Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo hoàng Giáo hội Công giáo sẽ gặp Thượng phụ quan trọng nhất của Chính thống giáo là Thượng phụ Cyrille I. Hai vị lãnh đạo sẽ gặp nhau trên đảo Cuba ngày 12 tháng 2-2016.
Đây là sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Kitô giáo. Đức Phaolô VI đã từng mơ, Đức Gioan-Phaolô II đã làm tất cả để có cuộc gặp và Đức Phanxicô sẽ thực hiện được: Ngày 12 tháng 2, trên đường đến Mêhicô, ngài sẽ ghé Cuba để gặp Thượng phụ Chính thống giáo Cyrille.
Đảo Cuba được chọn như một “vùng đất trung lập,” vùng không phải là vùng ‘độc chiếm’ của Giáo hội Công giáo, vì cuộc hẹn này – được cả Đức Giáo hoàng cũng như Thượng phụ Chính thống giáo Nga mong muốn – sẽ không tốt nếu diễn ra ở các nơi bảo thủ của Giáo hội Chính thống Nga, một Giáo hội rất dè chừng Vatican.
Hai vị lãnh đạo chưa quen biết nhau, nhưng trong cuộc gặp ở La Havana, họ sẽ trao đổi các vấn đề về giáo hội, về các cuộc bách hại tín hữu kitô ở Trung Đông, về vấn đề Ukraina từ lâu đã làm độc hại cho quan hệ giữa hai Giáo hội. Và có thể bàn đến một chuyến đi trong dự trù của Đức Phanxicô đến Matxcơva.
Vượt lên vấn đề chính trị, hồ sơ Ukraina quả thực là hồ sơ gây xung đột tôn giáo từ hàng chục năm nay. Đặc biệt từ khi Bức tường Bá Linh sụp đổ, Giáo hội hylạp-công giáo (một Giáo hội Đông phương liên kết với Rôma, nhưng nghi thức phụng vụ và văn hóa gần với Chính thống giáo) bị bách hại rất nặng dưới chế độ cộng sản đã tìm lại được sức mạnh khi được Đức Gioan-Phaolô II ủng hộ mạnh mẽ.
Rất nhiều cố gắng để Đức Gioan-Phaolô II gặp Thượng phụ Alexis II nhưng không thành
Sự tái sinh này của Giáo hội hy lạp-công giáo Ukraina và đường lối chính trị ủng hộ rõ ràng của Đức Gioan-Phaolô II, đã được Giáo hội Chính thống Nga xem như bằng chứng Rôma tìm cách để nước Nga hoán cải theo kitô giáo… Và nó đã làm quan hệ hai bên lạnh nhạt với nhau rất lâu. Nhiều cố gắng để Đức Gioan-Phaolô II gặp Thượng phụ Alexis II (qua đời năm 2008) đặc biệt là ở Vienna đã không thành. Cũng thế, một dự trù tương tự để Đức Bênêđictô XVI gặp Thượng phụ Cyrille, người rất gần với văn hóa Đức, trong một tu viện Đức cũng không thành.
Rõ ràng sự hiện diện của một giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh ở ngai tòa Thánh Phêrô đã đóng góp rất lớn cho việc dịu bớt căng thẳng này, dù Đức Phanxicô duy trì các quan hệ tốt với một nhánh chính thống giáo lớn khác là nhánh Constantinople của Thượng phụ Bartholomê I, việc này không làm vui lòng nhánh chính thống Matxcơva cho mấy.
Nhưng hành vi quyết định có thể giải thích cho sự xích lại gần nhau chưa từng có này rõ ràng là do Đức Phanxicô, một giáo hoàng không phải là người Âu Châu, ngài giữ một khoảng cách rõ đối với Giáo hội hy lạp-công giáo Ukraina. Và nhất là sự đánh giá cao của Đức Phanxicô đối với Tổng thống Putin và đường lối chính trị của ông để bảo vệ tín hữu kitô trong vùng Cận Đông, đặc biệt ở Syria, nơi nước Nga tương đối bị cô lập. Một sự xích lại, dù gián tiếp, qua hào quang của Đức Phanxicô có thể giúp Giáo hội Chính thống nhưng cũng giúp cả nước Nga. Và đã được khẳng định trong đường lối chính trị mở ra trên tất cả mọi phương diện của Đức Phanxicô.
Ngày thứ sáu 5-2-2016, khi tuyên bố tin trên, linh mục Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh đã cho biết, “cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Nga đã được chuẩn bị từ lâu và sẽ đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong các quan hệ giữa hai Giáo hội”.
Jean-Marie Guénois (lefigaro.fr) | Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)