MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Phỏng vấn bà Paloma García Ovejero, phó giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh


“Sự bổ nhiệm tôi nằm trong việc cải tổ bình thường của Đức Phanxicô”, bà Paloma García Ovejero giải thích, bà là tân phó giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh. Ngày 1 tháng 8, bà đã chính thức nhận chức vụ.

Là phụ nữ đầu tiên ở chức vụ này, bên cạnh tân giám đốc người Mỹ Greg Burke; cách đây vài tuần, bà còn là tùy viên báo chí của đài phát thanh của Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha Cadena COPE tại Rôma. Bà giải thích cho hãng tin I.MEDIA biết bà đã nhận tân sứ vụ bất ngờ này như thế nào.

Năm nay 40 tuổi, bà là người Tây Ban Nha, gốc Madrid, nơi bà lớn lên trong một gia đình công giáo có bảy người con. Từ năm 1998 bà Paloma García Ovejero đã là chủ bút của Cadena COPE. Tháng 9 năm 2012, bà đến Rôma làm tùy viên cho đài phát thanh Ý và Vatican và cho nhiều tờ báo cũng như nhiều kênh truyền hình khác.

Một phụ nữ ở trong ban giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh là một bước mới trong việc “cải tổ bình thường” của Đức Phanxicô, bà cho biết, bà từ chối yếu tố phụ nữ như một tiêu chuẩn để tuyển chọn về mặt nghề nghiệp. Mục đích theo đuổi, qua việc bổ nhiệm ký giả Greg Burke và của bà, là “toàn cầu hóa Văn phòng báo chí”, trong quan hệ với các ký giả và toàn thể các người công giáo.

Bà phản ứng như thế nào khi nghe tin mình được bổ nhiệm?

Tôi hoàn toàn ngạc nhiên. Trước khi gặp Đức Giáo hoàng ở Nhà Thánh MácTa, tôi về Tây Ban Nha để tự báo tin cho gia đình. Cha tôi nhắc lời Thánh Phaolô với tôi: “Con hãy khiêm tốn, hãy dễ thương với tất cả mọi người, phần còn lại là việc của Chúa làm!” Mẹ tôi nói: “Chúng ta đã không nhận lãnh Thần Khí làm chúng ta sợ sệt” (nội dung câu này là ở đoạn Rm, 8: 15). Cha mẹ tôi rất xúc động, nhưng họ bình tâm. Thật ra, tôi xem việc bổ nhiệm này như một sự thay đổi phục vụ, sứ vụ. Công việc trước đây của tôi là làm cho đài phát thanh của Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, bây giờ là làm cho Văn phòng báo chí Tòa Thánh! Nhưng vẫn là phục vụ, dính với ngành báo chí.

Hai giáo dân được đào tạo trong ngành báo chí, một người tiếng Anh, một người tiếng Tây Ban Nha: thế là có nhiều mới mẻ ở Văn phòng báo chí Tòa Thánh. Đâu là mục đích mà Đức Phanxicô muốn tìm?

Sự việc tiếng Tây Ban Nha là tiếng mẹ đẻ của tôi, cũng như tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của ký giả Greg Burke cũng là các tiêu chuẩn để chọn lựa. Với hai chúng tôi, chúng tôi có hai ngôn ngữ được nói nhiều nhất trên thế giới và trong Giáo hội công giáo. Một trong các mục đích chính là hoàn vũ hóa văn phòng báo chí trong các quan hệ với ký giả và với người công giáo. Chỉ cần nhìn tài khoản twitter của Đức Giáo hoàng, “@pontifex”: tài khoản tiếng Anh có 10 triệu người theo. Còn tiếng Tây Ban Nha thì có 12 triệu người theo. Thêm nữa, là ký giả chúng tôi hiểu hơn, không những trong những gì phải cần, mà còn hiểu các vấn đề, các khuyết điểm hay những chuyện cần cải thiện trong hệ thống truyền thông Vatican. Cuối cùng, là giáo dân là nhất quán với tư tưởng của Đức Phanxicô. Ngài muốn làm những gì ngài nói. Rất nhiều lần ngài muốn giải hóa Giáo hội khỏi sự giáo sĩ hóa. Trong bức thư tháng 3 – 2016 gởi cho Hồng y Marc Ouellet (Bộ trưởng Bộ Giám mục và chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh cho Châu Mỹ La Tinh) ngài cũng đã nhắc đến vai trò của các giáo dân. Đức Giáo hoàng cũng đã ghi lại lời của những năm 1970: “Đây là thời của các giáo dân!” và ngài viết thêm: “Nhưng có vẻ như đồng hồ đã bị ngưng chạy”.

Đức Phanxicô cũng đã kiên trì nhắc tầm quan trọng của việc cho phụ nữ nhiều trách nhiệm hơn trong Giáo hội…

Sự bổ nhiệm này nằm trong sự cải tổ bình thường mà Đức Phanxicô muốn thành lập trong giáo triều của mình. Nó nhất quán với các lời nói của ngài và với việc phụ nữ chiếm một nửa xã hội! Tại Văn phòng báo chí, chắc chắn hơn một nửa ký giả là phụ nữ. Nhưng cũng có rất nhiều nhân viên ở Vatican là phụ nữ. Như thế, theo tôi là bình thường, hợp lý và nhất quán, cũng như ở cấp cao cũng có phụ nữ. Bà Natasha Govekar trong ban thần học-mục vụ của Viện truyền thông; sắp tới đây là bà Barbara Jatta, tân giám đốc các Viện bảo tàng Vatican. Tôi không nghĩ việc bổ nhiệm tôi là một trường hợp cá biệt. Tôi không muốn sự việc là phụ nữ là một tiêu chuẩn khác như được sinh ra tại Madrid, là người tóc vàng hay người cao lớn! Đây không phải là một công lao, đây là một sự việc. Đối với tôi, là phụ nữ không phải là một tiêu tiêu chuẩn chuẩn chọn lựa nghề nghiệp. Đây không phải là một cái gì để mình làm việc tốt hơn, nhưng để làm một cách khác hơn. Ở đây là sự bình thường, sự bổ túc và sự phong phú hỗ tương.

Các phụ nữ họ có những phẩm chất riêng để giao tế tốt hơn trong Giáo hội không?

Đức Gioan-Phaolô II thường nói đến tài ba của phụ nữ. Đức Phanxicô cũng vậy, ngài hay nói đến cái nhìn của phụ nữ trong tất cả các lãnh vực. Rõ ràng là tiếp cận của chúng tôi về thông tin, về con người, với các vấn đề, với đời sống chung chung là khác. Sẽ thiệt hại cho Giáo hội nếu không có 50% nguồn nhân lực này! Và cũng chính phụ nữ như bà Maria Mađalêna là người đầu tiên thấy Chúa Kitô Sống Lại và đi loan báo tin này! Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ngày 22 tháng 7 vừa qua, ngày lễ Thánh Maria Mađalêna, Đức Phanxicô đã nâng thánh nữ lên hàng lễ kính trong lịch phụng vụ.

Bà đã có ý nào trong đầu để cải thiện việc truyền thông trong Văn phòng báo chí Tòa Thánh chưa?

Tôi lên chiếc tàu khi nó đã sẵn sàng ra khơi. Với việc cải tổ hệ thống báo chí Vatican, một tiến trình về mặt nghề nghiệp đã được làm. Hiện nay chính tôi là người phải hiểu các đường nét lớn của việc cải tổ, trong đó có những đường nét nhỏ của Văn phòng báo chí. Sau đó hàng ngày chúng tôi sẽ xem những gì các ký giả có thể đề nghị để thay đổi!

Bénédicte Lutaud (cath.ch) | Marta An Nguyễn chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)