MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức Phanxicô đến Hoa Kỳ – Người lạ ở xứ lạ

Khi Đức Giáo hoàng Phanxicô đặt chân lên mặt đất sân bay Andrews, gần Washington, vào ngày 22-9, thì đây là lần đầu tiên ngài đến Hoa Kỳ với tư cách giáo hoàng. Và đây cũng là lần đầu tiên trong đời ngài đến đất nước này.

Hồng y Jorge Mario Bergoglio của Buenos Aires một thời, chưa bao giờ theo con đường của nhiều giám chức cùng bậc với ngài, những người tìm cách nâng cao thanh thế, và gây quỹ cho các sứ mạng ở quê nhà, bằng những mạng lưới liên hệ với Giáo hội Hoa Kỳ đầy ảnh hưởng và mạnh về tài chính.

Sự khác biệt này có thể hiểu được qua nhân cách của Đức Phanxicô. Ngài là một con người ở nhà, không thích việc đi xa, và cảm thấy mình có phận sự tối thượng là ở gần với các giáo dân trong giáo phận của mình. Ngài nổi tiếng là lên án thói leo thang công danh, lên án cái mà ngài gọi là ‘giám mục sân bay’ những người dành nhiều thời gian đi đây đi đó vì danh tiếng hay ý thích của mình hơn là phục vụ đàn chiên.

Nhưng, việc Đức Phanxicô chưa có trải nghiệm tận mắt về Hoa Kỳ, là một điểm công kích cho nhiều người, đặc biệt là những người đang vất vả nuối trôi những chỉ trích không khoan nhượng của ngài về sự quá đáng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, và họ còn đặt vấn đề là không biết giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ La tinh này có mang oán giận gì với các chính sách một thời của Hoa Kỳ trên mảnh đất quê hương mình không.

Massimo Faggioli, chuyên gia lịch sử Giáo hội ở Đại học thánh Tôma, Minnesota, nhận định, ‘Chuyến đi lần này đến Hoa Kỳ sẽ là khó khăn nhất, đầy thách thức nhất, và đáng chú ý nhất, bởi ngài sẽ khám phá một thế giới xa lạ với ngài, hơn cả châu Á, hơn cả Phi Luật Tân. Đây không phải là rào cản ngôn ngữ. Nhưng là rào cản văn hóa.’

Giám mục Marcelo Sanchez Sorondo, người Argentina, và là một trong các cố vấn then chốt của Đức Phanxicô tại Vatican, nói rằng mình thấy được rằng người ta nghĩ là giáo hoàng không thích Hoa Kỳ. Quan điểm của Đức Phanxicô là, một hệ thống kinh tế toàn cầu quá tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận đang hủy hoại người nghèo và môi trường. Và ngài lại đang chuẩn bị đặt chân xuống tổng hành dinh của chủ nghĩa tư bản.

Giám mục Sorondo nêu bật rằng Đức Phanxicô không phải là người bài tư bản, và nói rằng Đức Giáo hoàng ái mộ người Mỹ vì các nguyên tắc của các bậc lập quốc, những người truyền cảm hứng cho phong trào độc lập ở quê nhà Argentina của ngài. Nhưng cái nhìn của Đức Phanxicô cũng được tạo hình bởi một lịch sử khác, bao gồm các liên hệ của Hoa Kỳ với những độc tài Mỹ La tinh, cách mà Hoa Kỳ đối xử với các di dân Mễ Tây Cơ và Trung Mỹ, và chính sách kéo dài của Hoa Kỳ với Cuba. Đức Phanxicô mới đây đã giúp cho các đàm phán phục hồi quan hệ Hoa Kỳ-Cuba.

Đức cha Sorondo nhận định, ‘Tôi không nghĩ giáo hoàng có điều gì chống lại Hoa Kỳ. Những gì ngài có thể nghĩ đến là việc ngài cảm nhận được các hậu quả mà Hoa Ky gây trên châu Mỹ La tinh.’

Đây rõ ràng là một nền tảng nhận thức mới cho cả người Công giáo Hoa Kỳ, vốn đã quen với các bậc tiền nhiệm, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, những người sống qua Thế chiến II, thời gian mà người Mỹ được xem là những nhà giải phóng và là nhà hảo tâm rộng rãi, đã xây dựng lại châu lục bị tàn phá bởi chiến tranh.

Khi Đức Gioan Phaolô còn là hồng y Karol Wojtyla của Krakow, Ba Lan, ngài đã đi khắp Hoa Kỳ, đặc biệt là đến thăm các cộng đoàn người Mỹ gốc Ba Lan. Khi làm giáo hoàng, ngài cũng thấy có chung nhiều điểm với người Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản.

Còn Đức Bênêđictô, khi là hồng y Joseph Ratzinger đến từ Đức, là hộ vệ giáo lý của Đức Gioan Phaolô trong suốt hơn 2 thập kỷ, và ngài không chỉ đến thăm Hoa Kỳ, nhưng còn thường xuyên gặp các lãnh đạo Giáo hội Hoa Kỳ ở Roma. Năm 2008, trong chuyến công du duy nhất đến Hoa Kỳ, Đức Bênêđictô đã chào tổng thống Bush tại Nhà trắng, và kết buổi hội kiến bằng câu, ‘Chúa chúc lành cho nước Mỹ.’ Ông Faggioli nhận định, ‘Cử chỉ này được nhiều người xem là một cái gật đầu cho ý niệm về chủ nghĩa ngoại hạng Mỹ.

