Bắt đầu từ thế kỷ thứ IV lòng sùng kính Mẹ Maria được đi kèm bởi một phát triển thích đáng, cho thấy một sự gia tăng từ từ sẽ dẫn đưa tới việc nở rộ của thế kỷ sau đó.
Trong thời gian này nảy sinh ra các lạc thuyết thánh mẫu học có thể được kiểm thực trên bình diện lịch sử. Nổi tiếng là phản ứng của thánh Epifanio chống lại trào lưu tư tưởng gọi là “antimariani” hay “antidicomarianiti” những địch thủ của Đức Maria. Những kitô hữu theo trào lưu này khước từ sự trọn đời đồng trinh của Đức Maria. Đối với họ biến cố truyền tin chỉ có giá trị đơn sơ biểu tượng. Họ giải thích nghĩa theo chữ văn bản Phúc Âm thánh Mátthêu chương 12 câu 46 đề cập tới các anh em của Đức Giêsu. Trào lưu này phát triển hồi thế kỷ thứ II và có nhiều người ủng hộ cho tới thế kỷ thứ IV. Trong số các phong trào đầu tiên chấp nhận tư tưởng này có các người Ebionít. Họ khẳng định rằng Đức Giêsu là con của ông Giuse và bà Maria. Trong số những người theo bè phái Ario có Eudosio thành Costantinopoli và Eunomio thành Cizico. Vào thế kỷ thứ IV có thêm Gioviniano thành Roma, Elvidio thành Milano và Bonoso thành Sardica. Các tu sĩ này cũng có các đồ đệ. Trong tác phẩm “Panarion advesus omnes haereses” thánh Epifanio thành Salamina khẳng định rằng lạc giáo này rất phổ biến bên A rập vào cuối thế kỷ thứ IV. Thánh Epifanio cũng chống lại một giáo phái nữ gọi là Colliridiane. Các phụ nữ vùng A rập này đề cao việc tôn sùng Đức Maria tới độ biến Người trở thành một nữ thần và dâng cúng vài loại bánh ngọt bằng bột (colliria) cho Người như lễ vật. Thánh Epifanio đảo Chypre viết về họ như sau: “Vài phụ nữ nướng các bánh nhỏ và dâng lên nhân danh Đức Maria trong các lễ nghi tôn giáo do các phụ nữ thành toàn và tại Sikima, dân chúng làng này dâng các lễ vật nhân danh Người Nữ Tỳ (Theotokos)” (Contro gli antidicomarianiti, Migne, PG 42,736 B, CD; San Giovanni Damasceno, On Heresies, New York, 1968,p. 131). Giáo phái này bắt nguồn từ vùng Tracia vào thế kỷ thứ IV và phổ biến trong vùng Scitia Thượng, tức vùng tây bắc Biển Đen và vùng Arabia. Xem ra nó được phối hợp với một truyền thuyết giống truyền thuyết của Elia liên quan tới sự trong sạch và không chết của Đức Maria. Bên dưới đó dấu ẩn tôn giáo cổ về Nữ thần của ngoại giáo. Thánh Epifanio thiết định sự khác biệt rõ ràng giữa việc tôn thờ Thiên Chúa và việc mộ mến Mẹ Maria.
Sau này có vài tác phẩm mạo thư thuộc thế kỷ thứ V, gọi là các “Khải huyền của Đức Trinh Nữ”, xác nhận sự hiện hữu của một hình thức tôn sùng thái quá khác hướng tới chỗ khuếch đại các giới hạn của lòng tốt và sự thương xót của Đức Maria, tới độ gán cho Mẹ cả việc cầu bầu cho những kẻ đã bị kết án trầm luân đời đời. Vượt ngoài các khiá cạnh tôn giáo tiêu cực của chúng, các lệch lạc này là bằng chứng cho thấy ngay từ thời đó đã có các khuynh hướng bình dân tìm kiếm các hình thái tự phát của lòng tôn sùng Mẹ Maria, và tuy không đối nghịch nhưng nằm trên một bình diện khác với bình diện phụng vụ.
Việc các kitô hữu trực tiếp khẩn cầu Mẹ Maria trong lời nguyện cá nhân được thánh Gregorio Nazianzeno xác nhận. Thánh nhân kể lại thí dụ hai trinh nữ tên là Giustina và Tecla gặp khó khăn nên khẩn nài Mẹ Chúa đến cứu giúp họ.
Cũng chính trong thời đại này có các tin đầu tiên liên quan tới các lần Đức Mẹ hiện ra. Sử gia Sozomeno cho chúng ta biết rằng trong một ngôi nhà thờ nhỏ tại Costantinopoli quyền năng Chúa phân phát các ơn thánh cho những người đau yếu và những ai cần sự trợ giúp. Và người ta xác tín rằng đó là do chính Mẹ Chúa làm. Tới phiên mình thánh Gregorio Nisseno nói tới biến cố Đức Trinh Nữ hiện ra với thánh Gregorio Người chữa bệnh. Bỏ ra ngoài vấn đề lịch sử tính của các trình thuật này, điều quan trọng cần ghi nhận ở đây đó là ngay từ thời đó các vụ hiện ra của Đức Mẹ đã không bị coi như là các hiện tượng không thể xảy ra hay là bất thường.
