WASHINGTON. Trong bài phát biểu tại quốc hội Hoa kỳ sáng ngày 24-9-2015, ĐTC Phanxicô kêu gọi đương đầu với hình thức cực đoan, gia tăng sự cộng tác với nhau, chống nạn buôn bán võ khí, bài trừ nghèo đói và hỗ trợ gia đình.
Sáng thứ năm 24-9-2015, ĐTC đã dâng thánh lễ tại nhà nguyện tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Washington với sự tham dự của các cộng tác viên tại trụ sở này, trước khi đến Quốc hội Mỹ để viếng thăm từ lúc gần 9 giờ rưỡi. Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng được mời lên tiếng tại Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ gồm 435 hạ nghị sĩ và 100 thượng nghị sĩ.
Đến nơi, ĐTC đã hội kiến riêng với Ông Joe Boehner, chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ. Ông là một tín hữu Công Giáo dấn thân, liên tục được bầu làm đại biểu quốc hội thuộc đảng cộng hòa và từ 4 năm nay, ông làm chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Hiện diện trong buổi đón tiếp ĐTC tại quốc hội lưỡng viện cũng có phó tổng thống Joe Biden, niên trưởng ngoại giao đoàn, ngoại trưởng, lãnh tụ phe đối lập cũng như các thẩm phán tối cao pháp viện Hoa Kỳ.
ĐTC đã được các vị chủ tịch và đại biểu quốc hội tiếp đón long trọng và nồng nhiệt và mời ngài lên tiếng.
Diễn văn của ĐTC
Trong diễn văn bằng tiếng Anh tại quốc hội Mỹ, sau khi nhắc đến ơn gọi và sứ mạng cao quí của các nhà lập pháp, ĐTC cho biết qua cuộc gặp gỡ tại quốc hội này, ngài muốn đối thoại với toàn dân Hoa Kỳ, với bao nhiêu người dân đang cần cù làm việc, với những người già và người trẻ. Ngài đặc biệt nhắc đến 4 người Mỹ nổi tiếng: Abraham Lincoln, Martin Luther King, bà Dorothy Day và cha Thomas Merton, và rút ra từ cuộc sống và hoạt động của 4 nhân vật ấy những ý tưởng có thể hướng dẫn hoạt động của chúng ta ngày nay.
Trước tiên là Tổng thống Abraham Lincoln, năm nay là kỷ niệm 150 năm ông bị ám sát. Cố Tổng thống là người giữ gìn tự do, đã không ngừng làm việc để “quốc gia này, với sự bảo vệ của Thiên Chúa, có thể có một nền tự do mới được nảy sinh.” Xây dựng một tương lai tự do đòi phải có lòng yêu mến công ích và sự cộng tác với một tinh thần phụ đới và liên đới.”
Tình trạng đáng lo âu của thế giới
ĐTC nhắc đến tình trạng đáng lo âu về xã hội và chính trị trên thế giới ngày nay, và nhận định rằng:
“Thế giới chúng ta ngày càng trở thành một nơi diễn ra các cuộc xung đột bạo lực, oán ghét và tàn bạo dữ tợn, người ta phạm chúng, thậm chí nhân danh các Thiên Chúa và tôn giáo. Chúng ta biết rằng không một tôn giáo nào tránh thoát hết những hình thức lừa đảo cá nhân hoặc cực đoan ý thức hệ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đặc biệt chú ý đến mọi hình thức cực đoan, về mặt tôn giáo cũng như các loại khác. Cần có một sự quân bình tế nhị để bài trừ bạo lực người ta phạm nhân danh một tôn giáo, một ý thức hệ hoặc một chế độ kinh tế, đồng thời bảo tồn tự do tôn giáo, tự do trí thực và các tự do cá nhân. Nhưng có một cám dỗ khác chúng ta phải đề phòng: đó là thái độ giản lược thái quá, chỉ thấy thiện hoặc ác, hoặc những người công chính và kẻ tội lỗi. Thế giới hiện nay, với những vết thương mở rộng, liên hệ tới bao nhiêu anh chị em chúng ta, đang đòi chúng ta phải đương đầu với mọi hình thức cực hóa, nó có thể chia thế giới thành 2 phe. Chúng ta biết rằng trong khi cố gắng giải thoát khỏi kẻ thù bên ngoài, chúng ta có thể bị cám dỗ nuôi dưỡng kẻ thù bên trong. Bắt chước oán thù và bạo lực của những kẻ bạo chúa và những kẻ sát nhân, đó là cách thức tốt nhất để chiếm chỗ của chúng. Đó là điều mà quí vị, trong tư cách là một dân tộc, từ khước không chấp nhận.”
