Kinh Thánh tiếng Hoa |
Linh mục Pierre Jeanne ở Hong Kong là thành viên của Tổ chức Truyền giáo Nước Ngoài của Paris (MEP).
Linh mục thường viết cho trang mạng Giáo hội Á châu, các bài viết của linh mục mang nét sâu đậm của một đời mục vụ và giảng dạy. Bài viết này được đăng trên tạp chí Truyền giáo Nước Ngoài của Paris số tháng 7-8 năm 2016.
Tuyệt đại đa số người Trung quốc không biết đến Kinh Thánh, Kinh Thánh không – hay chưa – thuộc vào kiến thức tổng quát của người công dân bình thường ở đây. Tiếp cận với bản văn Kinh Thánh vẫn còn khó khăn đối với người Trung quốc (số lượng bán chỉ có hạn, chế độ kiểm duyệt, sợ mất lòng đảng); hơn nữa, nhiều người không cụ thể thấy họ có thể rút tỉa lợi ích gì khi đọc Kinh Thánh. Như thế cũng nên đặt câu hỏi để xem thử coi vì sao:…
… “Khi người Trung quốc khám phá Kinh Thánh, họ sẽ nhận ra gì? Cái gì đánh động họ nhất trong các câu chuyện này?”
Linh mục Pierre Jeanne cho biết, cảm nhận của người Trung quốc không giống với cảm nhận của người Phương Tây. Quan điểm của họ không phải là quan điểm của chúng ta; các khó khăn của họ cũng khác. Văn hóa của Thánh Kinh có nhiều điểm tương tự với văn hóa cổ của Trung quốc, nhưng cũng có những điểm khác nhau quan trọng.
Trước khi là láng giềng của nhau, cả Trung quốc và Israel đều có một lịch sử rất xưa cổ, họ có chữ viết độc đáo và công hiệu. Chữ viết, đó là khí cụ hỗ trợ cho suy nghĩ, cho văn hóa đường dài, cho nhận thức những chuyện vi tế, để uyển chuyển thích ứng chống loại bệnh sơ sài. Ngày nay, người dân của hai nước này có thể đọc và suy niệm một số lượng rất lớn các thư khố quý giá, các bài thơ và các câu châm ngôn, các di sản được soạn và tích tụ lại qua bao nhiêu thế kỷ. Các nhà trí thức thường trích dẫn và quy chiếu vào đó. Ở những giai đoạn rất xưa, cả hai nước đều có những bài viết được viết trên giấy da quý, các bài viết này nhanh chóng mang một tầm quan trọng, và những người biết đọc biết viết, lúc đó còn rất hiếm, họ đã leo lên nấc thang xã hội nhanh hơn người khác: các nhà nho ở Trung quốc, các luật sĩ và người pharisêu ở Israel.
Kết quả: trong suốt quá trình lịch sử, các truyền thống viết này của hai nước đã rèn luyện những não trạng rất đặc biệt.
Chữ viết là ký ức của một dân tộc. Các công dân Trung quốc và Israel ý thức họ thuộc về một dân tộc đặc biệt, có một quá trình lịch sử lâu dài. Họ biết điều này và thường quy chiếu vào đó. Và còn hơn nữa, nền minh triết tích tụ qua bao nhiêu thế kỷ luôn là nguồn cảm hứng cho công dân của họ ngày hôm nay. Các lời khắc trên đá (những tấm bia Trung quốc), hoặc kinh Torah được chép lại đến vô tận lần có một giá trị vĩnh cửu.
Ở Trung quốc cũng như ở Israel, các bản văn là men bột cho đơn vị quốc gia. Nó giúp người Trung quốc vượt lên được các vấn đề truyền thông giữa các thổ ngữ khác nhau trong suốt bao nhiêu thế kỷ. Thêm nữa, đó là di sản chung, mang một quyền uy nhất định; một điểm chuẩn rất được tôn trọng. Ở Israel, kinh Torah đã là và vẫn là nguồn của một đức tin chung vào một Chúa duy nhất.
Sự việc có thể quy chiếu vào những bài viết xưa, có một lịch sử lâu dài, làm thuận lợi cho một tương quan khác với thời gian. Người Trung quốc cũng như người Do Thái với kinh Torah, họ ít sống trong giây phút hiện tại, nhưng họ sống nhiều hơn trong tinh thần về lâu về dài. Họ tự nguyện tiếp tục chăm lo cơ sở của cha mẹ và khuyến khích con cái họ cũng làm như vậy. Kiên nhẫn là một đức tính mà người Trung quốc trau dồi: chẳng hạn, thể dục thể thao chậm rãi (taichi 太极) và nghệ thuật viết thư pháp. Một sự kiềm chế mình giúp cho họ vượt lên sự nhàm chán của đời sống, của những thất bại và biết quý hơn lòng kiên nhẫn của Chúa, Đấng không bao giờ bỏ con cái mình.
