EMTY (Vatican Insider, 9-14-2013) - Vấn đề “linh mục kết hôn” thường xuyên nổi cộm trên các phương tiện truyền thông và thường trộn lẫn với các chủ đề không mang lại kết quả: chẳng hạn như việc phong chức linh mục phụ nữ. Chủ đề nổi lên do một số kiến nghị của một nhóm các linh mục hoặc khi một số giám chức quan trọng có quan điểm thiếu cứng rắn trong một cuộc phỏng vấn.
Trường hợp gần đây nhất là khi vị Quốc vụ khanh mới được bổ nhiệm của Vatican, Đức Tổng Giám mục Pietro Parolin - hiện vẫn là Sứ thần Toà Thánh tại Venezuela - trả lời một câu hỏi do nhật báo Universal đặt ra cho ngài, nhấn mạnh rằng: việc linh mục độc thân “không phải là một phần giáo lý của Giáo Hội và vấn đề đang được mở ngỏ để thảo luận vì nó là một truyền thống của Giáo Hội”, nhưng “người ta không thể chỉ đơn giản nói rằng điều đó đã là quá khứ”.
“Những vấn đề này không xác định đức tin và được mở ngỏ để thảo luận, suy tư và xem xét. Việc sửa đổi có thể được thực hiện, nhưng những sửa đổi này phải luôn thiên về sự hiệp nhất và hợp ý Chúa... Thiên Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách khác nhau. Chúng ta cần chú ý đến tiếng nói này, vốn hướng chúng ta đến những nguyên nhân và giải pháp, như tình trạng thiếu giáo sĩ chẳng hạn. Các loại tiêu chuẩn này (ý Chúa, lịch sử Giáo hội) cũng như ý tưởng thích ứng những quan điểm của Giáo hội trong thời hiện đại cần phải được xem xét trước khi đưa ra các quyết định.”
Tuyên bố của tân Quốc vụ khanh Toà Thánh lặp lại những gì đã được quyết định trong Công đồng Lateranô III vào năm 1179. Cha Filippo Di Giacomo nhắc lại rằng suốt trong Công đồng này, diễn ra 800 năm trước đây, Giáo Hội xác định rằng đời sống độc thân của Giáo hội không phải xuất phát từ ý Chúa mà là do Giáo luật. Đó là một truyền thống của Giáo hội Latinh và vì thế có thể sửa đổi.
“Tóm lại, Công đồng Lateranô III để lại điều được gọi là “kỷ luật tông đồ”, do 7 Hội đồng Đại kết đầu tiên của Giáo hội hiệp nhất quy định. Các hội đồng đại kết này là các hội đồng duy nhất được Giáo hội Công Giáo và Chính thống công nhận. “Kỷ luật tông đồ” này định rằng được phép truyền chức cho những người đã kết hôn (nếu họ đang sống độc thân tại thời điểm đó. Ngay cả các linh mục Chính thống cũng không thể kết hôn sau khi đã thụ phong linh mục, thậm chí ngay cả khi họ đã trở thành goá bụa) nhưng chỉ những người đàn ông độc thân mới có thể được thụ phong linh mục trong Giáo hội Latinh.
Ở đây cũng cần chỉ ra rằng các Giáo hội Đông phương - nghĩa là các Giáo hội Chính thống và các Giáo hội hiệp thông với Rôma - cũng chưa bao giờ đặt vấn đề về việc cho phép linh mục kết hôn. Họ chỉ từng thảo luận về khả năng thừa nhận những người đàn ông đã lập gia đình vào chức linh mục (nhưng không bao giờ được làm giám mục), ngăn cản những người đã thụ phong linh mục kết hôn. Có những linh mục kết hôn trong Giáo hội Công giáo. Trong Hàng giáo sĩ của Giáo hội Công giáo Đông phương có một số linh mục đã lập gia đình. Chẳng hạn, khi Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Kiev vào năm 2001, ngài được chào đón trước một giáo xứ do một linh mục Công giáo Nghi lễ Đông phương cùng với vợ và các con.
Có những điển hình khác trong Giáo hội Latinh. Cho đến năm 2009, đã có một số trường hợp đặc biệt như các linh mục đã kết hôn hoặc các giám mục của Anh giáo xin được hiệp thông với Roma được thụ phong linh mục lại theo nghi thức Công giáo. Nhưng các vị Giáo hoàng gần đây và các Thượng Hội đồng đã luôn nhấn mạnh về đời sống độc thân đối với hàng giáo sĩ Giáo hội Latinh. Đó có thể không phải là giáo điều, nhưng là một nguyên tắc và có những lý do sâu xa của nó. Những lý do này không chỉ mang tính thực tế và quản trị. Đây là lý do tại sao Giáo Hội đã luôn loại bỏ ý tưởng giải quyết tình trạng thiếu giáo sĩ bằng việc cho phép truyền chức viri probati, nghĩa là, người đàn ông đã kết hôn theo đức tin, được minh chứng có đủ khả năng thực hành các bí tích trong các cộng đồng không có giáo sĩ.