Trái lại, câu trả lời của chúng ta phải là một câu trả lời hy vọng và chữa lành, hòa bình và công chính. Chúng ta được yêu cầu kêu gọi lòng can đảm và trí thông minh để giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế và địa lý chính trị ngày nay...
Canh tân tinh thần cộng tác
ĐTC cũng nhấn mạnh rằng “những thách đố mà chúng ta đang đương đầu ngày nay đòi phải canh tân tinh thần cộng tác, vốn đã mang lại bao nhiêu điều tốt lành trong lịch sử Hoa Kỳ. Sự phức tạp, trầm trọng và cấp thiết của những thách đố ấy đòi chúng ta phải sử dụng tài lực của chúng ta, và quyết định nâng đỡ nhau, trong niềm tôn trọng những khác biệt và những xác tín lương tâm của chúng ta.”
“Tại đất nước này, những tôn giáo khác nhau đã góp phần rất lớn vào việc xây dựng và củng cố xã hội. Điều quan trọng là ngày nay cũng như trong quá khứ, tiếng nói của tín ngưỡng phải được tiếp tục lắng nghe, vì đó là một tiếng nói huynh đệ và yêu thương, tìm cách làm nổi bật những gì tốt đẹp nhất trong mỗi người và trong mỗi xã hội. Sự cộng tác ấy là một nguồn lực mạnh mẽ trong trận chiến loại bỏ những hình thức mới của nạn nô lệ trên thế giới, nảy sinh từ những bất công mà ta chỉ có thể khắc phục nhờ những chính sách mới và những hình thức đồng thuận mới trong xã hội.”
Quảng đại với người di dân
ĐTC nhắc đến Mục sư Martin Luther King, cách đây 50 năm đã hướng dẫn chiến dịch đạt tới giấc mơ đầy đủ dân quyền và chính quyền cho người Mỹ gốc Phi châu. Ngài nói: “Giấc mơ ấy tiếp tục gợi hứng cho chúng ta. Tôi vui mừng vì Nước Mỹ tiếp tục là đất “mơ” cho nhiều người. Những giấc mơ dẫn đến hành động, tham gia, dấn thân. Những giấc mơ thức tỉnh những gì sâu thẳm nhất và chân thực nhất trong đời sống con người.”
Từ ý tưởng trên đây, ĐTC đề cập thảm trạng người di dân và tị nạn, một vấn đề lớn đối với thế giới và cả nước Mỹ. Ngài nói:
“Thế giới chúng ta ngày nay đang đương đầu với một cuộc khủng hoảng tị nạn chưa từng có kể từ sau thế chiến thứ 2. Thực tại này đặt chúng ta trước những thách đố lớn và những quyết định cam go. Cả tại đại lục này hàng ngàn người bị thúc đẩy tiến về phương bắc để tìm kiếm những cơ may tốt đẹp hơn. Chúng ta đừng để mình bị kinh hãi vì con số của họ, nhưng hãy nhìn họ như những con người, nhìn khuôn mặt và lắng nghe lịch sử của họ, cố gắng làm những gì tốt đẹp có thể đáp ứng tìnht rạng cảu họ. Đáp lại một cách ngày càng nhân bản, công chính và huynh đệ hơn. Chúng ta phải tránh cám dỗ chung ngày nay, đó là gạt bỏ bất kỳ ai tỏ ra là người gây vấn đề. Chúng ta hãy nhớ khuôn vàng thước ngọc: 'Hãy làm cho tha nhân điều bạn muốn người khác làm cho bạn” (Mt 7,12).