Ý nghĩa của sự thuộc về một dân tộc, một gia đình
Họ có tinh thần thuộc về nhóm rất mạnh, đó là động lực thúc đẩy người này người kia làm việc trong gia đình, trong xã hội. Đâu đâu trên khắp thế giới, người Do Thái và người Trung quốc đều họp nhau lại để thành lập các cộng đồng thiểu số rất mạnh. Vừa hòa nhập vào xã hội địa phương, vừa tạo các dây liên hệ với tổ quốc mẹ và giữ vững các truyền thống cũng như tiếng mẹ đẻ của mình.
Các người công giáo Trung quốc sẽ có thể muốn tìm hiểu Cựu Ước hơn người khác vì họ sẽ thấy mình giống những người thời ông Áp-ram, Isaac và Gia cóp, đã hiểu chính đức tin của mình. Sự tiếp nối và nhất quán trong lối giảng dạy tình phụ tử của Chúa trong suốt quá trình lịch sử đã làm cho họ xúc động sâu xa. Hơn nữa, về chiều dọc, họ chú trọng đến nguyên tắc của một dòng dõi gia đình và của móc xích chế độ phụ hệ (St 25, 8-11). Trong nhiều chương khác nhau của Thánh Kinh, người Trung quốc thấy được các yếu tố của việc “thờ kính tổ tiên” mà họ gắn lền một cách sâu đậm (Tb 4,3-4).
Gia đình, mối dây nguyên gốc của cả hai văn hóa
Các mối dây liên hệ gia đình vẫn còn rất quan trọng đối với người Trung quốc, dù trong thời gian gần đây, họ đã tiến triển rất nhiều. Trong các đại gia đình Trung quốc, người cha giữ địa vị hàng đầu. Quyền uy, danh tiếng và ảnh hưởng phụ hệ trên tương lai con cái không ngừng ở đại đa số người này; họ trường kỳ tồn tại cho đến khi nào cha ông họ còn sống; và khi vị trưởng lão qua đời thì lẽ tự nhiên, người con cả sẽ tiếp nối.
Thời đã đổi nhưng văn hóa và não trạng không đổi kịp theo nhịp của thời gian.
Rất nhiều người Trung quốc vẫn còn thèm muốn những đại gia đình trong Thánh Kinh. Họ tiếc là bà con trong chính gia đình họ bị phân tán, và nếu họ bị như vậy, thì họ thở dài ngao ngán, khi thấy bây giờ các người trẻ lơ là không săn sóc cha mẹ lớn tuổi.
Tuy nhiên, mặc cho các gò bó của cuộc sống hiện đại, các mối dây gia đình vẫn còn rất mạnh trong nhiều xã hội Trung quốc khác nhau. Điều răn thứ tư của Chúa: “Thảo kính cha mẹ”, rất hiếm khi bị coi nhẹ. Như thế chúng ta có thể khẳng định mà không sợ bị lầm: “Một người Trung quốc đọc “Kinh Lạy Cha” sẽ không đọc y như một người Pháp đọc kinh này”. Và chắc chắn người Trung quốc sẽ là người gần với tinh thần Thánh Kinh nhất.
Thứ trật gia đình
Trong các gia đình Trung quốc, mỗi người phải tôn trọng suốt đời mình mọi thứ trật gia đình. Chẳng hạn, người con cả, người con thứ, người con út, người con trai hay người con gái có thứ trật rất khác nhau trong gia đình. Khi Ê-sau bán quyền trưởng nam cho Gia-cóp, ông đã phạm một tội nặng và không hồi tố lại được (St 27). Abel, người em nhỏ hơn của Cain, đáng lẽ được anh mình bảo vệ thì anh lại giết em (St 4,8). Người Trung quốc dứt khoát cho rằng Cain xứng đáng bị nguyền rủa (St 4, 11). Anrê, người anh cả của tông đồ Simon, nhưng Simon lại trở nên “hòn đá tảng” đầu tiên của Giáo hội (Mt 16, 18). Gioan nhỏ tuổi hơn Giacôbê nhưng Gioan được gọi là “môn đệ được Chúa yêu mến” (Ga 21, 20). Phúc Âm làm đảo lộn thứ trật gia đình. Người Trung quốc rất nhạy cảm và đôi khi họ cũng nghiến răng khi đọc một vài chương trong Thánh Kinh.
