VATICAN. ĐTC kêu gọi các tín hữu nhìn nhận tội lỗi gây hại cho thiên nhiên và con người, thống hối và quyết tâm thay đổi lối sống.
Trên đây là nội dung Sứ điệp của ĐTC Ngày Thế giới cầu nguyện cho sự săn sóc thiên nhiên, cử hành hôm 1-9-2016, nơi các Giáo Hội Kitô. Sứ điệp mang tựa đề “Chúng ta hãy dùng lòng thương xót đối với căn nhà chung của chúng ta”, và đã được ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cùng với Đức Cha Brian Farrell, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, giới thiệu với giới báo chí sáng ngày 1-9-2016 trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.
ĐTC nhận xét rằng “Trái đất tiếp tục bị hâm nóng hơn, một phần vì hoạt động của con người: năm 2015 là năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay và có lẽ năm 2016 này sẽ còn nóng hơn nữa. Tình trạng này tạo nên hạn hán, lụt lội, hỏa hoạn và những biến cố khí hậu cùng cực ngày càng trầm trọng hơn. Những thay đổi khí hậu cũng góp phần vào cuộc khủng hoảng cao độ khiến cho nhiều người buộc lòng phải tản cư. Những người nghèo trên thế giới là những người ít có trách nhiệm nhất trong việc thay đổi khí hậu, nhưng họ lại là những người dễ bị tổn thương nhất và đang phải chịu những hậu quả của những thay đổi này.”
ĐTC xác quyết rằng những tội chống lại thiên nhiên cũng là một tội ác chống lại chính chúng ta và là tội chống lại Thiên Chúa.
Trước tình trạng đó, Ngài mời gọi mọi người hãy xét mình, ý thức tội lỗi và lòng thương xót của Thiên Chúa, để ăn năn hối cải và xưng thú tội với Chúa Cha giàu lòng xót thương, đồng thời quyết tâm thay đổi cuộc sống. ĐTC viết:
“Điều này phải được diễn tả qua những thái độ và lối cư xử cụ thể tôn trọng thiên nhiên, ví dụ sử dụng plastic và giấy một cách khôn ngoan thận trọng, không phung phí nước, lương thực và năng lượng điện, phân loại các loại rác, đối xử với các sinh vật với lòng chăm sóc, dùng các phương tiện chuyên chở công cộng, đi chung xe với nhiều người, v.v.” (LS 211).
“Chúng ta đừng nghĩ rằng những cố gắng đó quá bé nhỏ không thể cải tiến thế giới. Những hành động ấy tạo nên giữa lòng trái đất này một điều tốt đẹp có khuynh hướng lan rộng, nhiều khi một cách vô hình” (LS 212) và khích lệ “một lối sống có tính chất ngôn sứ và chiêm niệm, có khả năng mang lại vui mừng sâu xa và không bị ám ảnh vì sự tiêu thụ” (Ibidem 222).
Sau cùng, ĐTC khích lệ các tín hữu thực hiện một công việc mới mẻ về lòng thương xót. Thường khi nói về những công việc từ bi thương xót chúng ta thường nghĩ đến những việc bác ái về vật chất cũng như tinh thần. “Nhưng nếu chúng ta nhìn chúng chung với nhau, thì sứ điệp là điều này: đối tượng của lòng từ bi thương xót chính là sự sống con người trong toàn thể. Và hiển nhiên, chính sự sống này bao gồm cả việc chăm sóc căn nhà chung. Vì thế tôi xin phép đề nghị một bổ túc cho danh sách truyền thống 7 công việc từ bi thương xót bằng công việc ‘chăm sóc căn nhà chung’. Việc làm này thuộc về những công việc từ bi thương xót về mặt tinh thần cũng như về mặt vật chất”.
Sứ điệp của ĐTC kết thúc với lời nguyện, “xin Chúa giúp chúng ta cứu giúp những người bị bỏ rơi và quyên lãng trên trái đất này, những người rất có giá trị trước mặt Chúa; xin Chúa ban cho chúng con ơn tha thứ và thông truyền lòng thương xót của Chúa trong toàn thể căn nhà chung của chúng con.” (SD 1-9-2016)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)