Trước khi bước vào nội dung, chúng tôi có đôi lời giới thiệu về tập sách được ghi chú là “Bản văn Giáo lý dành cho Giáo Lý Viên và Người Trưởng Thành”.
Theo yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong khóa họp tháng 9 – 1993, một Tiểu Ban Giám Mục về Giáo Lý đã được thành lập với mục đích biên soạn một tài liệu giáo lý chung cho Giáo Hội Việt Nam, dựa trên nền tảng là Sách Giáo Lý Chung của Hội Thánh toàn cầu.
GIÁO LÝ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
BIÊN SOẠN CHO GIÁO DÂN VIỆT NAM
Trước khi bước vào nội dung, chúng tôi có đôi lời giới thiệu về tập sách được ghi chú là “Bản văn Giáo lý dành cho Giáo Lý Viên và Người Trưởng Thành”.
Theo yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong khóa họp tháng 9 – 1993, một Tiểu Ban Giám Mục về Giáo Lý đã được thành lập với mục đích biên soạn một tài liệu giáo lý chung cho Giáo Hội Việt Nam, dựa trên nền tảng là Sách Giáo Lý Chung của Hội Thánh toàn cầu.
Một năm sau đó, Tiểu Ban đã đệ trình bản lược đồ phác thảo để xin góp ý. Trên mười giáo phận đã góp ý kiến và dựa vào những ý kiến đóng góp, nay Tiểu Ban đã hoàn thành hai tài liệu:
1.Tài liệu căn bản: thủ bản tóm tắt nội dung chính yếu của giáo lý, được viết theo thể hỏi / đáp, cho dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thuộc.
2.Tài liệu ứng dụng vào việc đào tạo Giáo Lý Viên và Người Tín Hữu Trưởng Thành.
Như vậy cuốn sách nầy là một phần trong công việc chung của Tiểu Ban Giáo Lý, với mục đích cộng tác với các linh mục, tu sĩ trong việc đào tạo giáo lý viên; đồng thời giúp người tín hữu đào sâu đức tin của mình. Khi biên soạn cuốn sách này, chúng tôi theo sát lược đồ đã đề nghị, cũng là lược đồ Sách Giáo Lý Chung của Hội Thánh, vì nghĩ rằng như thế sẽ có nhiều thuận lợi cho người đọc:
- Người đọc có được cái nhìn chung và vững chắc về giáo lý Công Giáo, như Hội Thánh hôm nay mong muốn.
- Nếu cần, người đọc có thể tham khảo Sách Giáo Lý Chung cách dễ dàng để đào sâu vấn đề.
- Các giáo lý viên có thể dùng cuốn sách này làm tài liệu, giúp soạn giáo án khi dạy giáo lý (theo thủ bản chung).
Ở mỗi bài, chúng tôi cũng theo cách khai triển vấn đề trong Sách Giáo Lý Chung, nhưng tóm tắt lại và có thể sắp xếp lại cho sáng sủa và dễ hiểu hơn. Đồng thời ở phần cuối mỗi bài, chúng tôi đưa ra một vài gợi ý có tính mục vụ, nhằm mục đích đưa giáo lý vào đời sống cụ thể của người tín hữu. Ngoài ra, để trình bày giáo lý cho gần gũi với người tín hữu Việt Nam, trong một số bài, chúng tôi cũng thử khai triển vấn đề bằng cách liên hệ với những nét đặc trưng trong văn hóa dân tộc; cũng như có thêm một bài “Lược sử Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam”.
Mặc dù đã cố gắng, chúng tôi ý thức rất rõ về những giới hạn của mình. Vì thế, kính mong Quý Độc Giả vui lòng chỉ giáo thêm và góp ý sửa chữa bản văn, để công việc loan báo Tin Mừng đạt được kết quả tốt đẹp như Hội Thánh mong muốn.
NHÓM BIÊN SOẠN