Phỏng vấn Linh mục Marwan Tabet, tổng phối hợp chuyến viếng thăm Liban của Đức Thánh Cha XVI Bênêđictô
Trong các ngày từ 14 đến 16-9 tới đây, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ viếng thăm Liban để trao Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục đặc biệt cho vùng Trung Đông cho các Giám mục toàn vùng.
Liban rộng hơn 10.400 cây số vuông có 4 triệu dân, 60% theo Hồi giáo, hơn 35% theo Kitô giáo. Kể từ khi có cuộc nội chiến tại Syria láng giềng, nước Liban đã tiếp đón gần 50.000 người tị nạn Syria.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn Linh mục Marwan Tabet, tổng phối hợp viên chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha.
Hỏi: Thưa Cha, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sắp viếng thăm Liban, nhưng cũng có nghĩa là viếng thăm toàn vùng Trung Đông. Tình hình Liban và trong vùng hiện nay ra sao?
Đáp: Mọi người đang chờ đợi Đức Thánh Cha, đặc biệt là giới trẻ. Họ bị cám dỗ rời quê hương, vì bị tước đoạt bởi mấy thập niên căng thẳng, chiến tranh và đôi khi cả bách hại nữa. Họ đang chờ đợi để xem Đức Thánh Cha sẽ nói với họ những gì, và quan trọng hơn nữa là quan điểm của người đối với tương lai của các Giáo Hội vùng Trung Đông, như đã được đề ra trong Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục cho vùng Trung Đông.
Truyền thống và sự khác biệt của các Giáo hội Đông phương, đặc biệt trong vùng Trung Đông, rất là gò bó và phức tạp. Trong Thượng Hội đồng Giám mục vùng Trung Đông, một trong các hiệu quả nòng cốt được nhận ra đó là sự cần thiết của việc hiệp thông lớn hơn giữa các Giáo hội Công giáo hiện diện trong vùng cũng như của toàn cộng đoàn Kitô. Có một hậu qủa khác nữa đó là việc dấn thân đối thoại với các tôn giáo khác, trước hết là đối với các anh em Hồi và anh em Do Thái, để nhấn mạnh và duy trì sức sinh động sự hiện diện của các Kitô hữu tại đây.
Giáo Hội tại Liban rất khác biệt trong nghĩa nó thuộc Giáo hội Công giáo nhưng lại bao gồm 4 tên gọi là Marônít, Melkít, Công giáo Syria và Công giáo Armeni. Và 4 hình thức này làm thành sự hiện diện rất quan trọng trong nguồn gốc, trên bình diện chính trị, xã hội và văn hoá.
Hỏi: Với sự khác biệt như vậy, việc tìm ra sự hiệp nhất và phối hợp giữa các lễ nghi khác nhau chắc là khó biết bao, có phải thế không, thưa Cha?
Đáp: Sống trong môi trường của chúng tôi với các hậu quả của nó, như là các Giáo hội Công giáo, chúng tôi đã học biết phải cùng nhau phối hợp như thế nào, và biết ai đi trước, ai đi sau, khi nào và ra sao. Đồng thời tôi cũng phải nói là bình diện phối hợp với các Giáo hội không Công giáo cũng tiến triển trong nhiều giáo phận, nơi có sự sống chung giữa các cộng đoàn Công giáo, Chính thống và Tin Lành. Họ đã học sống chung với nhau, cả khi nhiều cộng đoàn này chưa ngồi lại với nhau được trên bình diện quốc tế.
Hỏi: Thật thế, vì kêu gọi hiệp thông đã là một trong các đề tài được thảo luận trong Thượng Hội đồng Giám mục về các Giáo hội trong vùng Trung Đông. Chuyến viếng thăm mục vụ tại Liban vào tháng 9 tới đây có giúp kích thích cộng đoàn Kitô không? Và các Giáo hội đã làm việc với nhau như thế nào để chuẩn bị tiếp đón Đức Thánh Cha?
Đáp: Giáo hội Công giáo đã thành lập một uỷ ban gồm đại diện của mọi Giáo Hội khác để hoạch định chương trình. Chuyến viếng thăm đã được tổ chức chung với các nhân viên của Toà Thánh Vatican, để Đức Thánh Cha có thể viếng thăm Toà Thượng phụ của 4 lễ nghi. Tại mỗi Toà Thượng phụ đều có thánh lễ và các biến cố sẽ diễn ra trong thủ đô Beirut, tại quảng trường lớn nhất trong trung tâm thành phố. Việc phân chia các sinh hoạt tại 4 Toà Thượng phụ cho thấy sự phối hợp là điều có thật và ở trên mức độ cao. Đồng thời, Đức Thánh Cha cũng gặp gỡ các giới chức của các Giáo hội không Công giáo cũng như hội kiến với các vị lãnh đạo Hồi giáo. Mọi người tại Liban đều đang sẵn sàng tiếp đón Đức Thánh Cha và chờ đợi để lắng nghe ngài nói với họ ngài cảm thấy thế nào. Chúng tôi có thể nói tất cả Kitô hữu trong vùng không nghĩ rằng họ là Công giáo hay Chính thống hay Tin Lành, nhưng họ đều cảm thấy ở chung với nhau trong một thuyền và có cùng các ưu tư như nhau. Kitô giáo có sống còn trong vùng đất này của thế giới hay không? Các Kitô hữu có thực sự ở lại đây hay không? Họ có thực sự được coi là phần của chất liệu vùng này hay không? Có các lực lượng hay các nhóm quốc tế đang thực sự hoạt động để đuổi các tín hữu Kitô ra khỏi đây hay giảm thiểu họ và biến họ trở thành một sự hiện diện không tên.
