Linh mục Charles Pope |
Nhiều bài đã viết về bí tích hòa giải, về thần học, chứng cứ kinh thánh, uy lực và ơn ích cho hối nhân. Nhưng, còn cảm nghiệm của một linh mục khi nghe người khác xưng tội mình, hết tuần này đến tuần khác, tháng này đến tháng khác, năm này đến năm khác thì sao? Có là một gánh nặng? Có tác động đến đời sống thiêng liêng của linh mục không? Ký giả Zoe Romanowsky đã hỏi chuyện cha Charles Pope về cảm nghiệm của cha qua 24 năm giải tội như thế nào.
Cha Charles Pope mục vụ ở giáo xứ thánh Cyprian ở Washington. Cha học ở Chủng viện Núi Đức Mẹ, là cử nhân thần học và thần học luân lý. Được phong chức linh mục năm 1989, cha phục vụ Tổng giáo phận Washington từ đó đến nay. Cha Charles phụ trách các nghiên cứu Kinh thánh ở Quốc hội Hoa Kỳ và Tòa Bạch Ốc, hiện nay đang là Quản hạt Đông Bắc Washington. Một giảng viên, đặc trách tĩnh tâm, linh hướng và ký giả, cha có cột báo hàng tuần trên tờ Our Sunday Visitor, và góp phần trong trang blog hằng ngày của Tổng giáo phận Washington.
Cha Charles, cha có nhớ lần đầu tiên cha giải tội không? Lúc đó, cha thấy thế nào?
Tôi nhớ. Trong một buổi hội giáo xứ, có người xin tôi giải tội. Ngồi tòa giải tội lần đầu tiên trong đời, tôi nhớ hoài, bởi lúc đó tôi gặp một vài vấn đề. Tôi đã khá là bồn chồn sẵn rồi, rồi có người đến tòa, quỳ xuống, đột nhiên tấm màn bị rơi xuống, và tôi thấy gương mặt người đó chăm chăm nhìn tôi. Bà đó bối rối, bởi bà nghĩ là sẽ xưng tội mà cha không biết danh tính, và tôi cũng rối, cứ quay quay tìm quyển công thức tha tội, dù cho tôi đã nhớ nằm lòng. Vậy nên, lần đó cũng đáng nhớ.
Lúc đó tôi chỉ mới 27 tuổi, và một vài chuyện trong tòa giải tội ngày thứ bảy, khá là phức tạp cho tôi. Ý tôi là, chẳng hạn như như một ông bảy mươi tuổi hỏi về chuyện hôn nhân, thì tôi biết lấy đâu ra một lời khuyên khôn ngoan đây. Thật kinh ngạc khi thấy sự tin tưởng của mọi người dành cho các linh mục. Các linh mục chúng tôi phải tin rằng Chúa sẽ hoạt động qua chúng tôi.
Cách cha nghe xưng tội lúc mới chịu chức và bây giờ, có gì thay đổi hay không?
Những điều chính yếu là, tôi học cách để khích lệ mọi người đi sâu hơn trong khi xưng tội. Khuynh hướng của mọi người là nói ra những gì đã làm và đã không làm, thế là được rồi, nhưng cần có câu hỏi sâu hơn: Tại sao? Động cơ thâm sâu là gì? Tôi thấy tôi đã khá hơn trong khả năng lắng nghe và kết nối mọi chuyện lại với nhau.
Có cả một danh sách dài tôi muốn khuyên mọi người nên suy ngẫm khi xét mình, hay là sau khi đã xưng tội, chẳng hạn như bảy mối tội đầu, các mối phúc thật, thói kiêu ngạo, giận dữ. Làm được điều này sẽ cho việc xưng tội được sống động thật. Nhiều người thấy chán nản bởi họ cứ xưng lui xưng tới vài chuyện …nhưng điểm mấu chốt là phải nhìn vào sâu hơn.
Việc lắng nghe tội lỗi của mọi người hết ngày này đến ngày khác, dạy cho cha điều gì về bản chất con người?