Giữ một độ lùi với tương quan gia đình
Nhưng còn nặng hơn. Người Trung quốc khó hiểu thái độ của Chúa Kitô đối với cha mẹ, anh chị em mình (Mc 3, 31-35); Chúa Giêsu từ chối tiếp họ và để khỏi phải dàn xếp, Ngài tuyên bố: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được!” (Lc 14, 26). Chắc chắn, nương nhẹ theo Kinh Thánh Giêrusalem, thì đây là từ ngữ đặc hê-brơ: không phải thù ghét nhưng là một sự từ bỏ trọn vẹn và ngay lập tức vì Chúa Kitô và Nước Trời (Lc 18, 29). Dù vậy, rất nhiều tín hữu kitô Trung quốc xem có con gái đi tu, và còn nặng hơn, có con trai làm linh mục là gia đình mất con. Sự hy sinh một trong các con của mình đối với người Trung quốc là lớn hơn người Âu châu hay sao?
“Đó là ý Chúa!”
Đứng trước bất hạnh, các linh mục Trung quốc thường nghe giáo dân mình nói: “Mình không thể làm gì được, đó là ý Chúa!” Giống như cuộc đời của một người đã được Chúa định trước và người này phải tuân phục số phận. Tinh thần chấp nhận số phận, được ăn sâu trong não trạng người Trung quốc, có thể làm cho họ tôn trọng ý Chúa hơn, hoàn toàn vâng phục Ngài. Thật ra, thường thường là do họ không còn muốn chiến đấu chống bất hạnh và cam chịu số phận hẩm hiu của mình. Khái niệm tự do cá nhân dĩ nhiên là có, nhưng thường được hiểu một cách khác hơn là cách theo tinh thần Thánh Kinh. Đối với người Trung quốc, người ta chỉ có thể có tự do khi lớn tuổi, giàu có và có mối quan hệ với những người có cấp cao trong cả xã hội. Những người khác không có được may mắn này, sẽ cong lưng và cúi đầu suốt đời, cam chịu mà không than van, hy vọng “số phận” của họ sẽ không quá khổ.
Khi Chúa Kitô nói với các môn đệ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều… phải bị cái chết… “ (Lc 9, 22), Ngài khẳng định với các tông đồ, không phải, “vì đã viết như vậy và đã có chương trình”; nhưng là trong đường hướng công việc của Chúa, phù hợp với chương trình hoạch định của Ngài. Dù vậy, thái độ và lời cầu nguyện của Chúa Giêsu lại chứng tỏ Ngài khó chấp nhận đi đến một cái chết bất công và bị lên án (Lc 22, 39-46). Sự vâng lời của Ngài không phải là sự tuân phục mù quáng!
Nhận ra tiếng gọi hoán cải
Dù sao các độc giả đọc bài này sẽ không lo lắng một cách vô ích. Cũng như bao nhiêu người khác, một khi người Trung quốc khám phá được Kinh Thánh, họ sẽ say mê với những gì họ đọc và để cho tiếng gọi hoán cải chất vấn họ. Chẳng hạn, cũng như rất nhiều người đọc Tin Mừng, họ sẽ thấy mình nơi ông Simon người pharisêu (Lc 7, 36-50), hay nơi người đàn ông giàu và trẻ (Mc 10, 17-31). Nhưng họ cũng sẽ cảm thấy mình được tái sinh và gặp được chính mình qua ánh sáng Chúa Kitô: họ tự nguyện theo gương người Samaritanô nhân hậu, mở hầu bao và tâm hồn mình cho người bất hạnh (Lc 19, 1-10), và thấy mình nơi ông Gia-kêu, người đón Chúa Kitô và nếm được niềm vui của sự chia sẻ thật sự (Lc 19, 1-10).
Tóm lại, người ta có thể nói, đọc Kinh Thánh cũng giống như soi gương, là để mình có thể thấy mình. Độc giả có thể khám phá ở đó chiều sâu tâm hồn mình và cũng thấy cả văn hóa và thời của mình. Người Trung quốc không tiếp cận các bài trong Kinh Thánh như người Tây phương, người mà từ đầu Kinh Thánh đã đến với họ. Người Trung quốc có thể cho phép mình tránh một vài đường vòng để đến trực tiếp với những gì nói với họ nhiều nhất.
Khi gặp Chúa Kitô trong Thánh Kinh, người Trung quốc cũng như người Phương Tây, sẽ thấy các thần tượng làm vướng víu cuộc đời của họ, sẽ thấy những con đường sai lầm lúc nào cũng lởn vởn trước mặt như để quyến rũ họ: làm giàu nhanh lên, nhiều lên bằng bất cứ phương tiện nào, tôn thờ kỹ thuật hiện đại, để mình bị lu mờ với danh dự hay quyền lực, dùng nó hoặc đem nó đi thống trị người khác… vv. Chúa Kitô, bởi chính sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn của một người mở rộng ra với ân sủng Chúa mà họ sẽ đặt lại mọi sự đúng chỗ của nó. Chẳng hạn, Ngài sẽ nói với người Trung quốc cũng như nói với người Phương Tây khi họ làm việc quá: “Con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá, chỉ có một chuyện cần thiết thôi.” (Lc 10, 41).
Pierre Jeanne, MEP (eglasie.mepasie.org) | Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)