Trong cuộc thảo luận với Giáo sĩ Do Thái Abraham Skorka trong cuốn “Trời và Đất”, ĐHY Bergoglio lúc đó nói rằng đây là một chủ đề được tranh luận trong Giáo hội Công giáo Tây phương theo đề nghị của một số tổ chức. Một số người thực dụng nói rằng chúng ta đang mất đi nguồn nhân lực. ĐHY Bergoglio nói rằng, nếu Giáo hội Công giáo Tây phương quyết định xem lại vấn đề về luật độc thân, điều đó sẽ - theo ý kiến của ngài - chỉ là những lý do về văn hoá (như trong các Giáo hội Đông phương), chứ không phải là một lựa chọn mang tính phổ quát.
“Hiện tại, tôi ủng hộ việc duy trì đời sống độc thân, với tất cả những ưu và nhược điểm của nó, vì chúng tôi đã có 10 thế kỷ với những kinh nghiệm tốt hơn là thất bại. Điều xảy ra là các vụ bê bối có tác động ngay lập tức. Truyền thống có tầm quan trọng và giá trị của nó. Các giáo sĩ Công giáo đã chọn đời sống độc thân từng chút một. Cho đến những năm 1100, một số đã chọn sống độc thân và một số thì không. Sau đó, Giáo hội Đông phương theo truyền thống không độc thân như là một lựa chọn cá nhân, trong khi Tây phương đi con đường ngược lại. Đó là một vấn đề kỷ luật, không phải vấn đề đức tin. Nó có thể thay đổi. Đối với cá nhân tôi, chuyện kết hôn không bao giờ có trong tâm trí tôi”, ĐHY Bergoglio nói trong cuốn sách.
Hồi tháng 11-2009, ĐGH Bênêđictô XVI đã mở một cánh cửa triển vọng, dù nó được giới hạn trong các cộng đồng Anh giáo quyết định hiệp thông với Giáo hội Công giáo. Ngài đã làm như vậy mà không thay đổi quan điểm truyền thống được thể hiện bởi các vị tiền nhiệm của ngài và Thượng Hội đồng Giám mục. Đức Ratzinger lập các Giáo hạt Tòng nhân qua Tông hiến Anglicanorum Coetibus. Trong khoản 2, điều 6 của Tông hiến, sau khi nhấn mạnh đến nguyên tắc độc thân cho tương lai, Đức Ratzinger đã viết rằng giáo hạt “cũng có quyền xin Đức Giáo hoàng... cho những người đã lập gia đình được nhập hàng giáo sĩ theo từng trường hợp, theo tiêu chí khách quan được Toà Thánh chấp thuận”.
Các quy tắc bổ sung kèm theo Tông hiến và được Thánh Bộ Giáo lý Đức tin chuẩn bị với sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng, nhắc lại rằng “trong việc xem xét truyền thống và thực hành của Giáo hội Anh giáo, Giáo hạt có thể đệ trình lên Đức Thánh Cha việc xin kết nạp những người đã lập gia đình vào hàng giáo sĩ trong Giáo hạt, sau một tiến trình nhận định dựa trên các tiêu chí khách quan và nhu cầu của Giáo hạt”. Điều này cũng rõ ràng để ngỏ về khả năng việc tiếp nhận những người đã lập gia đình trong tương lai. Ngoại lệ này được thực hiện theo tình trạng các nhu cầu của Giáo hạt Anh-Công giáo.
Tông hiến Anglicanorum Coetibus của ĐGH Ratzinger là việc mở ra đầu tiên và có thẩm quyền nhất về khả năng thừa nhận những người đã lập gia đình vào Giáo hội Nghi lễ Latinh, được ghi trong một Tông hiến. Đây là tài liệu chính thức đầu tiên thuộc loại này được chuẩn bị cho một cộng đồng Giáo hội Latinh, kể từ những ngày diễn ra Công đồng Trentô. Và còn có điều mới mẻ khác về việc này. Các giáo hạt tòng nhân Anh-Công giáo mà tài liệu đề cập có thể có những linh mục đã kết hôn và các giám mục tương đương (trong thực tế họ không phải là giám mục nhưng họ có thể sử dụng huy hiệu giám mục). Và như thế, họ là những thành viên có đầy đủ chức năng trong các hội đồng giám mục của họ.
Hùng Nguyễn
(Nguồn: emty.org)