MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Uỷ ban Giáo dục Công giáo / HĐGMVN: Thư gửi các sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân – 2016

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
_________________________________________________________________________
72/12 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh
Email: uybangiaoduc@gmail.com; Đt: 093 890 5015 – 096 725 7483

THƯ GỬI CÁC SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁONHÂN DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN BÍNH THÂN - 2016
Các con rất thân mến,
Trong bầu khí hân hoan của ngày Tết Dân Tộc, Cha vui mừng gửi đến các con lời cầu chúc đầy yêu thương. Xin Thiên Chúa ban cho các con mọi điều may lành trong suốt năm Bính Thân và được hưởng dồi dào sự an bình, niềm vui trong tình nghĩa đầm ấm gia đình, bên ông bà, cha mẹ và người thân. Nhân dịp này Cha cũng muốn chia sẻ với các con đôi điều tâm sự.
Gần đến ngày Tết, cuộc sống trở nên tấp nập và nhộn nhịp khác thường. Các khu phố và nhà ở được trang hoàng đẹp đẽ, tạo nên một môi trường và bầu khí rất vui tươi, làm phấn khởi lòng người. Nhưng đàng sau những quang cảnh tráng lệ đó, đâu đó vẫn còn những mảnh đời lầm than cơ cực. Biết bao người không dám nghĩ đến Tết vì sầu buồn trong hoàn cảnh nghèo đói; nhiều anh chị em đi học hoặc đi làm xa đang ủ rũ không dám về gia đình ăn Tết, vì không đủ tiền mua vé xe hay mua quà Tết; nhiều bậc cha mẹ đang buồn phiền vì không lo được một bữa ăn Tết cho con cái và không có tiền lì xì cho chúng; trên các vỉa hè đường phố, có các em bé mồ côi đang lang thang bán vé số hay ngửa tay xin của bố thí... Những hoàn cảnh thê lương tương tự kể sao cho cùng! Những con người đau khổ đếm sao cho hết! Tết năm nay, Cha thấy thương cảm đặc biệt với những người cô đơn.
Có những cụ già sống lẻ loi, buồn tủi ở những góc phố hay trong túp lều nơi thôn quê hẻo lánh, nhưng cũng có những người cô đơn dù ở giữa đám đông, chẳng hạn những anh chị em di dân ở nơi xa lạ, gặp nhiều khó khăn, không biết cậy nhờ ai, hay những gia đình sống trong các tòa nhà cao ốc, cả năm đi ngang qua nhau mà không một lời chào hay có khi còn sợ sệt, tránh mặt... Đây là thứ cô đơn mới của thời đại tân tiến. Các con có cảm thông được nỗi đau khổ day dứt của những người này không? Các sách Tin Mừng nhiều lần nhận xét là Chúa chạnh lòng thương khi thấy người ta đau khổ (x. Mt 9,35-38; Mt 14,13-14; Mt 15,32; Mc 1,40-41; Mc 8,1-3; Lc 7,11-16; Lc 10,33-36).
Dù các con là những người may mắn, có mái ấm gia đình, có tình thương yêu của cha mẹ, hay các con có bị rơi vào những hoàn cảnh khó khăn, các con vẫn có thể bắt chước Chúa Giêsu: “Chạnh lòng thương” đối với những người xấu số và tìm cách đem đến cho họ một niềm vui. Trên mạng, Cha đọc được câu chuyện của cậu bé Uudam 12 tuổi người Mông Cổ, tham dự cuộc thi tài năng.
Uudam đã mất mẹ trong một tai nạn xe hơi năm cậu lên 9 tuổi. Năm 11 tuổi, bất hạnh lại xảy đến với Uudam một lần nữa khi cha cậu bị chết cũng vì tai nạn xe hơi.
Khi được hỏi về giấc mơ, Uudam trả lời: “Giấc mơ của cháu là phát minh ra một loại mực mà khi đổ xuống đất nó sẽ biến cả trái đất thành đồng cỏ xanh tươi”.
Khi Uudam hát xong, một giám khảo đã nhận xét: “Bài hát này chính là loại mực đặc biệt có thể biến những chốn phiền muộn thành thảo nguyên xanh tươi và mọi người sẽ sống trong hạnh phúc”. Giám khảo thứ hai thì nói: “Cháu có khả năng đưa lời hát vào tim khiến cho mọi người đều xúc động khi nghe cháu hát. Chú nghĩ cháu nên tiếp tục ca hát để cái khí chất đó làm rung động lòng người”.
Nếu các con biết “chạnh lòng thương” như Chúa Giêsu, các con sẽ phát minh được “loại mực mà khi đổ xuống đất nó sẽ biến cả trái đất thành đồng cỏ xanh tươi” và làm cho tâm hồn nhiều người đau khổ được hạnh phúc.
