MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Sứ Điệp Mùa Chay 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô


Sứ Điệp Mùa Chay 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô

“‘Ta muốn lòng thương xót, chứ không phải lễ tế’ (Mt 9,13)
Những công việc thương xót trong hành trình Năm Thánh”

1. Đức Maria, hình ảnh của một Giáo Hội loan báo Tin Mừng bởi vì Mẹ đã được loan báo Tin Mừng

Trong Tông chiếu Năm Thánh, tôi đã mời gọi làm sao để cho “Mùa Chay của Năm Thánh này được sống cách mãnh liệt hơn như là cao điểm để cử hành và cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa” (Misericordiae Vultus, số 17). Bằng việc nhắc nhớ lắng nghe Lời Chúa và sáng kiến “24 giờ cho Chúa”, tôi đã muốn nhấn mạnh tính trỗi vượt của việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, cách đặc biệt hơn là Lời có tính ngôn sứ. Chắc chắn, lòng thương xót của Thiên Chúa là một lời loan báo cho thế giới: thế nhưng, mỗi Kitô hữu được mời gọi cảm nghiệm điều đó cách cá nhân. Chính vì thế, trong Mùa Chay này, tôi sẽ gởi các Thừa sai của Lòng Thương Xót để họ là một dấu chỉ cụ thể cho mọi người về sự gần gũi và ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Bởi vì Mẹ đã đón nhận Tin Mừng được tổng lãnh thiên thần Gabriel loan báo, nên Đức Maria ca ngợi một cách ngôn sứ, trong bài ca Magnificat của mình, lòng thương xót qua đó Thiên Chúa đã chọn Mẹ. Như thế, Đức Trinh Nữ Nazareth, người được đính hôn với Giuse, trở thành hình ảnh hoàn hảo của Giáo Hội loan báo Tin Mừng vì Mẹ đã và đang được liên lỉ loan báo Tin Mừng bởi công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng đã làm cho cung lòng trinh nữ của Mẹ thụ thai. Trong truyền thống ngôn sứ – và trên bình diện tầm nguyên – lòng thương xót gắn liền cách chặt chẽ với lòng mẹ (rahamim) và với lòng nhân lành quảng đại, trung tín và trắc ẩn (hesed) vốn được thực thi trong mối tương quan vợ chồng và cha mẹ.

2. Giao ước của Thiên Chúa với loài người: một lịch sử của lòng thương xót

Mầu nhiệm của lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện trong suốt lịch sử của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài là Israel. Quả thế, Thiên Chúa luôn tỏ mình giàu lòng thương xót, sẵn sàng thông ban cho dân trong mọi hoàn cảnh sự từ ái và lòng trắc ẩn sâu xa, cách riêng trong những thời điểm bi kịch nhất, khi lòng bất trung phá vỡ mối liên hệ giao ước và giao ước đòi hỏi được thừa nhận một cách vững chắc hơn trong công lý và sự thật. Ở đây, chúng ta đang đứng trước một tấn kịch tình yêu thực sự trong đó Thiên Chúa đóng vai trò người cha và người chồng không được chung tình, và dân Israel đóng vai trò của người con và người vợ bất trung. Đó là những hình ảnh quen thuộc, như chúng ta thấy nơi Ô-sê (x. Ôs 1-2), mà diễn tả cho đến độ nào Thiên Chúa muốn kết giao với dân của Ngài.

Tấn kịch tình yêu này đạt tới tuyệt đỉnh trong Người Con đã làm người. Nơi Người Thiên Chúa tuôn đổ lòng thương xót vô bờ bến của Ngài, đến độ biến Người thành “Lòng Thương Xót nhập thể” (Misericordiae Vultus, số 8). Với tư cách là người, Chúa Giêsu Nazareth là con của dân Israel theo nghĩa tròn đầy nhất của từ. Ngài là thế đến độ thể hiện việc lắng nghe Thiên Chúa cách trọn hảo này vốn được đòi hỏi đối với mọi người Do thái qua kinh Shemà mà ngày nay vẫn còn là trọng tâm của giao ước của Thiên Chúa với dân Israel: “Nghe đây, hỡi Israel: Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi” (Đnl 6,4-5). Con Thiên Chúa là Hôn Phu, Đấng làm tất cả để chinh phục tình yêu của Hôn Thê của mình. Ngài kết giao với nàng bằng tình yêu vô điều kiện của mình được biểu lộ trong tiệc cưới vĩnh hằng với nàng.

