MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

“Thế giới đừng sợ Trung Quốc” – Phỏng vấn Đức Giáo hoàng Phanxicô

Đức Phanxicô đã có bài phỏng vấn đầu tiên về Trung Quốc, vào ngày 28-01, với nhà báo Francesco Sisci của tờ Asia Times. Buổi phỏng vấn diễn ra tại một sảnh ở Vatican, dưới chân ảnh Đức Mẹ Tháo gỡ Nút Thắt.

Tôi thấy ngài cảm nhận được ngay và cố làm cho tôi dễ chịu. Ngài đã đúng. Tôi thực sự bồn chồn. Tôi đã dành nhiều giờ xem xét mọi chi tiết của các câu hỏi mà tôi sẽ đặt ra, và ngài muốn có thời gian suy nghĩ và xem xét. Tôi đã xin một cuộc phỏng vấn về các vấn đề văn hóa và triết lý trải rộng có liên quan đến Trung Quốc, nơi hơn 99% dân số không phải là người Công giáo.

Cuộc phỏng vấn này, có thể nói là một lời chúc lành của Đức Giáo hoàng cho Trung Quốc.

Sisci: Với cha, nước Trung Quốc thế nào? Khi còn là thanh niên, cha hình dung Trung Quốc thế nào, bởi với Argentina, Trung Quốc không phải ở phía Đông, nhưng là viễn Tây. Cha Matteo Ricci có ý nghĩa thế nào với cha?

Đức Giáo hoàng Phanxicô: Với tôi, Trung Quốc luôn là một điểm quy chiếu của sự cao đẹp. Một đất nước vĩ đại. Không chỉ là một quốc gia, nhưng còn là một nền văn hóa lớn, với sự khôn ngoan vô cùng. Khi còn là một cậu bé, bất kỳ lúc nào đọc cái gì về Trung Quốc, trong lòng tôi đều khơi lên một sự thán phục. Tôi mến mộ Trung Quốc. Về sau, nhìn vào cuộc đời của cha Matteo Ricci, tôi thấy con người này cũng cảm nhận đúng như tôi vậy, mến mộ, và tôi thấy được ngài có thể đi vào đối thoại với nền văn hóa lớn này, với sự khôn ngoan ngàn năm này. Ngài có thể ‘gặp gỡ’ nó.

Khi còn trẻ, mỗi khi nói về Trung Quốc, chúng tôi nghĩ về Vạn lý Trường thành. Còn lại thì không biết gì. Nhưng tôi ngày càng nhìn thấy nhiều hơn, tôi có một kinh nghiệm gặp gỡ rất khác, về thời gian và cách thức, với kinh nghiệm của cha Ricci. Tôi đã trải qua một điều mà tôi không ngờ đến. Kinh nghiệm của cha Ricci dạy cho chúng ta những gì cần thiết để đi vào đối thoại với Trung Quốc, bởi đất nước này là tích lũy của khôn ngoan và lịch sử. Đây là mảnh đất được phú ban cho nhiều thứ. Và Giáo hội Công giáo, với một trong các trách nhiệm của mình là tôn trọng mọi nền văn minh, cũng có trách nhiệm tôn trọng nền văn minh Trung Hoa, rất tôn trọng. Giáo hội có tiềm năng vô cùng trong việc đón nhận văn hóa.

Một ngày nọ, tôi có dịp xem các tranh vẽ của một linh mục dòng Tên khác là cha Giuseppe Castiglione, lại một người nữa mang virus dòng Tên (cười.) Cha Castiglione biết cách biểu lộ vẻ đẹp, kinh nghiệm cởi mở trong đối thoại, đón nhận người khác và trao đi bản thân trong ‘văn minh hóa’ của các nền văn minh. Khi tôi nói đến ‘văn minh hóa,’ tôi không chỉ có ý nói đến ‘giáo dục’ các nền văn minh, nhưng là các nền văn minh gặp gỡ nhau. Tôi không biết có thật hay không, nhưng giai thoại kể rằng Marco Polo là người đưa món mỳ pasta đến Ý. (cười) Vậy nên, chính là người Trung Quốc phát minh ra món mỳ. Tôi không biết có thật vậy không. Nhưng bỗng nhiên tôi nhớ ra thôi.

Đây là ấn tượng mà tôi có, rất kính nể. Và hơn thế, khi bay qua Trung Quốc lần đầu tiên, tôi được bảo là: ‘Trong vòng 10 phút nữa, chúng ta sẽ đi vào không phận Trung Quốc, và gởi lời chúc mừng của cha.’ Tôi thú nhận rằng lúc đó tôi rất nhiều cảm xúc, một chuyện không phải lúc nào cũng có. Tôi xúc động, vì bay ngang qua mảnh đất giàu văn hóa và khôn ngoan này.

