ĐGM Stephen Blaire |
HĐGM Hoa Kỳ công bố thông cáo cho Ngày Lao Động 3-9
(RV) WASHINGTON - Ngày 13-8-2012, Uỷ ban Công lý và Phát triển Nhân bản của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã công bố thông cáo cho Ngày Lao Động 3-9, khẳng định rằng tôn trọng lao động và các công nhân là chìa khoá của một nền kinh tế được canh tân.
Thông cáo mang chữ ký của Đức cha Stephen Blaire, Chủ tỉch Uỷ ban, có tựa đề là “Đặt để việc làm và công nhân vào trung tâm cuộc sống kinh tế”. Trong đó các Giám mục Hoa Kỳ nhận định rằng có “hàng triệu người Mỹ đau khổ vì thất nghiệp, thiếu việc làm, nghèo túng và điều này là một thất bại kinh tế và luân lý trầm trọng của quốc gia chúng ta”.
Nhắc lại sự kiện 12 triệu người không có công ăn việc làm và biết bao người có đồng lương quá thấp hay đã bỏ không kiếm việc làm nữa, 10 triệu gia đình các công nhân nghèo, và 46 triệu người trong đó có 16 triệu trẻ em sống trong bần cùng, Đức cha Blaire định nghĩa nền kinh tế Hoa Kỳ là “một nền kinh tế thất bại”.
Trích Thông điệp “Bác ái trong Chân lý” của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Đức cha Blaire nhắc lại rằng “nghèo túng thường là hậu quả của một sự vi phạm phẩm giá công việc làm của con người, hoặc là vì thiếu cơ may có việc làm, hoặc là vì cho rằng công việc làm và các quyền phát xuất từ đó ít giá trị” (CV 63). Chính vì thế mới xảy ra việc con người phải trả giá cả mắc mỏ kinh khủng, hậu quả của một nền kinh tế thất bại, hay cảnh các công nhân bị khai thác bóc lột, bị đối xử tồi tệ, bị trả lương thấp, khiến cho các gia đình bị căng thẳng”.
Trước cảnh đó, nhiều công nhân tranh đấu để có được đồng lương công bằng, một việc làm chắc chắn, một tiếng nói trong thế giới kinh tế, vì họ không thể mua các sản phẩm mà họ đã sản xuất ra, đến ở trong các khách sạn mà họ lau chùi quét dọn, ăn thực phẩm mà họ gặt hái, chuẩn bị và phục vụ”. Đức cha Blaire viết thêm rằng “chính vì vậy mà một nền kinh tế cho phép kiểu khai thác bóc lột và các lạm dụng này đòi hỏi sự chú ý và hành động của chúng ta”.
Tiếp đến, Đức Cha nhắc tới dấn thân của Giáo Hội đối với các công nhân bị khai thác bóc lột, được trợ giúp qua văn phòng phục vụ các người di cư và tị nạn và Chiến dịch Giáo hội Công giáo phát động để thăng tiến nhân bản cho họ.
Sau cùng, các Giám mục Hoa Ky kêu gọi “mọi người và mọi cơ cấu xã hội, các hãng xưởng, chính quyền, các nghiệp đoàn và tổ chức tư nhân cộng tác với nhau trong việc nâng đỡ các công nhân viên và tạo ra một hệ thống kinh tế phục vụ con người hơn là chống lại con người. Các vị cũng xin mọi người cầu nguyện cho tất cả các anh chị em công nhân, nhất là những người không có một công viêc làm xứng đáng, làm sao để tái lập một nền kinh tế công bằng, vinh danh phẩm giá lao động và các quyền của giới công nhân”. (SD 14-8-2012)
Tổng thống Ấn Độ ngưỡng mộ phần đóng góp của Giáo hội Công giáo trong lĩnh vực giáo dục và y tế
(RV) NEW DEHLI - Tổng thống tân cử của Ấn Độ, Ông Shri Pranab Mukherjee, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với phần đóng góp của Giáo hội Công giáo trong lĩnh vực giáo dục và y tế, đặc biệt tại các vùng quê.
Tổng thống đã bày tỏ như trên trong cuộc viếng thăm của phái đoàn của Hội đồng Giám mục Ấn tại Dinh Rashtrapati Bhavan trong thủ đô New Dehli những ngày vừa qua. Phái đoàn gồm Đức Hồng y Oswald Gracias, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ, Đức cha Albert De Souza, Tổng Thư ký, và Linh mục Joseph Chinnayaan, Phó Tổng Thư ký.
