MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Tượng Chúa Giêsu Vô gia cư đến Vatican


Một người nằm trên ghế băng, quấn toàn bộ cơ thể trong chiếc chăn mỏng. Bạn không thể thấy được khuôn mặt, nhưng bàn chân chìa ra mang dấu đinh của một người chịu đóng đinh trên thập giá.

Đầu Tuần Thánh trong Năm Thánh Lòng thương xót, một tượng đồng Chúa Giêsu mang hình hài một người vô gia cư, đã được đặt trong sân Sant’Egidio ở Vatican.

Tác phẩm điêu khắc siêu thực này do nhà điêu khắc người Canada Timothy Schmalz tạc và do một nhà hảo tâm người Canada tặng để đánh dấu Tuần Thánh của Năm Thánh Lòng Thương Xót, ông là người đã giúp nhà điêu khắc khi ông này còn trẻ.

Nghệ nhân đã họa nên hình tượng Giêsu thành Nazareth một cách đơn sơ nhất, sau khi thấy một người vô gia cư nằm trên ghế băng ngoài trời. Ông Schmalz đã viết, ‘Đó là chính Chúa Giêsu. Đó là cách chúng ta đón nhận những người nhỏ bé nhất vào lòng mình.’

Tháng 4 năm 2014, bức tượng được đặt trước một nhà thờ nhỏ St’Alban ở Davidson, bang Bắc Carolina, một buổi tối, cảnh sát nhận được điện thoại của một bà lo lắng gọi đến vì bà nghĩ đó là một người bằng xương bằng thịt nằm trên băng đá.

Trong buổi Tiếp kiến chung hồi tháng mười một 2013, tác giả đã có cơ hội giới thiệu với Đức Giáo hoàng tượng Chúa Giêsu của mình. Ông kể lại, ‘Đức Giáo hoàng tiến đến bức tượng, và tôi xúc động khi ngài sờ đầu gối tượng Chúa Giêsu Vô gia cư, nhắm mắt và cầu nguyện. Tôi thấy trong đó những việc mà ngài đã và đang làm khắp thế giới. Đức Phanxicô vươn ra đến với những người ngoài rìa xã hội.’

Bản gốc đầu tiên của bức tượng được đặt ở Phân khoa Thần học Dòng Tên của trường Regis College, thành phố Toronto, Canada năm 2013.

Các phiên bản khác được đặt ở nhiều nơi trên thế giới: Úc, Cuba, Ấn Độ, Ai-Len, Tây Ban Nha và Mỹ. Bức tượng sẽ được đặt ở các nước khác như Argentina, Chilê, Ba Tây, Mêhicô, Nam Phi và Ba Lan.

Nhà điêu khắc Schmalz là tác giả của nhiều bức khắc tương tự như bức “Chúa Giêsu, người hành khất” được đặt ở Bệnh viện Rôma Santo Spirito gần Vatican. Tác giả cho biết, “Tôi thường mô tả các bức khắc của tôi như những lời cầu nguyện bằng mắt”.

Marta An Nguyễn

(Nguồn: phanxico.vn)