MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Vòng quanh Giáo Phận (2)

Đúng hẹn lại lên! Sáng Thứ Tư (14.3.2012) chúng tôi hẹn nhau tại Tòa Giám mục lúc 7h15 và lên đường lúc 7h30. Lần này có thêm cha Martinô Trần Văn Đoàn, Giám đốc nhà hưu dưỡng Giáo phận, cùng với anh Thụy cháu Cha Lượng làm tài xế, xe mượn của Anh Chị Hồng Lý. Đoàn càng thêm “hùng hậu” và “thế giá”! Lần này chúng tôi chọn hướng Nam Giáo phận, trực chỉ Giáo xứ Thuận Yên.


Đúng 9h tới Tam Kỳ, chúng tôi vào chào thăm Cha Hạt trưởng Giuse Nguyễn Trí Dũng, đồng thời xin ngài chỉ đường, nhưng rất tiếc, ngài vắng nhà. Nghe nói Cha Dũng đi Sài Gòn hôm thứ 2 để dự đám tang bà bác, đồng thời thăm bà cố đang đau nặng, Thứ Năm ngài mới về. “Chuyên gia” Duy Lượng lấy vài tấm hình nhà thờ Tam Kỳ mới nâng cấp mặt tiền rất khang trang, rồi chúng tôi tiếp tục đi lên đường.



Tới Tam Anh, nhưng không ai nhớ nỗi nhà của các cha thầy Dòng Đồng Công nằm ở đâu, dù Cha Lượng, Cha Khóa đã tới thăm ngày khánh thành cách đây hơn một năm thôi! Sau ít phút, chúng tôi cũng tìm được. Rất may Cha Martinô Porres Nguyễn Văn Đoàn và hai thầy Tân và Vịnh đều ở nhà. Nhà cửa khá sáng sủa, tuy nhỏ nhưng thật ngăn nắp. Tầng dưới là nhà khách, hai phòng cá nhân, máy lọc nước, nhà bếp, phòng cơm. Tầng trên là nhà nguyện, ba phòng cá nhân, sân phơi, nhà vệ sinh… Máy lọc nước trị giá một trăm triệu đồng, mỗi ngày cung cấp 1m3 nước uống miễn phí cho bà con chung quanh. Cha Đoàn cho biết nước giếng tự nhiên vùng này khó uống và thậm chí không uống được. Nghe nói Nhà Dòng cũng trang bị cho Giáo xứ Thuận Yên một máy lọc y như vậy. Hai thầy Tân và Vịnh đã học xong, chờ làm cụ thôi! Hỏi khi nào được ăn tiệc mừng, hai thầy cười nói “chỉ có Chúa biết! Chúng con xin phó thác và đợi được Đức Cha hỏi thăm!” Cầu chúc hai thầy cứ vững tiến! Cố lên!

Hỏi thăm Cha Đoàn về công việc mục vụ, ngài nói: “ngày ngày chúng con dạy giáo lý cho một số tân tòng, hoặc các cha chung quanh gửi tới nhờ chúng con dạy. Riêng con thì Cha Khóa nhờ dâng lễ, cử hành các bí tích ở Thuận Yên.” Các ngài sống âm thầm giữa dân chúng, làm chứng bằng đời sống và việc làm, nhất là bằng lời cầu nguyện, hy sinh, và những can, thùng nước uống tinh khiết… Những hạt giống gieo vào lòng người, hứa hẹn sẽ có mùa gặt. Ước gì được như vậy!



