Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 23/12/2005 có đăng bài “Dạy chữ Hán để biết và hiểu” của tác giả Nguyễn Văn Duận, trong đó ông nói “Muốn giỏi văn cần học chữ Hán”, ông nói rõ hơn: “Chúng ta có một thời – khi học toán – đã băn khoăn vì không hiểu được nghĩa gốc của những từ như tích phân, ma trận…; khi học vật lý quang học đã băn khoăn với từ như thị trường, quang phổ, tử ngoại……”. Riêng tôi nghĩ rằng bên Công Giáo cũng có tình trạng này. Ví dụ tên của Đức Hồng Y Hồng Kông là Trần Nhật Quân (陳日君), nhưng các báo, các đài, các trang web, cứ viết là Trần Minh Quân; hay là lễ năm mới trong sách lễ Roma, lúc đầu viết là Thánh lễ Minh Niên, sau này sửa lại cho đúng là Thánh lễ Tân Niên, nhưng các cha ở hải ngoại vẫn viết là Thánh lễ Minh Niên. Đây chỉ là vài ví dụ về hậu quả của việc ít biết chữ Hán, hễ thấy ai dùng một từ mới lạ, dù không hiểu ý nghĩa cũng dùng theo.
Sau khi Chúa Giêsu sinh ra, có các hiền sĩ đến thờ lạy Chúa, họ dâng tiến Chúa các lễ vật: "vàng, nhũ hương vàmyrrha" (Mt 2,11) có người dịch myrrha là mộc dược, có người dịch là một dược (1) . Chúng ta thử tìm hiểu xem từ nào là từ đúng?
1. Myrrha là gì?
Myrrha (tiếng Akkadi: murru; Hípri: môr) là một chất nhựa chảy ra từ cuống và nhánh của một giống cây bụi thấp, thuộc nhóm cây Commiphora myrrha (có tên khác là Balsamodendron myrrha), thuộc họ gần với nhóm Commiphora kataf. Cả hai nhóm cây này có nguồn gốc từ sa mạc Ảrập và Phi Châu. Nhựa tiết ra từ thân cây chảy xuống mặt đất, sau đó quánh lại thành một chất nhựa có màu vàng nâu sánh như dầu .
Myrrha có giá trị nhờ mùi thơm (x. Tv 45,8-9; Sk 7,17; Ct 3,6; 4,14; 5,5,13); là thành phần trong dầu thánh (x. Xh 30,23-33); có tính chất chữa bệnh, pha với rượu giúp giảm đau; ở Ai Cập và Giuđêa được sử dụng chủ yếu để ướp xác chết, vì có tính chất chống lại sự thối rữa. Ngoài ra, nó còn được dùng để thanh tẩy phụ nữ.
Myrrha được các hiền sĩ dùng làm lễ vật dâng tiến cho Chúa Hài Nhi, họ dâng tiến Người các lễ vật gồm: “vàng, nhũ hương và myrrha” (Mt 2,11); Myrrha cũng là chất mà người ta đưa lên cho Chúa Giêsu lúc trên thập giá (x. Mc 15,23); và cũng là một trong những chất dùng ướp xác Người (x. Ga 19,39) (2).
Theo cha Neil Chadwick (3): Myrrha là chất dẽo thơm được chế xuất từ bụi gai mọc ở Ả Rập và Ethopia, và thu được từ cây giống như cách thu được nhũ hương vậy. Loại cây có mùi thơm này được gọi là "Balsamodendron myrrha" tương tự như cây keo (Acacia). Myrrha cao từ 8-10 fts và có mùi thơm. Khi bị cắt, nó tiết ra một chất nhựa màu vàng nhạt, sau đó cô đặc lại thì sẫm màu hoặc có màu đen.
Myrrha đã được sử dụng chủ yếu là ướp xác chết, vì nó có tính chất chống lại sự thối rữa (x. Ga 19,39), nó được sữ dụng nhiều ở Ai Cập và Giuđêa. Cổ thời nó đã có giá trị thương mại (x. St 37,25), là thành phần của dầu thánh (x. Xh 30,23), được dùng như dầu thơm dễ chịu (x. Et 2,12; Tv 45,8; Cn 7,17). Myrrha được người thời xưa ưa thích dùng như dầu thơm. Người ta nói rằng đựng nó trong lọ thạch cao, nó có thể giữ mùi thơm ngát trong nhiều thế kỷ. Myrrha còn có tính chất chữa bệnh, trộn nó vào rượu vang để làm một loại thức uống. Người ta đã pha chế nó như một loại thuốc giảm đau và cho Chúa Cứu Thế uống khi Ngài bị treo trên thập giá (x. Mc 15,23; Mt 27,34).
2. Myrrha dịch là một dược hay mộc dược?
Một số rất ít từ điển tiếng Việt có hai từ này:
- Theo “Từ điển tiếng Việt” (Viện Ngôn Ngữ Học, 2005): Mộc còn có nghĩa là cây bụi nhỏ, lá có răng cưa, mọc đối nhau, hoa nhỏ rất thơm, thường dùng để ướp chè, thuốc lá (nhưng không phải là myrrha).
