thù và báo oán. Hận thù là cảm xúc nguy hiểm nhất của con người. Những người không tin tưởng nơi chính mình. thì tìm khuyết điểm nơi ngươi khác và sống thù hận. Nhưng như thế là họ tàn phá hoà bình và hoà hợp trong cộng đoàn và trong quốc gia. Vì vậy chúng ta phải vượt các ranh giới của thù ghét và ghen tương. (Os. Rom SD 9-8-2012)
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)