Từ giã Tam Anh, chúng tôi đi Tam Mỹ. Tuy đã đến mấy lần, nhưng chúng tôi vẫn lộn -chứ chưa đến nỗi lạc đường. Mãi 11h hơn mới tới được Tam Mỹ. Cha Bênêđitô Nguyễn Tấn Khóa vui vẻ tiếp và mời chúng tôi ăn trưa. Ngài bảo ở đây dễ lắm! Gần đây có quán mỳ quảng rất ngon. Vì phải đi thăm nhiều nơi, lại cũng đã có đồ ăn sẵn, sợ trễ giờ, nên chúng tôi phải khéo léo từ chối. Ngồi với ngài một lúc, chúng tôi biết được khá nhiều chuyện. Không ngờ họ đạo Tam Mỹ đã có chừng 150 năm rồi. Ngài ở tại Tam Mỹ nhưng vẫn điều hành mọi việc ở Thuận Yên rất đầy đủ và đàng hoàng. Ngài bảo tại Tam Mỹ lễ thường cũng vài ba chục, Chúa Nhật cũng vài trăm. Tam Mỹ cũng là nơi có nhiều vị tử đạo thời Văn Thân, mà bằng chứng là trong vườn nhà thờ hôm nay còn có ba ngôi mộ tập thể. Cha Khóa nói ngài ước ao có điều kiện để tôn tạo các ngôi mộ đó. Ít ra là xây xong tường bọc quanh mỗi ngôi mộ để khỏi mất dấu tích, nhưng chưa làm được. Đó là lý do tại sao bổn mạng của giáo họ Tam Mỹ là Nữ Vương các Thánh Tử Đạo.


Ngài kể nhiều chuyện đạo chuyện đời. Nói đến đâu dẫn chứng đến đó, như một chứng nhân lịch sử sống tại vùng này trong khoảng 40 năm nay (1972-2012). Thành tích truyền giáo của ngài thật đáng khâm phục. Chỉ xét về những gì nhìn thấy thôi thì ngài đã xây dựng trên một chục ngôi nhà thờ lớn nhỏ; còn về tinh thần thì biết bao người được biết Chúa; đã bỏ Chúa rồi trở lại thì chỉ có Chúa biết thôi! Quả ngài là một cây rất cao và bóng thì rất cả, che rợp cả một vùng rộng lớn bao la! Cầu chúc ngài luôn an mạnh xác hồn và sống lâu để nhiều người được nhờ!




Từ giã Tam Mỹ trong sự luyến tiếc, chúng tôi trở lại Tam Kỳ để đi Tiên Phước. Kể cũng lạ! Cha Phêrô Vũ Văn Khóa đã ở Tiên Phước trên một chục năm; các cha khác cũng đã từng đi Tiên Phước nhiều lần, thế mà lạc đường mới chết chứ! Rõ là “hư trí” có sai đâu! Loay hoay mãi, 13h10 chúng tôi mới tới được Tiên Phước. Cha phó Giuse Trần Cao Chỉ, Dòng Chúa Cứu Thế ra tiếp chúng tôi. Cha sở Philip Maria Lê Văn Vui cùng dòng đi giảng đại phúc ở ngoài Bắc. Cha Chỉ đang chuẩn bị 3h chiều đi làm lễ họ lẻ. Dù vậy ngài và Cha Martinô Vũ Đồng Tùng, mới được tăng cường, đón tiếp chúng tôi rất nồng hậu. Chúng tôi bỏ lương thực ra “chén”, vì ai cũng đói cồn cào rồi. Bánh mì sandwich, cá hộp, thịt hộp, cháo dinh dưỡng… Cha phó Chỉ cứ phàn nàn: “lần sau nếu các cha lên, xin báo để chúng con được tiếp các cha, mời các cha ăn cơm với chúng con cho vui.” Cám ơn lòng tốt của quý cha, nhưng xem ra ai trong chúng tôi nghe đến chuyện ăn uống đãi đằng cũng không hứng thú lắm, chỉ mong đủ lấy sức đi đường thôi.


Cha Chỉ chia sẻ một số khó khăn trong công việc mục vụ tại đây. Địa bàn mục vụ rộng mênh mông đến 3 huyện – trong đó có huyện Trà My Bắc nơi có đập Sông Tranh 2 với sự cố rò rỉ nước mà những ngày gần đây xôn xao trên truyền thông- nhưng chỉ mới có một nhà thờ duy nhất tại Thị trấn Tiên Phước này. Theo nhu cầu của giáo dân, giúp họ bớt phải phải đi xa, nhất là những người già yếu, các cha phải đến tận nơi dâng lễ cho nhóm này nhóm kia tại tư gia. Nhưng mỗi lần như thế thì thủ tục phép tắc không đơn giản. Dù sao, tình trạng cũng đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây, khi chỉ được phép dâng Thánh Lễ tại nhà thờ.