Trong cuộc hội kiến, phái đoàn của Hội đồng Giám mục đã chúc mừng tổng thống tân cử và bảo đảm rằng cộng đoàn Công giáo Ấn Độ sẽ tiếp tục hoạt động cho hoà bình thịnh vượng và hoà hợp trong nước. Phái đoàn cũng nói lên nỗi lo lắng cho thế quân bình giữa các tôn giáo khác nhau và cầu chúc tổng thống thành công trong nhiệm vụ hướng dẫn một trong các quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới nhờ tài năng khéo léo và ý chí của tổng thống trong nỗ lực tôn trọng và bênh vực các giá trị luân lý đạo đức của quốc gia và các nguyên tắc của hoà bình và hoà hợp. (SD 15-8-2012)
Đại hội Giới trẻ Canđê Âu châu lần đầu tiên
(RV) MUNICH - Trong các ngày 6 đến 10-8 vừa qua, hàng trăm bạn trẻ Kitô Canđê đền từ nhiều nước Âu châu đã nhóm đại hội lần đầu tiên tại Munich, trong vùng Bavière, miền nam nước Đức.
Mục đích đại hội là để đáp lại lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI kêu gọi chuẩn bị Năm Đức Tin bằng cách trở về với nguồn gốc nền tu đức của Giáo hội Đông phương, một Giáo Hội tử đạo khổ đau, nhưng vẫn trao ban dấu chỉ sức sống và niềm hy vọng trong các giáo xứ.
Thánh lễ khai mạc đại hội do Đức cha Philip Najim, quản lý Toà Thượng phụ Canđê Babilonia ở Rôma, chủ sự. Đức Cha đã tuyên đọc sứ điệp của Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, gửi các bạn trẻ tham dự đại hội. Đức Hồng Y khẳng định đại hội chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào Năm Đức Tin khai mở vào ngày 11-10 sắp tới. Đây cũng là ngày kỷ niệm 50 năm khai mở Công đồng Chung Vatican II, là Công Đồng đã rất chú ý tới các Giáo hội Công giáo Đông phương, với Sắc lệnh “Orientalium Ecclesiarum”. Cuộc hành hương về nguồn của việc tuyên xưng đức tin là câu trả lời cho Tự sắc “Cánh cửa Đức tin”, qua đó Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tuyên bố cử hành Năm Đức Tin.
Kinh nghiệm đức tin mà các bạn trẻ Canđê sống trước một phần trong đại hội tại Munich với xác tín “Thiên Chúa có thể làm được tất cả và chiến thắng tất cả”. Vì thế, các bạn trẻ Canđê phải nhớ tới lòng trung thành của Chúa Giêsu đối với Giáo Hội, mặc dù nhân loại tìm cách loại bỏ Người ra ngoài cửa cuộc sống của mình. Họ phải làm điều đó nhân danh Giáo Hội Mẹ Canđê của họ, là Giáo Hội đã không bao giờ ngừng tuyên xưng danh Chúa Kitô ngay cả trong thử thách, và đang chờ đợi một mùa xuân mới trong đó các bạn trả phải là các tác nhân chính loan báo Thiên Chúa cho con người.
Trong các ngày đại hội, các bạn trẻ Canđê đã cùng nhau suy tư cầu nguyện và chia sẻ chứng tá sống đức tin trong các môi trường khác nhau của các xã hội Âu châu. (SD 10-8-2012)
Lực lượng Ấn giáo cuồng tín đe doạ các tín hữu Kitô và Hồi giáo
(RV) KATMANDU - Trong các ngày qua, các người Ấn giáo cuồng tín thuộc lực lượng quân đội bảo vệ Nepal đã liên tục điện thoại đe doạ các tín hữu Kitô cũng như phân phát truyền đơn ra lệnh cho các tin hữu Kitô và tín hữu Hồi phải rời bỏ Nepal.
Ông Chirendra Satyal, nhà báo Công giáo, và Linh mục Robin Rai, Cha sở Nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại thủ đô Katmandu, đã nhận được các cú điện thoại đe doạ sẽ đặt bom tại nhà thờ. Còn ông Sundar Thapa, thành viên Liên hiệp Kitô hữu Nepal, thì nhận được điện thoại của ông Sangharsha, tân lãnh tụ của tổ chức Quân đội Bảo vệ Nepal, ra lệnh phải giải tán Liên hiệp và rời Nepal, vì theo ông, Nepal là quốc gia Ấn giáo, các tín hữu Kitô và Hồi giáo không được sống tại đây.
