MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại công viên Bicentennial

Sáng Chúa Nhật 25 tháng Ba được coi là đỉnh cao trong chuyến viếng thăm Mễ Tây Cơ của Đức Thánh Cha với thánh lễ sáng Chúa Nhật tại công viên Bicentenario của thành phố nơi đối diện với ngọn đồi Silao nơi tượng đài Chúa Kitô Vua được đặt trên đỉnh đồi.

Thành phố León có dân số chưa đến 1.4 triệu người và không phải là thành phố du lịch. Do đó, chắc chắn các khách sạn không đủ chỗ cho những người từ khắp nơi đổ về. Hội Đồng Thành Phố đã đồng ý cho các du khách được cấm trại trong khu vực lân cận với điều kiện phải đóng 200 pêsô tức là khoảng 15 Mỹ Kim. Đức Giáo Hoàng đã đáp một chiếc trực thăng để đến đồi Cubilete trong thành phố Guanajuato. Trên đỉnh đồi là một bức tượng Chúa Kitô cao 22 mét. Đây là pho tượng lịch sử nhằm vinh danh hàng ngàn vị tử đạo Mễ Tây Cơ được gọi là ‘Cristeros’, là những người đã chết trong khi chiến đấu cho tự do tôn giáo trong thập niên 1920. Hàng ngàn người đã chào đón Đức Giáo Hoàng trên đồi, khi trực thăng của Đức Thánh Cha bay đến địa điểm này.

Đức Giáo Hoàng đã được 500.000 người chào đón khi ngài tiến vào công viên Bicentennial Leon để cử hành Thánh Lễ. Khi chào đón đám đông, Đức Giáo Hoàng đã đội một chiếc mũ truyền thống Mexico, được gọi là 'Sombrero’.

Đây là Thánh Lễ đầu tiên Đức Giáo Hoàng cử hành ở Mễ Tây Cơ.

Trong những năm đầu thế kỷ 20, người Công giáo đã bị bách hại dã man tại Mexico dưới thời nhà nước cộng sản. Cuộc bách hại tàn khốc đã dẫn đến cuộc nổi dậy của người Công Giáo trong cuộc chiến Cristero kéo dài từ năm 1926 đến 1929. Tổng thống Mexico lúc đó là Plutarco Elias Calles, ra lệnh đóng cửa các nhà thờ, trục xuất bắt bớ các linh mục và giám mục.

Năm 1928, nhà nước phá hủy bức tượng Chúa Kitô Vua mới vừa được xây trên đỉnh đồi Cubilete trước đó tám năm.

Gần 20 năm sau, vào năm 1942, vị giám mục của León xây dựng lại tượng Chúa Kitô Vua bằng đồng và nặng khoảng 80 tấn như là một dấu hiệu của chiến thắng và tự do.

Dưới chân Chúa có hai thiên thần, một vị cầm một vòng gai tượng trưng cho sự đau khổ của các vị tử đạo và một vị cầm một vương miện hoàng gia tiêu biểu cho chiến thắng cuối cùng của người dân.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Tổng Giám Mục Jose Guadalupe Martin Rabago, các vị Hồng Y và Tổng Giám Mục thuộc Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ và đại diện các Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu và vùng Caribê và hàng ngàn các linh mục của tổng giáo phận León và vùng phụ cận.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Trong phần đáp ca chúng ta nhắc lại Thánh Vịnh 50, ‘Lạy Chúa xin tạo cho con một quả tim trong sạch’. Lời kêu cầu này cho thấy chúng ta phải chuẩn bị sâu sắc thế nào để cử hành trong tuần tới mầu nhiệm cao cả của cuộc thương khó, cái chết, và sự Phục Sinh của Chúa. Lời than van ấy cũng giúp chúng ta nhìn sâu vào trái tim con người, đặc biệt là trong lúc đau buồn cũng như hy vọng, như trong thời điểm hiện tại cho người dân Mễ Tây Cơ và Mỹ Châu Latinh ".

Sau đó, Đức Thánh Cha nói về sự gia tăng bạo lực tại Mễ Tây Cơ khi nhắc đến tượng đài "Chúa Kitô Vua", đứng uy nghiêm trên đỉnh đồi Cubilete chỉ cách đó lễ đài một khoảng cách ngắn ngủi.

Ngài nói:

"Vương quốc của Chúa Kitô không dựa trên sức mạnh của quân đội để chế ngự những người khác thông qua vũ lực hoặc bạo lực. Vương quốc ấy dựa trên một sức mạnh cao hơn là chinh phục con tim: đó là tình yêu của Thiên Chúa mà Ngài mang đến thế giới qua sự hy sinh của mình, và chân lý mà Ngài đã làm chứng "

Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm Mễ Tây Cơ năm lần. Ngài đã rất muốn đến thăm khu vực Bajio trong đời của mình. Mặc dù, ngài đã không thể làm được điều đó, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nói về liên kết đặc biệt giữa Mễ Tây Cơ và người tiền nhiệm của ngài.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

"Tôi chắc chắn rằng trên thiên đàng, ngài hạnh phúc khi thấy Chúa ban cho tôi ân sủng để được ở đây với bạn và ngài đã chúc phúc cho hàng triệu người dân Mễ Tây Cơ đã tôn kính di tích của ngài trong mọi miền của đất nước."

Vào cuối của bài giảng của mình, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi một khoảnh khắc suy niệm trong im lặng.

Tổng thống Mễ Tây Cơ, Felipe Calderon và gia đình của ông đã được Đức Thánh Cha cho rước lễ. Một nhóm trẻ em cũng được rước lễ từ Đức Giáo Hoàng.