Từ giã Tiên Phước, chúng tôi đến Tam Thành lúc 15h20. Cha sở Philiphhê Trương Văn Long trong bộ quần áo ngắn đang cùng với một số anh em giáo dân hăng hái vớt bèo Nhật Bản bỏ lên những chậu cảnh, gốc cây. Ngài bảo trời nắng quá, nên phải phủ ít bèo để giữ độ ẩm cho các gốc cảnh. Ngài vui vẻ đem bánh bột đậu xanh nướng, thổ sản Trà Kiệu mà bà cố mới gửi vào bồi dưỡng riêng cho ngài. Ăn bánh đậu xanh nướng: vừa khô, vừa ngọt, vừa bùi cùng với nước trà thơm, quá đã! Ngài mời, chúng tôi không khách sáo. Một cái rồi hai, rồi ba cái. Bánh nướng có vị ngọt của đường thơm và bùi của đậu xanh nướng, nhưng nhất là tình thương ấm áp của bà cố dành cho cha, nên chúng tôi cảm thấy như đang được chính mẹ mình thương yêu chăm sóc vậy.



Hỏi qua về bệnh đau chân trước đây của cha, ngài nói khá rồi. Rồi vào phòng ngài đem ra giới thiệu một loại thảo dược chữa bá bệnh: nấm lim xanh mới mua từ Tiên Phước hôm qua. Nấm lim xanh chỉ mọc trên những cây lim đã chết và mục một nửa. Nó mọc ở nửa mục, chữa được nhiều bệnh lắm: viêm thần kinh đa năng, tiểu đường, áp huyết cao… và cả ung thư. Ngài đem cho chúng tôi xem và bảo thứ này bây giờ vô giá, nhưng nhờ người quen nên mua được với giá từ 2,5 đến 3 triệu đồng một ký!


Hỏi cha ở đây bao lâu rồi? Ngài bảo: “Ba năm phó Tam Kỳ đặc trách Tam Thành và thêm gần sáu năm làm cha sở ở đây!” Chà, thế thì không biết ngài còn ở đây bao lâu nữa, có thể chỉ tình bằng tháng thôi! Với kinh nghiệm như thế, với sức khỏe dồi dào và tài cao như vậy, chắc ngài sẽ “thăng” hơn? Dầu vậy, ngài vẫn còn đang dự tính xây nhà xứ thêm một tầng nữa. Ngài bảo nhà xứ chật chội quá rồi!

Từ giã Tam Thành, chúng tôi ra An Sơn. Rõ già rồi mà còn dại. Giả như ghé thăm Bình Phong trước thì đâu có bị hố. Tính là đi An Sơn, khi về ghé Bình Phong rồi về luôn. Ai ngờ mới đi qua đường xe lửa, đi tới ngã ba rẽ vào An Sơn thì thấy một đống đá to giữa đường. Hóa ra người ta đang bê tông hóa đường vào An Sơn, nghe đâu có phần đóng góp quan trọng của Cha Quản xứ nữa. Từ xa, nhìn vào nhà thờ mà tiếc, vì đây là lần thứ 2 đến An Sơn mà không gặp được cha sở. Lần trước ngài đi họp lớp kỷ niệm 10 năm ngày thụ phong linh mục.



Trở ra Bình Phong lúc 16h30. Cha sở F.X. Nguyễn Ngọc Hiến tiếp đãi nồng hậu với bia và nước ngọt. Ngồi uống nước nhìn lên ảnh các cha cựu quản xứ Bình Phong. Các ngài như đang nhìn chúng tôi. Có vị như cười vui vẻ, có vị nghiêm nghị như muốn trách một ai đó trong anh em chúng tôi điều gì! Riêng hình Cha J.B. Nguyễn Bá Vi thì không giống tí nào. Cha sở nói đây là hình vẽ, vì không tìm được hình chụp.


