MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

“Sân Chư dân” sẽ diễn ra tại Berlin

WHĐ (16.10.2013) – Từ ngày 26 đến 28-11-2013, chương trình Hội thảo “Sân Chư dân” sẽ được tổ chức tại Berlin, do Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá phối hợp với Tổng Giáo phận Berlin và Hội đồng Giám mục Đức, tổ chức. Trực tiếp tham gia Hội thảo có Đức Tổng Giám mục Robert Zollitsch, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức.

Hội thảo cũng bao gồm một cuộc tuần hành chung của hai nhóm ở gần Bảo tàng Bode. Trong cuộc họp báo giới thiệu Hội thảo này, Cha Laurent Mazas, Giám đốc Điều hành “Sân Chư dân”, giải thích, hoạt động này mang ý nghĩa biểu trưng của việc đối thoại và hợp tác giữa hai nhóm khác nhau.

Đức Tổng Giám mục Zollitsch nhắc lại, mục đích của “Sân Chư dân” là mở con đường đối thoại giữa các tín hữu và những người không tin.

“Ở đây người tín hữu, người theo thuyết bất khả tri và người vô thần sẽ gặp nhau để thảo luận một cách sâu xa về nhiều chủ đề: chủ nghĩa nhân bản đạo đức; sự cao cả của niềm tin vào Thiên Chúa; của tự do trong nghệ thuật và thẩm mỹ; tôn trọng các thụ tạo; các phương diện và các khuôn mẫu của con người; và cả đến ân sủng cùng phẩm giá của bản tính nhân loại và lòng đạo nữa”.

Về cuộc tuần hành sẽ diễn ra tại Bảo tàng Bode nổi tiếng ở Berlin, nơi lưu giữ nhiều công trình nghệ thuật cả thánh thiêng lẫn trần thế, Đức Tổng Giám mục Zollitsch gọi đây là “một cách diễn tả độc đáo cùng thể hiện hành động và lối sống của cả người tin và người không tin”.

Chủ đề chính của cuộc tuần hành là “Bạn tin điều bạn biết hay bạn biết điều bạn tin?”. Cùng với phần biểu diễn âm nhạc và nghệ thuật, cuộc tuần hành diễn tả niềm hy vọng về cuộc đối thoại giữa các tín hữu và những người vô thần.

Cha Hans Langendörfer, Dòng Tên, cũng là một bác sĩ, kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Đức, khẳng định rằng sự kiện này sẽ giúp Giáo Hội có thể hiện diện về phương diện trí thức và theo đuổi cuộc đối thoại cụ thể với những người khác. Tiến sĩ Joachim Hake, Giám đốc Học viện Công giáo của Tổng Giáo phận Berlin, nói rằng “Sân Chư dân” không có nghĩa là nơi những người có quan điểm khác nhau tranh biện cho niềm tin của mình, mà là một cơ hội trao đổi trong sự tôn trọng và hiểu biết qua những kinh nghiệm đa dạng của nhiều người khác nhau.

Kết luận phần trình bày về “Sân Chư dân”, Đức Tổng Giám mục Zollitsch nói rằng cuộc trả lời phỏng vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô với nhà báo vô thần Eugenio Scalfari mới đây là tấm gương điển hình hoàn hảo của cuộc đối thoại mà “Sân Chư dân” muốn cổ vũ. “Đó là lời kêu gọi tôn trọng ý kiến ​​của người khác.” (Theo Zenit)

Minh Đức

(Nguồn: WHĐ)