Tiếp theo, Cha muốn tâm sự với các con về tình nghĩa gia đình. Tầm quan trọng của gia đình đối với cá nhân và xã hội ở đâu cũng được công nhận. Nhưng có lẽ không đâu gia đình được coi trọng và được xem như khuôn mẫu cho xã hội như tại quê hương Việt Nam chúng ta. Khi gặp một người dù chẳng quen biết, bằng cỡ tuổi cha mẹ mình, người Việt Nam gọi là “chú”, “bác”, “cô”... và xưng là “cháu”, hay một người cỡ tuổi mình thì gọi là “anh”, “chị”, “em”. Gia đình đúng là khuôn mẫu cho các mối tương quan trong xã hội.
Tuy nhiên, ngay chính tại quê hương Việt Nam chúng ta hôm nay, nhiều gia đình đang gặp khó khăn và có nguy cơ tan vỡ. Chính vì vậy, các giáo xứ, các hội đoàn, các Trung tâm Mục vụ đang nỗ lực tổ chức các khóa học, các chương trình để trợ lực cho các đôi hôn nhân gìn giữ sự bình an và hạnh phúc trong gia đình. Là sinh viên, học sinh Công giáo, các con phải là chất xúc tác cho hạnh phúc gia đình nếu các con biết khắc ghi trong lòng tình yêu của cha, của mẹ. Nhiều câu ca dao và nhiều bài hát trong truyền thống văn hóa và tôn giáo đã góp phần gìn giữ hạnh phúc gia đình qua việc nhắc nhớ và nuôi dưỡng tình yêu giữa cha mẹ, con cái qua bao thế hệ. Trong các bài hát, Cha nhớ đặc biệt bài hát “Lòng mẹ” của Y Vân và các bài hát “Cầu cho Cha Mẹ” của Phanxicô. Ở đây, Cha muốn trích lại một phần câu chuyện “Lá thư của Bố” là bài làm trong lớp của một em tên Tùng về đề tài ”Hãy kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em”. Câu chuyện cho thấy bầu khí của một gia đình nghèo, nhưng hết sức hạnh phúc nhờ tình yêu của người cha rót vào lòng và in đậm trong tâm khảm của đứa con:
“Kỉ niệm sâu sắc nhất của em là khi nhận được thư của ba em. Nhà em nghèo lắm nhưng ba má em cho ra ngoài phố học để sau này em có thể làm điều gì đó tốt đẹp hơn. Cho em ra phố, ngoài việc phải kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải chuyện học hành của em, ba em còn phải làm những việc mà khi ở nhà em có thể đỡ đần cho gia đình. Chưa bao giờ ba má viết gì cho em cả. Hồi em còn ở nhà, mỗi khi cần thư về quê đều do tay em viết…”.
Thầy ngừng đọc nhìn cả lớp và nói: “Các em, thầy sẽ chép lại nguyên văn lá thư của ba bạn Tùng lên bảng cho chúng ta cùng đọc”. Tất cả chúng tôi hồi hộp tò mò đọc từng chữ hiện ra dưới tay thầy:
“Con iu thươn của ba. Chìu hôm qua ba kiu người báng con heo để có tiềng gưởi cho con con nhớ nhà khôn? Cả nhà nhớ con nhìu lắm cố họch nge con chừn nào mùa màn song ba má xẻ ra thăm con”.
Lá thứ vỏn vẹn 45 chữ. Khi thầy quay lại thì Tùng đã úp mặt xuống bàn, hai vai run run. Mắt thầy cũng đỏ hoe. Cả lớp im phăng phắc trước lá thư đầy lỗi chính tả trên bảng, lá thư yêu thương và đầy cảm xúc của một người cha vốn chỉ quen với cày cuốc lần đầu tiên cầm bút viết thư cho con.
Những ngày Xuân là cơ hội thuận tiện để các con cảm nghiệm và hâm nóng tình yêu gia đình, thứ tình yêu biết hy sinh, chứ không phải là thứ thú vui đem lại thỏa mãn, kéo theo sự chán chường.
Cuối cùng, Cha xin các con chuyển đến cha mẹ, ông bà, anh chị em, quý Cha Xứ, Cha Phó và quý Thầy Cô của các con lời chúc Tết của Cha: Xin cho mọi người luôn an vui, năm mới Bính Thân được Chúa chúc lành và được Đức Mẹ che chở trong bàn tay Hiền Mẫu của Ngài.
Với lòng quý mến, Cha thân ái chào tất cả các con.
Ngày 02 tháng 02  năm 2016
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Phó Gp Xuân Lộc
Chủ tịch Ủy Ban Giáo dục Công Giáo
(Nguồn: WHĐ)