MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Anh chị em được kêu gọi để tuyên xưng Thiên Chúa, với đời sống của mình hơn là lời nói’ – Đức Giáo hoàng nói chuyện với các nam nữ tu sỹ

‘Anh chị em được kêu gọi để tuyên xưng Thiên Chúa, với đời sống của mình hơn là lời nói.’

Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhấn mạnh câu này trong bài nói chuyện với 5000 linh mục, nam nữ tu sỹ trong buổi tiếp kiến tại Sảnh Phaolô VI ở Vatican.

‘Nếu như có lúc Thiên Chúa bị chối bỏ, bị đẩy ra rìa, hay bị loại trừ, thì chúng ta phải tự hỏi mình xem thử mình có sống đủ minh bạch hay không, có cho thấy khuôn mặt của Thiên Chúa hay khuôn mặt của chúng ta. Cha thúc giục anh chị em, hãy gần gũi với tất cả mọi người. Theo Chúa Kitô nghĩa là mang lấy những người bị thương chúng ta thấy trên đường, đi tìm con chiên lạc, gần gũi với mọi người, chia sẻ niềm vui nỗi buồn của họ, và bằng tình yêu thương của chúng ta mà cho thấy tình cha của Thiên Chúa, và sự chăm sóc trong tình mẹ của Giáo hội. Đừng ai xa cách, tách ly, khép kín, và cằn cỗi.’

Đức Phanxicô bỏ qua bài diễn văn soạn sẵn, ‘Nếu đọc thì hơi chán, cha muốn nói với anh chị em từ trái tim hơn, ok?’ và ngài nói tự phát, nhấn mạnh 3 từ khóa này: ngôn sứ, gần gũi, và hi vọng.

Về hi vọng, Đức Giáo hoàng nói rằng, ‘Cha phải thừa nhận với anh chị em rằng, với cha thật khó khăn khi thấy sự sụt giảm ơn gọi, khi cha tiếp các giám mục, và hỏi các ngài: ‘Cha có bao nhiêu chủng sinh?’ Và được trả lời rằng: ‘Bốn, năm …’ cha thấy thật khó khăn khi anh chị em, các cộng đoàn tu sỹ nam nữ cho cha biết là dòng mình chỉ có hai tập sinh và cộng đoàn đang già đi, thật khó khăn khi các tu viện lớn mà chỉ có 4, 5 nữ tu lớn tuổi, và lòng cha bị thúc ép mất hi vọng. ‘Nhưng lạy Chúa, chuyện gì đang xảy ra? Tại sao cung lòng đời sống thánh hiến lại quá cằn cỗi như vậy’ Một vài cộng đoàn có những thử nghiệm thụ thai nhân tạo, họ làm gì nào? Họ nhận người không giới hạn, ‘đến, cứ đến’ và rồi nảy sinh các vấn đề, chúng ta cần phải thực hiện việc tuyển chọn thật nghiêm túc, và cần nhận thức trọn vẹn xem đây có phải là một ơn gọi thật và giúp cho ơn gọi đó lớn lên. Cha nghĩ rằng, trước sự cằn cỗi này, để vượt qua cám dỗ tuyệt vọng này, chúng ta cần cầu nguyện hơn nữa. Cầu nguyện không ngừng nghỉ. Cha thấy thật tốt khi đọc đoạn Kinh thánh, kể về chuyện bà Hannah, mẹ ngôn sứ Samuel, cầu nguyện xin cho mình được có con. Cha muốn hỏi anh chị em câu này: trước sự sụt giảm ơn gọi, lòng anh chị em có cầu nguyện liên lỉ mãnh liệt hay không? Có tự hỏi, ‘Liệu cộng đoàn của mình có thiếu con cái hay không?’ Thiên Chúa, Đấng vô cùng quảng đại, sẽ không lấy lại lời hứa của Ngài, nhưng chúng ta phải tin, phải gõ cửa trái tim Ngài. Bởi khi một dòng tu thấy mình không có con có cháu, thì có một mối nguy, mà cha rất phiền lòng nhưng phải nói, là mối nguy gắn chặt vào tiền bạc. Như anh chị em biết, tiền bạc là phế thải của ma quỷ, nhưng khi các dòng tu không có con có cháu trong ơn gọi, thì có thể nghĩ rằng tiền bạc sẽ giữ cho mình, họ nghĩ về tuổi già, ‘Tôi phải chắc chắn rằng tôi không thiếu gì nữa.’ Và như thế là không có hi vọng, không có đức cậy. Hi vọng là hi vọng nơi một mình Thiên Chúa mà thôi, chứ tiền bạc không bao giờ cho anh chị em hi vọng, ngược lại, nó sẽ kéo anh chị em xuống.’

