MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức Phanxicô nồng nhiệt vinh danh Fidel Castro

Chiều thứ bảy, ngay khi vừa đến Cuba, Đức Phanxicô đã nhắc lại việc xích lại gần nhau giữa hai nước Cuba và Mỹ là “mẫu gương” đối thoại cần phải theo để chống lại chiến tranh, nguyên do của “làn sóng người di dân.”

Ngay khi gặp Chủ tịch Raul, lời đầu tiên trong bài diễn văn của mình, Đức Phanxicô đã “xin chuyển cảm tình đặc biệt quý mến và tôn trọng của tôi với anh Fidel của ông”. Cũng như Đức Gioan-Phaolô II năm 1998 và Đức Bênêđictô XVI năm 2012, chúa nhật 20-9, với tư cách riêng, Đức Phanxicô sẽ gặp ông Fidel Castro. Ông Fidel Castro năm nay 89 tuổi.

Chiều thứ bảy, trong bài diễn văn khi đến Cuba, Đức Phanxicô ghi nhận có “các liên hệ hợp tác và bằng hữu” ngày nay giữa Giáo hội và chính quyền nhưng ngài cũng yêu cầu “làm mới lại” sự hợp tác này để ”cùng đồng hành và khuyến khích dân chúng Cuba” trong các quan tâm của họ, với “tự do, phương tiện và nơi chốn cần thiết để loan báo Tin Mừng, để đi đến các vùng ngoại vi hiện sinh của xã hội.”

Một cách để Đức Phanxicô xin có tự do tôn giáo nhiều hơn – dù thời gian qua gọng kềm mác-xít đã được nới – và nhắm đến nạn nghèo đói đang làm ung hoại bán đảo này qua nạn mãi dâm bành trướng để… gia đình được sống còn. Lương trung bình của người dân từ 15 đến 20 ơrô, thịt cá chỉ để dành cho khách du lịch mà kỹ nghệ và lợi tức nằm trong tay chính quyền, dù tương đối đã có sự nới lỏng kinh tế trong thời gian gần đây, giúp cho dân chúng sinh sống được đôi chút.

Từ đây đến ngày thứ ba trước khi rời Cuba để đi Mỹ, Đức Phanxicô sẽ có dịp trở lại vấn đề xã hội này, một trong những vấn đề ngài quan tâm, đặc biệt khi ngài đến Holguin và Santiago, miền đông-nam bán đảo, nơi ngài sẽ có buổi cầu nguyện trước tượng “Đức Mẹ Đồng” danh tiếng, bổn mạng của Cuba. Trích lời của thi sĩ, nhà báo José Marti (1853-1895) trong bài diễn văn khi mới đến, Marti chết khi chiến đấu để giải phóng Cuba khỏi tay người Tây Ban Nha, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh đến “thiên hướng tự nhiên” của Cuba mà ngài xem nước này là “cánh cửa then chốt” về mặt địa dư và chính trị trong vùng, nơi tất cả mọi dân tộc sống trong tình bằng hữu”.

“Thế giới khao khát hòa bình”

Khi kết thúc bài diễn văn chào đón, Đức Phanxicô đã ca ngợi “sự kiện đầy Hy vọng: Tiến trình bình thường hóa bang giao của hai nước sau nhiều năm xa cách”.

“Đây là một dấu hiệu!” Đức Giáo hoàng nêu lên. “Ngài cho thấy văn hóa của gặp gỡ, của đối thoại thì đáng giá hơn hệ thống đế chế, một hệ thống chết mãi mãi”, ngài lại nhắc ở đây lời của nhà cách mạng Marti.

Trong việc hai nước kẻ thù xích lại gần nhau, Đức Phanxicô muốn “đây là tấm gương của sự giải hòa cho toàn thế giới”, khuyến khích tất cả các người có trách nhiệm cùng làm việc theo cách này, mà theo ngài, có “khả năng cao đưa đến hòa bình và thịnh vượng cho các dân tộc”.

Vì “thế giới khao khát hòa bình”, Đức Phanxicô nói như tiếng kêu từ đáy lòng. Đó là lời ngài nói với các ký giả trên chuyến bay từ Rôma đi La Havana. Ngài đã làm cho họ “xúc động mạnh”: sáng thứ bảy, trước khi ra đi, ngài đã chào gia đình “tị nạn Syria”, gia đình vừa mới được Vatican đón nhận. Ngài thổ lộ, “Tôi thấy nỗi đau trên khuôn mặt họ. Như thế chúng ta phải xây những cây cầu hòa bình nhỏ, cây này tiếp cây kia để rồi sẽ xây được cây cầu hòa bình lớn chống chiến tranh, chiến tranh gây chết chóc và tạo ra làn sóng người di dân”.

Để kết thúc, ngài nhắc lại chủ đề Thế chiến thứ ba: “Thế giới cần một sự giải hòa trong thời Thế chiến thứ ba phân đoạn này”.

Sáng chúa nhật, Đức Phanxicô dâng thánh lễ ngoài trời ở quảng trường Cách mạng, La Havana. Chiều chúa nhật ngài dự kinh chiều với các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh ở Nhà thờ chính tòa La Havana, một ngôi nhà thờ barốc được các tu sĩ Dòng Tên xây năm 1748.

Jean-Marie Guénois (lefigaro.fr) / Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)