Cũng trong thời gian này người ta thấy xuất hiện các hình thái tôn sùng khác nữa sẽ trở thành truyền thống trong lịch sử lòng sùng mộ Mẹ Maria: đó là việc tôn kính ảnh tượng, mà theo thánh Basilio nó phù hợp với truyền thống tông đồ và đã không bị cấm trong các nhà thờ, cũng như việc đi hành hương, được chứng thực bởi nhiều nguồn tài liệu lịch sử và văn chương.
Vào đầu thế kỷ thứ IV hình thức dấn thân sống khắc khổ cũng thay đổi. Với sắc lệnh Milano do hoàng đế Costantino ban hành năm 313 cho phép kitô hữu tự do tuyên xưng đức tin, không còn khả thể tử đạo để làm chứng cho đức tin nữa. Trong tình hình mới chứng tá của một cuộc sống khổ hạnh triệt để có tầm quan trọng đặc biệt, trong đó sự đồng trinh được trình bầy như là việc đáp trả tràn đầy các đòi hỏi của Tin Mừng Nước Trời. Mẹ Maria được tôn kính như gương mẫu tuyệt hảo của loại chứng tá đó. Nhắc tới lời khích lệ mà Alessandro thành Alessandri nói với các trinh nữ, thánh Atanasio viết như sau: “Ngoài ra, các chị em còn có kiểu sống của Mẹ Maria, làm gương mẫu và là hình ảnh cuả chính cuộc sống trên trời”. Trong Giáo hội thời đó sự đồng trinh có nghĩa là chính dấn thân của tín hữu kitô được hiểu trong sự toàn vẹn và triệt để và một cách cụ thể trở thành đồng nghĩa với sự thánh thiện. Tâm thức này khiến cho người ta thắng vượt một cách vĩnh viễn một ít dè dặt do vài giáo phụ đề nghị liên quan tới sự thánh thiện của Mẹ Maria. Tước hiệu đồng trinh được để sóng đôi với định tính thánh thiện luôn càng ngày một cách càng thông thường hơn.
Hoàn cảnh này và ý thức gia tăng về vai trò quan trọng của Đức Maria trong mầu nhiệm nhập thể khiến cho lòng sùng kính Mẹ tiến tới các chiều kích của một hiện tượng lớn lao ngay trong thế kỷ thứ V đã được phổ biến khắp nơi bên Đông phương cũng như bên Tây phương.
Vài lễ trọng của Chúa nhanh chóng trở thành lễ chung, trong đó việc cử hành Đức Trinh Nữ trở thành phần của các lược đồ phụng vụ. Và sự kiện này xảy ra vào giữa thế kỷ thứ IV đối với lễ Giáng Sinh và lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Mầu nhiệm truyền tin, xưa kia được kết hợp với mầu nhiệm giáng sinh trong thế kỷ thứ VI, trở thành đối tượng của các lễ độc lập. Trong các năm khoảng 431 chúng ta thấy Giáo Hội Giêrusalem cử hành lễ Đức Maria Theotókos Mẹ Thiên Chúa vào ngày 15 tháng 8. Một thế kỷ sau lễ này mang một ý nghĩa khác. Dưới ảnh hưởng của các tác phẩm mạo thư miêu tả việc Đức Maria từ trái đất được đưa về trời, ngày 15 tháng 8 trở thành lễ “Đức Mẹ Ngủ” và muốn tưởng niệm ngày Đức Trinh Nữ sinh vào quê trời, giống như lễ tín hữu kitô cử hành cho các vị tử đạo và rồi cho các thánh nói chung. Ngày chết là ngày các vị sinh vào cuộc sống trên trời. Lễ trọng này sau đó được cử hành bên Tây phương và gọi là lễ “Đức Maria hồn xác lên trời.”
Thế rồi xa hơn nữa trong dòng thời gian, các lễ khác về Đức Mẹ được đưa vào lịch phụng vụ Vào giữa thế kỷ thứ VI chúng ta biết tới lễ “Sinh nhật Đức Mẹ” ngày mùng 8 tháng 9, được các đan sĩ bisantin du nhập sang Tây phương hồi thế kỷ thứ VII, khi các vị di cư tới Roma. Cũng vào thế kỷ thứ VI có lễ “Dâng Đức Mẹ vào Đền Thánh.” Lễ này cũng được du nhập sang Tây phương bởi các đan viện hy lạp tại miền nam Italia. Lễ “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội” hay lễ “Thụ Thai” được cử hành ngày mùng 9 tháng 12 bên Đông phương cũng thế. Lễ này nảy sinh như là lễ thụ thai tích cực của thánh Anna Thân Mẫu Đức Mẹ hơn là sự thu thai thụ động của Đức Maria. Ngay từ khi được thụ thai trong lòng thân mẫu Đức Maria đã được Thiên Chúa cho đặc ân không mắc tội tổ tông truyền.
Ngoài ra chúng ta còn tìm thấy Đức Mẹ được đưa vào trong các điệp ca láy đầu của phụng vụ, rất thường được dùng bên Đông Phương, bắt đầu từ các điệp ca láy đầu cổ xưa của thánh Basilio và của thánh Grêgôriô Nazianzeno.
Việc phát triển lịch sử của lòng tôn sùng Mẹ Maria có đồng thời như là lý do và như là kết quả, sự nở hoa ngoại thường của nền văn chương phụng vụ, nhất là các thánh thi cử hành và các bài giảng của các tác giả nổi tiếng có uy tín và dấn thân nhất của nền văn chương giáo phụ bên Đông cũng như bên Tây Phương.
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)