Đức Thánh Cha đến viếng thăm Liban là để nói với các Kitô hữu vùng Trung Đông rằng Giáo hội Rôma ở với họ, Toà Thánh ở với họ và đang làm việc với các lực lượng quốc tế để cho biết rằng Trung Đông không có Kitô hữu thì sẽ không phải là Đông phương nữa. Đồng thời là làm việc với các anh em Hồi để nói với họ rằng phần đóng góp của các Kitô hữu không gây thiệt hại gì cho niềm tin của Hồi giáo.
Hỏi: Chúng ta không thể không biết đến sự kiện các căng thẳng gia tăng trong vùng, cách riêng trong bối cảnh của Syria, cũng ảnh hưởng đối với các cộng đoàn Kitô tại đây...
Đáp: Tôi tin tưởng rằng trên bình diện của Giáo Hội bên Tây phương và hàng lãnh đạo của nó, họ đang làm những gì có thể, vì họ biết rất rõ và được thông tin tức rất tường tận về tình hình của các tín hữu Kitô trong vùng Trung Đông. Vấn đề chỉ bị quên đối với các chính trị gia. Mặc dù Tây phương có đa số dân theo Kitô giáo, nhưng các nhà chính trị bận rộn với các vấn đề nội bộ kinh tế của họ. Trước hết, tôi xin kêu gọi Kitô hữu Tây phương và dân chúng Tây Âu cố gắng hiểu tình hình bên Trung Đông. Giới chính trị bên Trung Đông không hoạt động như trong kiểu của thế giới Tây phương. Các phạm trù như dân chủ, khoan nhượng, chấp nhận tha nhân, tự do ngôn luận, nhân quyền không được áp dụng trong cùng một cách thức. Vì thế cho nên hiểu tôn giáo ảnh hưởng trên các giá trị này như thế nào và các giá trị này mang hiệu quả tôn giáo thế nào là điều quan trọng.
Hỏi: Thưa Cha, Cha có nghĩ rằng ý thức yếu kém về đức tin của thế giới Tây phương cũng góp phần vào sự kiện này hay không?
Đáp: Vâng, chắc chắn là có rồi.
Hỏi: Chẳng bao lâu nữa là tới ngày Đức Thành Cha sang thăm Liban. Việc chuẩn bị đã tới đâu rồi, và bầu khí tại Liban ra sao?
Đáp: 80% chuyến viếng thăm đã được chuẩn bị xong. Chương trình đã sẵn sàng, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm những đâu và có các biến cố gì. Tiến sĩ Gasbarri Alberto, người chuyên phối hợp các chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha, và Đức ông Guido Marini, Trưởng ban Nghi lễ Phụng vụ của Đức Thánh Cha, cũng đã đến viếng thăm chúng tôi để sắp xếp chương trình...
Hỏi: Vậy làm thế nào để hoà hợp các lễ nghi khác nhau của các Giáo hội Đông phương trong các buổi cử hành phụng vụ, thưa Cha?
Đáp: Mọi sự sẽ được thực hiện một cách toàn vẹn. Thánh lễ tại Beirut sẽ được cử hành với sự tham dự của 7 ca đoàn, mỗi ca đoàn sẽ hát thánh ca theo lễ nghi riêng của mình. Và tất cả mọi ca đoàn sẽ cùng hát với ca đoàn ấy. Có một ca đoàn bao gồm các ca viên Maronít, Melkít, Armeni và Syria, tất cả khoảng 300 người. Sách lễ được dùng là sách lễ Maronít, hát theo lễ nghi Bisantin, và điệp ca Alleluia sẽ được hát trong tiếng Armeni... Chúng tôi để cho Đức ông Marini sắp xếp tất cả các chuyện này và mọi chuyện đã được chuẩn bị một cách toàn vẹn kể cả việc in ấn.
Hỏi: Thưa Cha, như vậy là phụng vụ sẽ phản ánh bức khảm đá màu các truyền thống cổ xưa nhất trong Giáo Hội, có đúng thế không?
Đáp: Vâng, đúng thế. Nhưng thánh lễ sẽ được cử hành theo lễ nghi Latinh. Còn mọi chuyện khác quả thật là một bức khảm đá màu của Lễ nghi Đông phương. Lễ nghi sẽ rất đẹp. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho buổi gặp gỡ của giới trẻ. Sẽ có khoảng 20.000 bạn trẻ tham dự buổi gặp gỡ với Đức Thánh Cha tại Toà Thượng phụ Maronít ở Bkerké. Chúng tôi đã quyết định không mời giới chức chính trị nào cả. Và người trẻ sẽ được đối thoại trực tiếp với Đức Thánh Cha. Đây sẽ là biến cố rất hứng khởi cho giới trẻ. Chúng tôi cũng phát động 15 ngày cầu nguyện trong toàn vùng Trung Đông. Các lời nguyện sẽ được đọc trong tất cả mọi nhà thờ của Liban và toàn vùng Trung Đông. 9 ngày trước khi Đức Thánh Cha tới Liban, chúng tôi sẽ làm tuần cửu nhật và lần hạt Mân Côi năm sự Vui trong mọi giáo xứ toàn vùng Trung Đông; và mọi gia đình đều đồt nến trong nhà trong suốt tuần cửu nhật. Nó biểu tượng cho ánh sáng chiếu soi toàn vùng Trung Đông.
(SD 19-7-2012)
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)