MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Ca ngợi Trung Quốc, giáo hoàng bị chỉ trích

Giáo hoàng Phanxicô công du Hàn Quốc, Seoul 14/08/2014. Reuters/Ahn Young-joon
Giáo hoàng Phanxicô nổi tiếng về những hành động bất ngờ. Đầu tháng 2/2016, ít ngày trước dịp Tết Âm lịch, trả lời phỏng vấn dành cho báo Hồng Kông Asia Times, người đứng đầu Tòa Thánh Vatican đã ca ngợi hết mực tính chất “minh triết” của văn hóa Trung Quốc. Phát biểu của lãnh đạo Tòa Thánh - được đưa ra trong bối cảnh Vatican đang tìm kiếm nối lại quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh – khiến nhiều người lo ngại quyền tự do tôn giáo tại Trung Quốc có thể bị Vatican hy sinh cho “quan hệ chính trị thực dụng” với chính quyền cộng sản.

Hãng thông tấn AFP dẫn lại bài phỏng vấn, được bộ phận truyền thông của Vatican đăng tải, theo đó, giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh đến “sự ngưỡng mộ” của ông đối với “truyền thống minh triết rất lớn”, “không bao giờ cạn kiệt” của Trung Quốc và những gì mà Trung Hoa đã “mang lại cho thế giới”, kể cả với “châu Âu”.

Nhân cuộc phỏng vấn này, giáo hoàng gửi lời chúc Năm Mới đến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và toàn thể nhân dân Trung Quốc, với lời kêu gọi mạnh mẽ Trung Quốc liên kết với “phương Tây” và “phương Đông” nhằm bảo vệ “hòa bình”. Giáo hoàng khuyến nghị đối thoại với Trung Quốc. Cuộc phỏng vấn do nhà Hán học người Ý Francesco Sisci, hiện sống và làm việc tại Bắc Kinh, thực hiện.

AFP ghi nhận, trong bài phát biểu được coi là lần đầu tiên trực tiếp hướng về Trung Quốc này, người đứng đầu Giáo hội Công giáo đã không nhắc đến tình trạng tự do tôn giáo bị o ép của người Công giáo tại Trung Quốc. Tiếng nói phản đối dữ dội nhất đối với phát biểu của giáo hoàng là nhà báo Sandro Magister, được coi là một trong những chuyên gia hàng đầu về Vatican của nước Ý. Ông Sandreo Magister tố cáo “sự im lặng hoàn toàn” của giáo hoàng trước vấn đề tự do tôn giáo và việc bỏ qua những sự thật lịch sử về (tội ác của) chế độ cộng sản Trung Quốc.

Trên blog của tuần báo Ý Expresso, nhà báo Sandro Magister nhận xét : “đây là một ví dụ điển hình của một lối làm chính trị vô cùng thực dụng (Realpolitik)”. Trong bài phỏng vấn nói trên, bên cạnh việc ca ngợi truyền thống văn hóa Trung Quốc, giáo hoàng Phanxicô bị phê phán là chỉ nhắc đến một cách phớt qua lịch sử đương đại đầy biến động của Trung Quốc. Người đứng đầu Vatican dùng những lời lẽ hết sức nhẹ nhàng : một dân tộc đôi khi “phạm một sai lầm và bị thoái lùi một chút, hay đi lầm đường, cần phải trở lại để đi theo con đường đúng”. Tuy nhiên, một lời nói như vậy cũng có thể được hiểu như một thái độ độ lượng.

Cảnh báo của nguyên giám mục Hồng Kông

Một tiếng nói phê bình đáng chú ý khác là của hồng y Trung Quốc Giuse Trần Nhật Quân (Zen Ze-kiun), nguyên giám mục Hồng Kông và cố vấn của giáo hoàng Phanxicô về quan hệ với Trung Quốc. Trang mạng Công giáo Thụy Sĩ giới thiệu quan điểm của ông dưới tựa đề “Hồng y Trần Nhật Quân lo ngại về tương lai của quan hệ Trung Quốc – Vatican”. [Cuối tháng 12/2015, hồng y Trần công bố quan điểm của ông về quan hệ Tòa Thánh – Bắc Kinh trên trang blog cá nhân, được bộ phận thông tin của Hội Thừa sai Paris dịch qua tiếng Pháp].

Theo hồng y họ Trần, cho dù trong sáu tháng vừa qua, một số diễn biến cho thấy quan hệ Vatican – Bắc Kinh được cải thiện, ví dụ như việc thụ phong của đức ông Zhang Yinlin hồi tháng 8/2015, nhưng nhìn chung không nên vui mừng. Nguyên giám mục Hồng Kông sợ chính quyền Trung Quốc sẽ tìm cách ký kết một thỏa thuận rất có lợi cho chế độ cộng sản, cho phép Bắc Kinh “kiểm soát việc phong chức trong giáo hội, và giảm tối đa khả năng lựa chọn của Vatican”. Hồng y Trần Nhật Quân lưu ý, theo một số nguồn tin, Bắc Kinh có ý định buộc Tòa Thánh phải công nhận tất cả các giám mục mà chế độ cộng sản bổ nhiệm trước đây, kể cả những người mà Vatican không công nhận và rút phép thông công. Hồng y họ Trần khẳng định, đa số chức sắc và tín đồ của giáo hội Công giáo được gọi là “chính thức” vẫn “hết sức trung thành với Đức Thánh Cha”.

