Đức Phanxicô trách, cho rằng các mục tử đã đặt các vấn đề đạo đức lên hàng đầu như điều kiện phải có để được vào Giáo hội.
Đức Phanxicô có một khái niệm rất chính xác về chỗ đứng của đạo đức công giáo: ngài cho rằng trong những năm gần đây, Giáo hội đã nói quá nhiều về đạo đức nên đã làm cho nhiều người không đến được với Giáo hội, trong khi ngài cảm thấy có một nhu cầu khẩn thiết để có một đời sống thiêng liêng nơi những người đã rửa tội nhưng còn xa cách với Giáo hội hay nơi các giáo dân-không tin.
Từ đâu Đức Phanxicô có khái niệm chủ yếu một Giáo hội “đi ra”, một Giáo hội làm “sứ mệnh” phải tập trung vào sứ điệp cốt lõi của Phúc Âm, và đây phải là cánh đồng để chiến đấu. Đó là ý nghĩa của Năm Lòng Thương Xót mà Đức Phanxicô khai mạc ở Rôma ngày 8 tháng 12-2015, ngài nhắm rõ ràng, đối với giáo hữu là sự trở lại với Chúa Kitô, đối với những ai chưa biết Chúa Kitô, thì phải có “lòng thương xót”. Đức Phanxicô đã giải thích rõ khái niệm này trong cuộc phỏng vấn với linh mục Dòng Tên Antonio Sparado (Giáo hội mà tôi mong muốn, Flammarion), Đức Phanxicô nói: “Chúng ta không thể nào chỉ nhấn mạnh trên những vấn đề liên hệ đến nạn phá thai, hôn nhân đồng tính, việc dùng các phương pháp ngừa thai. Không thể được. Tôi đã không nói nhiều về các chuyện này và người ta đã trách cứ tôi. Nhưng khi nói thì phải nói trong một bối cảnh chính xác. Chúng ta đã biết tư tưởng của Giáo hội, và tôi là đứa con của Giáo hội, nhưng không nhất thiết phải nhắc tới hoài.”
Ngài dự đoán: “Như thế chúng ta phải tìm một thế thăng bằng mới, nếu không, tầng nhà đạo đức của Giáo hội sẽ có nguy cơ sụp như lâu đài xây trên cát, mất hết hương hoa tươi mát của Phúc Âm. Việc rao giảng Tin Mừng phải đơn giản hơn, sâu đậm hơn, tỏa rạng hơn. Từ việc rao giảng này sau đó mới đến các tác động của đạo đức.”
Như vậy đối với Đức Phanxicô, “điều Giáo hội cần trước nhất bây giờ là săn sóc các vết thương và sưởi ấm tâm hồn tín hữu, gần gũi họ, cùng chung sống hài hòa với họ.” Đức Phanxicô trách, cho rằng các mục tử đã đặt các vấn đề đạo đức lên hàng đầu như điều kiện phải có để được vào Giáo hội. Phải đảo ngược cái nhìn này, phải cắt đứt với thuyết duy luân lý.” “Chúng ta phải săn sóc các vết thương. Sau đó mới đề cập đến các vấn đề khác… Phải bắt đầu từ thấp.”
Và ngài kết luận: “Điều quan trọng nhất là câu rao giảng đầu tiên: “Chúa Giêsu đã cứu anh chị em!” Các sứ vụ viên của Giáo hội trước hết phải là các sứ vụ viên của lòng thương xót. Chẳng hạn, linh mục giải tội thường quá cứng ngắc hoặc quá khoan hòa. Trong hai thái độ này không có thái độ nào mang tính chất của lòng thương xót vì cả hai không thật sự phù hợp với trường hợp của người xưng tội.”
Ngài nói thêm trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng: “Chúng ta thường cư xử như người kiểm soát ơn sủng chứ không phải là người làm dễ dàng để nhận ơn sủng. Nhưng Giáo hội không phải là nha quan thuế, Giáo hội là căn nhà của người cha, nơi có chỗ cho mỗi người với hoàn cảnh khó khăn của họ.”
Jean-Marie Guénois (lefigaro.fr) / Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)