Bàn thờ nơi Thánh Lễ được cử hành khá đơn giản. Trong nền màu trắng của nó, có hình thập giá và một hình ảnh của Đức Mẹ Guadalupe, Bổn Mạng của Mễ Tây Cơ.

Sau khi cử hành Thánh Lễ tại Công viên Bicentennial Guanajuato, Đức Giáo Hoàng ban phép lành cho 91 pho tượng Đức Mẹ Guadalupe, Bổn Mạng của Mễ Tây Cơ. Các pho tượng này được gửi đến các giáo phận khác nhau trên khắp Mễ Tây Cơ.

Trong phần đọc kinh truyền tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về hạt lúa mì rơi xuống đất, chết đi và mang nhiều hoa trái. Đây là phản ứng của Ngài trước việc một số người Hy Lạp đã tiến đến Philipphê yêu cầu rằng: "chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu" (Ga 12:21). Hôm nay chúng ta kêu cầu Rất Thánh Đức Mẹ Maria xin với Mẹ rằng: "xin cho chúng con thấy Chúa Giêsu ".

Khi chúng ta đọc kinh Truyền Tin và nhớ lại biến cố Truyền Tin của Chúa, đôi mắt của chúng ta hướng cái nhìn siêu nhiên lên đồi Tepeyac, nơi Mẹ Thiên Chúa, dưới tước hiệu "Đức Mẹ Guadalupe Trọn Đời Đồng Trinh" đã được tôn sùng nhiệt thành trong nhiều thế kỷ như là một dấu hiệu của hòa giải và của lòng nhân lành vô biên của Thiên Chúa đối với thế giới.

Vị tiền nhiệm của tôi trên Ngai Tòa Phêrô đã tôn vinh Mẹ với các tước hiệu trìu mến như Đức Mẹ Mễ Tây Cơ, Bổn Mạng Thiên Quốc của châu Mỹ La tinh, Mẹ và Nữ Vương của châu lục này. Đến lượt mình những con cái trung thành của Mẹ, những người đã được Mẹ phù trì, kêu cầu Mẹ với sự tự tin và tình cảm trìu mến, qua những tước hiệu như Hoa Hồng của Mễ Tây Cơ, Đức Mẹ Thiên Đàng, Đức Trinh Nữ Morena, Mẹ Tepeyac, Đức Nữ Indita.

Anh chị em thân mến, đừng quên rằng lòng sùng kính đúng đắn dành cho Đức Trinh Nữ Maria luôn dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, và "không bao gồm các cảm xúc vô vị, chóng qua, hay một sự cả tin trống rỗng, nhưng phải dẫn đến đức tin chân thật, nhờ đó chúng ta được dẫn dắt để nhận ra sự cao cả của Mẹ Thiên Chúa, hướng đến tình yêu hiếu thảo đối với Mẹ và bắt chước các nhân đức của Mẹ"(Lumen Gentium, 67). Yêu mến Mẹ có nghĩa là cam kết lắng nghe Con Mẹ, tôn kính Mẹ Guadalupana có nghĩa là sống theo những lời xuất phát từ Chúa Giêsu là hoa trái đầy ơn phúc của lòng Mẹ.

Tại thời điểm này, khi rất nhiều gia đình đang ly tán hoặc buộc phải di cư, khi có nhiều người đang chịu đau khổ vì nghèo đói, tham nhũng, bạo lực gia đình, buôn bán ma túy, khủng hoảng các giá trị và gia tăng tội ác, chúng ta đến với Đức Maria tìm kiếm sự ủi an, sức mạnh, và hy vọng. Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa thật, là Đấng đã mời gọi chúng ta ở lại trong đức tin và trong tình bác ái bên dưới áo Mẹ, để vượt qua tất cả các điều ác và thiết lập một xã hội công chính và huynh đệ hơn.

Với những tâm tình này, một lần nữa tôi đặt đất nước này, toàn bộ châu Mỹ La tinh và vùng Ca-ri-bê trước ánh mắt dịu dàng của Đức Mẹ Guadalupe. Tôi phó thác tất cả các con trai và con gái cho Ánh Sao của công cuộc Phúc Âm Hóa và Tân Phúc Âm Hóa, xin Đức Mẹ với lòng từ mẫu linh hứng cho lịch sử lịch sử Kitô giáo của họ thể hiện cụ thể nơi những thành tựu quốc gia, nơi các sáng kiến cộng đồng và xã hội, nơi cuộc sống gia đình, lòng sùng mộ và việc truyền giáo liên đại lục đang được diễn ra trên những vùng đất cao quý này. Trong những lúc thử thách và đau buồn, Mẹ đã được kêu cầu bởi nhiều vị tử đạo là những người khi hô vang "Vạn tuế Chúa Kitô Vua, Vạn tuế Đức Mẹ Guadalupe" đã là những nhân chứng trung thành không nao núng cho Tin Mừng và cho lòng yêu mến đối với Giáo Hội. Giờ đây tôi khẩn cầu sự hiện diện của Mẹ tại quốc gia này có thể tiếp tục đưa ra một lời hiệu triệu cho sự bảo vệ và tôn trọng sự sống con người. Cầu xin sự hiện diện của Mẹ thúc đẩy tình huynh đệ, đặt sang một bên những hành vi trả thù vô ích và xua đi tất cả hận thù chia rẽ. Xin Đức Nữ Đồng Trinh Guadalupe ban phước lành cho chúng ta và xin cho chúng ta được những ân sủng dư dật, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ trên thiên quốc.