Hỏi Bình Phong được bao nhiêu giáo dân, ngài bảo chừng 1.100 người, non một nửa ở gần nhà thờ, nửa khác ở xa. Xứ gồm cả hơn chục giáo họ, mỗi giáo họ chừng chục hay hơn chục gia đình, nên khó tập trung. Cha cố Lượng lặng lẽ ra thăm mộ Cha Fx. Nguyễn Đình Thương cạnh hang đá Đức Mẹ, nguyên Quản xứ Bình Phong, là quý tử của ngài, để cầu nguyện và chụp ảnh. Cha Thương qua đời khi đang làm Cha sở tại đây vào năm 1995, vì đau tim. Đúng 16h45 chúng tôi lên đường ra Hà Lam.



Tới Hà Lam, cha sở Giuse Huỳnh Công Duy Minh và thầy xứ Mậu đang ăn cơm chiều. Ngài bảo ăn cơm sớm để đi họ lẻ, tối về còn làm lễ ở Hà Lam nữa. Ngài bỏ dở bữa ăn để ra tiếp khách, làm chúng tôi cũng hơi áy náy! Chúng tôi thầm tạ ơn Chúa đã ban cho ngài sức khỏe tốt, lòng nhiệt thành tông đồ cao để ngài cáng đáng một địa bàn từ trên núi xuống tới biển. Hỏi ngài hy vọng sắp có cha phó chưa? Ngài bảo dịp lễ Thánh Giuse vừa qua, giáo xứ có mời cha phó Giuse Nguyễn Quốc Quang về mừng lễ, cha rất vui vẽ lạc quan, nhưng chưa đi lại bình thường được. Cha Minh nói ngài đi làm lễ ở Khâm Đức được hai lần, và lễ Phục Sinh tới ngài sẽ lại đi, hy vọng dần dần sẽ quen hơn. Khâm Đức là huyện lỵ Phước Sơn, nằm trên đường Trường Sơn, cách Hà Lam 85km. Cũng may ngài nhờ được người lái xe hơi chở đi Khâm Đức.



Chúng tôi có hỏi dò: nghe nói Hà Lam sắp tách xứ à? Ngài nói: “Con cũng nghe, nhưng chưa chính thức, nếu có thì cũng tốt vì từ Việt An đến Tiên Đõa cũng khá xa! Có cha mà chia nhỏ hơn thì ích lợi cho giáo dân hơn. Con không biết gì nhiều, cũng chỉ nghe như quý cha thôi.” Thấy sắp đến giờ ngài đi làm lễ, nên chúng tôi chào từ biệt ngài. Dù vẫn còn muốn nói thêm chuyện. 17h40 chúng tôi lên đường trở về sau khi chào và chúc ngài luôn vui khỏe, nhiệt thành và thánh thiện.

18h30 chúng tôi về đến Tòa Giám Mục. Tạ ơn Chúa đã ban một ngày an lành hồn xác! Ai cũng mệt nhoài vì đã vượt qua một đoạn đường tương đối xa. Bù lại, chúng tôi đã nhận được nhiều niềm vui do tình cảm thân thương của quý cha, sự tiếp đón nồng hậu đầy tình quý mến huynh đệ linh mục.

Đúng là có đi mới thấy, có đến mới hay! Chúa Thánh Thần đang hoạt động mạnh mẽ khắp nơi để Hội Thánh ngày càng lớn mạnh. Nguyện chúc quý Cha luôn hăng say nhiệt thành, luôn vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng Hội Thánh Đà Nẵng mến yêu ngày một tốt hơn.

Nhớ nhau trong lời cầu nguyện hằng ngày.

Nhóm các Cha hưu trí
Giáo phận Đà Nẵng
(Nguồn: giaophandanang.org)