VATICAN. Hôm 10-12-2015, Ủy ban Tòa Thánh liên hệ với Do Thái giáo đã công bố một văn kiện mới với tựa đề “Vì những hồng ân và ơn gọi của Thiên Chúa không bao giờ bị hồi lại” (Rm 11,29). “Những suy tư về các vấn đề thần học liên quan tới các quan hệ Công Giáo và Do Thái giáo.”
Văn kiện được công bố nhân dịp kỷ niệm 50 năm tuyên ngôn “Nostra aetate” (Thời đại chúng ta) của Công đồng chung Vatican II, về tương quan giữa Công Giáo và các tôn giáo không Kitô.
ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh liên hệ với Do Thái giáo, đã giới thiệu Văn kiện này trong cuộc họp báo sáng hôm qua (10-12) tại Phòng báo chí Tòa Thánh, cùng với Rabbi David Rosen, Giám đốc đặc trách liên tôn thuộc Ủy ban Do Thái giáo Hoa Kỳ (American Jewish Committe, AJC), và ông Edward Kessler, chuyên gia người Anh về các quan hệ liên tôn.
Tài liệu dài 16 trang này không phải là một văn kiện của Huấn Quyền Hội Thánh hoặc là một giáo huấn đạo lý của Giáo hội Công Giáo, nhưng là một suy tư do Ủy ban Tòa Thánh đặc trách liên hệ với Do Thái giáo chuẩn bị, về những vấn đề thần học hiện nay, được khai triển kể từ Công đồng chung Vatican II. Tài liệu này muốn là một điểm khởi hành để tiến tới sự đào sâu hơn về thần học, nhắm phong phú hóa và tăng cường chiều kích thần học trong cuộc đối thoại giữa Do Thái giáo và Công Giáo.
Trong số những suy tư được trình bày trong Văn kiện, có phần kiểm điểm với tâm tình biết ơn vì tất cả những gì đã có thể thực hiện được trong quan hệ giữa Công Giáo và Do Thái giáo những thập niên gần đây, đồng thời cung cấp một sự thúc đẩy mới cho tương lai.
- Văn kiện tái khẳng định vị thế đặc biệt của quan hệ giữa Do Thái giáo và Công Giáo trong bối cảnh rộng lớn hơn của cuộc đối thoại liên tôn. Rồi đề cập đến những vấn đề thần học như tầm quan trọng của mạc khải, tương quan giữa Cựu và Tân Ước, quan hệ giữa đặc tính phổ quát ơn cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô và xác tín theo đó giao ước của Thiên Chúa với Israel không bao giờ được thu hồi lại, và tiếp đó là nghĩa vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, so với Do Thái giáo.
- Văn kiện trình bày suy tư của Công Giáo về những đề tài nói trên và đặt chúng trong một bối cảnh thần học, để ý nghĩa thần học của chúng có thể được đào sâu, mưu ích cho cả hai truyền thống đức tin.
- Văn kiện nói đến cuộc chiến đấu chung chống lại mọi hình thức kỳ thị chủng tộc chống người Do Thái giáo và mọi hình thức bài Do Thái giáo. Lịch sử dạy chúng ta: những hình thức bài Do Thái giáo có thể dẫn tới đâu: tới thảm họa diệt chủng Do Thái giáo (Shoah) trong đó 2 phần 3 người Do Thái giáo Âu Châu bị tiêu diệt. Vì thế cả hai truyền thống, Kitô giáo và Do Thái giáo, đều được kêu gọi cùng nhau duy trì sự cảnh thức và nhạy cảm, kể cả trong lãnh vực xã hội.”
Ngoài ra một điều có tầm quan trọng lớn trong cuộc đối thoại giữa Do Thái giáo và Kitô giáo là tình trạng các cộng đồng Kitô ở Israel, vì tại đó, khác với mọi nơi khác trên thế giới, thiểu số Kitô giáo đứng trước một đại đa số Do Thái giáo.”
- Văn kiện nhìn nhận rằng “Trong quá khứ, có thể xảy ra là các tôn giáo khác nhau, do xác tín mình nắm giữ chân lý, hiểu một cách hẹp và từ đó có sự bất bao dung, đã góp phần khơi dậy xung đột và đụng độ... Ngày nay, các tôn giáo không được trở nên thành phần của vấn đề, nhưng phải góp phần giải quyết vấn đề... Chỉ khi nào các tôn giáo thành công trong việc đối thoại với nhau, thì mới có thể góp phần vào hòa bình thế giới, hòa bình này cũng có thể thực hiện trên bình diện xã hội và chính trị. Điều kiện tiên quyết để có cuộc đối thoại và hòa bình như thế chính là tự do tôn giáo được chính quyền dân sự bảo đảm. Về vấn đề này, một trắc nghiệm cụ thể là cách thức đối xử với các nhóm tôn giáo thiểu số và những quyền mà họ được hưởng.”
- “Các tín hữu Do Thái giáo và Kitô giáo không thể chỉ chấp nhận nghèo đói và đau khổ của con người; đúng hơn họ phải tích cực dấn thân để khắc phục những vấn đề ấy… Khi các tín hữu Do Thái giáo và Kitô giáo, qua việc trợ giúp nhân đạo cụ thể, cùng nhau góp phần vào công lý và hòa bình trên thế giới, thì họ làm chứng về tình yêu thương ân cần của Thiên Chúa... Không còn thái độ đối nghịch nhau, nhưng cộng tác với nhau, Do Thái giáo và Kitô giáo, để kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.”
Trong cuộc họp báo, ĐHY Koch, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh liên lạc với Do Thái giáo, nhận định rằng “Kinh nguyện Ngày Thứ Sáu tuần thánh (1 trong 10 lời nguyện) cầu nguyện cho sự cứu độ người Do Thái giáo trong tương lai bị giải thích sai… Đó là một văn bản được dự trù cho nghi thức ngoại thường. Người ta có thể sử dụng kinh nguyện của nghi thức thông thường không tạo nên sự hiểu lầm từ phía người Do Thái giáo” (Tổng hợp 10-12-2015)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)