VATICAN. ĐTC kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm ra câu trả lời dài hạn về chính trị, xã hội và kinh tế đặc biệt cho cuộc khủng hoảng di dân và tị nạn hiện nay.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 13-5-2016, dành cho 300 tham dự viên Hội nghị thường niên của tổ chức mang tên thông điệp “Năm Thứ 100” (Centesimus Annus) của ĐGH Gioan Phaolô II.
ĐTC nhắc lại cuộc viếng thăm mới đây của ngài tại đảo Lesbo bên Hy lạp, nghe những chứng từ đau thương của những người tị nạn. Cuộc viếng thăm của ngài muốn lôi kéo sự chú ý của các vị hữu trách và dư luận về thảm cảnh này. ĐTC nói: “Ngoài khía cạnh giúp đỡ vật chất cho các anh chị em ấy của chúng ta, cộng đồng quốc tế được kêu gọi đề ra những câu trả lời chính trị, xã hội và kinh tế về lâu về dài cho các vấn đề vượt lên trên ranh giới quốc gia và đại lục, liên hệ tới toàn thể gia đình nhân loại.”
Tại hội nghị của tổ chức “Năm Thứ 100”, các tham dự viên cứu xét, dưới những những quan điểm khác nhau, những hệ luận thực hành và luân lý đạo đức của nền kinh tế của thế giới hiện nay, đồng thời tìm cách đặt nền móng cho một nền văn hóa kinh tế và công việc kinh doanh, bao gồm mọi người và tôn trọng phẩm giá của con người.
ĐTC cảnh giác rằng “một quan niệm kinh tế chỉ nhắm đến lợi lộc và an sinh vật chất thì không có khả năng góp phần tích cực vào một sự hoàn cầu hóa giúp phát triển toàn diện cho các dân tộc trên thế giới, phân phối tài nguyên công bằng, bảo đảm công ăn việc làm xứng đáng, làm tăng trưởgn các sáng kiến tư nhân và các xí nghiệp địa phương. Một nền kinh tế loại trừ và bất chính (EG 53) đã làm gia tăng số người bất hạnh và những người bị gạt bỏ vì bị coi là không sản xuất và vô ích.”
ĐTC nhận xét rằng: “Hậu quả của thứ kinh tế đó chúng ta cũng nhận thấy trong các xã hội tân tiến, trong đó sự gia tăng tỷ lệ nghèo đói và suy đồi xã hội là một đe dọa nghiêm trọng cho các gia đình, cho giai cấp trung lưu và đặc biệt là cho những người trẻ. Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp thực là một gương mù, đòi phải giải quyết trước tiên về mặt kinh tế, nhưng còn phải đối phó như một căn bệnh xã hội, xét vì tuổi trẻ bị tước đoạt mất niềm hy vọng và những tài nguyên lớn lao của họ vệ năng lực, óc sáng tạo và trực giác lớn lao của họ bị tiêu tán.” (SD 13-5-2016)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)