Tình hình căng thẳng tới độ các nhóm tôn giáo thiểu số phải đưa ra các biện pháp bảo vệ các nơi thờ tự và các cơ sở của mình, bằng cách xin nhân viên an ninh canh gác để tránh các vụ tấn công. Cảnh sát Nepal đã bắt đầu điều tra các hoạt động tội phạm này.
Sau nhiều tháng thinh lặng, lực lượng Quân đội Bảo vệ Nepal lại bắt đầu các cuộc chiến đấu vũ trang nhằm thành lập một nước Nepal Ấn giáo. Từ năm 2007 tới nay, Nepal không có Hiến pháp. Ngày mồng 7-8 vừa qua, cảnh sát đã ngăn chặn được một loạt các cuộc tấn công chống lại các dinh thự công cộng.
Ông Ram Prasad Mainali, cựu lãnh tụ, đứng đàng sau các vụ này mặc dù đã bị tù từ năm 2009 và bị biệt giam. Năm 2010, ông đã viết một lá thư xin lỗi các tín hữu Công giáo Nepal vì đã tấn công Nhà thờ Chính toà Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Nhưng đó chỉ là mưu mô để tránh bị điều tra thêm liên quan tới lực lượng vũ trang của ông. Năm 2009, họ thú nhận đã tấn công Nhà thờ Chính toà, Liên hiệp Truyền giáo Tin Lành Nepal cũng như Trụ sở Liên Hiệp Quốc trong thủ đô Katmandu và nhiều đền thờ Hồi giáo. Họ cũng bị tố cáo đã sát hại Cha John Prakash, Giám đốc Trường Salesien Sirsya, hồi tháng 7-2007. (ASIANEWS 14-8-2012)
Philippines báo động gia tăng số người nhiễm HIV
(UCA News) - Đức Tổng Giám mục Luis Antonio Tagle của Manila kêu gọi tu sĩ và giáo dân nâng cao nhận thức hơn về HIV/AIDS và ảnh hưởng của đại dịch này trên đất nước.
Trong thông tư phát hành hôm 15-8, vị giám chức nói cần hiểu biết hơn về virút này để Giáo hội địa phương có thể “có kế hoạch mục vụ thích hợp và hiệu quả hơn đối với bệnh dịch thầm lặng này”.
Thư Mục vụ về AIDS do Hội đồng Giám mục phát hành hồi năm ngoái nói nhân viên Giáo hội, chủng sinh và giáo sĩ phải được trang bị kiến thức cơ bản về căn bệnh này “để mang hy vọng, chữa lành và hoà giải đến cho những người dễ bị tổn thương”.
Đức cha Tagle lưu ý mỗi ngày có 9 ca nhiễm HIV mới được ghi nhận trong nước, trong đó 52% là ở Metro Manila. Ngài nói trong khi xu hướng toàn cầu đang giảm, số ca nhiễm HIV ở Philippines lại tăng.
“Điều đáng báo động là số ca nhiễm nhiều nhất nằm ở nhóm tuổi từ 20-29” - ngài cảnh báo.
Bộ Y tế báo cáo trước đó rằng số ca HIV/AIDS do bộ ghi nhận trong năm nhiều hơn năm 2010.
Thứ trưởng Bộ Y tế Eric Tayag cho biết trong tháng 6-2012, Cơ quan Đăng ký HIV/AIDS Philippines đã ghi nhận 295 ca nhiễm mới kể cả 16 ca AIDS, làm cho số ca nhiễm HIV/AIDS năm nay tăng lên 1.600 ca.
“Đây là một trong những ca HIV mới hằng tháng cao nhất trong nước. Chúng ta đang ở nửa cuối năm và đã có hơn 1.591 ca so với cả năm 2010” - Tayag nói trên tờ Philippine Star.
Trong năm 2011, có 2.349 ca được ghi nhận.
Trong khi đó, Tổng Giáo phận Manila thông báo đã lên chương trình tổ chức 2 buổi hội thảo riêng về HIV/AIDS, một hội thảo dài 2 ngày dành cho các linh mục và tu sĩ, một hội thảo dài 1 ngày dành cho chủng sinh và giáo dân vào cuối tháng này.
Các hội thảo sẽ do Đức ông Robert Vitillo, cố vấn đặc biệt về HIV/AIDS cho Caritas Quốc tế và là người đứng đầu Phái đoàn Quốc tế ở Liên Hiệp Quốc tại Geneva, hướng dẫn.