Dạy cho tôi biết kiên nhẫn với tình trạng con người. Tất cả chúng ta đều có điểm yếu, có đấu tranh. Có lời kêu gọi phải nghiêm khắc với tội, nhưng trong hầu hết cuộc xưng tội, mọi người đều có đấu tranh, và tôi khám phá ra rằng điểm đấu tranh và điểm mạnh của họ có liên hệ với nhau. Có người rất hòa thuận với người khác nhưng lại không thể đứng lên vì chính nghĩa, hay có người thực sự có lòng cảm thương và làm được những đều tốt đẹp, nhưng lại phải đấu tranh với đức khiết tịnh. Các điểm đấu tranh và điểm mạnh của chúng ta thường có liên quan đến nhau.
Một cha giải tội đã bảo với tôi rằng: ‘Dù cho có giải quyết được, thì cũng đừng để mất bản thân.’ Tôi ghi khắc lời này. Chúng ta thường giải quyết tội của mình, theo những cách đồng thời làm yếu đi những điểm mạnh của mình. Nhưng Chúa muốn thành sự từ những điều khác biệt. Chúng ta không muốn hủy hoại bản thân mình, và cần phải tôn trọng tiến trình hoán cải.
Việc nghe xưng tội trong suốt rất nhiều năm đã ảnh hưởng đến cảm xúc và tâm lý của cha như thế nào?
Khi có ai đó đến xưng tội, cảm nghiệm đầu tiên của tôi là thấy nhẹ nhõm. Họ đã nghe Tin mừng, và Tin mừng đưa họ đến sám hối, nhưng cũng là đến hi vọng và ân sủng. Tôi rất hạnh phúc khi họ đến đây xưng tội, và đây là lúc để ân cần và lắng nghe.
Một trong những mối nguy đối với các linh mục, là chúng tôi có chút gì giống như bác sỹ. Tôi nhớ nhiều năm về trước, tôi đến gặp một bác sỹ gia đình đã nhiều năm trong nghề. Tôi không rõ lắm, nhưng xương sườn của tôi bị va rất mạnh, hẳn là phải nặng khiếp lắm. Thái độ của bác sỹ kiểu như, ‘Hẳn là anh đã làm rạn xương sườn của mình, cái đồ rỗi hơi.’ Ông đã nhìn kiểu đó hàng triệu lần rồi, nhưng với tôi, đây là lần đầu tiên, và cái nhìn đó thật là khủng khiếp.
Là linh mục, chúng tôi nghe biết có những chuyện thế này, và phải nỗ lực đừng để mình thành cái máy tự động. Chúng tôi phải chiến đấu với nó. Điều tôi muốn nói là phải nỗ lực để ở với người đó, trong giây phút đó. Có thể hôm đó bạn giải tội cho 30 người, nhưng con số đó không có ý nghĩa gì với người đang ở trước mặt bạn. Điều quan trọng là phải sống trong thời khắc đó. Tôi cố gắng theo gương thánh Gioan Vianney, người cứng rắn trên tòa giảng, nhưng dịu hiền trong tòa giải tội.
Cha chuẩn bị phần hồn trước khi ra tòa giải tội thế nào? Cha có làm điều gì đặc biệt khi giải tội xong để giúp quên đi những điều vừa nghe hay không?
Bản thân tôi đi xưng tội hàng tuần. Các linh mục cần phải xưng tội nhiều, nếu không chúng tôi sẽ chẳng thể là những cha giải tội tốt được. Tôi xem đây là việc chuẩn bị quan trọng nhất. Phần còn lại là những chuyện tôi gọi là chuẩn bị ‘từ xa’ Tôi là một ký giả và blogger, viết nhiều về đời sống luân lý và thiêng liêng, nên tôi đọc nhiều sách thiêng liêng. Với tôi, đây là một điều kiện thiết yếu đối với các linh mục, và chắc chắn là rất quan trọng với tôi. Thường thì tôi đọc vài quyển sách vào những giờ thuận tiện. Và tôi có một Giờ Thánh mỗi ngày. Có những lúc tòa giải tội vắng người, tôi dành thời gian đó để tạ ơn lòng thương xót Chúa. Khi có người hỏi tôi thế nào, thì tôi nói, ‘Cha khá là dễ thương với một người có tội đây.’
