MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Thời thượng thiêng liêng, một thói tự mê của kitô giáo


Được hiểu như sự đi tìm chính mình, theo Đức Phanxicô thái độ này là tai họa chính của Giáo hội. Mùa Chay là dịp để chúng ta chống lại cám dỗ này.

Trên các cột báo Ý, từ năm 2007, khi còn là hồng y, Đức Phanxicô đã nói: “Đó là điều xấu nhất có thể xảy ra cho Giáo hội”. Là giáo hoàng, một trong những điều Đức Phanxicô lặp đi lặp lại trong giáo huấn của ngài là nạn thời thượng thiêng liêng. Từ các bài giảng đến các tông huấn, ngài không ngừng cảnh giác, chống cái ngài gọi là “ung thư”, một loại “phung hủi”, một “con sâu gặm nhắm, làm hủy hoại dần dần”, một đe dọa còn “nguy hiểm hơn bỏ đạo vì nó vi tế hơn bỏ đạo”.

Trọng tâm của khái niệm này còn đáng ngạc nhiên vì nó không thuộc vào thuật ngữ truyền thống của Giáo hội. Nếu Đức Giáo hoàng cho nguồn gốc của câu nói này là của hồng y Henri de Lubac, người, trong quyển Suy niệm về Giáo hội (1953), đã nói điều này như “tai họa lớn nhất”, nhưng thật ra cha đẻ của thành ngữ này là Dom Anschaire Vonier, linh mục của một đan viện Dòng Biển Đức Anh mà hồng y Lubac hay trích dẫn. Linh mục cho rằng, ý mà cha muốn nói về thành ngữ này không phù hợp với những gì “người ta thường nghe”.

Tự cho mình là trọng tâm vũ trụ

Điều được nhắm ở đây thật sự không phải là sự việc thích thời thượng hay thích nổi tiếng. “Mà là là đan sĩ phòng khách thích ngồi ban bố các câu châm ngôn thiêng liêng cho các bà, hoặc thích lên truyền hình nói chuyện, thời thượng thiêng liêng là uốn cong mình vào chính mình, giáo sư thần học thiêng liêng Dominique Salin của Trung tâm Sèvres khẳng định. Như thế, trước hết nó là một tư thế thần học: từ chối bỏ mình để quay về với Chúa.”

“Chính là chung quanh tinh thần “thế gian” mà Thánh Gioan hay Thánh Phaolô gọi là “sống theo xác thịt”, chúng ta thấy nền tảng của khái niệm này không thấy như vậy trong Sách Thánh, nhưng đúng hơn là một sự tiến hành chậm theo văn hóa”, nhà thánh kinh học Régis Burnet của Đại học công giáo Louvain-la-Neuve giải thích. “Khái niệm bao phủ cái mà các Tổ phụ sa mạc gọi là “vinh danh hảo”, Thánh Âugutinô gọi là “tình yêu cho mình”, và các nhà thiêng liêng người Pháp thế kỷ 17 gọi là tự ái, có nghĩa là đi tìm chính mình hay “tinh thần ông chủ,” chữ của linh mục Dòng Tên Lallemant”, giáo sư Salin xác nhận. Dưới nhiều cách gọi khác nhau, nhưng luôn luôn cùng một tội: tự cho mình là trung tâm vũ trụ và như thế là quên Chúa.

