Ramadan (tiếng Ả Rập: رمضان, Ramaḍān) là tên gọi tháng thứ 9 của âm lịch Ả Rập, kéo dài 29 hay 30 ngày. Ramadan năm 2011 kéo dài 30 ngày, bắt đầu vào ngày 1 tháng 8 và kết thúc vào ngày 30 tháng 8.
Nhiều người gọi Ramadan một cách đơn giản là “tháng nhịn ăn” hoặc “tháng ăn chay”, nhưng cả hai cách gọi đó đều không đúng, tên gọi tháng Ramadan cho là chính xác.
Trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc... nghĩa là không được đưa bất kể thứ gì vào miệng (kể cả không sinh hoạt tình dục), nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày – cụ thể là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn mà thôi.
Luật của đạo cũng quy định rõ: Cho những người đang ốm, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi và những người đang đi du lịch ở nước ngoài mà nước này không lấy đạo Hồi làm quốc giáo, được miễn trừ.
Tại một số quốc gia theo đạo Hồi còn có quy định: Đối với học sinh nhỏ tuổi, binh lính và công nhân lao động nặng thì không phải nhịn.
Ý nghĩa
Khi chuẩn bị bước vào tháng Ramadan, báo chí các nước Ả Rập cũng như các nước theo đạo Hồi, đều có những bài viết nói rõ ý nghĩa của từng quy định nói trên. Thứ nhất, nhịn ăn uống là để có sự thông cảm với những người nghèo đói, những đồng đạo còn chưa đủ ăn, đủ mặc.
Thứ hai, hành động này nhằm luyện cho con người một sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất, để tạo thuận lợi cho việc sau này lên thiên đàng. Về điểm này, đây là có một sự rèn luyện rất kiên cường. Tại các nước Ả Rập, nước nào cũng có sa mạc; và thời tiết của xứ sa mạc thì nóng, khô... Nhưng suốt một ngày trong tháng Ramadan, không ai được động đến một giọt nước.
Các ngày trong tháng Ramadan được phân ra theo mức độ như sau: từ 1-10 Ramadan được coi là những ngày cầu nguyện để được "sự nhân từ của Allah", từ 11-20 Ramadan được coi là những ngày "Allah xoá tội", từ 20-30 Ramadan được coi là những ngày cầu nguyện để "khỏi bị sa Hoả Ngục".
Các nước Hồi giáo đều là “xứ sở uống trà” nhưng đến các cơ quan làm việc trong tháng Ramadan, không có một chén trà mời khách, thậm chí một ngụm nước lọc cũng không có!
Mỗi buổi chiều trong suốt cả tháng Ramadan này, ở các phường trong thủ đô và các TP lớn, đều tổ chức những bữa ăn từ thiện. Bàn ghế được kê thành từng dãy tại vườn hoa hoặc những vỉa hè rộng.
Khoảng 17 giờ, những người nghèo mang theo cả con cái đến những tụ điểm này, ngồi vào bàn một cách rất trật tự. Mặc dù đã nhịn ăn, nhịn uống cả ngày, trước mặt lại là những hộp thức ăn đang tỏa mùi thơm và những ly nước lạnh rót sẵn, nhưng không một ai động đến, có người còn lẩm nhẩm đọc kinh Coran. Chỉ đến khi tiếng loa từ các giáo đường vang lên, đọc xong câu nguyện ở điều 1, mọi người mới bắt đầu ăn uống. Các gia đình khá giả thì tổ chức ăn ở nhà một cách linh đình.
Một thống kê của nhà nước Ai Cập cho biết trong tháng Ramadan, lượng thực phẩm tiêu thụ trong dân thường gấp 2 hoặc 2,5 lần các tháng khác trong năm.
Sau khi ăn uống, mọi người đi chơi, hoặc ra vườn hoa ngồi nói chuyện râm ran. Phải thật khuya, mọi người mới về nhà nằm nghỉ.
