Lễ hội Obon bắt nguồn từ một phong tục của người theo Phật giáo, là dịp để cầu nguyện cho linh hồn của tổ tiên. Trong những ngày này, người Nhật dù đang ở xa cũng tề tựu đông đủ thăm hỏi ông bà, cha mẹ và viếng mộ người thân. Lễ hội này đã có tại Nhật Bản hơn 500 năm và gắn liền với 1 điệu múa truyền thống gọi là Bon-Odori. Ở Việt Nam, chúng ta cũng có một ngày lễ hội tương tự là lễ Vu Lan (hay còn gọi là Lễ Xá tội Vong nhân). Đây là ngày lễ hội của cả nước Nhật và luôn mang đậm sắc màu linh thiêng, huyền bí.
Lễ hội Obon kéo dài 3 ngày nhưng ngày bắt đầu thường khác nhau ở từng vùng. Khi Âm lịch không còn được sử dụng vào đầu thời kỳ Meiji, mỗi địa phương đều có những quan điểm khác nhau và kết quả là có đến 3 thời điểm bắt đầu lễ hội Obon khác nhau trên toàn nước Nhật. “Shichigatsu Bon” (Lễ hội Obon vào tháng 7) là dựa theo Dương lịch và bắt đầu từ ngày 15/7 ở khu vực Tokyo, Yokohama và vùng Tohoku. “Kyu Bon” (Lễ hội Obon cũ) bắt đầu từ ngày thứ 15 của tháng thứ 7 Âm lịch. Kyu Bon tổ chức nhiều ở khu vực phía bắc vùng Kantō, Chūgoku, Shikoku và các đảo phía Tây Nam. “Hachigatsu Bon” cũng theo Dương lịch nhưng được tổ chức bắt đầu từ 15/8 Dương lịch. Đây là ngày phổ biến nhất và lễ hội Obon lớn nhất, quan trọng nhất cũng được tổ chức bắt đầu từ ngày này tại cố đô Kyoto.
Mang ý nghĩa là linh hồn của những người đã khuất sẽ quay trở lại nơi trần thế, nhiều hoạt động tín ngưỡng được người Nhật Bản tổ chức để kỷ niệm Lễ hội Obon này. Việt Nam ta có tục đốt vàng mã để dâng cúng đến ông bà tổ tiên và những người đã khuất vào ngày lễ Vu Lan, thì ở Nhật Bản phong tục này cũng gần như vậy. Đồ cúng của các gia đình Nhật Bản là những chiếc bánh khảo, làm từ bột gạo nhiều màu sắc cùng với những giỏ hoa quả gồm nhiều chủng loại được trình bày rất đẹp mắt trên bàn thờ gọi là Obon-dana hoặc Tama-dana.
Vũ điệu Bon-Odori là một trong những đặc trưng không thể không nhắc đến. Tương truyền vũ điệu này bắt nguồn từ câu chuyện về Phật tử Mokuren. Vì quá tưởng nhớ người mẹ quá cố, ông đã dùng phép thần thông tìm mẹ khắp trên trời dưới đất và cuối cùng nhìn thấy bà đang phải chịu cảnh đói khổ dưới địa ngục do những nghiệp ác, ích kỷ mà bà đã làm. Ông đến bên Phật Tổ để cầu xin. Người chỉ dạy ông nhờ hợp lực của các vị chư tăng từ khắp nơi cúng bái. Ngày rằm tháng 7 là ngày các vị chư tăng kết thúc đợt tu luyện trong mùa hè, đó chính là ngày thích hợp để ông cúng bái cứu mẹ. nhờ lời chỉ dạy đó, cuối cùng Mokuren đã cứu được mẹ mình khỏi cảnh đói khát nơi địa ngục. Không chỉ vậy, qua sự kiện này, ông còn nhìn thấu được cả tấm lòng và sự hy sinh mà lúc sinh thời mẹ ông đã dành cho ông. Và ông đã múa một vũ điệu tràn đầy vui sướng và lòng biết ơn. Vũ điệu này đã được truyền lại thành vũ điệu Bon-Odori hiện nay để tưởng nhớ, tri ân tổ tiên. Điệu nhảy Bon-Odori hiện nay đã phát triển thành rất nhiều phong cách khác nhau và ngay cả nhạc nền cũng tùy theo từng vùng. Kiểu truyền thống điển hình là các vũ công nhảy múa vòng tròn quanh một giàn gỗ gọi là Yakura, cũng là sân khấu nơi ca sĩ và nhạc công trình diển. Có kiểu nhảy khác, vũ công lại nhảy múa trên hàng thẳng. Có nơi vũ công cầm quạt khi nhảy múa và cũng có vũ công múa với những chiếc khắn đầy màu sắc gọi là Tenugui. Mỗi kiểu múa đều xuất phát từ lịch sử và đặc trưng riêng của từng vùng.
Ngoài ra còn có nghi lễ Tōrō nagashi, thả đèn lồng chōchin trên sông để báo hiệu thời khắc các linh hồn trở về thế giới bên kia. Đặc biệt nhất là Lễ dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất quay trở về trời (sau khi ghé về thăm trần thế trong dịp Obon) vào đêm 16 tháng 8. Những đám lửa lớn được sắp xếp theo hình dạng của các chữ Hán sẽ được đốt lên lần lượt ở trên 5 ngọn núi xung quanh Kyoto. Bắt đầu là ngọn núi chữ Đại (Daimonji), rồi đến Diệu (Myo), Pháp (Ho), Thuyền (Funagata), chữ Đại nhỏ ở đỉnh núi nhỏ hơn gọi là Hidari-Daimonji, gần với Chùa Vàng, và kết thúc bằng đám lửa có hình Torii, có nghĩa là Cổng lên trời. Mỗi đám lửa sẽ được thắp sáng trong vòng 30 phút theo thứ tự lần lượt kể trên. Trong khi dâng lửa, cả những người tham gia đốt lửa và những người đi xem đều gửi những lời cầu nguyện đến tổ tiên qua ánh sáng của ngọn lửa. Mặc dù có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc Lễ dâng lửa này, nhưng đa số cho rằng, phong tục này bắt đầu vào thời Muromachi (1336-1573).
(Nguồn: Internet)