VARSAVA - Hôm 16-8-2012, Đức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga, đã bắt đầu cuộc viếng thăm lịch sử tại Ba Lan, nhắm cổ vũ sự hoà giải giữa hai dân tộc Nga và Ba Lan.
Mục đích này đã được Đức Thượng phụ Kirill nêu rõ khi tới phi trường thủ đô Varsava. Ngài xác tín rằng hai nước có thể loại bỏ mọi hiểu lầm dựa trên căn bản chung là Tin Mừng.
Tại phi trường, Đức Thượng Phụ đã được Đức TGM Sawa của Chính thống Ba Lan chào đón, tiếp đó hai vị đã cử hành thánh lễ tại Nhà thờ Chính toà của Chính thống giáo tại Varsava. Trong số các vị hiện diện có cả Đức TGM Jozef Michalik, Chủ tịch HĐGM Ba Lan, và một số GM Công giáo khác. Ban tối cùng ngày, Đức Thượng phụ Kirill đã được Tổng thống Bronislaw Kororowski tiếp kiến. Trong dịp này, Tổng thống khẳng định: “Tôi tin các Giáo Hội có thể cổ vũ rất nhiều sự hoà giải giữa Ba Lan và Nga, có thể hướng dẫn các dân tộc chúng ta khắc phục những định kiến và quan niệm tiêu cực tích luỹ đối với nhau”.
Cao điểm trong 4 ngày viếng thăm của Đức Thượng phụ Kirill tại Ba Lan là cuộc ký kết tuyên ngôn chung hôm 17-8-2012, về sự hoà giải giữa Giáo hội Chính thống Nga và Giáo hội Công giáo Ba Lan.
Đức TGM Michalik khẳng định rằng cả hai Giáo Hội đều chia sẻ các giá trị Kitô như nhau. Giáo hội Chính thống Nga nổi bật về sự bênh vực và công bố luật Chúa. Đức Thượng Phụ đã tặng Đức TGM Michalik một bức Icône Đức Mẹ từ miền Smolenks.
Trong một cuộc phỏng vấn, Đức Thượng phụ Giáo chủ Chính thống Nga nói rằng “sắc thái quan hệ giữa hai nước và hai dân tộc Ba Lan và Nga cần phải được thay đổi. Không cần thiết phải nói xin lỗi và tha thứ.
Tuyên ngôn chung giữa Đức Thượng phụ Kirill và Đức TGM Michalik được ký kết tại Lâu đài Hoàng gia Ba Lan và công bố hôm qua (17-8) gồm 3 phần: trước tiên là lời kêu gọi hoà giải giữa Nga và Ba Lan; tiếp đến là phần nhìn lại lịch sử, rồi phần liệt kê những giá trị mà các tín hữu Kitô trong thế giới ngày nay cần tín thác.”
Gợi hứng cho Văn kiện này là sự trao đổi thư từ giữa HĐGM Ba Lan và Đức hồi năm 1965 và một buổi cầu nguyện hoà giải với Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương ở Ucraine hồi năm 2005.
Tuyên ngôn có đoạn viết: “Chúng tôi kêu gọi các tín hữu của chúng tôi hãy cầu nguyện để được ơn tha thứ về những lầm lỗi, bất công và mọi tai ương đã gây ra cho nhau... Chúng tôi xác tín rằng đây là một bước đầu tiên, bước quan trọng nhất tiến đến việc tái lập sự tín nhiệm nhau, nếu không có sự tín nhiệm này thì không thế có một cộng đồng lâu bền và sự hoà giải trọn vẹn”.
Hai vị Giáo chủ hứa “bảo vệ quyền của tôn giáo được hiện diện trong đời sống công cộng của một Âu Châu đang bị tục hoá: Ngày nay, các dân tộc chúng ta đang phải đương đầu với những thách đố mới. Viện cớ là bảo vệ đặc tính trung lập về tôn giáo hoặc bảo vệ tự do, các nguyên tắc cơ bản của Mười Điều Răn bị nghi ngờ... Chúng ta chứng kiến sự cổ vũ phá thai, làm cho chết êm dịu, hôn nhân đồng phái và chủ nghĩa tiêu thụ. Các giá trị truyền thống bị loại bỏ và những biểu tượng tôn giáo bị xoá bỏ khỏi phạm vi công cộng”.
Trong lịch sử, quan hệ giữa Ba Lan và Nga rất căng thẳng vì vai trò của Liên Xô hồi đầu Thế chiến II và vụ Liên Xô sát hại các tù binh chiến tranh người Ba Lan. Các đoàn quân của Liên Xô tuy đã giải thoát Ba Lan khỏi sự chiếm đóng của Đức quốc xã hồi năm 1944-45, nhưng sau đó lại đặt Ba Lan trong quỹ đạo của một chế độ tùng phục Mascơva.
Đối lại, các sử gia người Nga vẫn cáo cuộc bằng Ba Lan đã sát hại hàng ngàn tù binh Liên Xô trong cuộc chiến tranh giữa hai nước hồi đầu thập niên 1920.
Giáo hội Chính thống Nga có khoảng 150 triệu tín hữu. Tại Ba Lan, trong số 38 triệu dân, có hơn 95% được rửa tội trong Công giáo, và ngoài ra có 400.000 người là tín hữu Chính Thống”. (KNA 16-8-2012)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)