Kêu gọi bãi bỏ án tử hình
Tiếp tục bài diễn văn trước quốc hội Mỹ, ĐTC đề cập đến vấn đề án tử hình và ngay từ đầu sứ vụ, ngài đã hỗ trợ trên nhiều bình diện sự bãi bỏ án tử hình trên thế giới. Ngài nói: “Tôi xác tín đó là con đường tốt đẹp, xét vì mỗi sự sống là thánh tiên, mỗi người có phẩm giá bất khả nhượng, và xã hội có thể được hưởng lợi nhờ sự phục hồi những người đã bị kết án vị tội ác.”
“Mới đây, các anh em GM của tôi ở Mỹ đã tái kêu gọi bãi bỏ án tử hình. Không những tôi hỗ trợ các GM nhưng còn hỗ trợ tất cả những người xác tín hữu một sự trừng phảt chính đáng và cần thiết không bao giờ được tránh né chiều kích hy vọng và mục tiêu phục hồi.”
Quan tâm nâng đỡ người nghèo
Người Mỹ thứ 3 được ĐTC nhắc đến là Nữ tôi tớ Chúa Dorothy Day đã thành lập phong trào công nhân Công giáo. Sự dấn thân xã hội, lòng hay say của bà đối với công bằng và chính nghĩa của những người bị áp bức, đã lấy hứng từ Phúc Âm, từ niềm tin của bà và gương của các thánh.
Trong ý hướng đó, ĐTC khích lệ các đại biểu quốc hội Mỹ đừng quên tất cả những người nghèo quanh chúng ta. Ngài nói: “Chúng ta cũng cần mang lại hy vọng cho họ. Cuộc chiến chống nghèo đói phải liên lỷ được thực thi trong nhiều mặt trận, nhất là nhắm giải quyết tận gốc rễ, những nguyên nhân gây ra nghèo đói. Tôi biết nhiều người Mỹ ngày nay cũng như trong quá khứ, đang làm việc để đương đầu với vấn đề này.”
ĐTC gợi đến điều ngài đã nói trong thông điệp “Laudato sì”, là “cần phải can đảm đối hướng đi, tránh những hậu quả nghiêm trọng nhất do sự suy thoái môi trường, vì những hoạt động con người gây ra. Tôi xác tín rằng chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt và tôi chắc chắn Hoa Kỳ, và quốc hội đây, có một vai trò quan trọng cần thi hành. Đây là lúc cần có những hoạt động can đảm và những chiến lược nhắm thực thi một nền văn hóa chăm sóc, một lối tiếp cận toàn diện để bài trừ nghèo đói, để trả lại phẩm giá cho những người bị gạt bỏ, và đồng thời chăm sóc thiên nhiên.”
Đối thoại và cộng tác
Sau cùng, ĐTC nói đến cha Thomas Merton dòng Xitô Trappist ở Mỹ tiếp tục là một nguồn hứng tinh thần và là một nhà hướng dẫn cho nhiều người. Cha là người cầu nguyện, một tư tưởng gia và đã mở ra nhiều chân trời mới cho các linh hồn và Giáo Hội. Cha cũng là người đối thoại và thăng tiến hòa bình giữa các dân tộc và tôn giáo.
Trong viễn tượng đó, ĐTC cổ võ các nhà chính trị hãy có can đảm đối thoại, để ý đến quyền lợi của mọi người, phục vụ đối thoại và hòa bình. Điều này cũng đòi chúng ta phải tự hỏi: tại sao những võ khí gây chết chóc được bán cho những kẻ đề ra kế hoạch gây những đau khổ khôn tả cho con người và xã hội. Rất tiếc là, như chúng ta biết, câu trả lời chỉ là tiền bạc, tiền bạc đẫm máu và thường là máu người vô tội. Đứng trước sự im lặng ô nhục và tội lỗi ấy, chúng ta có nhiệm vụ phải đương đầu với vấn đề này và chặn đứng nạn buôn bán võ khí.”
Sau cùng, ĐTC nhắc đến đại hội các gia đình Công Giáo và Philadelphia và kêu gọi quốc hội Mỹ luôn quan tâm, nâng đỡ gia đình. Tương lai của những người trẻ, các thành phần gia đình, cũng là tương lai của chúng ta.
ĐTC đã được vỗ tay rất nhiều lần trong bài diễn văn tại quốc hội.
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)