Trung Quốc, lần đầu tiên trong lịch sử hàng ngàn năm của mình, đang đi ra khỏi môi trường riêng và mở ra với thế giới, tạo nên những thách thức chưa từng có cho chính mình và cho thế giới. Cha đã nói về một thế chiến thứ ba đang ngày càng leo thang, và điều này gây ra thách thức nào cho việc tìm kiếm hòa bình?

Lo ngại không bao giờ là một cố vấn tốt. Sợ hãi cũng không. Nếu một người cha và người mẹ lo sợ khi có một đứa con tuổi dậy thì, họ sẽ không biết làm sao để xử trí cho tốt. Nói cách khác, chúng ta không được sợ các thách thức đủ loại, bởi mọi người, nam nữ có trong mình khả năng tìm cách để chung sống, để tôn trọng và mến mộ lẫn nhau. Và rõ ràng là, quá nhiều văn hóa và khôn ngoan – cùng với quá nhiều kiến thức kỹ thuật nữa, cứ nghĩ về các kỹ thuật y học thời xưa mà xem – không thể cứ mãi khép kín trong một quốc gia được, mà phải mở ra, lan rộng và truyền đi. Con người có khuynh hướng thông truyền, một nền văn minh có khuynh hướng thông truyền. Rõ ràng là khi sự thông truyền diễn ra trong một sắc thái hung hăn để bảo vệ mình, thì kết quả sẽ là chiến tranh. Nhưng tôi sẽ không sợ hãi. Giữ được sự cân bằng của hòa bình là một thách thức lớn. Chúng ta có Bà nội Châu Âu, như tôi đã từng nói ở Strasbourg. Chuyện này xảy ra khi nó không còn là Người mẹ Châu Âu nữa. Tôi hi vọng châu Âu sẽ có thể tái phục hồi lại vai trò người mẹ. Và châu Âu nhận lấy từ quốc gia lâu đời Trung Quốc một sự đóng góp ngày càng dồi dào. Vậy nên, cần phải đón nhận thách thức và chấp nhận mạo hiểm cân bằng điều này để có được hòa bình. Thế giới phương Tây, thế giới phương Đông và Trung Quốc, tất cả đều có khả năng giữ sự cân bằng hòa bình, và có sức mạnh để làm được điều này. Chúng ta phải tìm cách, luôn luôn là qua đối thoại, chứ không có cách nào khác. (Đức Phanxicô giang rộng tay để minh họa.)

Gặp gỡ đạt được qua đối thoại. Sự cân bằng hòa bình đích thực, được nhìn nhận qua đối thoại. Đối thoại nghĩa là chúng ta không kết thúc bằng thỏa hiệp, chia đôi miếng bánh. Chuyện này từng xảy ra ở Yalta [hội nghị phân chia thế giới sau Thế chiến II], và chúng ta thấy hậu quả rồi đó. Không phải thế, đối thoại nghĩa là: nhìn xem, chúng ta phải đạt được điểm này, tôi có lẽ đồng ý hoặc không, nhưng chúng ta cùng tiến bước, đây là cái để xây dựng. Và chiếc bánh vẫn nguyên vẹn khi chúng ta đi cùng nhau. Chiếc bánh của tất cả mọi người, bánh nhân văn, bánh văn hóa. Cắt bánh ra, như ở Yalta, nghĩa là chia nhân văn và văn hóa thành những miếng nhỏ. Và văn hóa và nhân văn không thể cắt thành từng miếng nhỏ được. Khi tôi nói về chiếc bánh lớn này, tôi muốn nói theo nghĩa tích cực. Tất cả mọi người đều có một ảnh hưởng trên công ích của tất cả. (Đức Giáo hoàng mĩm cười và hỏi: ‘Tôi không biết ví dụ về chiếc bánh có dễ hiểu với người Trung Quốc hay không?’ tôi gật đầu: ‘Con nghĩ là có.’)

Trung Quốc đã trải qua nhiều thập kỷ bi kịch không gì so sánh nổi. Từ năm 1980, người dân Trung Quốc đã hi sinh cả những gì là yêu dấu nhất, con cái của mình. Với người Trung Quốc, đây là những vết thương vô cùng nghiêm trọng. Trong số những hậu quả, nó đã để lại một cái hố trống không khủng khiếp trong lương tâm của mình, và có thể nói là rất cần được hòa giải với chính mình, tha thứ cho chính mình. Trong Năm Lòng thương xót, cha có thông điệp gì muốn gởi đến người dân Trung Quốc?

Sự lão hóa dân số và nhân loại, đang diễn ra ở nhiều nơi. Ở nước Ý này, tỷ suất sinh gần như âm, và ở Tây Ban Nha cũng tương tự. Tình hình ở Pháp, với các chính sách hỗ trợ các gia đình, đang được cải thiện. Và rõ ràng là dân số già đi. Già đi và không có con cái. Ví dụ như ở châu Phi, thật là vui khi thấy trẻ con chơi đùa trên đường. Ở Roma này, đi rảo bộ, sẽ thấy rất ít trẻ em. Có lẽ phía sau chuyện này, là nỗi sợ mà anh đang ám chỉ, một khái niệm sai lầm, không phải đơn giản là sợ rơi lại đàng sau, nhưng là sợ rơi vào cảnh nghèo, vì thế nên người ta quyết định sẽ không sinh con.

Có các xã hội khác thì ngược lại. Ví dụ như, trong chuyến công du Albania, tôi kinh ngạc khi thấy tuổi trung bình của dân số là khoảng 40 tuổi. Có các quốc gia trẻ, tôi nghĩ về Bosnia-Herzegovina cũng thế. Các nước này đã chịu nhiều đau khổ, và họ chọn lựa vì giới trẻ. Ở đó có vấn đề việc làm. Một chuyện mà Trung Quốc không có, bởi có khả năng tạo công việc ở cả vùng quê lẫn thành phố. Và sự thật là, vấn đề của Trung Quốc là không có con cái, một điều rất đau lòng, bởi vì tháp dân số bị đảo ngược, và một đứa trẻ phải mang gánh nặng của cha, mẹ, ông, bà. Và như thế thật kiệt lực, quá nhiều đòi hỏi và gây hoang mang. Đây không phải là đường lối tự nhiên. Tôi hiểu Trung Quốc đã mở ra các khả năng khác cho vấn đề này.

Phải đối diện với những thách thức về gia đình ở Trung Quốc như thế nào, chiếu theo việc nước này đang trong tiến trình thay đổi sâu sắc và không còn theo hình mẫu gia đình Trung Quốc truyền thống nữa?

Nói về Năm Lòng thương xót, liệu tôi có thông điệp gì muốn gởi đến người dân Trung Quốc không? Lịch sử của một dân tộc luôn luôn là một con đường. Một dân tộc có lúc đi nhanh hơn, lúc thì chậm hơn, có lúc dừng lại, có lúc mắc sai lầm và đi ngược chiều, hay lầm đường, và phải dò từng bước để theo lại con đường đúng. Nhưng khi một dân tộc tiến tới, thì tôi không thấy có gì lo lắng, bởi như thế là họ đang làm nên lịch sử. Và tôi tin rằng người dân Trung Quốc đang tiến tới và đây là sự vĩ đại của họ. Dân tộc tiến tới, cũng như mọi dân tộc khác, bước qua ánh sáng và bóng tối. Nhìn vào quá khứ, và có lẽ việc không có con cái đã gây nên tình hình phức tạp, thì thật lành mạnh khi chịu trách nhiệm cho con đường của chính mình. Ừ thì, chúng ta theo lối đi này, có chuyện gì đó hoàn toàn không được, vậy bây giờ mở ra các khả năng khác. Lại có các vấn đề khác: như sự ích kỷ của một vài người trong giới nhà giàu, họ không thích có con cái. Họ phải chịu trách nhiệm cho con đường của mình. Và tôi sẽ đi xa hơn, tôi muốn nói rằng, đừng cay đắng, nhưng hãy bình an trrong đường đi của mình, cho dù đã từng phạm sai lầm. Tôi không thể nói rằng chuyện đời của tôi tệ hại, rằng tôi ghét chuyện đời của tôi được. (Đức Giáo hoàng nhìn tôi ý vị.)

Không, tất cả mọi người phải điều hòa với chuyện đời cũng như con đường của mình, với các thành công và thất bại của nó. Và sự điều hòa với chuyện đời của mình, sẽ đem lại rất nhiều trưởng thành, và tăng tiến, lớn lên. Ở đây tôi muốn dùng một từ đã được đặt ra trong câu hỏi: lòng thương xót. Thật là lành mạnh khi một người có lòng thương xót với chính mình, không thích làm ác làm khổ mình. Làm khổ mình là sai. Và tôi cũng muốn nói như thế với cả một dân tộc rằng: một dân tộc có lòng thương xót với chính mình, là lành mạnh. Và sự cao quý của linh hồn này … Tôi không biết liệu có nên dùng từ ‘tha thứ’ hay không nữa. Nhưng hãy chấp nhận rằng, đây là con đường của mình, mĩm cười và tiếp tục đi. Nếu một người mệt mỏi và dừng lại, sẽ có thể trở nên cay đắng và hủ bại. Và như thế, khi người ta chịu trách nhiệm cho con đường của mình, chấp nhận nó như chính nó, thì điều này sẽ để cho sự phong phú lịch sử và văn hóa được nổi lên, ngay cả trong những thời điểm khó khăn.

Và làm sao nó có thể nổi lên? Ở đây, chúng ta trở lại vấn đề đầu tiên, là đối thoại với thế giới ngày nay. Đối thoại không có nghĩa là tôi chịu nộp mình, chịu thua, bởi nhiều lúc trong đối thoại giữa các quốc gia khác nhau, có một âm mưu sâu kín muốn thực dân hóa về văn hóa. Cần phải nhìn nhận sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, những người vẫn giữ nền văn hóa của mình. Và nền văn hóa của họ, tôi không nói về các hệ tư tưởng, nhưng là về văn hóa, một nền văn hóa không bị áp đặt.

Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đang theo một tốc độ quá nhanh, nhưng điều này cũng gây ra các thảm họa môi trường và nhân sinh, mà cụ thể là Bắc Kinh đang phải đối mặt và giải quyết. Cùng lúc đó, chạy theo hiệu suất công việc đang đè một gánh nặng len các gia đình, với những cái giá phải trả rất mới, có khi con cái và cha mẹ phải xa cách nhau vì công việc. Cha có điều gì muốn nói với họ?

Cha cảm thấy mình như ‘bà già’ đang cho những lời khuyên vậy (cười). Cha muốn đề nghị một chủ nghĩa hiện thực lành mạnh, phải đón nhận hiện thực dù nó thế nào đi chăng nữa. Đây là thực tế của chúng ta, như trong bóng đá vậy, thủ môn phải bắt bóng dù nó bay từ hướng nào đến chăng nữa. Phải đón nhận hiện thực đúng như nó là. Hãy thực tế. Đây là hiện thực của chúng ta. Trước hết, tôi phải hòa hợp với hiện thực. Tôi không thích chuyện này, tôi chống chuyện kia, chuyện nọ làm tôi đau khổ, nhưng nếu như tôi không dấn vào nó, tôi sẽ chẳng thể làm được gì. Bước thứ hai, là làm việc để thăng tiến hiện thực và thay đổi chiều hướng của nó.

Bây giờ, anh thấy đây là những gợi ý đơn giản, khá là chung. Nhưng như con đà điểu vậy, nó vùi đầu xuống cát để khỏi thấy thực tế, nó không chấp nhận, và cũng không có giải pháp gì. Chúng ta hãy bàn luận, hãy tìm kiếm, hãy tiếp tục bước đi, luôn luôn trên đường, luôn luôn vận động. Nước sông tinh sạch vì nó chảy, nước ứ sẽ bốc mùi. Cần phải đón nhận hiện thực như nó là, không lấp liếm, không vặn vẹo, và phải tìm cách cải thiện nó. Đây là những điều rất quan trọng. Nếu điều này xảy ra cho một công ty đã làm việc suốt 20 năm và giờ gặp khủng hoảng, thì có những con đường sáng tạo để cải thiện nó. Ngược lại, khi nó xảy đến với một quốc gia lâu đời, với lịch sử lâu đời, khôn ngoan lâu đời, sự sáng tạo lâu đời, thì có một sự căng thẳng giữa vấn đề hiện tại với quá khứ phong phú cổ xưa. Và sự căng thẳng này đem lại hoa trái khi biết nhìn về tương lai. Tôi tin rằng sự phong phú lớn lao của Trung Quốc nằm ở việc nhìn về tương lai từ một hiện tại được nâng đỡ bởi ký ức về quá khứ văn hóa của mình. Sống trong căng thẳng, chứ không phải trong đau đớn, căng thẳng giữa quá khứ phong phú và thách thức hiện tại cần phải đưa đến tương lai, thế đó, câu chuyện không thể dừng ngang đây được.

Nhân dịp Tân niên Bính Thân, cha có muốn gởi lời chúc đến người dân Trung Quốc, đến các nhà chức trách và chủ tịch Tập Cận Bình không?

Nhân giao thừa năm mới, tôi gởi những lời chúc đến chủ tịch Tập Cận Bình và toàn thể người dân Trung Quốc. Và tôi muốn nói lên niềm hi vọng của mình rằng họ sẽ không bao giờ mất đi ý thức lịch sử mình là một dân tộc vĩ đại, với lịch sử khôn ngoan vĩ đại, và có rất nhiều thứ để trao cho thế giới. Thế giới nhìn đến sự khôn ngoan vĩ đại này của các bạn. Trong Năm Mới này, với nhận thức này, mong các bạn tiếp tục tiến tới để giúp đỡ và cộng tác với tất cả mọi người trong việc chăm lo cho ngôi nhà chung và cho các dân tộc. Xin cảm ơn!

Francesco Sisci (Asia Times News) | J.B. Thái Hòa chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)