Tổng Giám mục tiến chức Donald Bolen, người được Đức Giáo hoàng Phanxicô chỉ định hồi đầu mùa hè này để dẫn dắt tổng giáo phận Regina của Canada, nằm sát bang Montana và North Dakota của Hoa Kỳ. Ngài nói rằng, giáo hội không thể trông mong mình được lắng nghe chỉ bằng cách nói lớn tiếng hơn.
“Khi đương đầu với những khó khăn thực sự và vấn đề đầy thách thức, chúng ta cần trung thành với giáo huấn của giáo hội, trung thành với sứ điệp Tin mừng, với mặc khải, nhưng chúng ta cần phải đi vào đối thoại nếu như muốn được nghiêm túc lắng nghe và nếu như muốn có tác động vào thế giới.
Không phải bằng cách hét to hơn. Mà là bằng cách dấn thân đối thoại rõ ràng với quan điểm đầy tính quả quyết.”
Đức cha Bolen, đã dẫn dắt giáo phận Saskatoon từ năm 2009, trước đó ngài làm việc ở Roma, trong Hội đồng Giáo hoàng Thăng tiến Hiệp nhất Kitô giáo từ 2001-2008.
Tổng Giám mục sẽ chính thức nhận tòa từ ngày 14-10. Ngài đã trả lời phỏng vấn của NCR, nói về đối thoại cả trong quan hệ đại kết và trong công việc của ngài ở Saskatoon để thúc đẩy tông thư môi sinh Laudato Si của Đức Phanxicô.
Ngài hiểu sứ mạng của Giáo hội “có Tin mừng để loan báo, nhưng con đường chính để làm thế là qua đối thoại. Chúng ta được chúc phúc và được phong phú khi đi vào đối thoại … Quan điểm của Giáo hội là trong đối thoại với nền văn hóa rộng hơn, tôn trọng nền văn hóa, chúng ta có thông điệp để công bố, nhưng cũng cần phải sâu sắc lắng nghe nữa.”
Tổng Giám mục Bolen cũng trưởng ủy ban Công lý và Hòa bình của các giám mục Canada, nói rằng phong cách lãnh đạo của ngài dựa trên mẫu gương của hồng y Walter Kasper và giám mục Brian Farrell, các cấp trên của ngài thời còn làm việc ở Roma.
“Hồng y Kasper là một con người rất đối thoại. Khi chúng tôi cố gắng nhận định cách giải quyết một tình huống cụ thể, ngài sẽ hỏi ý kiến. Khi tôi biết mình được chỉ định làm giám mục, và đang cố gắng học cách để lãnh đạo, tôi nhận ra mình đã được gặp và được định hình sâu sắc theo hình mẫu lãnh đạo của các ngài. Tôi được định hình sâu sắc hơn tôi tưởng, và tôi đã cố thi hành mục vụ giám mục của mình theo đường lối rất tham vấn.”
Như Đức Phanxicô, đức cha Bolen cũng lấy lòng thương xót làm điểm nhấn đặc biệt trong mục vụ giám mục của mình, câu khẩu hiệu giám mục của ngài là “lòng thương xót bên trong lòng thương xót bên trong lòng thương xót.”
Câu này được rút ra từ quyển Dấu hiệu Jonas (The Sign of Jonas-1953) của Thomas Merton, viết lại khoảnh khắc mà thầy Merton đã được Chúa dùng những lời này mô tả Ngài.
Và tổng giám mục giải thích khẩu hiệu của mình rằng, “Có thể nói, với tôi, lòng thương xót là danh của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng thấy và yêu thương chúng ta như đúng thực chất của chúng ta, biến đổi chúng ta bằng tình yêu thương xót. Tôi hiểu lòng thương xót như là …một tình yêu biến đổi. Tình yêu Thiên Chúa dànhcho những người đang thiếu thốn và những người suy sụp nữa, tình yêu đó cần được vươn ra. Và tôi nghĩ chính nhân loại, chính chúng ta đang cần tình yêu đó.”