Điều này làm nên con tim rung động của lời rao giảng Kérygma của các Tông đồ trong đó lòng thương xót của Thiên Chúa chiếm một chỗ trọng tâm và căn bản. Nó là “vẻ đẹp của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Chúa Giêsu-Kitô, Đấng đã chết và đã phục sinh” (Tông huấn Evangelii gaudium, số 36), lời loan báo tiên khởi này “mà ta phải luôn lắng nghe một lần nữa bằng những cách thức khác nhau, và ta phải luôn loan báo một lần nữa trong suốt việc huấn giáo” (Ibid., số 164). Như thế, lòng thương xót “minh họa lối ứng xử của Thiên Chúa đối với tội nhân, mang lại cho tội nhân một khả năng mới mẻ để sám hối, hoán cải và tin tưởng” (Misericordiae Vultus, số 21), và như thế thực sự khôi phục mối tương quan với Ngài. Trong Chúa Giêsu chịu đóng đinh, Thiên Chúa muốn nối kết lại với tội nhân cho đến chỗ lạc xa nhất của nó, chính nơi đâu nó đã lầm lạc và xa rời Ngài. Và điều này, Ngài thực hiện trong niềm hy vọng cuối cùng đạt tới chỗ chạm đến tâm hồn chai cứng của Hôn Thê của mình.

3. Những công việc của lòng thương xót

Lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi tâm hồn con người và làm cho con người cảm nghiệm một tình yêu trung tín vốn làm cho nó, đến lượt mình, có khả năng thương xót. Đó là một phép lạ cứ mỗi lần lòng thương xót của Thiên Chúa có thể được lan tỏa nơi cuộc sống của mỗi người chúng ta, khi thúc đẩy chúng ta yêu thương tha nhân và khơi lên điều mà truyền thống Giáo Hội gọi là những công việc thương xót thể xác và tinh thần. Chúng nhắc cho chúng ta rằng đức tin của chúng ta được thể hiện bằng những hành vi cụ thể và thường nhật, nhằm giúp đỡ tha nhân của chúng ta về mặt thể xác và tinh thần, và chúng ta được phán xét theo đó: cho ăn, viếng thăm, an ủi, giáo dục. Chính vì thế tôi đã mong muốn rằng “dân Kitô giáo cần suy nghĩ trong suốt Năm Thánh về những công việc thương xót thể xác và tinh thần. Đó sẽ là một cách thức thức tỉnh lương tâm chúng ta vốn thường ngủ mê trước bi kịch nghèo đói, và luôn thấm nhập hơn nữa trọng tâm của Tin Mừng, trong đó người nghèo là những người ưu tiên của lòng thương xót của Thiên Chúa” (Ibid., số 15). Quả thế, nơi người nghèo, thân xác của Chúa Kitô “một lần nữa trở nên hữu hình như là thân xác bị tra tấn, bị tổn thương, đánh đòn, đói khát, lầm lạc… để được chúng ta nhìn nhận, chạm đến và trợ giúp săn sóc” (Ibid.). Thật là mầu nhiệm lạ lùng và gây vấp phạm, vốn kéo dài trong Lịch sử sự đau khổ của Con Chiên vô tội, bụi gai cháy lửa bằng một tình yêu nhưng không, và đứng trước bụi gai đó, tiếp theo sau Môisê, chúng ta chỉ có thể cởi dép ra (x. Xh 3,5) ; và điều này còn hơn nữa khi người nghèo này là anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô đang đau khổ vì đức tin của mình.

Đối diện với tình yêu này, mãnh liệt như sự chết (x. Dc 8,6), người nghèo khốn khổ nhất là người không chấp nhận được nhìn nhận như thế. Họ nghĩ mình giàu có nhưng, trên thực tế, họ là người nghèo khổ nhất trong số những người nghèo khổ. Và nếu họ là như thế, thì đó là bởi vì họ là nô lệ cho tội lỗi vốn thúc đẩy họ sử dụng của cải và quyền lực không phải để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, nhưng để bóp ngạt nơi mình niềm xác tín sâu xa, cả họ nữa, không gì khác hơn là một người nghèo khổ hành khất. Quyền lực và của cải mà họ có càng nhiều, thì mối nguy càng to lớn là sự mù quáng này trở thành dối trá. Họ đi đến chỗ thậm chí không còn muốn nhìn thấy người nghèo Ladarô đang ăn xin ở cửa nhà mình (x. Lc 16, 20-21), hình ảnh của Chúa Kitô mà, nơi những người nghèo, đang xin sự hoán cải của chúng ta. Ladarô là cơ hội hoán cải chúng ta này mà Thiên Chúa ban cho chúng ta và có lẽ chúng ta không thấy. Sự mù quáng này được đi kèm với sự hoang tưởng cao ngạo về sự toàn năng, trong đó vang vọng lại, cách thê thảm, lời quỷ quái này: “ông bà sẽ trở nên như những vị thần” (Kn 3,5), vốn là cội rễ của mọi tội lỗi. Một sự hoang tưởng như thế cũng trở nên một hiện tượng xã hội và chính trị, như các chế độ cực quyền của thế kỷ XX đã cho thấy, và như cho thấy hiện nay bởi các ý thức hệ tư tưởng độc nhất và các ý thức hệ khoa học kỹ thuật mà có tham vọng giảm thiểu Thiên Chúa thành không đáng kể và con người thành đám quần chúng mà người ta có thể thao túng. Vào thời đại chúng ta, điều này cũng có thể được minh họa bằng những cơ cấu tội lỗi gắn liền với một mô hình phát triển sai lạc được xây dựng trên việc tôn thờ ngẫu tượng tiền bạc vốn làm cho những người và các xã hội giàu có nhất dửng dưng với số phận của người nghèo, đóng cửa nhà mình và thậm chí khước từ nhìn thấy họ.