Làm cho kitô giáo có nguy cơ trở thành một tôn giáo thế tục

Như thế tính thời thượng rình chờ Giáo hội khi Giáo hội rơi vào hai cám dỗ. Trước hết là cám dỗ “tự quy”, theo thuật ngữ của Đức Giáo hoàng: thay vì là mặt trăng phản ảnh ánh sáng mặt trời là Chúa Kitô, thì “Giáo hội nghĩ mình chính là ánh sáng”. Khi đó Giáo hội ngừng không nghe Lời Chúa và loan báo Lời Chúa để “sống trong chính mình, của chính mình và cho chính mình” (bài nói chuyện của Đức Phanxicô trước mật nghị các hồng y ngày 9 tháng 3-2013). Sau đó là cám dỗ theo chủ nghĩa nhân văn, quên đi Chúa Kitô. Cái mà Đức Giáo hoàng gọi là “kitô giáo không có thập giá”. Ngài nói: “Chúng ta có thể gầy dựng lên rất nhiều, nhưng nếu chúng ta không tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sẽ trở nên một tổ chức Phi Chính Phủ làm việc nhân đạo, chứ không phải là Giáo hội, Hiền thê của Thiên Chúa.” Dưới hình thức vi tế, nên loại chủ nghĩa nhân văn này lại đi ngược lại: đặt con người ở trọng tâm, xếp Chúa ở vai trò thứ nhì. Và như thế, làm cho kitô giáo có nguy cơ trở thành một tôn giáo thế tục.

Vậy thời thượng thiêng liêng có là đặc tính riêng của hàng giáo sĩ không? Thật ra, các thái độ cụ thể mà nó thể hiện thì gờm chứng tất cả các tín hữu, dù có đi tu hay không đi tu. “Đằng sau các bề ngoài của lòng mộ đạo và ngay cả tình yêu cho Giáo hội”, Đức Giáo hoàng viết, thì nó cũng quay lại việc “đi tìm vinh danh cho con người thay vì vình danh cho Chúa” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng).

Sốt sắng với hãnh tiến hay thích quyền lực

Điều này có thể có những hình thức hiển nhiên: vênh vang của một vài mục tử mà với họ các “dấu hiệu vinh danh trở nên mục tiêu hàng đầu”, hay việc thích quyền lực của những người dùng Giáo hội để có sự nghiệp, với “tâm lý của một hoàng tử”. Nhưng thói tự mê này cũng lệch qua các thái độ vi tế hơn. Đi tìm cho chính mình ẩn giấu dưới lớp võ của điều tốt và có trình độ thiêng liêng cao. “Trong tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” Đức Phanxicô xếp nhiều loại thời thượng khác nhau, ngài vây dồn các động lực ẩn giấu với một tài năng luân lý xứng với văn hào La Bruyère”, giáo sư Dominique Salin phân tích.

Trước hết là “khía cạnh của thuyết ngộ đạo”, của một “đức tin nhốt chặt trong chủ nghĩa chủ quan”. Khuynh hướng rất theo thời, kiểu “lắp ráp cho mình một tôn giáo riêng, chủ thể trở thành thước đo mọi sự”, giáo sư Salin giải thích. Hay “tân chủ thuyết pêlagiô tự quy, một chủ thuyết tin vào sức mình chứ không cần đến Chúa” của những kitô hữu huyênh hoang cho mình là “tín hữu trung thành theo phong cách công giáo đặc biệt xưa cổ”. “Hình thức cầu kỳ này nhắm đến tất cả những ai đặt lòng tin tưởng của họ nơi các nghi thức, các tập tục, giáo sư Salin mô tả. “Tôi hiệp thông trong các hình thức, tôi làm phục sinh cho tôi, như vậy tôi được cứu”, họ nói. Nhưng họ đi tìm Chúa hay họ đi tìm an toàn cho họ?”

Đức Giáo hoàng cũng nêu ra trường hợp của các linh mục làm việc hăng say cho mình là cốt cán hay bị say sưa bởi thành công, đơn giản trở thành các công chức quản trị, đội quân của những thống kê, ít bảo vệ “Dân Chúa mà Giáo hội là cơ quan quản trị”. “Không thể nêu lên tất cả các lệch lạc này, giáo sư Salin kết luận. Quan trọng là biết, tất cả chúng ta, ở nhiều mức độ khác nhau, tất cả đều bị thói thời thượng này đụng đến, mà các hóa thân là hệ quả về mặt xã hội có thể thấy được của tội tổ tông trong đời sống Giáo hội.” Làm thế nào tránh được các tác hại của sự dữ này, “dại dột còn hơn uống rượu trắng bụng đói” và dẫn đến “lối sống hai mặt”, tội của những người pharisêu giả hình vinh danh Chúa đầu môi miệng lưỡi mà lòng thì xa Chúa? Đức Giáo hoàng ghi ra nhiều phương thuốc chữa: tiếp xúc với người nghèo, kết hiệp với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện; cuối cùng là đi ra khỏi chính mình, mở ra với các vùng ngoại vi “giải thoát chúng ta khỏi tập trung vào chính mình, ẩn giấu đàng sau lớp võ tôn giáo trống rỗng không có Chúa”.