Đức cha Tagle thúc giục các tham dự viên hội thảo “giúp Tổng Giáo phận lồng ghép HIV vào trong tất cả các hoạt động mục vụ hiện nay và bảo vệ các gia đình, nhất là giới trẻ của chúng ta, tránh xa loại virút vốn đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị”.
Chính quyền Cộng sản Gia Lai bách hại tôn giáo
(RV) GIA LAI - Chiều ngày 12-8-2012, chính quyền cộng sản xã Kon Thục, huyện Măng Giang, tỉnh Gia Lai, đã gây áp lực bắt giáo dân làng Dăk Pnan tháo gỡ Thánh Giá, ảnh Đức Mẹ, bàn thờ, và Nhà Tạm giữ Mình Thánh Chúa khỏi nhà nguyện và treo ảnh Cụ Hồ vào đó.
Dẫn đầu là hai công an huyện, rồi đến các cán bộ uỷ ban, mặt trận, hội phụ nữ, thanh niên rất đông. Họ đe doạ nếu không tháo gỡ, thì anh trưởng Yao Phu sẽ bị bắt bỏ tù. Trước áp lực của chính quyền cộng sản vô thần đàn áp tôn giáo, giáo dân đã tạm di chuyển Thánh giá ảnh Đức Mẹ và Nhà Tạm về nhà ông trưởng cộng đoàn.
Sáng ngày 13-8, cán bộ lại vào làng bắt tháo chuông nhà nguyện. Khi thấy giáo dân nhất quyết không tuân lệnh, cán bộ đã tự tháo chuông xuống và đem để trong nhà anh trưởng Yao Phu. Họ bắt buộc dân ở lại nghe trình bày chủ trương đường lối của nhà nước, nhưng dân bỏ ra về, không ai ở lại nghe cả.
Ngày 13-8, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum, đã về Giáo xứ Phú Túc huyện Krong Pa ban Bí tích Thêm Sức và thăm các cộng đoàn của giáo hạt Phú Bổn. Sau khi kết thúc thánh lễ, nghe tin giáo dân làng Dak Pnan bị nhà cầm quyền gây khó dễ, Đức Cha đã bỏ chương trình đi thăm các giáo xứ và đến thăm tín hữu làng Dăk Pnan. Đoạn đường từ Krong Pa tới Dăk Pnan chỉ dài 100 cây số nhưng phải mất 3 giờ mới tới nơi. Tới nơi Đức Cha thấy giáo dân bơ phờ và hoảng loạn. Sau khi nghe anh Bơi, Yao Phu, kể lại mọi sự ciệc, Đức Cha đặt tay trên vai anh và nói: “Con đừng sợ, nếu chính quyền bắt thì bảo Giám mục Kontum nói con bị bệnh cùi, đưa vào tù sẽ lây cho người khác. Giám mục Kontum sẽ đi tù thay con”. Ngài khuyên giáo dân đừng bận tâm tới các lời đe doạ. Sau đó, Đức Cha vào nhà viếng Mình Thánh Chúa và các tượng ảnh đang để trong nhà anh Bơi.
Tiếp đến, ngài sang thăm nhà nguyện, trống trải, trên nền nhà còn ngổn ngang lá mơ, củ xả và chai ny long đựng rượu cán bộ bỏ lại, sau khi ăn mừng chiến thắng bách hại tôn giáo và chà đạp nhân quyền.
Đức Cha khuyên giáo dân can trường trong đức tin và bác ái trong hành động. Ngài nói với họ: “Từ nay mọi nhà dân trong làng Dăk Pnan này đều có thể trở thành nhà nguyện. Bất cứ nơi nào chúng con cũng có thể thờ phượng Chúa”. Sau khi hứa sẽ tới thăm họ thường xuyên, Đức Cha ban phép lành cho họ.
Dăk Pnan là một trong những làng cùi của vùng Măng Yang. Măng Yang, là một trong những huyện có đông người Bahnar sinh sống nhất. Nhà nguyện này làng Dăk Pnan đã được một tổ chức thiện nguyện Pháp xây năm 1999 để có chỗ cho giáo dân cầu nguyện và hội họp. Từ đó trở đi, thỉnh thoảng có linh mục tới dâng thánh lễ. Và từ năm 2007 tới nay gần như có lễ hằng tuần và dân làng chỉ dùng cho việc thờ tự. (VRNs 13.14-8-2012)