Khoảng 2 giờ - 3 giờ sáng, mỗi phố lại có một người mang một cái trống nhỏ, tiếng rất đanh, vừa đi thong thả vừa đánh theo nhịp ngũ liên, vừa hô to để đánh thức mọi người dậy lo nấu nướng, kịp ăn uống trước khi mặt trời mọc để sang một ngày nhịn mới.
Ramadan - Một trong năm tín điều bắt buộc
Tháng Ramadan là một trong 5 tín điều bắt buộc của những người theo đạo Hồi. Năm tín điều đó là:
Một, phải đọc to hoặc nhẩm trong miệng câu sau đây mỗi khi bắt đầu làm lễ: “Không có thánh thần nào khác ngoài Chúa Allah và Mohamed là Thiên sứ của Người” (LA ELAHA ILLA-ALLAH, MOHAMMADAN RASUL-ALLAH).
Hai, năm lần đọc câu trên cũng chính là 5 lần hành lễ trong ngày vào những thời điểm đã được quy định: Sáng sớm trước khi mặt trời mọc, trước lúc giữa trưa, lúc giữa buổi chiều, lúc mặt trời vừa lặn và buổi tối trước khi đi ngủ.
Ba, đóng góp tiền từ thiện (tiếng Ả Rập gọi là Zakat). Trước kia, có những giáo chức đi thu để chia lại cho người nghèo. Nay nghĩa vụ này để tùy sự hảo tâm tự giác của tín đồ và thông thường mọi người đóng góp vào ngày cuối của tháng Ramadan.
Bốn, thực hiện những quy định trong 30 ngày của tháng Ramadan.
Năm, hành hương đến thánh địa Mecca ở Ả Rập Saudi. Mỗi tín đồ Hồi giáo có nghĩa vụ cố gắng để trong đời mình có ít nhất một lần hành hương đến Mecca (và cũng chỉ những người theo đạo mới được phép đến đó).
10 điều có thể bạn chưa biết về tháng ăn chay Ramadan của các tín đồ Hồi giáo
Thường thì mọi người hay gọi tháng Ramadan (tháng 9 âm lịch của người Ả-rập) là tháng ăn chay. Tuy nhiên cách gọi này không chính xác bởi vì họ không chỉ ăn chay mà còn không uống nước (từ khi mặt trời mọc tới lúc mặt trời lặn), không hút thuốc, không quan hệ tình dục…
1. Đây không chỉ là tháng ăn chay
Thường thì mọi người hay gọi tháng Ramadan (tháng 9 âm lịch của người Ả-rập) là tháng ăn chay. Tuy nhiên cách gọi này không chính xác bởi vì họ không chỉ ăn chay mà còn không uống nước (từ khi mặt trời mọc tới lúc mặt trời lặn), không hút thuốc, không quan hệ tình dục… Tuy ít ăn uống nhưng không vì thế mà người theo đạo Hồi ít hoạt động hơn trong tháng này. Trái lại, đây là tháng có khá nhiều hội hè và các hoạt động tinh thần. Bạn bè cũng thường thăm viếng và ăn uống cùng nhau sau khi mặt trời lặn.
2. Quả chà là là loại thức ăn thường được ăn nhiều nhất trong tháng này
Quả chà là (date) là loại thức ăn truyền thống của người Ả-rập cùng với jallab (thức uống pha chế từ chà là, nước hoa hồng, hạt carob) là những thức ăn được ưa chuộng trong tháng Ramadan.
3. Người theo đạo Hồi có xu hướng đặt tên cho con là Ramadan
Để thể hiện tôn giáo của mình, người theo đạo Thiên Chúa thường dùng tên thánh để đặt tên cho con. Vào thập niên 1990s, người theo đạo Hồi cũng thường sử dụng từ Ramadan để đặt tên cho con. Xu hướng này tới cuối thập niên 1990s đã bị giảm sút nhưng theo thống kê thì lại quay trở lại bắt đầu vào năm 2005.