“Một hình thức ngôi sao hóa có thể làm mất chân đứng”

Linh mục Geoffroy de la Tousche, cha xứ của giáo xứ Dieppe

“Đối với một cha xứ, thói thời thượng thiêng liêng trước hết là cám dỗ của giữa-mình. Với các trách nhiệm mình đảm trách, các linh mục có thể nói: “Tôi có cả ngàn giáo dân, không phải là ít!” Vậy nên, giữa chúng tôi, những người người tốt, mình cảm thấy mình tốt và tưởng mình được chúc phúc. Sự tự thỏa mãn này làm cho giáo xứ đi theo thước đo của mình, chứ không phải thước đo của Tin Mừng. Cũng có thể có nguy cơ say sưa với những lời khen, những lời lời nịnh, với quyền lực. “Cha thật giỏi, may là có cha ở đây!” Hình thức “ngôi sao hóa này” có thể làm mất chân đứng. Rồi còn nạn giấy tờ, nạn quản trị. Vậy mà Chúa Kitô đâu có xuống thế gian để ngồi chủ tọa các phiên họp! Chủ nghĩa hình thức quản trị bót nghẹt đi lòng nhiệt thành, bót nghẹt sứ vụ truyền giáo. Thật ra, trong đời sống một linh mục, tất cả đều có thể góp phần cho thói thời thượng, là sự việc bị cố định, bị khô héo trong một vai trò, một thái độ thay vì luôn linh động, luôn loan báo Tin Mừng, chỉnh lại sứ vụ của mình theo những gì mình nghe bên ngoài. Điều che chở cho tôi khỏi tật xấu này, là mỗi buổi sáng, tôi quỳ gối trước thập giá, và đến gặp giáo dân nhiều nhất có thể trong đời sống hàng ngày của họ.”

“Nguy cơ bị đắm trong các tiêu chuẩn hiệu năng của thế gian”

Bà Florence de Leyritz, đồng sáng lập tổ chức đào tạo “Các mục tử theo quả tim tôi”

“Khi thành lập tiến trình đào tạo cho sứ vụ quản trị mục vụ “Các mục tử theo quả tim tôi”, chúng tôi có trong đầu lời cảnh giác của Đức Phanxicô đối với các vị chức trách Giáo hội dùng cách quản trị, tổ chức theo thế giới của việc buôn bán. Đức Giáo hoàng muốn nhắc chúng ta nguy cơ thời thượng mà Giáo hội có thể bị đắm trong đó khi quá chạy theo các tiêu chuẩn của thế gian. Thiên chức của Giáo hội không phải là làm một cơ quan đẹp, có cơ cấu tốt với những mục đích có những con số đẹp; tất cả những chuyện này chỉ đơn giản là các phương tiện để phục vụ cho cùng đich của mình: loan báo Nước Chúa cho tất cả mọi người. Chứ không phải là thần tượng các tiến trình, các kỹ thuật, các dụng cụ, các lối quản trị nhưng là để các việc này phục vụ cho các tín hữu kitô, để họ dấn thân trong cái mà Đức Giáo hoàng hết lòng kêu gọi: sự hoán cải truyền giáo và mục vụ mà thiên chức không phải là lo các công việc của cửa hàng – hình thức nặng nhất của thời thượng thiêng liêng –, nhưng là loan báo Chúa Kitô cho toàn thế giới.”

Charles Wright (la-croix.com) | Marta An Nguyễn chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)