ROMA. Lúc gần 9 giờ 15 phút tối thứ sáu tuần thánh, 25-3-2016, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma.
Nghi thức này được hàng chục đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. Hàng chục ngàn tín hữu đã đến tham dự nghi thức này, mặc dù các biện pháp an ninh và kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
Các bài suy niệm cho buổi đi đàng thánh giá năm nay do ĐHY Gualtiero Bassetti, 74 tuổi TGM giáo phận Perugia, trung Italia, biên soạn, với chủ đề “Thiên Chúa là lòng thương xót”. ĐHY nêu bật sự kiện: đứng trước những nỗi lo sợ của con người, trước đau khổ, bách hại và bạo lực, lòng thương xót chính là máng chuyển ân phúc từ Thiên Chúa cho tất cả mọi người.
Trong 14 chặng đàng thánh giá, ĐHY cũng nhắc đến những lời của Cha Mazzolari, cha Turoldo và thánh Gioan Phaolô 2, cũng như những suy tư về các tín hữu Kitô bị bách hại, người Do thái bị giết trong các trại tiêu diệt, các gia đình bị phân hóa, xâu xé, những biểu dương của kẻ cường quyền ngày nay. ĐHY nhấn mạnh rằng hành trình của Chúa Kitô tiến về đồi Golgotha chính là hồng ân thương xót tột cùng của Thiên Chúa đối với loài người. Trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đàng thánh giá, với những suy tư đi kèm, muốn chứng tỏ tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, qua thập giá, đối nghịch với sự nhỏ nhen của con người. Thân thể bị đánh đòn và hạ nhục của Chúa Giêsu cho thấy con đường công lý, công lý của Thiên Chúa biến đổi đau khổ dữ dằn nhất trong ánh sáng phục sinh.
ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Đàng Thánh Giá. Những người vác thập giá tại các chặng còn lại lần lượt là một gia đình 4 người con ở Roma (II), một người tàn tật và em gái với một người phụ giúp (III), một gia đình khác gồm 4 người (IV), 4 người thuộc Trung tâm Bonsignori (V), một người Hoa và một người Nga (VI), hai người Paraguay và Bosni (VII), một gia đình Ecuador (VIII), hai người Uganda và Kenya (IX) hai người Mêhicô và Trung Phi (X), hai người Mỹ và Bolivia (XI), hai người Siria (XII), hai tu sĩ Phanxicô từ Thánh Địa (XIII).
Lời nguyện của ĐTC
Trong lời nguyện dài gồm 27 câu, thay bài huấn dụ vào cuối buổi đi đàng Thánh Giá trước sự hiện diện của hàng chục ngàn người tại hí trường Colosseo ở Roma, ĐTC bắt đầu bằng câu:
Hỡi Thập Giá Chúa Kitô, biểu tượng tình thương của Chúa và bất công của loài người, hình ảnh hy sinh tột cùng vì yêu thương và của sự ích kỷ tột độ vì điên rồ, dụng cụ chết chóc và con đường phục sinh, dấu chỉ vâng phục và biểu tượng sự phản bội, cột hành quyết và lá cờ chiến thắng.
Hỡi Thập Giá Chúa Kitô, ngày nay chúng con vẫn còn thấy Thập Giá được dựng lên nơi các anh chị em chúng con bị giết hại, bị thiêu sinh, cắt cổ và chặt đầu bằng những lưỡi gươm man rợ và với sự im lặng hèn nhát.
Rồi ĐTC lần lượt nhắc đến những trẻ em, phụ nữ và nhiều người khác trốn chạy chiến tranh, trong khi bao nhiêu “Philatô” ngày nay đang “rửa tay”, chối bỏ trách nhiệm; rồi có những thừa tác viên bất trung, thay vì cởi bỏ những tham vọng hư vô của mình, thì họ lại tước bỏ phẩm giá của cả những người vô tội; những con tim chai đá của những người ung dung xét đoán người khác, những con tim sẵn sàng lên án tha nhân, nhưng không bao giờ thấy tội lỗi của mình; các trào lưu cực đoan và khủng bố của những tín đồ của vài tôn giáo trần tục hóa danh Thiên Chúa; những người muốn tháo gỡ Thập Giá khỏi nơi công và loại trừ khỏi đời sống công cộng; những kẻ cường quyền và buôn bán võ khí, nuôi dưỡng cái lò lửa chiến tranh; những tên trộm và những kẻ tham nhũng; những kẻ điên rồ đang kiến tạo những kho chứa để giữ những kho tàng hư nát, và để cho Lazzaro chết đói ngoài cửa; những người phá hủy “căn nhà chung”, vì lòng ích kỷ họ làm hỏng tương lai của các thế hệ mai sau.
ĐTC không quên nhắc đến những người tốt lành và công chính làm điều thiện mà không tìm những lời hoan hô hoặc sự ngưỡng mộ của người khác. Ngài nói:
Hỡi Thập Giá Chúa Kitô, ngày nay chúng con còn thấy Thập Giá Chúa nơi các thừa tác viên trung thành và khiêm tốn đang soi chiếu bóng đen của đời sống chúng con như những ngọn nến tiêu hao một cách nhưng không để soi chiếu cuộc sống của những người rốt cùng.
Ngài nhắc đến các nữ tu và những người thánh hiến - những người Samaritano nhân lành - âm thầm theo tinh thần Tin Mừng, bỏ tất cả để băng bó những vết thương do nghèo đói và bất công gây ra; người đơn sơ vui sống niềm tin của họ thường nhật và trong sự trung thành tuân giữ các giới răn theo tinh thần con thảo; những người thống hối, từ thẳm sâu lầm than tội lỗi của họ, biết kêu lên: Lạy Chúa, xin nhớ đến con trong Nước Chúa! nơi các chân phước và các thánh biết tiến qua tăm tối của đêm đức tin mà không mất niềm tín thác nơi Chúa và không tự phụ mình hiểu sự im lặng huyền nhiệm của Chúa; các gia đình đang sống ơn gọi hôn nhân của họ trong sự chung thủy và phong phú; những người bị bách hại vì đức tin, trong đau khổ họ tiếp tục nêu chứng tá chân chính về Chúa Giêsu và Tin Mừng. (SD 25-3-2016)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)