Đức Phanxicô rửa chân cho mười hai người tị nạn
“Ngày mai tôi sẽ là một người khác, bởi người mạnh nhất, vĩ đại nhất, dễ thương nhất hành tinh đã rửa chân cho tôi”, anh Sira xúc động nói, anh ở Trung tâm tị nạn Castelnuovo di Porto nơi Đức Phanxicô dâng thánh lễ Tiệc Ly năm nay.
Năm 2013, Đức Phanxicô rửa chân cho các người trẻ bị tù ở một nhà tù ngoại ô thành phố Rôma. Năm 2014 và 2015 ngài rửa chân cho người lớn tuổi và người khuyết tật. Năm nay, 2016, ngài rửa chân cho 12 người tị nạn trẻ ở Trung tâm Castelnuovo di Porto, một thành phố nhỏ có 9 000 người dân cách Bắc Rôma 30 cây số. Trung tâm này tiếp nhận khoảng 900 người di dân Phi Châu, đa số là đàn ông dưới 30 tuổi, họ đến Ý bất hợp pháp và chờ xin quy chế tị nạn.
Sự tôn trọng đưa đến hòa bình
Trả lời trên báo Quan sát viên Rôma, Tổng Giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng đặc trách phúc âm hóa và là người tổ chức Năm Thánh Lòng Thương Xót cho biết, “đây là hành vi đơn sơ nhưng rất mạnh, Đức Giáo hoàng rửa chân cho 11 người tị nạn mà đa số không phải là người công giáo, để mang đến cho họ sự “âu yếm của Chúa” và nhắc cho tất cả tín hữu nhớ, “con đường của tôn trọng là con đường dẫn đến hòa bình.”
Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 23 tháng 3 ở Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô nhắc lại: “Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Giêsu đã lập phép Thánh Thể để các môn đệ của mình hiểu tình yêu của Ngài, Ngài rửa chân cho họ để họ hiểu, họ cũng phải làm như vậy.”
Các năm trước Đức Phanxicô đã rửa chân cho các người bị tù, người lớn tuổi và người khuyết tật, lần này ngài rửa chân cho những người tị nạn, nhắc lại tình yêu của tín hữu kitô đối với người anh em mình trong thời buổi có cả “triệu người tị nạn trên khắp thế giới ồ ạt bỏ nhà cửa ra đi, không nơi nương tựa, không tổ quốc”, Đức Giám mục Fisichella nhấn mạnh. Ngài nhắc lại, việc ồ ạt bỏ ra đi này là một sự “ra đi trong cưỡng bức, ngược với lòng họ, dưới áp lực của bạo lực vô cớ, của chiến tranh vô ích và của nạn đói”, để đi đến những đất nước mà họ thường hình dung là đất nước lý tưởng, nhưng sự thật thì không được như vậy, họ phải đối diện với bạo lực của cảnh sát, với sự khinh bỉ của dân chúng và với sự dửng dưng của bộ máy quản lý”.
Chứng nhân
Sira, Luchia, Mohamad là 3 trong số 12 người tị nạn được Đức Phanxicô rửa chân:
Sira sinh ở miền Bắc Mali, nơi những người khủng bố hồi giáo đến xâm chiếm một cách nguy hiểm. Anh đi tìm chỗ ở và nơi nương tự cho anh và cho gia đình ở Ý. Sira rất xúc động. Anh tin chắc cuộc đời của anh sẽ thay đổi khi được Đức Phanxicô rửa chân. Anh thố lộ với ký giả Valerio Cataldi của hãng tin articolo21.org.
Luchia là một nữ tín hữu kitô giáo người Cốp, cô trốn chế độ độc tài ở Érythrée. Cô ôm trong lòng đứa con mà cô mang thai khi bị tù ở Libya, cô đã sinh khi đến Ý vào tháng 10 vừa qua. Em bé tên là Merhawit có nghĩa là “hy vọng”. Cũng như Sira, cô nuôi “hy vọng” nơi hành vi của Đức Giáo hoàng, cô cảm thấy mình được “danh dự (…) được ưu tiên”. Và cũng như cô và Sira, mười người thanh niên trẻ tị nạn khác đến từ Pakistan, Ấn Độ, Nigeria và Syria
Chỉ riêng Syria, chiến tranh ở đây đã làm cho 5 triệu người dân bỏ xứ đi về Liban, Thổ Nhĩ Kỳ hay Giócđania. Mohamad đến từ Syria. Anh nói mình “tự hào là người Syria đầu tiên” gặp Đức Giáo hoàng. Cũng như tất cả những người khác, anh không ngờ mình nhận “món quà” này, anh thố lộ với ký giả người Ý. Khuram ở bên cạnh anh, anh rất cảm động đến nói không nên lời, anh đã đi qua nửa vòng trái đất để trốn khỏi Pakistan, nơi anh mong mình sẽ trở thành kỹ sư, nhưng đã phải trốn rađi để tránh sự đe dọa của những người hồi giáo cực đoan.
Mỗi người tị nạn này, ai cũng có người truy hại mình, và họ đã phải làm tất cả để trốn thoát nanh vuốt của những người truy hại này. Và bây giờ Âu Châu đang dựng lên các bức tường và dính thỏa thuận với những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, cô Angela cho biết. Cô Angela là thành viên của tổ chức Auxilium, một tổ chức hợp tác của Ý cổ động cho tình đoàn kết qua “hành vi khiêm tốn để làm thế giới suy nghĩ”. Cô Angela là người Ý duy nhất trong số những người được rửa chân hôm nay.
“Người mạnh nhất, người dễ thương nhất hành tinh”
Đức Phanxicô rất lo cho những người di dân, người tị nạn, người lưu vong này. Và sự dửng dưng mà họ phải gánh chịu thì thật không chịu đựng nổi: “Tôi nghĩ tất cả những người sống bên lề này, những người phải ra đi, những người tị nạn, những người bị bỏ mặc số phận mình, là vì có những người từ chối không đảm trách trách nhiệm của mình với những người này (…)”, ngài giảng như trên trong thánh lễ Lễ Lá chúa nhật ngày 20 tháng 3 vừa qua ở Quảng trường Thánh Phêrô. Và các người tị nạn nhận ra sự quan tâm này của Đức Phanxicô. Sự quan tâm này, với các lời khuyến khích, các lời kêu gọi của ngài là chiếc gậy để họ đi tới và tin tưởng vào ngày mai tươi sáng hơn.
Lời của Sira:
“Ngày mai tôi sẽ là một người khác, người mạnh nhất, cao lớn nhất, dễ thương nhất hành tinh đã rửa chân cho tôi. Người luôn nghĩ đến chúng tôi, chúng tôi là những người đau khổ vì chiến tranh, vì chế độ độc tài, những người không có gì để ăn: thật tôi không thể tin được!”.
Isabelle Cousturié (fr.aleteia.org) | Marta An Nguyễn chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)