ROMA - ĐTC Phanxicô kêu gọi tăng cường giáo dục về tình liên đới, phá đổ những bức tường ích kỷ, thay đổi lối sống và bài trừ nạn phung phí lương thực, trong nỗ lực xoá bỏ nạn đói trên thế giới.
Trên đây là nội dung sứ điệp của ĐTC được công bố hôm 16-10-2013, tại trụ sở Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO), ở Roma, nhân Ngày Lương thực Thế giới, năm nay được cử hành với chủ đề "Những người lành mạnh tuỳ thuộc các hệ thống lương thực lành mạnh". Sứ điệp bằng tiếng Tây Ban Nha của ĐTC được Đức cha Luigi Travaglino, Quan sát viên Thường trực của Toà Thánh tại Tổ chức FAO, tuyên đọc.
Trong sứ điệp, ĐTC khẳng định: "Thật là một gương mù vì còn nạn đói và suy dinh dưỡng trên thế giới. Vấn đề ở đây không phải chỉ đáp ứng tình trạng khẩn cấp trước mắt, nhưng là cùng nhau, ở mọi cấp độ, đương đầu với một vấn đề đang đặt câu hỏi cho lương tâm bản thân và xã hội của chúng ta, để đạt tới một giải pháp chính đáng và lâu bền... Một điều nghịch lý đó là trong một thời đại mà sự hoàn cầu hóa cho biết những tình trạng thiếu thốn trên thế giới và gia tăng những trao đổi cũng như những quan hệ giữa con người với nhau, thì dường như người ta càng có xu hướng cá nhân chủ nghĩa, khép kín vào mình, đưa tới một thái độ dửng dưng trên bình diện bản thân, tổ chức và quốc gia, đối với những người đang chết vì đói hoặc chịu đau khổ vì suy dinh dưỡng, như thể đó là một sự kiện không thể tránh được."
Trong bối cảnh trên đây, ĐTC kêu gọi gia tăng giáo dục về tình liên đới, tái khám phá giá trị và ý nghĩa của từ này, một từ gây khó chịu và thường bị người ta gạt bỏ, trong những chọn lựa chính trị, kinh tế và tài chính.
Mặt khác, ĐTC đặc biệt tố giác hiện tượng phung phí lương thực trên thế giới. Các con số do Tổ chức Fao công bố cho thấy khoảng 1 phần 3 lương thực được sản xuất trên thế giới không được sử dụng vì bị thất thoát hoặc phung phí. Số lượng thực phẩm này đủ để giảm bớt đáng kể số người đói.
ĐTC nhận xét rằng sự phung phí lương thực chỉ là một trong những hậu quả của nền văn hoá loại bỏ, thường khiến cho người ta hy sinh con người cho những thần tượng của lợi lộc và tiêu thụ.
Sau cùng, ĐTC kêu gọi đặt con người và phẩm giá của con người thực sự ở vị trí trung tâm. Điều này phải được bắt đầu từ ngay trong gia đình: trong cộng đồng giáo dục đầu tiên này, ta có thể học cách chăm sóc tha nhân, thiện ích của người khác, yêu mến sự hoà hợp của thiên nhiên, vui hưởng và chia sẻ hoa trái của thiên nhiên, tạo điều kiện cho sự tiêu thụ hợp, quân bình và dài hạn. Cần nâng đỡ và bảo vệ gia đình để gia đình giáo dục con em về tình liên đới và thái độ tôn trọng. Đó là một bước tiến quyết định để tiến về một xã hội công bằng và nhân bản hơn. (SD 16-10-2013)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)