- “Việt Nam Tự Điển” (Lê Văn Đức, 1970) giải thích từ mộc dược (chữ Hán là 沐 藥): Tắm với nước có pha thuốc.
- “Những Cây Thuốc và Vị Thuốc Việt Nam” (của Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, 2004) giải thích từ một dược (chữ Hán là 沒藥): Myrrha (còn gọi là Myrrhe) là chất gồm nhựa trích từ cây Commiphora momol Engler hay Commiphora abyssinica Engl, thuộc họ trám (Burseraceae). Cây này chưa thấy ở nước ta. Trước đây ta nhập của Trung Quốc, nhưng bản thân Trung Quốc cũng phải nhập từ các nước tây Châu Phi, vùng Hồng Hải, Somali, Abytsini, Ả Rập. Thành phần chủ yếu của một dược gồm 28-40% nhựa và tinh dầu, 61% gôm, 3-4% tạp chất và một ít chất đắng. Tinh dầu một dược chứa axít tự do, axít axetic, axít panmitic (tinh dầu cũ), hay tinh dầu kết hợp (tinh dầu mới cất), … Công dụng: Đông y dùng một dược để chế một số cao dán nhọt có tính chất hoại huyết, giảm đau, tiêu thũng. Có khi dùng làm thuốc điều kinh. Tây y dùng trong công nghiệp nước hoa, thuốc bổ, trấn kinh. Uống trong với liều 0,20 đến 2g.
- Theo cha Eugene Gouin (MEP) (4):
* Mộc: có 3 chữ Hán là: 木; 沐 và 霂 (5). Chữ Liên quan là (沐), có 3 nghĩa (6): (1) Tắm, tắm rửa, tắm gội. (2) Dầm, tẩm, làm thấm. (3) Con khỉ đột, con bú dù.
* Mộc dược (沐藥): Tắm với nước có pha thuốc (7) dùng với từ thứ hai, có nghĩa thứ nhất).
* Một: có 2 chữ Hán là: 沒 và 歿. Chữ liên quan là (沒), một có 6 nghĩa (8): (1) Nhúng, nhận chìm; tối tăm, mù mịt, mờ sẫm; chết chìm, chết đuối, chết trôi; chôn cất, mai táng. (2) Hoàn thành, hoàn tất; chết; ngất xỉu, bất tỉnh. (3) Vượt quá, lấn; trội hơn. (4) Ao ước, thèm muốn; thèm khát. (5) Từ diễn tả sự từ chối, phủ nhận. (6) Cây cỏ, thảo mộc, thực vật.
* Một dược (沒藥), có hai nghĩa (9): (1) Tịch thu, sung công; thu chiếm, đoạt lấy (nghĩa thứ hai). (2) Thuốc dùng ướp xác người chết, myrrha (nghĩa thứ sáu).
3. Nhận xét
Trong tiếng Việt, mộc dược chỉ có một nghĩa duy nhất là “tắm với nước có pha thuốc”. Còn một dược được dùng để chỉ chất thuốc (thơm, ướp xác,...) hoặc một loại thực vật, đó là cây Myrrha.
Kết luận
Vậy, Myrrha nên dịch cho đúng là một dược (沒藥), chứ không phải mộc dược (沐藥).
LM Stêphanô Huỳnh Trụ
_______________
Chú thích:
1. Các bản dịch Tân Ước của: ĐHY Giuse Maria Phạm Đình Tụng, Lm. Trần Đức Huân, Lm Tống Viết Toại, Thánh Kinh Hội Trung Hoa (Bản của anh em Tin Lành), http://www.vnbaptist.net/Tu_Dien (Bản của anh em Tin Lành), Hồng Kông (Bản của Công giáo)... Đều dịch là: Một dược.
Các bản dịch Tân Ước của: Lm. Nguyễn Thế Thuấn, Nhóm CGKPV, UBPV của HĐGMVN... Đều dịch là: Mộc dược.
2. BIBLE DICTIONARY, 1965.
3. Xem bài "Gold, Frankincense and Myrrh" của Dr. Neil Chadwick, trong http://www. webedelic.com/church: Có thể xem chi tiết ở http://www.science.siu.edu/plant-biology, http://www.essentialoils.co.za/essential -oils/ myrrh.htm.
4. Eugene Gouin, DICTIONNAIRE VIETNAMMIEN CHINOIS FRANCAIS, Imprimerie d'Extrême-Orient, Saigon,1957.
5. Pluie fine (tạnh mưa; mạch, minh)
6. (1) Se laver la tête; se baigner. (2) Imprégné. (3) Grand singe.
7. Bains médicamenteux.
8. (1) Immergé, sombrer, se noyer, inhumer. (2) Finir, mourir, s'évanouir. (3) Dépasser, excéder. (4) Convoiter, désirer. (5) Terme exprimant la négation. (6) Végétaux.