VATICAN. Đức Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, nhưng trong Giáo hội lại có những ‘người thích nói xấu sau lưng’. Họ gây chia rẽ và phá hoại cộng đoàn bằng lời nói, bằng đầu môi chót lưỡi của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm, 12.05, tại nguyện đường Thánh Marta.
Sự hiệp nhất là một trong những điều khó thực hiện nhất
Trước khi chịu khổ hình, Đức Giêsu đã cầu nguyện để tất cả những người tin được trở nên một. Ngài cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong cộng đoàn các Kitô hữu để họ được trở nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha. Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng của mình dựa trên bài đọc Tin Mừng. Ngài nói:
“Sự hiệp nhất trong cộng đoàn, trong các gia đình Kitô hữu là những bằng chứng, chứng thực rằng Chúa Cha đã sai Đức Giêsu đến. Nhưng có lẽ sự hiệp nhất trong một cộng đoàn Kitô hữu, một xứ đạo, một giáo phận, một gia đình Kitô hữu là một trong những điều khó thực hiện. Lịch sử của chúng ta, lịch sử của Giáo hội, khiến chúng ta nhiều lần phải cảm thấy xấu hổ, vì chúng ta đã gây ra nhiều cuộc chiến với những anh em Kitô hữu của chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ về một trong số đó: Chiến tranh Ba mươi Năm giữa Công giáo và Tin lành.
Xin tha thứ vì những chia rẽ
Ở đâu những Kitô hữu gây ra chiến tranh, xung đột thì ở đấy không có chứng tá. Chúng ta hãy tha thiết nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa vì những sự kiện đáng buồn này trong lịch sử. Một lịch sử đã bị ghi dấu nhiều lần bởi các cuộc chia rẽ. Những chia rẽ không chỉ xảy ra trong quá khứ mà ngay cả ngày hôm nay nữa. Thế gian nhìn chúng ta chia rẽ và nói rằng: ‘Chúng ta hãy thử xem họ có hợp nhất, yêu thương với nhau được không. Nếu Đức Giêsu thực sự đã phục sinh và đang sống, tại sao các môn đệ lại không hòa hợp được với nhau?’ Có khi, một tín hữu Công giáo hỏi một tín hữu Đông phương rằng: ‘Đức Kitô của tôi phục trong ngày thứ ba. Còn Đức Kitô của bạn phục sinh lúc nào?’ Ngay cả phục sinh, chúng ta cũng không hợp nhất. Và khi thế gian nhìn thấy điều đó, họ không tin.
Những người gieo tiếng xấu phá hoại và gây chia rẽ
Chính vì sự ghen ghét, đố kỵ của ma quỷ mà sự chết đã đi vào thế gian. Cũng vậy, trong cộng đoàn Kitô hữu, sự ích kỷ, ghen ghét, đố kỵ, chia rẽ dường như luôn diễn ra. Chúng sẽ dẫn người ta đến việc nói xấu sau lưng. Ở Argentina, người ta gọi những người này là những người gieo cỏ lùng (zizzanieri). Họ gieo rắc cỏ dại. Họ gây chia rẽ. Sự chia rẽ bắt đầu bằng chính miệng lưỡi của con người. Miệng lưỡi có thể hủy hoại cả một gia đình, cộng đoàn, xã hội. Miệng lưỡi người ta có thể gieo rắc hận thù và chiến tranh. Thay vì phải cực nhọc đi tìm sự thật, sẽ dễ dàng hơn nếu nói sau lưng người khác và hủy hoại danh dự của họ. Có một giai thoại khá nổi tiếng về Thánh Philip Neri như thế này: Khi có một phụ nữ đến xưng tội đã nói xấu người khác, thánh nhân ra việc đền tội cho bà là hãy nhổ hết lông của một con gà, rồi sau đó đi rải lông mới nhổ xung quanh nhà hàng xóm. Khi rải xong rồi, thánh nhân lại yêu cầu bà hãy đi gom tất những lông ấy lại. Khi nghe thánh nhân ra việc đền tội như thế, bà thốt lên: ‘Điều đó là không thể. Làm sao mà nhặt lại hết được.’ Thánh Philip mới từ tốn trả lời: ‘Buôn chuyện nói xấu người khác cũng như vậy con ạ. Khi nói rồi thì không thu lại được nữa.’
Quả thế, nói xấu sau lưng người khác cũng giống như vậy. Nó làm cho người khác ra xấu xa. Ai nói sau lưng sẽ làm cho mọi sự trở nên xấu xa, nhơ bẩn. Đó là kẻ phá hoại. Họ hủy hoại danh dự người khác, hủy hoại cuộc sống người khác mà chẳng có lý do, thậm chí còn trái với sự thật. Đức Giêsu đã cầu nguyện cho mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây, cũng như cho cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận của chúng ta rằng: ‘Xin cho tất cả được trở nên một’. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng; vì sức mạnh của ma quỷ, của tội lỗi đẩy chúng ta đến sự chia rẽ. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng, ban cho chúng ta món quà của sự hiệp nhất. Và món quà đó chính là Chúa Thánh Thần. Xin Chúa ban cho chúng ta Thần Khí để chúng ta có được sự hòa hợp, vì Ngài chính là sự hòa hợp và là vinh quang trong cộng đoàn chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn bình an, bình an của sự hợp nhất. Chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho ơn hiệp nhất của tất cả Kitô hữu. Đó là một ơn lớn. Đồng thời, chúng ta cũng xin những ơn nho nhỏ trong cuộc sống thường ngày cho cộng đoàn, cho gia đình của chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn để có thể làm chủ được miệng lưỡi của mình.”
Vũ Đức Anh Phương SJ
(Nguồn: Radio Vatican)