Trên thực tế, theo nhiều nhà quan sát, tại Tòa Thánh, song song tồn tại hai quan điểm về quan hệ với Trung Quốc, một mang tính mềm dẻo, với đại diện là thư ký Tòa Thánh Pietro Parolin, một cho rằng chế độ Bắc Kinh không có những tiến bộ thực sự so với quá khứ.

Chính sách “những bước đi nhỏ” của giáo hoàng

Về mặt chính thức, hiện tại hơn chục triệu tín đồ Công giáo Trung Quốc bị chia thành hai giáo hội, một giáo hội – được gọi là “giáo hội yêu nước” - mà chức sắc do chính quyền bổ nhiệm và kiểm soát, một giáo hội trung thành với Tòa Thánh, hoạt động bí mật. Cho đến nay, Bắc Kinh bác bỏ mọi can thiệp nước ngoài vào việc bổ nhiệm chức sắc tôn giáo của chính quyền.

Báo Le Monde (bài “Vatican và Trung Quốc trong giai đoạn xích gần nhau”) hôm nay ghi nhận, sau các đàm phán mới đây, Bắc Kinh có thể sẽ thừa nhận quyền của Tòa Thánh chấp nhận trước các nhân sự mà chính quyền muốn bổ nhiệm. Cụ thể là Giáo hội Công giáo chính thức của Trung Quốc sẽ đề nghị với Tòa Thánh một vài ứng cử viên để giáo hoàng lựa chọn.

Những người lạc quan nhất cho rằng, với một thỏa hiệp như vậy, quan hệ Vatican – Bắc Kinh sẽ bước qua một giai đoạn mới, với khả năng giáo hoàng lần đầu tiên công du Trung Quốc. Hồi 2014, giáo hoàng Phanxicô từng bày tỏ nguyện vọng này, khi ông trên đường từ Seoul trở về Ý.

Chiến lược cải thiện quan hệ với Trung Quốc của giáo hoàng Phanxicô được chuyên gia về Công giáo François Mabille, giáo sư Đại học Công giáo Lille, Pháp, nhìn nhận theo chiều hướng tích cực. Theo giáo sư Mabille, người đứng đầu Tòa Thánh có một chính sách ngoại giao hoàn toàn mới, với các “bước đi nhỏ”, “kiên quyết hướng về tương lai, với hy vọng là mỗi cử chỉ nhỏ tạo ra được một tình huống mới, được coi là tốt hơn quan điểm cứng rắn, bị quá khứ cầm tù”.

Dù sao, đối với nhiều tín đồ Trung Quốc trung thành với Tòa Thánh, việc giáo hoàng không hề nhắc đến cộng đồng thiểu số Công giáo tại nước này cũng có thể là một điều gây thất vọng rất lớn.

Cuộc gặp lịch sử với người đứng đầu Chính thống giáo Nga

Song song với Trung Quốc, quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống giáo Nga cũng được cải thiện mạnh.

Ngày 12/02 tới, lần đầu tiên lãnh đạo hai giáo hội có cuộc hội kiến tại La Habana. Đây là cuộc gặp được đánh giá là mang tính lịch sử, chưa từng có kể từ khi Giáo hội Thiên chúa giáo bị chia cắt vào năm 1054, thành Công giáo La Mã và Chính thống giáo Đông Phương.

Hội kiến giữa giáo hoàng Phanxicô và thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill diễn ra bên lề chuyến công du châu Mỹ Latinh của người đứng đầu đạo Chính thống, và chuyến công du Mêhicô của giáo hoàng.

Theo AFP, hội kiến bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện kéo dài hai giờ. Hai bên dự kiến sẽ ra một tuyên bố chung. Lãnh đạo Công giáo coi “đại kết”, tức việc xích lại gần nhau giữa các truyền thống Thiên chúa giáo (nhất là Công giáo, Tin Lành và Chính thống giáo), là một ưu tiên.

Cách nay 10 hôm, giáo hoàng Phanxicô cũng có một cử chỉ gây bất ngờ với đạo Tin Lành, khi tuyên bố sẽ tham gia vào một thánh lễ tổ chức tại Thụy Điển ngày 31/10, để khởi sự dịp kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách do sự khởi xướng của Martin Luther, người từng bị coi là kẻ thù của Giáo hội Công giáo.

Trọng Thành

(Nguồn: RFI Tiếng Việt)