Còn Đức Giáo hoàng Phanxicô, với gốc rễ văn hóa của mình, với nền đào tạo của mình, thì hoàn toàn khác biệt.’

Một trong số những kinh nghiệm đó, là cuộc khủng hoảng kinh tế Argentina năm 2001, đã gây bạo loạn, thất nghiệp lan tràn, và các tổng thống thay đổi liên tục khi chính phủ nỗ lực giải quyết các món nợ khổng lồ. Đức Bergoglio đã gắn bó sát sao giúp người dân Argentina và các lãnh đạo thoát ra khỏi nỗi kinh hoàng này, một chuyện mà nhiều người quy là lỗi của chính sách thị trường tự do được Hoa Kỳ ủng hộ.

Nhưng cuôc sụp đổ kinh tế đó có thể đã thuyết phục Đức Bergoglio cuối cùng cũng đến Hoa Kỳ xem sao. Cha Thomas Reese, nhà phê bình của tờ Báo Công giáo Quốc gia, nhận định, ‘Là chuyện thường tình khi lãnh đạo các quốc gia nhờ các hồng y địa phương làm phái viên đến Hoa Kỳ, để mọi người ở Washington và các giám mục Hoa Kỳ hiểu được tác động của chính sách Hoa Kỳ ở nước ngoài.

Nhưng dành vai trò này cho hồng y Bergoglio là chuyện không tưởng. Ngài có những mối quan hệ rất căng thẳng với nhiều người trong giai cấp thống trị ở Argentina, và thường thách thức họ thẳng thừng trong các diễn đàn cấp quốc gia là hãy bỏ đi các tư lợi đảng phái và làm nhiều việc hơn nữa cho những người dễ bị tổn thương và người thiệt thòi.

Có vẻ ngài không hợp với giới lãnh đạo Argentina, hay ngồi lại với họ mà nói ‘Ok, đây là chiến lược của chúng ta. Hãy đến Washington vận động hành lang cho những chuyện này.’ Không, họ thường không cùng chung ý với nhau.’

Tuy nhiên, niềm tin của Đức Phanxicô về ý nghĩa của một người tận hiến cho Chúa và Giáo hội, có lẽ là yếu tố lớn nhất khiến ngài tách xa Hoa Kỳ.

Cũng như mọi tu sỹ dòng Tên, Đức Bergoglio đã thề là không tìm kiếm các vị trí cao hơn trong giáo hội. Ngài là tu sỹ dòng Tên đầu tiên trong suốt 481 năm lịch sử của dòng lên ngai giáo hoàng. Năm 1992, việc ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá Buenos Aires đã gây cú sốc lớn, với ngài và với người Công giáo Argentina, những người hầu như chưa bao giờ nghe về ngài. Được xem là ‘giáo hoàng khu ổ chuột’ vì sự tận tụy của ngài với người nghèo, tổng giám mục Bergolio dành nhiều thời gian ở các khu phố nghèo Buenos Aires. Với ngài kỳ nghĩ có nghĩa là ở lại nhà giám mục và đọc sách, cũng y hệt như những gì ngài làm ở Roma trong những mùa hè qua.

Ngài không thích xuất ngoại cho lắm. Hồi thập niên 1980, khi ngài được gởi đến Đức trong vài tháng để hoàn tất luân văn tiến sỹ, ngài đã nhớ nhà quá độ đến nỗi nhiều đi xem các máy bay cất cánh từ sân bay về Argentina.

Cha Matt Malone, tổng biên tập tờ America của Dòng Tên trụ sở New York cho biết, ‘Thật hoàn toàn không có gì bất ngờ khi ngài làm thế. Trọn cuộc đời của ngài đã hiến dâng cho người dân Argentina và Nam Mỹ.’

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7, Đức Phanxicô nói rằng ngài sẽ dành nhiều tuần để ‘nghiên cứu’ cho chuyến công du Hoa Kỳ. Trong quá khứ, ngài gặp rắc rối với tiếng Anh, nhưng mới đây, ngài đã có các bài diễn văn bằng tiếng Anh, nói tốt, và người ta hiểu tốt, trong chuyến công du Nam Hàn, và Sri Lanka-Phi Luật Tân. Ở Hoa Kỳ, ngài sẽ nói chuyện bằng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Lời đầu tiên của ngài sẽ là ở Washington, nơi ngài dự buổi hội nghị của Lưỡng viện vào ngày 24-9, rồi sau đó là bài diễn văn ở Đại Hội đồng Liên hiệp quốc, và thánh lễ ngoài trời trong Đại hội Gia đình Thế giới tại Philadelphia.

Nhưng trước đó, là chuyến công du sớm ở một nơi quen thuộc với ngài hơn, Cuba.

Cha Reese nghĩ rằng, ‘Lòng của Đức Phanxicô là ở Thế giới thứ ba và Nam bán càu, nhưng ngài có cách để công bố Tin mừng thật lôi cuốn với người dân Hoa Kỳ. Tôi nghĩ sẽ có sự đáp lời ngoạn mục từ người dân Mỹ đến ngài. Tôi nghĩ họ sẽ phải lòng ngài mất thôi.’

Rachel Zoll - Nicole Winfield (Crux) / J.B. Thái Hòa chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)