WHĐ (04.10.2012) / VIS – Sáng ngày 2-10, Văn phòng Báo chí Toà Thánh đã tổ chức họp báo để giới thiệu một Hội nghị Khoa học Quốc tế: “Công đồng Vatican II dưới ánh sáng các tư liệu của các Nghị phụ Công đồng, nhân kỷ niệm 50 năm khai mạc (1962–2012)”. Hội nghị do Uỷ ban Toà Thánh về Khoa học Lịch sử phối hợp với Trung tâm Tìm hiểu và Nghiên cứu Công đồng Vatican II của Đại học Giáo hoàng Lateran, tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 5-10.
Tham gia trình bày trong cuộc họp báo có Cha Bernard Ardura O. Praem, Chủ tịch Uỷ ban Toà Thánh về Khoa học Lịch sử, và Giáo sư Philippe Chenaux, Giám đốc Trung tâm Tìm hiểu và Nghiên cứu Công đồng Vatican II của Đại học Giáo hoàng Lateran, và một thành viên của Uỷ ban Toà Thánh về Khoa học Lịch sử.
Trước hết, Linh mục Bernard Ardura, O. Praem., Chủ tịch Uỷ ban, đã trình bày dự án, được phổ biến trên các lục địa, để thu thập các chứng từ viết của các vị đã tham dự Công đồng để đào sâu sự hiểu biết về Vatican II. “Theo đường hướng Đức Gioan XXIII đã chỉ rõ trong diễn văn khai mạc Công đồng năm 1962, thì cần phải thực hiện một cuộc nghiên cứu khoa học tỉ mỉ về tổng thể các tư liệu hiện có. Để không trở thành, như ngài nói, những con người chẳng có gì để học hỏi từ lịch sử, tuy lịch sử vốn là thầy dạy của cuộc sống. Việc tra cứu và công bố các thư từ, báo chí và hồi ký của những người đã đóng vai trò quan trọng tại Công đồng đã góp phần trong việc giải thích sự canh tân trong sự liên tục, được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI coi như là cách giải thích trung thực của Giáo Hội. Chính trong nhãn giới này mà việc nghiên cứu và tổng kê các tư liệu nằm trong các kho lưu trữ riêng của tất cả các nghị phụ đã được thực hiện, chẳng hạn các ghi chép của các ngài trong các phiên họp chung hay tại các ủy ban… nghĩa là tất cả những gì cho phép chúng ta hiểu được các ngài đã sống biến cố Vatican II như thế nào, đã nhìn, đã phản ứng trước các ý kiến được phát biểu ra sao”.
Hội nghị dành cho Công đồng chung Vatican II này sẽ cho phép xem xét tình hình nghiên cứu, chỉ ra các khó khăn của công việc bởi vì 2.090 nghị phụ là người Âu và người Mỹ, 408 vị là người châu Á, 351 vị là người châu Phi và 74 vị người châu Đại Dương. Một phần lớn nghị phụ thuộc các vùng truyền giáo và từ các dòng thừa sai. Giấy tờ riêng tư của các giám mục này thường được lưu giữ tại các tu viện, nhưng ở đây, vấn để lưu trữ không được phát triển như ở phương Tây. Cũng may là các kho lưu trữ của Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc đã giúp lấp đầy phần nào các lỗ hổng này.
Cha Ardura nhấn mạnh rằng mục đích của Uỷ ban “là triển khai, dưới ánh sáng giáo huấn của Đức Giáo hoàng, một phương pháp phân tích các tư liệu một cách rõ ràng, không bị ảnh hưởng bởi các định kiến có tính ý thức hệ, để đọc lại - một cách khoa học và mang tính lịch sử - Vatican II, vốn chắc chắn là một biến cố lớn”.
Hội nghị khai mạc bằng việc trình chiếu một phim tư liệu của Phòng Phim ảnh của Vatican và hai bài diễn văn. Đức Hồng y Angelo Scola, Tổng Giám mục Milano, trình bày về giai đoạn chuẩn bị Công đồng, qua đó cung cấp cho chúng ta “nhiều chìa khoá để đọc toàn bộ Công đồng”. Giáo sư Philippe Levillain đề cập đến việc chép sử tại Công đồng. Để gợi lên chiều kích đại kết của Công đồng vốn được Đức Gioan XXIII nhấn mạnh, một vị đại diện cho Toà Thượng phụ Matxcơva và một đại diện Tin Lành, người phụ trách kho lưu trữ của nhà thần học Oscar Cullmann, sẽ phát biểu. Kết quả công việc của các năm vừa qua đã dẫn tới việc thiết lập được một bản liệt kê các tài liệu lưu trữ của các nghị phụ, bản liệt kê này tới đây sẽ được cung cấp một cách miễn phí trên trang mạng của Uỷ ban Toà Thánh về Khoa học Lịch sử.
Tiếp theo, Giáo sư Philippe Chenaux giải thích rằng “ý định lịch sử hoá Công đồng không chỉ bao hàm việc nghiên cứu các nguồn tư liệu… để giải thích chiều kích chú giải của công đồng. Các nhà khoa học đề ra dự án nghiên cứu về lịch sử Vatican II đã đưa ra 2 tiêu chuẩn phân tích, Công đồng với tính cách biến cố và Công đồng như sự đứt đoạn. Vấn đề cơ bản đối với các nhà khoa học phải chăng là dung hoà hai cách đọc trái nghịch nhau về Công đồng và các quyết định của Công đồng? Dĩ nhiên, đây không phải là viết một lịch sử chống lại lịch sử Công đồng mà chỉ là tiếp nối việc tìm hiểu lịch sử dựa trên số tối đa các tư liệu và không định kiến mang tính ý thức hệ, tránh vận dụng lịch sử công đồng cho các mục tiêu chẳng ăn nhằm gì tới chính Công đồng. Tóm lại, đây là việc đặt lại thế quân bình giữa biến cố và các quyết định. Khởi đi từ tư liệu lưu trữ, đó là vấn đề nền tảng của dự án đồ sộ này của việc nghiên cứu các tư liệu lưu trữ riêng của các nghị phụ công đồng”.
Mai Tâm
(Nguồn: WHĐ)