MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

40.000 người tham dự ngày hành hương kính Đức Mẹ Măng Đen

VRNs (18.9.2013) - Kon Tum – Hơn 40.000 người đã trở về trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng Đen (thôn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) để tham dự ngày hành hương hàng năm kính Đức Mẹ Măng Đen vào ngày 17.9.2013 (ông Trương Văn Chương, người trong Ban tổ chức cho biết: có gần 10.000 xe gắn máy và khoảng 1500 các loại xe ô tô khác nhau)

Như tin chúng tôi đã đưa, năm nay Giáo phận Kon Tum tổ chức ngày hành hương kính Đức Mẹ Măng Đen vào ngày 17.9 thay vì ngày 15.9 như đã ấn định cho hàng năm.

Hai ngày 16.9 và 17.9, bầu trời tại khu vực Măng Đen không ngớt mưa, nhưng sáng ngày chính lễ, đoàn người từ khắp các buôn làng, các giáo thuộc Giáo phận Kon Tum cũng như một số giáo phận khác tiếp tục đổ về linh địa Măng Đen để dự ngày hành hương kính Mẹ Maria Măng Đen.

Sáng ngày 17.9, khi trời chưa rạng sáng, từng đoàn người tiếp tục đổ về linh địa Măng Đen như một ngày hội. Trời mưa rả rách nên người mặc áo mưa, người che dù, nhiều người để đầu trần đi dưới trời mưa tiến về linh địa.

Từng đoàn người từ các buôn làng, các tỉnh thành ngoài Kon Tum tiến về linh địa Đức Mẹ Măng Đen từ ngày 16-17.9.2013
Sáng 17.9, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh bỏ xe ngoài bãi để đi bộn với bà con tiến vào linh địa Măng Đen (bãi xe cách linh địa Măng Đen trên 3 km)
Theo Ban tổ chức, ước tính có khoảng 40.000 người về linh địa Đức Mẹ Măng Đen trong ngày 17.9.2013
Đoàn người cầu nguyện trước bức tượng Đức Mẹ Măng Đen trong ngày hành hương
Lúc 6h, cha Giuse Trần Sĩ Tín, DCCT chủ tế thánh lễ dành cho anh chị em người người dân tộc thiểu số.

Thánh lễ được cử hành bằng hai ngôn ngữ Jarai và Kinh. Các bài đọc và hát trong thánh lễ đều do anh chị em người dân tộc Jarai phụ trách. Một số người dân tộc thiểu số tỏ ra rất vui vì có một thánh lễ dành riêng cho đồng bào họ.

Ông Ama Tét là người thuộc dân tộc Yha Rai nói: “Lâu lâu lên gặp Mẹ nên vui lắm. Lên đây để xin Mẹ cứu giúp, đặc biệt vui vì có một thánh lễ dành cho đồng bào sắc tộc chúng tôi. “

Cùng tâm tình với ông Matét, hai chị Yat và Vu thuộc làng Pleichoet chia sẻ: “Về với Mẹ phải vui chứ. Có một thánh lễ dành cho người dân tộc vui chứ. Năm nay còn vui hơn vì tối hôm qua, có nhiều người lên làm chứng về Mẹ. Trong làng mình cũng có người lên làm chứng cho Mẹ nữa (giờ diễn nguyện tối 16.9, có khoảng hơn 10 người đã lên làm chứng về những ơn lành đã nhận được qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, nhất là Mẹ Măng Đen)”

Sau thánh lễ dành cho các dân tộc thiểu số là chương trình lần hạt Mân Côi do quý cha, quý thầy dòng Đaminh đang phục vụ tại Giáo phận Kon Tum phụ trách. Giờ cầu nguyện kéo dài khoảng 40 phút.

Trong lúc tại khu vực linh địa đang diễn ra thánh lễ cũng như lúc cử hành giờ kinh Mân Côi, các đoàn người vẫn tiếp tục đổ về khu vực linh địa.

Trời vẫn tiếp tục mưa nhẹ, khu vực linh địa càng lúc trở nên chật hẹp hơn nhưng rất trật tự. Người mặc áo mưa, người che dù thì đứng ngoài trời, những người khác không có áo mưa, hay dù che thì đứng hoặc ngồi trong các khu vực có bạt che để để tham dự các nghi lễ và cùng lần chuỗi Mân Côi với nhau.