Đối với mọi người, Mùa Chay của Năm Thánh này do đó là một thời gian thuận lợi cuối cùng cho phép đi ra khỏi sự tha hóa cuộc sống của chúng ta nhờ việc lắng nghe Lời Chúa và nhờ các công việc của lòng thương xót. Nếu xuyên qua những công việc thân xác chúng ta chạm đến thân xác của Chúa Kitô nơi các anh chị em của chúng ta vốn cần được cho ăn, cho mặc, cho trú ngụ, viếng thăm, thì những công việc tinh thần, về phần chúng, – khuyên nhủ, dạy dỗ, tha thứ, răn bảo, cầu nguyện – chạm đến cách trực tiếp hơn thân phận tội lỗi của chúng ta. Vì thế, những công việc thể xác và những công việc tinh thần không bao giờ được tách rời. Quả thế, chính khi chạm đến thân xác của Chúa Giêsu chịu đóng đinh nơi những người nghèo khổ nhất mà tội nhân có thể nhận được ân ban ý thức biết mình không gì khác hơn là một người nghèo khổ hành khất. Nhờ con đường này, “những người với tâm hồn cao ngạo”, “những kẻ quyền lực” và “những kẻ giàu có”, mà bài ca Magnificat nói đến, đều có khả năng nhìn nhận rằng cả họ nữa, họ được yêu thương cách bất xứng bởi Chúa Kitô chịu đóng đinh, cũng đã chết và phục sinh vì họ. Tình yêu này tạo nên câu trả lời duy nhất cho cơn khát hạnh phúc và tình yêu vô tận này mà con người sai lầm nghĩ rằng có thể đổ đầy nhờ các ngẫu tượng tri thức, quyền lực và của cải. Nhưng luôn luôn có mối nguy, vốn do một sự khép kín luôn luôn bí hiểm hơn đối với Chúa Kitô, Đấng mà nơi người nghèo tiếp tục gõ cửa tâm hồn họ, mà những người với tâm hồn cao ngạo, những người giàu có và quyền lực rốt cục buộc mình phải chìm đắm trong vực thẳm cô độc đời đời này là hỏa ngục. Chính như thế mà vang vọng một lần nữa, đối với họ cũng như đối với tất cả chúng ta, những lời tha thiết của Abraham: “Họ đã có Môisê và các Ngôn sứ, họ hãy lắng nghe các ngài!” (Lc 16,29) Việc lắng nghe và thực hành này sẽ chuẩn bị chúng ta tốt hơn để mừng cuộc chiến thắng chung cuộc trên tội lỗi và trên cái chết của Hôn Phu mà từ nay đã phục sinh, và ao ước thanh tẩy Hôn Thê tương lai của mình trong sự chờ đợi ngày trở lại của Ngài.

Chúng ta đừng để thời gian Mùa Chay thuận lợi cho việc hoán cải này trôi qua cách vô ích! Chúng ta cầu xin điều đó nhờ sự cầu bàu đầy tình hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, là người đầu tiên, đứng trước sự lớn lao của lòng thương xót của Thiên Chúa mà Mẹ đã lãnh nhận cách nhưng không, đã nhìn nhận sự hèn mọn của mình (x. Lc 1,48) khi nhìn nhận mình là Nữ Tỳ khiêm tốn của Chúa (x. Lc 1, 38).

Vatican, ngày 4 tháng 10 năm 2015
Lễ thánh Phanxicô Assidi

PHANXICÔ

Tý Linh chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp