MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Chúa Giêsu đi qua đâu ở đó luôn luôn có sự giải thoát

Các phái đoàn Việt Nam tham dự buổi tiếp kiến chúng của ĐTC Phanxicô sáng thứ tư 15-6-2016 - ANSA
Khi cho người mù thành Giêricô được sáng mắt Chúa, Giêsu cũng khiến cho dân chúng trông thấy. Cùng ánh sáng đó soi chiếu cho tất cả mọi người, và làm cho họ cùng chung lời chúc tụng. Như thế, Chúa Giêsu đổ lòng thương xót của Ngài xuống trên tất cả những người gặp gỡ Ngài: Ngài kêu mời họ, tụ tập họ, chữa lành họ và soi sáng cho họ, bằng cách tạo dựng một dân tộc mới cử hành các việc diệu kỳ của tình yêu thương xót của Ngài.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 60.000 tín hữu và du khách hành huơng năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua.

Trong số hằng trăm đoàn hành hương cũng có 4 đoàn hành hương gồm các tín hữu Việt Nam: 3 đoàn đến từ Hoa Kỳ và một đoàn từ Đức.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa phép lạ Chúa Giêsu cho người mù thành Giêricô ăn mày bên vệ đường được sáng mắt (Lc 18,35-43). Ngài nói: Hôm nay chúng ta muốn lãnh nhận ý nghĩa của dấu chỉ này, bởi vì nó cũng trực tiếp đụng chạm tới chúng ta. Thánh sử Luca nói rằng người mù ấy ngồi bên vệ đường ăn xin (c. 35). Vào thời bấy giờ - nhưng cho tới các thời gian gần đây cũng thế - họ chỉ có thể sống nhờ của bố thí. ĐTC nói:

Gương mặt của người mù này đại diện cho biết bao nhiêu người , kể cả ngày nay nữa, bị sống bên lề vì một thiệt thòi thể lý hay thuộc loại khác. Họ bị tách rời khỏi đám đông, họ ngồi đó, trong khi người ta qua lại bận bịu công chuyện, trong tư tưởng và biết bao nhiêu chuyện. Đó là con đường có thể trở thành nơi gặp gỡ, nhưng đối với anh ta thì nó là con đường của sự cô đơn. Biết bao người đi qua… Nhưng anh ta cô đơn.

Thật là buồn hình ảnh của một ngưòi bị bạt bỏ ngoài lề, nhất là trong bối cảnh của thành phổ Giêricô, là ốc đảo phì nhiêu phong phú trong sa mạc. Chúng ta biết rằng chính tại Giêricô dân Israel đã tới sau cuộc xuất hành dài từ Ai Cập: thành phố đó trở thành cửa ngõ dẫn vào đất hứa. Chúng ta nhớ tới các lời ông Môshê nói trong dịp ấy. Ông nói: “Nếu giữa anh (em), trong một thành nào của anh (em), trên đất mà Giavê, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em), có một người anh em nghèo, thì anh (em) đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng. Vì trong đất của anh (em) sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh (em): hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh (em), trong miền đất của anh (em).” (Đnl 15,7.11).

Thật là trái nghịch giữa lời nhắn nhủ trên đây của Lề Luật Chúa và tình trạng được kể trong Tin Mừng: trong khi người mù kêu van Chúa Giêsu – anh ta đã có giọng tốt phải không ? – trong khi anh lớn tiếng khẩn nài Chúa Giêsu, thì dân chúng lại la mắng cho anh ta im đi, làm như thể anh ta không có quyền nói. Họ không cảm thương anh ta, trái lại còn cảm thấy khó chịu vì tiếng kêu của anh. Biết bao nhiêu lần khi trông thấy biết bao người trên đường – những người túng thiếu, đau yếu, không có gì ăn – chúng ta cảm thấy khó chịu. Biết bao lần khi chúng ta đứng trước bao người di cư tỵ nạn, chúng ta cảm thấy khó chịu. Đó là một cám dỗ: chúng ta tất cả đều có điều đó đúng không? Tất cả, kể cả tôi nữa, tất cả mọi người. Và chính vì vậy mà Lời Chúa dậy dỗ chúng ta. Sự dửng dưng và thù nghịch khiến cho họ mù và điếc, ngăn cản họ trông thấy các anh em khác và không cho phép họ nhận ra Chúa nơi các người ấy – dửng dưng và thù nghịch. Và khi sự dửng dưng và thù nghịch này trở thành sự hiếu chiến và cả nguyền rủa nữa – “Xin làm ơn đuổi tất cả họ đi đi” – “Hãy để họ ở một nơi khác” – sự tấn kích này là điều dân chúng đã làm đối với anh mù, khi anh kêu lên. “Này anh hãy cút đi, cút đi, đừng có nói, đừng có kêu!”

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Chúng ta ghi nhận một đặc điểm hay khác. Thánh sử nói rằng một người nào đó trong đám đông giải thích cho anh mù biết lý do của đám đông người khi nói: “Có Đức Giêsu người Nagiarét đi qua” (c. 37). Biến cố Chúa Giêsu đi qua được diễn tả với cùng động từ trong sách Xuất Hành khi kể lại biến cố vượt qua của thiên thần tàn sát cứu dân Israel bên đất Ai Cập (x. Xh 12,23).

Đó là sự vượt qua của lễ phục sinh, việc khởi đầu của cuộc giải phóng: khi Chúa Giêsu đi qua, thì luôn luôn có sự giải thoát, luôn luôn có ơn cứu rỗi. Như vậy đối với anh mù, nó như thể là việc loan báo sự vượt qua giải phóng của anh. Khi Chúa Giêsu đi qua, thì luôn luôn có sự giải thoát, luôn luôn có ơn cứu độ.

Không để cho mình sợ hãi anh mù kêu to lên nhiều lần hướng tới Chúa Giêsu, bằng cách nhận ra nơi Người Con vua Đavít, Đấng Cứu Thế được trông đợi, mà theo ngôn sứ Isaia, sẽ mở mắt cho người mù (x. Is 35,5). Khác với đám đông, anh mù này trông thấy với đôi mắt đức tin. Nhờ nó lời khẩn cầu của anh có một sự hữu hiệu quyền năng.

Thật thế, khi nghe thấy anh, “Chúa Giêsu dừng lại và truyền dẫn anh đến cho Ngài” (c. 40). Khi làm như thế, Chúa Giêsu cất anh mù khỏi vệ đường và đặt anh vào trung tâm sự chú ý của các môn đệ và của dân chúng. Cả chúng ta cũng hãy nghĩ, khi chúng ta ở trong các tình trạng xấu, kể cả các tình trạng tội lỗi, đã có Chúa Giêsu cầm tay chúng ta và cất chúng ta khỏi lề đường của ơn cứu độ. Như vậy Ngài thực hiện hai cuộc vượt qua. Thứ nhất: dân chúng đã loan báo một tin vui cho anh mù, nhưng không muốn liên lụy gì tới anh cả; Giờ đây Chúa Giêsu bắt buộc mọi người ý thức rằng việc loan báo tin vui tốt bao gồm việc đặt để vào giữa con đường người đã bị loại trừ. Thứ hai, đến lần anh, người mù đã không thấy nhưng đức tin của anh mở ra cho anh con đường của ơn cứu rỗi và anh ta ở giữa những người tuốn đến trên đường để trông thấy Chúa Giêsu. ĐTC giải thích:

Anh chị em thân mến việc đi qua của Chúa là một cuộc gặp gỡ của lòng thương xót hiệp nhất tất cả chung quanh Ngài để cho phép nhận ra ai cần sự trợ giúp và an ủi. Cả trong cuộc sống chúng ta Chúa Giêsu cũng đi qua: và khi Chúa Giêsu đi qua và tôi nhận ra điều đó, nó là một lời mời gọi tôi đến gần Ngài, để trở nên tốt lành hơn, là kitô hữu tốt hơn, theo Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu hướng tới anh mù và hỏi anh: “Anh muốn ta làm gì cho anh?” (c. 41). Các lời này của Chúa Giêsu gây ấn tượng: Con Thiên Chúa giờ đây đứng trước người mù như một đầy tớ khiêm hạ. Thiên Chúa trở thành tôi tớ của người tội lỗi. Ngài, Chúa Giêsu, Thiên Chúa, nói: “Mà con muốn Ta làm gì cho con? Con muốn Ta phục vụ con như thế nào? Thiên Chúa trở thành tôi tớ của người tội lỗi. Và anh mù thưa với Chúa Giêsu, không bằng cách gọi Ngài là “Con vua Đavít”, mà bằng “Chúa”, là tước hiệu Giáo Hội áp dụng cho Chúa Giêsu phục sinh ngay từ đầu. Anh mù xin được thấy trở lại và ước mong của anh được chấp nhận. “Hãy được sáng mắt. Lòng tin của con đã cứu con” (c. 42). Anh đã cho thấy đức tin của anh, khi kêu cầu Chúa Giêsu và khi tuyệt đối muốn gặp Chúa, anh được ơn cứu độ. Nhờ đức tin giờ đây anh có thể trông thấy và nhất là anh ta cảm thấy mình được Chúa Giêsu yêu thương. Vì thế, trình thuật kết thúc bằng cách kể rằng anh mù bắt đầu đi theo Người và chúc tụng Thiên Chúa” (c. 43): anh trở thành môn đệ bằng cách bước đi theo Chúa và bước vào làm thành phần cộng đoàn của Ngài. Từ người ăn mày trở thành môn đệ, đây cũng là con đường của chúng ta: chúng ta tất cả là những người ăn xin, tất cả. Chúng ta luôn cần đến ơn cứu độ. Và tất cả chúng ta, mọi ngày phải làm bước đi này: từ ăn mày trở thành môn đệ. Và đúng như thế, người mù bước đi theo Chúa và là thành phần của của cộng đoàn.

Người mà dân chúng muốn làm cho im đi, giờ đây lớn tiếng làm chứng cho cuộc gặp gỡ của anh với Chúa Giêsu thành Nagiarét , và toàn dân, khi trông thấy đã chúc tụng Thiên Chúa” (c. 43). Xảy ra một phép lạ thứ hai: điều đã xảy ra cho anh mù cũng khiến cho dân chúng sau cùng trông thấy. Cùng ánh sáng đó soi chiếu cho tất cả mọi người, và làm cho họ cùng chung lời chúc tụng. Như thế, Chúa Giêsu đổ lòng thương xót của Ngài xuống trên tất cả những người gặp gỡ Ngài: Ngài kêu mời họ, tụ tập họ, chữa lành họ và soi sáng cho họ, bằng cách tạo dựng một dân tộc mới cử hành các việc diệu kỳ của tình yêu thương xót của Ngài. Nhưng chúng ta cũng hãy để cho Chúa Giêsu mời gọi chúng ta và chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu chữa lành, và chúng ta đi theo Chúa Giêsu bằng cách chúc tụng Thiên Chúa. Và ước gì được như vậy!

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Anh Quốc, Scotland, Ireland, Malta, Thụy Điển, Syria, Israel, Zambia, Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản, Canada, Hoa Kỳ, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước châu Mỹ Latinh.

Trong các nhóm Đức ĐTC chào đoàn hành hương giáo phận Trier do ĐGM sở tại hướng dẫn. Chào các nhóm hành hương Ý đến từ nhiều giáo phận khác nhau ĐTC cầu chúc Năm Thánh Lòng Thương Xót đem lại nhiều ơn lành hồn xác cho họ và cộng đoàn của họ.

Với người trẻ, các anh chị em đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC xin Chúa Giêsu là Thầy hướng dẫn họ. Ngài khích lệ người đau yếu dâng mọi khổ đau cho Chúa để cộng tác vào ơn cứu độ của thế giới. Ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn ý thức về sứ mệnh tình yêu không thể thay thế được mà họ đã cùng nhau lãnh nhận trong đời hôn nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Radio Vatican)