Con biết ấn tín tòa giải tội là không được xâm phạm Cha có từng bao giờ muốn mình có thể chia sẻ những gì đã nghe, hay thực hiện những gì cha nghe được hay không?
Đây không phải là cấm đoán tuyệt đối không bao giờ được nói, bạn chỉ không được chia sẻ những gì cụ thể, hay bất kỳ thông tin nào có thể xác minh người đã xưng tội. Nhưng tôi có thể đến với một linh mục bạn và hỏi chuyện cha đó miễn là không đi vào chuyện gì cụ thể. Có khi tôi nhắc một chuyện trong tòa giải tội trong bài giảng, nhưng tất nhiên là nói chung chung.
Tôi nghĩ mọi linh mục đều trải qua chuyện này, nhưng khi được chịu chức, Chúa ban cho tôi một trí nhớ tồi. Là linh mục, bạn nghe quá nhiều, nên thật khó để nhớ được những chuyện từng nghe. Và có quá nhiều điều phải giữ kín … Chỉ vài năm sau chịu chức, một linh mục, đến cuối ngày, chẳng thể nào nhớ hết những gì mình vừa nghe trong tòa giải tội hôm đó. Trí nhớ tồi là ơn Chúa ban cho chúng tôi.
Làm cha giải tội đã thay đổi đời sống thiêng liêng của cha như thế nào?
Với tôi, đây là một ơn trọng. Lời đầu tiên tôi nghĩ đến là khiêm nhượng. Làm cha giải tội là một sự phi thường, khi tôi ngồi đây làm việc mà thánh Phaolô đã gọi là ‘mục vụ hòa giải.’ Không phải tôi, nhưng thực sự chính Chúa đang hòa giải. Và đây là một sự khiêm hạ không thể nào tin nổi. Chúa Giêsu mang lấy nhân thể của linh mục, sự khiêm hạ của linh mục là bánh xúc tác cho bí tích Truyền chức thánh. Chúa Giêsu nhận lấy và sử dụng chúng tôi. Vậy nên, nó khiến tôi nghĩ rằng, ôi, tôi là gì mà được chọn làm việc này? Khiêm hạ. Chính sự khiêm hạ đến rụng rời.
Nghe xưng tội có ảnh hưởng đến cách cha xưng tội, và ngược lại, hay không?
Chắc chắn rồi. Ví dụ như, nếu tôi lỡ mau miệng chen ngang lời xưng tội của ai đó, thì tôi sẽ cố và nhớ rằng tôi không thích bị chen ngang khi đang xưng tội của mình. Có khi bạn phải cắt lời, nhưng tôi cố gắng lắng nghe thật thấu đáo. Tôi thường đến với một cha giải tội định kỳ, nhưng đôi khi tôi thấy khang khác và ý thức thấy vẻ đẹp khi được ai đó lắng nghe mình. Lắng nghe là một sự đầy uy lực, nó cho phép ai đó cởi bỏ gánh nặng của mình. Những gì mà tôi, cha giải tội nói chỉ là phần nhỏ, còn việc người ta có thể nói rõ ra tội của mình mới là cái đem lại uy lực. Tôi cũng đã thấy được điều này khi làm linh hướng. Khi để cho người đó nói, nói hết, là chính họ đang mục vụ cho bản thân mình, và sự chữa lành cứ thế mà đến. Đến tận cùng, tôi hi vọng tôi thể hiện được sự mừng rỡ của tôi khi được ngồi với họ. Tôi muốn họ cảm thấy thoải mái để nói ra.
Điều gì làm nên một cha giải tội vĩ đại?
Lắng nghe thật tốt. Tôi nói với một vài linh mục trẻ hơn rằng, lắng nghe là 90% việc giải tội, không nhất thiết lúc nào bạn cũng có những lời khuyên khôn ngoan, đó không phải là mục đích của tòa giải tội. Xét tận cùng, món quà được lắng nghe với sự cảm thông là đủ.
Zoe Romanowsky (Aleteia) | J.B. Thái Hòa chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)