Về ‘tính ngôn sứ’ Đức Giáo hoàng mở đầu bằng ‘vâng phục.’ Ngài nói rằng, ‘Những gì chúng ta cần, là vâng phục mạnh mẽ, không phải theo kiểu quân luật, không phải, kỷ luật môn đệ là một điều khác kia. Chúng ta cần một tâm hồn vâng phục, đây là tính ngôn sứ. ‘Anh cảm thấy không thích làm việc này?’ ‘Vâng, nhưng luật nói rằng, tôi phải làm, và quy định nói thế này thế kia.’ Nếu tôi không hiểu chuyện, tôi sẽ nói chuyện với bề trên, nhưng sau khi nói chuyện xong, tôi vâng lời. Đây là tính ngôn sứ để chống lại chủ trương bất cần quy tắc mà ma quỷ gieo vãi. ‘Chị làm gì thế?’ ‘Tôi làm bất cứ chuyện gì tôi thích.’ Chủ trương bất cần quy tắc bên trong một con người, nó là con cái ma quỷ chứ không phải con cái Thiên Chúa. Con Thiên Chúa không bao giờ bất cần quy tắc như thế, Ngài không bao giờ kêu quân đến đánh kẻ thù của mình, Chúa Giêsu nói với Philatô rằng: ‘Nếu tôi là vua thế gian này, tôi sẽ triệu tập lính của tôi để bảo vệ tôi.’ Nhưng, Chúa Giêsu vâng phục Chúa Cha, ‘nếu có thể xin cất chén đắng này, nhưng đừng theo ý Con, chỉ theo ý Cha mà thôi.’

Về sự ‘gần gũi,’ Đức Phanxicô nói rằng, những người đi tu, ‘là người được thánh hiến, nhưng họ không chọn con đường này để tách ly với mọi người và có một cuộc sống an nhàn. Không. Họ chọn con đường này để hiểu hơn đời sống các Kitô hữu và cả những người không theo đạo, và để hiểu được các đau khổ, vấn đề và đủ mọi chuyện của mọi người, thì người đi tu phải đến gần, thật gần. ‘Nhưng cha ơi, con là nữ tu dòng kín, vậy con phải làm gì?’ Hãy nghĩ về thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thánh bổn mạng của các nhà truyền giáo. Với tấm lòng nhiệt thành, thánh nữ gần gũi với mọi người, các lá thư thánh nhận được từ các nhà truyền giáo đưa thánh đến gần hơn với mọi người. Được thánh hiến, không phải là bước thêm một hai bước trong xã hội. Quả thật có khi chúng ta nghe các bậc cha mẹ nói: ‘Cha biết đó, tôi có một người con gái đi tu, một người con trai đi tu,’ và họ nói với sự tự hào, quả thật có con cái đi tu là niềm tự hào cho cha mẹ. Nhưng người được thánh hiến thì không xem đây là một vị thế có cái nhìn cao ngạo trên người khác. Đời sống Thánh hiến phải đưa tôi gần gũi với mọi người, cả về thể xác lẫn tinh thần, biết và hiểu mọi người. Người thân cận nhất với một người đã được hiến thánh là ai? Là các anh chị em trong cộng đoàn mình, những người gần gũi mình nhất đó. Đây là một sự gần gũi dễ thương, tốt lành và yêu mến. Cha biết trong cộng đoàn chúng ta không có chuyện đàm tiếu đâu. [Đức Giáo hoàng nói đùa.] Một trong những cách để đẩy anh chị em trng dòng ra xa khỏi mình, chính là thứ khủng bố của đàm tiếu. Hãy để ý, đừng có đàm tiếu, đừng có khủng bố kiểu đó, bởi đàm tiếu là khủng bố ngay trong cộng đoàn mình, chúng gieo rắc những lời nói chống lại người này người khác, như đánh bom vậy, để bom xuống rồi lặng lẽ đi. Họ hủy hoại rồi biến đi. Về điều này, thánh Giacôbê tông đồ đã nói rằng đức tính khó nhất là giữ được miệng lưỡi của mình. Nếu tôi thấy thúc bách muốn nói chuyện xấu về anh chị em của mình, muốn thả bom đàm tiếu, thì tôi phải cắn lưỡi mình đi. Nếu anh chị em thả bom đàm tiếu trong cộng đoàn mình, thì không có sự gần gũi nữa, mà là gây chiến tranh, gây chia rẽ với nhau, gieo chủ trương bất cần quy tắc trong cộng đoàn. Nếu, trong năm lòng thương xót này, mỗi một người anh chị em không khủng bố đàm tiếu, thì sẽ là một chiến thắng vinh quang của sự thánh thiện trong Giáo hội.’

Iacopo Scaramuzzi (Vatican Insider) | J.B. Thái Hòa chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)