Đức cha Bolen cũng nói về các thách thức đặc biệt mà giáo hội ở vùng đồng cỏ Canada của ngài phải đối diện.
Ngay trước khi tuyên bố việc bổ nhiệm hồi tháng 7, tổng giám mục đã dành 36 tiếng sống trên đường phố cùng với 9 tình nguyện viên, để gây quỹ cho Sanctum Care Group, một trung tâm chăm sóc chuyển tiếp và nhà tế bần cho bệnh nhân HIV.
Tổng Giám mục kể lại kỷ niệm của mình trong hai ngày sống trên đường phố Saskatoon trước ánh mắt mọi người.
Người tổ chức muốn đức cha Bolen và các tình nguyện viên ngỏ lời xin tiền với những người đi đường, để hiểu hơn cảm nghiệm của những người vô gia cư. Đức cha Bolen nói rằng, “Tôi không ngạc nhiên khi mọi người không cho tôi nhiều tiền. Không quá sốc. Điều khiến tôi sốc là họ không nhìn vào mắt tôi. Chúng ta quá ít thấy được người vô gia cư hiển hiện ngay trước mắt mình. Chúng ta biến họ thành vô hình bởi thấy họ là mối đe dọa và phiền phức.
Tôi sống ở quanh vùng nghèo nhất của thành phố. Tôi như thấy vùng mình sống qua những ánh mắt hoàn toàn xa lạ. Khi tôi bận rộn hay vội vã, hay trên đường đi làm, mang bộ áo giáo sỹ, tôi thấy được đôi chút những thách thức và nét đẹp của vùng này, nhưng không được nhiều. Nhưng tôi có thể thấy rõ hơn, khi đi chậm lại, khi đứng ở đó, và trở nên vô hình một chút.
Bạn sẽ thấy, không chỉ những thách thức và vấn đề thực sự trên đường phố, nhưng còn là một ý thức cộng đồng …và cách mọi người giúp đỡ nâng đỡ nhau, là điều mà tôi đã từng bỏ lỡ không thấy được.”
Đức cha Bolen nói rằng, khi chuẩn bị nhận tòa ở Regina, một trong những thách thức đặc biệt đối với giáo hội ở đây, là xây dựng quan hệ với người dân bản xứ.
“Thách thức lớn của chúng tôi về mặt mục vụ là những mối quan hệ với người dân bản xứ. Tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ mới nghiêm túc xem xét những chuyện đã xảy ra với những người dân bản xứ thời người Âu châu đến đây định cư, cũng như những tác động của chuyện này lên ngôn ngữ, văn hóa, và con người của thổ dân.
Có một mối liên hệ trực tiếp giữa cảm nghiệm này với những thách thức mà người dân bản xứ trong xã hội chúng ta thời nay phải đối diện. Và chúng ta không có những mối quan hệ thật tốt.
Về giáo hội và xã hội …nhiệm vụ và trách nhiệm hàng đầu của chúng ta là học cách chung bước với người dân bản xứ và học cách sống chung với nhau theo một đường lối mới.”
Đức cha Bolen trả lời bài phỏng vấn này qua Skype, khi cha đang ở Tây Ban Nha, đi bộ hành hương năm tuần trên tuyến đường truyền thống Camino de Santiago.
“Có rất nhiều người hành hương trên đường. Những chuyện bạn sẽ làm tiếp theo trong đời, dường như chẳng sánh được chuyện bạn đã lên đường, vì sao bạn lại đi bộ hành hương Camino, và làm sao để giải quyết những vết sưng phồng.
Thật tốt khi tách rời một chút với lịch trình thường nhật của mình, vốn rất bận rộn và nhiều căng thẳng. Chỉ cầu nguyện và bước đi, và viếng thăm. Và sống một cuộc đời đơn giản hơn trong một thời gian.”
Joshua J. McElwee (NCR) | J.B. Thái Hòa chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)