Tôi đặt tên cho tập nhỏ này là “Hồi ký của một nhân chứng” vì đây không phải là nhật ký mà tôi đã viết từ lâu – tôi chưa bao giờ viết nhật ký – nhưng là hồi ký, nghĩa là chỉ mới cách đây chừng ba tuần (tháng 01/2007) tôi mới ngồi nhớ lại và ghi lại những gì đã xảy ra từ rất lâu. Ghi lại những sự kiện đã xẩy ra cách đây mấy chục năm có nguy cơ sẽ không hoàn toàn chính xác 100%, nhưng tôi dám nói rằng những gì tôi kể lại bây giờ cơ bản là những sự kiện có thật, đã xảy ra trong thực tế, chứ không phải chuyện ngụy tạo. Tôi cũng viết tập hồi ký này, không phải như một người ngoài cuộc, bàng quan, hay nghe người khác thuật lại, nhưng như một nhân chứng, một người sống trong các biến cố, cảm nghiệm các biến cố và có thể nói là ‘nạn nhân’ và là một phần của các biến cố lịch sử!
HỒI KÝ CỦA MỘT NHÂN CHỨNG (1953-2007)
Lm Giuse Nguyễn Đức Hòa OP
Lời Nói Đầu
Thế là đã 54 năm, hơn nửa thế kỷ sống trong Dòng Đaminh, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn về đời tu, bao nhiêu kinh nghiệm trong cuộc sống, chứng kiến những thăng trầm thịnh suy của dòng Đaminh tại Việt Nam, từ những bước chân đầu tiên ngơ ngác bước vào trường Đệ tử Saint Thomas Nam Định cuối tháng 8/1953, cho tới hôm nay trở thành hàng ‘lão làng’ trong Tỉnh dòng, một quãng đời đầy ắp những biến cố, những sự kiện vẫn còn rất nóng bỏng trong ký ức tôi. Biến cố, sự kiện, kỷ niệm, kinh nghiệm thì nhiều lắm, có muốn ghi lại cũng không thể ghi hết được, có muốn nhớ lại có lẽ cũng không thể nhớ hết được. Nhưng tôi nghĩ có thể tóm tắt tất cả biến cố, sự kiện, kỷ niệm và kinh nghiệm trong một câu ngắn gọn: Con đường lòng vòng của Chúa, con đường hồng ân. Quả thật con đường ơn gọi không bao giờ là con đường thẳng tắp như một xa lộ hiện đại, nhưng nó luôn lòng vòng, nhiều khi bị đứt quãng, mất hút, thậm chí có vẻ như bế tắc không lối thoát. Nhưng sau khi đã đi gần hết hành trình đời tu, nhìn lại người ta mới thấy bàn tay của Thiên Chúa luôn nâng đỡ hướng dẫn họ, luôn đồng hành với họ trong mọi tình huống của cuộc đời.
Tôi nhớ đến một câu chuyện kể rằng, một buổi chiều nọ Chúa Kitô và một chàng thanh niên đi bách bộ trên bãi biển, vừa đi vừa tâm sự với nhau. Nhìn xuống bãi biển, chàng thanh niên luôn luôn thấy bốn dấu chân in trên cát, hai dấu chân của Chúa và hai dấu chân của anh ta. Rồi có lúc anh chỉ còn thấy hai dấu chân trên cát, và anh nghiệm thấy rằng chính lúc đó là lúc anh phải đối đầu với nhiều cám dỗ ngặt nghèo. Chàng thanh niên thắc mắc hỏi Chúa: “Từ nãy đến giờ Chúa ở đâu, sao con chỉ thấy hai dấu chân của con trên cát?” Chúa âu yếm trả lời: “Thì Cha vẫn ở bên con chứ đâu. Hai dấu chân trên cát không phải là dấu chân của con, nhưng là dấu chân của Cha.” Chàng thanh niên hỏi tiếp: “Vậy lúc ấy con ở đâu?” – “Con ngồi trên vai Cha nè.” Tôi đặt tên cho tập nhỏ này là “Hồi ký của một nhân chứng” vì đây không phải là nhật ký mà tôi đã viết từ lâu – tôi chưa bao giờ viết nhật ký – nhưng là hồi ký, nghĩa là chỉ mới cách đây chừng ba tuần (tháng 01/2007) tôi mới ngồi nhớ lại và ghi lại những gì đã xảy ra từ rất lâu. Ghi lại những sự kiện đã xẩy ra cách đây mấy chục năm có nguy cơ sẽ không hoàn toàn chính xác 100%, nhưng tôi dám nói rằng những gì tôi kể lại bây giờ cơ bản là những sự kiện có thật, đã xảy ra trong thực tế, chứ không phải chuyện ngụy tạo. Tôi cũng viết tập hồi ký này, không phải như một người ngoài cuộc, bàng quan, hay nghe người khác thuật lại, nhưng như một nhân chứng, một người sống trong các biến cố, cảm nghiệm các biến cố và có thể nói là ‘nạn nhân’ và là một phần của các biến cố lịch sử! Tôi chỉ tiếc một điều là tôi viết tập hồi ký này hơi trễ, lẽ ra tôi đã phải viết sớm hơn khi mà các cha anh là bậc thầy của tôi còn sinh thời như cha Triết, cha Miên, cha Joachim Liêm để có thể nhờ các ngài xác minh, phối kiểm mức độ trung thực của nó.
Nhà thờ GX Đa Minh Ba Chuông |
Thực ra, cũng chỉ tình cờ mà tôi nảy ra ý nghĩ viết tập hồi ký này. Đó là sau khi Ban Chuẩn bị mừng Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Tỉnh dòng Đaminh Việt Nam ra đời, mà tôi được chỉ định làm trưởng ban. Trong buổi họp đầu tiên của Ban Chuẩn bị, cha Giám tỉnh Nguyễn Cao Luật nói rằng lẽ ra đến năm kỷ niệm 50 năm thì mới mừng, nhưng nếu chờ thêm 10 năm nữa thì có thể một số cha anh cao tuổi sẽ không còn, và như vậy nếu không có ai ghi lại những biến cố, sự kiện ‘sống’ của Tỉnh dòng ngày xưa thì các thế hệ sau này sẽ không biết gì về đời sống của các cha anh đi trước. (Dĩ nhiên các cha Bùi Đức Sinh, cha Đào Trung Hiệu và các sử gia đã có ghi lại các biến cố của Tỉnh dòng, nhưng với tư cách là sử gia). Từ gợi ý này của cha Giám tỉnh, tôi quyết định ghi lại những gì mình đã thấy, đã sống và cảm nhận trong những năm sống trong dòng, như một đóng góp nho nhỏ cho dịp mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Tỉnh dòng. Rất mong nhận được những bổ sung, nếu có, từ các anh em đồng thời như cha Từ (USA), các cha Quang, Bảo, Lự (Canada) và cha Túy (Martinô).