Sau một thế kỷ đầy dẫy chiến tranh, nhân loại bước vào thế kỷ 21 với một khát vọng hòa bình nồng cháy. Khát vọng ấy được củng cố cụ thể với sự sụp đổ của toàn bộ khối cộng sản tại Đông Âu và những tiến bộ khoa học vượt bậc, đặc biệt là trong kỹ thuật truyền thông. Thế giới dường như nhỏ lại và con người có lẽ chưa bao giờ cảm thấy gần gũi nhau hơn bao giờ.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế bi đát là từ ngày đầu thiên niên kỷ đến nay thế giới chưa bao giờ im tiếng súng. Những trào lưu khủng bố đang khiến cho thảm họa nhân đạo ngày càng lan rộng trên thế giới.
Cứ mỗi 4 giây lại có thêm một người tị nạn mới hoặc người phải lánh nạn trong nước.
160,000 người Mali chạy trốn sang Niger, hàng chục ngàn người Mauritania chạy sang Burkina Faso, trong khi hàng trăm ngàn Kitô hữu Nam Sudan chạy tán loạn sang các nước lân bang, và bây giờ hơn hai triệu người Syria phải bôn ba sang các nước láng giềng để giữ mạng sống mình.
Bên cạnh đó hàng triệu người tuy không phải bỏ nước ra đi, nhưng phải bỏ nhà cửa, làng mạc, thành phố của họ lánh nạn ở những vùng khác như người dân A Phú Hãn, Somalia, Iraq và Syria.
Chiến tranh là nguyên nhân chính.
Chiến tranh dường như vô tận ở Afghanistan có nghĩa là gần như một phần tư những người tị nạn trên thế giới là người A Phú Hãn. Và hơn một nửa những người tị nạn trên thế giới đến từ bốn quốc gia là Syria, Somalia, Sudan và Iraq.
"Mỗi 4,1 giây có một người tị nạn mới hoặc một người lánh nạn, có nghĩa là mỗi lần bạn nháy mắt, lại có một người hơn buộc phải bỏ nhà bỏ cửa chạy trốn "
Trẻ em dưới 18 tuổi là những nạn nhân đông nhất. Các em chiếm tới 46 phần trăm số người tị nạn. Trong cuộc khủng hoảng tại Syria, khuôn mặt của trẻ em thường nói lên rõ nhất nỗi thống khổ của người tị nạn.
Trong năm ngoái hơn 21,000 trẻ em đã xin tị nạn trên thế giới, nhiều em mất hết gia đình. Đó là một kỷ lục bi thảm.