4. Thủ thuật né tránh ăn kiêng
Theo luật lệ của người Hồi giáo, trong tháng Ramadan những người theo đạo Hồi không được ăn uống từ lúc mặt trời mọc tới lúc mặt trời lặn để luyện tập khả năng chịu đựng đồng thời chia sẻ sự kham khổ với đồng đạo của mình. Tuy nhiên, theo kinh Quran thì những người ốm, trẻ con, người đang đi du lịch, người có bầu, người cho con bú có thể không tuân theo luật lệ này nếu như việc ăn kiêng có hại cho sức khỏe. Trong những trường hợp này, kinh Quran khuyên răn rằng những người đã trót ăn uống khi có mặt trời trong tháng Ramadan cần ăn uống chay tịnh vào những ngày khác để bù lại cho những ngày họ đã trót phá luật.
5. Người theo dòng Sunny và theo dòng Shiites bắt đầu ăn trở lại vào các giờ khác nhau
Người Sunny cho rằng chỉ cần khi họ không còn nhìn thấy mặt trời (mặt trời xuống dưới đường chân trời) mà cho dù vẫn còn sáng thì có thể bắt đầu ăn uống trở lại được. Trong khi đó, người Shiites cho rằng khi không còn bất cứ một tia sáng nào của mặt trời (trời tối hẳn) thì họ mới được ăn uống trở lại.
6. Tháng Ramadan không cố định theo dương lịch
Tháng Ramadan năm nay bắt đầu vào 1/8/2011 nhưng không có nghĩa sang năm hoặc năm trước tháng này cũng sẽ bắt đầu vào ngày 1/8. Người Ả-rập sử dụng âm lịch riêng của mình và tháng Ramadan sẽ bắt đầu vào tiết hilan – từ chỉ trăng non – tức là vào đầu tháng 9 âm lịch của người Ả-rập. Trong tháng này, ở mỗi một địa phương sẽ có các hoạt động tôn giáo khác nhau diễn ra, tuy nhiên ngày 27 tháng 9 âm lịch thường là ngày có lễ hội lớn của người theo đạo Hồi ở khắp nơi trên thế giới.
7. Ramadan là cơ hội để các hãng truyền hình kiếm tiền
Các hãng truyền hình thường chờ tháng Ramadan để tung ra các series phim truyền hình 30 tập chiếu vào buổi đêm trong tháng Ramadan, lúc mà các gia đình theo đạo Hồi thường thức khuya hơn để ăn uống. Tuy nhiên, năm nay doanh thu của các hãng được dự đoán sẽ sụt tới 35% do sự ảnh hưởng của phong trào nổi dậy Ả-rập (Arab Spring).
8. Tục lệ ăn chay đã xuất hiện cả trước khi có đạo Hồi
Việc ăn chay đã được tìm thấy trong kinh Cựu Ước và cả các văn bản cổ của người Do Thái. Trong kinh Tân Ước, chúa Jesus cũng đã thực hiện nghi lễ nhịn ăn kéo dài 40 ngày. Tuy vậy, nghi lễ truyền thống cổ xưa này đã được biến đổi khi tới với đạo Hồi: họ được ăn nhưng chỉ được ăn khi mặt trời không chiếu sáng mà thôi.
9. Ramadan không giúp người ta giảm cân mà trái lại: tăng cân khủng khiếp
Việc ăn uống thất thường ít hoạt động cố gắng ăn thật nhiều vào buổi đêm để dành sức cho cả ngày không ăn uống khiến những người theo đạo Hồi có thể tăng cân nhanh chóng vào tháng Ramadan. Để giữ sức khỏe trong tháng này, những người theo đạo Hồi được khuyên rằng nên uống nhiều nước khi được phép, ăn nhiều hoa quả, không ăn đêm nhiều mà nên dậy sớm (trước bình minh) để ăn sáng.
10. Ramadan là tháng người theo đạo Hồi làm từ thiện rất nhiều
Đây là tháng mà những người theo đạo Hồi tập trung làm từ thiện. Các thánh đường Hồi giáo cũng phát bữa ăn đêm miễn phí cho người nghèo. Trước tháng này, những người giàu có cũng thường phát cho người nghèo các túi thức ăn cơ bản bao gồm trà, đường, dầu và gạo.
(Nguồn: Internet)