Tại khu vực tượng Đức Mẹ Măng Đen tập trung người đông người hơn cả. Từ hôm qua tới nay, những người muốn lên cầu nguyện trước bức tượng đều xếp hàng ngay ngắn và tại khu vực này, lời kinh Mân Côi cũng không ngừng được cất lên. Mỗi người một tâm tình dâng lên Mẹ, người xin ơn, người tạ ơn nhưng ai cũng tỏ rõ lòng tin nơi Đức Mẹ.

Anh Phước thuộc giáo xứ Trung Nghĩa, Kon Tum (cách Măng Đen 70 km) dẫn theo người con nhỏ đi để: “xin Mẹ gìn giữ gia đình, gìn giữ con cái vì bây giờ xã hội loạn lắm. Mặc dù đi thì vất vả nhưng có lòng tin nên tôi quyết tâm đi. Có người cũng nói, Đức Mẹ Măng Đen cụt tay, Đức Mẹ xấu nhưng xấu thì Mẹ vẫn là Mẹ của mình.”

Anh Hiệp ở Tân Hương, Kon Tum (cách Măng Đen 60 km) đến với Mẹ để cầu nguyện cho bản than mình, cầu nguyện cho những người bạn đang đi tu và cầu nguyện cho một số người nhờ anh cầu nguyện với Mẹ Măng Đen giùm. Anh nói: “chú nữa, tôi sẽ lên chỗ tượng Đức Mẹ để trao những ý nguyện của tôi lên cho Mẹ.”

Đối với một tu sĩ đang giúp tại một giáo xứ thì muốn cho bà con giáo dân đi để được nâng đỡ lòng tin. Thầy Chu Văn Liêm, dòng Phansinh dẫn một số người trong giáo xứ Sa Thầy, Kon Tum (cách Măng Đen 80 km) đến Măng Đen hành hương nói rằng: “Tôi muốn dẫn bà con lên đây để mọi người thấy lòng tin của anh chị em nơi đây như thế nào và xin Mẹ củng cố lòng tin của mỗi người.”

Gia đình trẻ bồng bế con về với Mẹ Maria Măng Đen trong ngày hành hương
Đứng dưới mưa, người người sốt sắng dâng lên Mẹ Măng Đen lời kinh Mân Côi
Lãnh nhận Bí tích Hòa giải trong ngày về với Mẹ
Đúng 9 giờ 30, đoàn rước thánh lễ đồng tế tiền từ linh đài Đức Mẹ ra lễ đài cử hành thánh lễ trọng thể mừng kính Đức Mẹ Măng Đen.

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kon Tum chủ sự thánh lễ và giảng lễ. Dâng thánh lễ đồng tế còn có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Giáo phận Thái Bình, Đức Đan viện phụ Matthêu Nguyễn Bá Linh, Đan viện Thiên Phước, khoảng 100 linh mục trong và ngoài Giáo phận Kon Tum.

Bài giảng của Đức cha Micae bằng tiếng Kinh và có 3 linh mục (cha Trần Sĩ Tín, cha Nguyễn Đức Hữu và cha Nguyễn Xuân Anh Tuấn) dịch sang các thứ tiếng Jarai, Bahnar, Xêđăng.

Mở đầu bài giảng, Đức cha Micae đặt câu hỏi: Mỗi người chúng ta đến đây để làm gì? Sau đó, Đức cha mời gọi mọi người hãy có tâm tình của những người con thảo của Mẹ Maria, khi biết rằng, Chúa Giêsu đã trao chúng ta cho Mẹ Maria và trao Mẹ cho chúng ta dưới chân thập giá khi xưa. Đức cha Micae cũng nhấn mạnh tới việc sống đạo của những người con của Mẹ Maria qua những hành động cụ thể trong đời sống và ngay tại linh địa Đức Mẹ Măng Đen trong ngày hành hương này: việc đi đứng trận tự, giữ gìn vệ sinh chung, nhường nhịn nhau…

Cuối thánh lễ, Đức cha Micae ban phép lành Tòa thánh cho cộng đoàn dân Chúa.

Thánh lễ kết bằng thúc lúc 11 giờ 30. Theo chương trình, lúc 12 giờ còn có lần hạt Mân Côi và lúc 15 giờ có thánh lễ kết thúc ngày hành hương Mẹ Maria Măng Đen.

Đại diện các sắc tộc rước đoàn đồng tế tới lễ đài dâng thánh lễ
Bài giảng của Đức cha Micae được dịch ra 3 ngôn ngữ khác: Jarai, Bahnar, Xêđăng

Nhóm PV. VRNs tại Kon Tum