Sơ Angélique Namaika, 46 tuổi, nữ tu dòng thánh Augustine của vùng Dungu và Doruma ở Congo, vừa được Cao ủy tị nạn LHQ (UNHCR) công bố là người lãnh giải Nansen Refugee Award cho năm 2013.
Giải Nanson được LHQ thành lập năm 1954 để trao cho một cá nhân, một nhóm hoặc một tổ chức đã có những dịch vụ xuất sắc phục vụ người tị nạn, người di cư hay những người vô tổ quốc (không quốc tịch).
Nanson là tên của một nhà thám hiểm và cũng là một chính khách nổi tiếng người Na Uy đã từng đoạt giải Nobel. Ngoài huân chương và uy tín, người nhận giải Nansen còn được trao tặng một hiện kim là 100 ngàn đô la do chính phủ Thụy Sĩ, chính phủ Na Uy, Hội đồng người tị nạn Na Uy (NRC) và Quỹ IKEA hỗ trợ.
Sơ Angélique Namaika được chọn vì sự làm việc từ thiện không mệt mỏi của mình ở khu vực biên giới hẻo lánh vô chính phủ, phía đông bắc của nước Dân Chủ Cộng Hoà Congo (DR Congo, sát phía Nam của Nam-Sudan).
Thành lập và điều hành trung tâm 'Tái Hòa Nhập và Phát Triển,' Sơ Angélique đã giúp đỡ hơn 2.000 phụ nữ và em gái đã từng bị bắt ra khỏi nhà và sau đó bị lạm dụng, chủ yếu là do đám phiến quân Uganda gọi là "Quân Đội Kháng Chiến của Chúa" (LRA), do tên Joseph Kony làm thủ lãnh.
Sự tàn bạo của nhóm LRA được mô tả là kinh hoàng, có một lịch sử bạo lực cực đoan, tạo ra những chấn thương nghiêm trọng và lâu dài không chỉ với những nạn nhân bị bắt cóc nhưng còn với hàng trăm ngàn người tỵ nạn, quá sợ hãi để trở về nhà. Mặc dù các cuộc tấn công đã suy giảm đáng kể, nhưng chỉ một tin đồn rằng đám LRA sắp xuất hiện thì cũng đủ để làm cho cả một khu vực phải hoảng hốt.
Qua lời chứng của những phụ nữ tại trung tâm thì họ đã bị ép làm vợ các chiến binh, dù cho có trường hợp họ mới chỉ có 11 tuổi mà thôi, mổi chiến binh thường có nhiều vợ. Khi trốn thoát, những phụ nữ này mang theo những đứa con và thường mang bệnh tình dục.
Những phụ nữ và em gái chạy trốn được về tới trung tâm lại hay thường bị tẩy chay bởi gia đình và cộng đồng vì những lý do phong tục tập quán và cũng vì những thử thách cá nhân của riêng họ. Do đó việc chăm sóc để giúp họ phục hồi là một việc đặc biệt khó khăn.
Sơ Angélique cho biết rằng ưu tiên của Sơ là dậy cho họ nói được tiếng địa phương để họ có thể giao dịch, rồi dạy cho họ một nghề, như may vá và nấu nướng, từ đó họ có thể bắt đầu một doanh nghiệp nhỏ. Mục đích là giúp họ kiếm được chút tiền, trở thành độc lập.
Những phụ nữ thường gọi Sơ Angélique bằng một tiếng trìu mến là 'mẹ'.
Nhưng cũng có vài phụ nữ không thể làm lại cuộc đời, họ trở lại trung tâm, trao con cho Sơ Angélique rồi bỏ đi vào rừng xanh.
Chính Sơ Angélique cũng từng là nạn nhân của bạo lực trong năm 2009 khi còn sống ở Dungu. Cho nên Sơ biết nỗi đau của một người phải bỏ nhà chạy trốn như thế nào. Nỗi đau đó là động cơ thúc đẩy Sơ làm việc ngày này qua ngày khác, băng qua nhiều dậm đường đất gồ ghề trên yên xe đạp để đến với tất cả mọi người đang cần.
"Nếu tôi có thể giúp đỡ chỉ một người phụ nữ làm lại cuộc đời mà thôi, thì đối với tôi, đó đã là một thành công," Sơ Angélique nói.
"Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Tôi sẽ làm hết sức mình để cung cấp cho họ niềm hy vọng và khả năng tiếp tục sống. "
Cao ủy Tị Nạn Liên Hợp Quốc António Guterres bình luận về Sơ Angélique như sau: "Làm việc ở một nơi mà điện, nước và đường trải nhựa khan hiếm, công việc của Sơ Angélique là một thành đạt ngoại thường. Mặc dù thiếu thốn các công cụ thích hợp và hầu như không có nguồn nhân lực, Sơ Angélique đã không cho phép mình được nản chí. Sơ đã giành cuộc đời mình để làm giảm bớt sự đau khổ của những người phụ nữ bị bật gốc - để cung cấp cho họ một niềm hy vọng mới cho tương lai."
Về giải thưởng sắp nhận, Sơ Angélique cho biết đã ngạc nhiên "Tôi không hề hy vọng đoạt giải ấy, tôi chỉ làm việc mỗi ngày để giúp đỡ những người phụ nữ bị tổn thương mà thôi".
Sơ nói thêm rằng "Đó không chỉ là công việc của tôi, đó là việc của Chúa."
Sơ Angélique Namaika sẽ nhận giải thưởng và huy chương Nansen tại một buổi lễ tại Geneva vào ngày 30 tháng 9, rồi sau đó đi Roma hội kiến riêng với Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 2 tháng 10.
Được hỏi Sơ sẽ noí gì với Đức Thanh Cha, Sơ Angélique cho biết sẽ xin ĐTC ban ân xá cho tên Joseph Kony, tên đồ tể đã gây ra hằng trăm ngàn tội ác ở Congo.
Đó là một đề xuất để khôi phục hòa bình cho khu vực, Sơ noí, bắt đầu với " một ân sủng để chuyển đổi Joseph Kony... để ông ta dừng lại các hành vi tàn bạo và rời bỏ bưng biền. Và nếu điều này xảy ra, thì các phụ nữ (còn ở trong bưng) sẽ cảm thấy an toàn trở về nhà. Điều đó sẽ giúp họ được phục hồi."
" Điều quan trọng là giúp được những người phụ nữ đã bị tổn thương và đang ở trong tình trạng khốn cùng ", Sơ nói. " Họ là những phụ nữ đang phải nuôi con nhỏ, vì vậy điều tối quan trọng là họ có thể về nhà. "
Trần Mạnh Trác
(Nguồn: Vietcatholic News)