Cha Roberto Busa |
“Hỡi bạn đọc, hãy ngừng lại, cha Busa đã qua đời. Nếu bạn lướt Internet, bạn mắc nợ ngài. Nếu bạn sử dụng máy tính để viết email và các văn bản, bạn mắc nợ ngài. Và nếu bạn đọc được bài viết này, bạn mắc nợ ngài. Chúng ta mắc nợ ngài”.
Hiếm khi xảy ra - thực tế là chẳng bao giờ xảy ra - việc một nhà báo được hẹn gặp lần sau ở Thiên đàng khi kết thúc cuộc phỏng vấn. Nhưng điều đó đã xảy ra với tôi ngày 28 tháng 9 năm ngoái. “Cha nghĩ Thiên đàng giống như điều gì?” là câu hỏi cuối cùng tôi hỏi cha Roberto Busa, Dòng Tên, người phát minh ra ngôn ngữ máy tính. Cha trả lời: “Giống như trái tim của Thiên Chúa: thật bao la”. Sau đó, ngài nói thêm: “Này, tôi sẽ đợi ông ở Thiên đàng”. Rồi cha quay sang nhiếp ảnh gia Maurizio Don: “Ông cũng vậy, Nếu ông đến sau, tôi hy vọng thế, ông sẽ thấy tôi ngồi ở cổng, như thế này”, cha nắm chặt hai bàn tay và xoay xoay hai ngón tay cái, “Liệu mấy anh chàng ấy có đến không nhỉ?....”
Lúc 10g tối thứ Ba, 09 tháng Tám 2011, cha Busa đã có mặt ở cổng Thiên đàng chờ chúng ta. Hẳn ngài sẽ nói, “Đừng vội” với phong cách niềm nở của người Venezia. Ngài sinh ở Vicenza, cha mẹ ngài từ Lusiana, Asiago đến và cụ thể là từ khu Busa, do đó mới có tên họ là Busa. Một học giả lỗi lạc, người biên soạn Bản chỉ mục thánh Thomas đã chết vì tuổi già tại Aloisianum, Viện Gallarate (Varese), nơi cha đã sống từ những năm 60 cùng với các vị Viện trưởng của Dòng Tên, trong đó có Hồng y Maria Martini, người bạn đàm đạo của cha. Cha Busa là giáo sư trong nhiều năm tại Đại học Giáo hoàng Gregorian, và Cattolica, cũng như tại Đại học Bách khoa Milan từ 1995-2000, nơi cha dạy các khóa học về trí thông minh nhân tạo và robot. Nghiên cứu của cha dẫn đến việc thành lập giải thưởng Roberto Busa, danh dự cao nhất trong lĩnh vực này. Vào ngày 28 tháng Mười Một sắp tới cha sẽ tròn 98 tuổi.
Khi Alexander Fleming, người phát hiện ra penicillin, qua đời vào năm 1955, một tờ nhật báo ở Milan đã chạy dòng tít “Hỡi bạn đọc, hãy ngừng lại! Fleming đã chết. Có thể bạn cũng mắc nợ ông về cuộc sống”. Ngày nay cũng có thể nói một câu tương tự như thế với những ai đang ngồi trước máy tính. Nếu như có một sự thánh thiện kỹ thuật, tôi tin rằng tôi đã hân hạnh được gặp: sự thánh thiện ấy mang khuôn mặt của cha Busa. Vậy, là người đọc, bạn hãy quỳ xuống trước di hài của vị linh mục già này, vừa là nhà triết học, nhà ngôn ngữ học và là chuyên gia máy tính. Nếu bạn lướt internet, đó là nhờ ngài. Nếu bạn nhảy từ trang web này sang trang khác, bằng cách nhấp vào các liên kết được đánh dấu màu xanh, đó là nhờ ngài. Nếu bạn sử dụng một máy tính để viết email và các văn bản, đó là nhờ ngài. Nếu bạn đọc được bài viết này, đó là nhờ ngài.
Ban đầu máy tính được chế tạo chỉ để tính toán, do đó nó được gọi là máy tính. Nhưng cha Busa đã đưa các từ ngữ vào máy tính. Đó là năm 1949. Vị linh mục Dòng Tên đã nghĩ đến việc dùng máy tính để phân tích toàn bộ công trình của Thánh Thomas: một triệu rưỡi dòng, 9 triệu từ (so với chỉ 100.000 của Divine Comedy – Thần khúc, kiệt tác của thi hào Dante). Cha đã biên soạn 10.000 tấm thẻ chỉ mục bằng tay, chỉ dành cho việc kiểm kê giới từ “trong” - mà cha cho là quan trọng theo quan điểm triết học. Cha tìm cách kết nối các đoạn tư tưởng rời của Aquinas với các nguồn khác.
Trong một chuyến đi đến Hoa Kỳ, cha Busa xin gặp Thomas Watson, người sáng lập IBM. “Ông trùm” tiếp cha trong văn phòng của ông ở New York. Lắng nghe yêu cầu của vị linh mục người Ý, Watson lắc đầu: “Không thể chế tạo được chiếc máy tính làm được điều cha yêu cầu đâu. Cha còn “người Mỹ” hơn cả chúng tôi!” Thế là cha Busa rút tấm danh thiếp trong túi ra, tấm danh thiếp mà cha thấy ở trên bàn giấy có ghi phương châm của IBM, “Hãy suy nghĩ”. Và câu này: “Điều khó chúng ta có thể làm được ngay, điều không thể thì lâu hơn một chút”. Cha thất vọng trả lại tấm danh thiếp cho Watson. Cha đã làm cho ông ta chạm tự ái, và chủ tịch của IBM trả lời: “Được, thưa cha. Chúng tôi sẽ cố gắng, nhưng với một điều kiện: cha phải hứa không đổi tên IBM, International Business Machines, thành International Busa Machines!”
Thách thức này giữa hai thiên tài đã khai sinh “siêu văn bản” – cấu trúc thông tin cho phép kết nối động giữa các văn bản với một cú nhấp chuột. Thuật ngữ “siêu văn bản” do Ted Nelson sáng chế vào năm 1965, để chỉ phần mềm có khả năng ghi nhớ lịch sử các thao tác của người dùng. Tuy nhiên, như tác giả của Literary Machines (tức Ted Nelson) thừa nhận, ý tưởng này đã có trước khi phát minh ra máy tính. Và như Antonio Zoppetti, chuyên gia về ngữ học và máy tính, minh chứng, chính cha Busa mới thực sự là người nghiên cứu về siêu văn bản ít nhất 15 năm trước Nelson.
Giữa Pisa, Boulder bang Colorado và Venezia, linh mục dòng Tên này đã cống hiến cuộc đời với một nỗ lực phi thường kéo dài gần nửa thế kỷ, đầu tư 1.800.000 giờ, khoảng thời gian làm việc bình thường của một người trong 1.000 năm. Ngày nay, các kết quả có sẵn trên đĩa CD và trong 56 quyển sách với tổng cộng 70.000 trang. Từ quyển đầu tiên xuất bản năm 1951, cha Busa đã lập danh mục tất cả các từ trong 118 cuốn sách của Thánh Thomas và 61 tác giả khác.
(Stefano Lorenzetto, Osservatore Romano,11-08-2011)
Minh Đức
(Nguồn: Website HĐGMVN)
(Nguồn: Website HĐGMVN)