MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Thế Giới Nhìn Từ Vatican 13/9 - 19/9/2013 - Các Giám Mục Cuba: Dân chúng đã quá chán ngán chế độ



1. Buổi triều yết chung sáng thứ Tư 18 tháng 9

Trong buổi triều kiến chung hôm thứ Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã so sánh Giáo Hội với một người mẹ. Trước hàng ngàn người tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha giải thích rằng thông qua 10 điều răn, Giáo Hội, giống như bất kỳ người mẹ nào, cũng cố gắng ghi khắc các giá trị nơi con cái mình. Ngài cũng nói thêm rằng Giáo Hội luôn luôn ở bên cạnh con cái mình, hứa cầu nguyện và bảo vệ chúng trong suốt cuộc đời.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tôi muốn trở lại hình ảnh của Giáo Hội như là người Mẹ của chúng ta, bằng cách suy tư về những gì các bà mẹ trần thế của chúng ta thực hiện, sống và chịu đau khổ cho con cái của họ. Trước hết, những bà mẹ của chúng ta chỉ ra cho chúng ta thấy thông qua sự dịu dàng và tình yêu của họ, đâu là đường ngay nẻo chính phải theo trong cuộc sống, để chúng ta có thể trưởng thành. Cũng thế, Giáo Hội định hướng cho chúng ta trên cuộc lữ hành trần thế, chỉ ra con đường dẫn đến sự trưởng thành trong đức tin. Thứ hai, các bà mẹ của chúng ta biết cách thế và thời điểm phải tháp tùng với chúng ta trong tiến trình nhận thức thông qua cuộc sống và giúp đưa chúng ta trở lại khi chúng ta lạc lối khỏi đường ngay nẻo chính. Giáo Hội cũng đi kèm với chúng ta với lòng thương xót, trong sự hiểu biết, không bao giờ xét đoán chúng ta hoặc đóng cửa quay lưng lại, nhưng đưa ra sự tha thứ để giúp chúng ta trở lại đường lối đúng đắn. Thứ ba, nếu như bà mẹ của chúng ta không bao giờ mệt mỏi cầu thay cho chúng ta trong những thất bại của chúng ta, thì Giáo Hội cũng ở với chúng ta luôn luôn và, qua lời cầu nguyện, đặt vào tay Chúa tất cả các tình huống của chúng ta, những khó khăn và nhu cầu. Và vì thế, chúng ta thấy nơi Giáo Hội một người mẹ hiền, là người chỉ ra con đường để chúng ta tiến bước trong cuộc sống, là người luôn đồng hành cùng chúng ta trong sự kiên nhẫn, lòng thương xót và sự hiểu biết, và đã đặt chúng ta trong bàn tay của Thiên Chúa. "

2. Đức Giáo Hoàng nói về niềm vui, và thử thách trong thiên chức linh mục với các linh mục Rôma

Sáng thứ Hai 16 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Đền Thờ Thánh Gioan Laterano là Vương Cung Thánh Đường của Rôma, để gặp gỡ hàng linh mục Rôma. Ngài được chào đón với một tràng pháo tay nồng nhiệt, trước khi tiến vào đền thờ, nơi các linh mục địa phương đang chờ đợi ngài.

Trong phát biểu của ngài, Đức Thánh Cha đã nói về những niềm vui và những thử thách của chức linh mục trong khi trình bày những suy tư về thời gian Thánh Gioan Tẩy Giả bị tống giam.

Đức Thánh Cha nói:

"Thánh nhân bị bao quanh bởi bóng tối của sự ngờ vực. Đây chính là con người đã từng nói: ‘Đây là Con Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian. Tôi thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài’. Ngài xác tín về điều này vào lúc đó, nhưng vào thời điểm này ngài không hiểu gì cả. Ngài sống trong bối cảnh tăm tối của ngục tù, trong đêm đen của con tim và linh hồn mình. "

Trong cuộc gặp gỡ, Đức Giáo Hoàng đã đồng ý trả lời một số câu hỏi của các linh mục. Đức Giáo Hoàng cũng đã đưa ra một cảm nghiệm cá nhân. Đức Thánh Cha nói rằng ngài rất xúc động bởi lá thư một linh mục lớn tuổi gửi cho ngài trong đó vị linh mục chia sẻ cảm xúc mệt mỏi của mình. Đức Giáo Hoàng cho biết thư đã nhắc lại một thông điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có tựa đề Redemptoris Mater hay Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Đức Giáo Hoàng nói, Đức Mẹ cũng cảm thấy mệt mỏi.

Đức Thánh Cha giải thích rằng:

"Mệt mỏi đó đến khi Mẹ chứng kiến tất cả mọi thứ Chúa Giêsu đã phải đương đầu. Mẹ đã cố gắng hiểu ý nghĩa của những điều này thông qua Lời Chúa. Nhưng tất cả mọi thứ dường như trái ngược với những gì đã hứa. "

Cuộc gặp gỡ tại Vương Cung Thánh Đường rất biểu tượng, vì được diễn ra tại Vương Cung Thánh Đường của giáo phận Roma. Là Đức Giám Mục Roma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người đứng đầu của đền thờ này.

3. Các Giám Mục Cuba kêu gọi thay đổi hệ thống chính trị đất nước.

Trong một lá thư với những lời lẽ rất quyết liệt, các Giám Mục Cuba đã yêu cầu giới lãnh đạo hãy thay đổi hệ thống chính trị đất nước.

Một số nới rộng về quyền tự do kinh tế mà thôi là không đủ. Các Giám mục Cuba đã bày tỏ những lời chỉ trích của các ngài trong một bức thư gởi cho ông Raul Castro để đòi hỏi những thay đổi sâu rộng hơn tại đảo quốc này. Bức thư có tiêu đề, "Hy vọng không thể lụi tàn" của các Giám Mục Cuba khẳng định rằng "cần phải có quyền đa dạng và sự nhìn nhận những cách nghĩ khác nhau. Hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn đòi hỏi nhất thiết phải có một trật tự chính trị mới", bởi vì Cuba được mời gọi để trở nên một "xã hội đa nguyên"

Bức thư kết thúc với nhận định rằng "một nhà nước hợp tác dứt khoát phải được thành hình để thay thế cho thứ nhà nước hành xử như bố mẹ dân chúng."

Tất cả các giáo xứ trên toàn đảo quốc Cuba đã đọc thư này cho anh chị em giáo dân vào hôm Chúa Nhật 15 tháng 9 vừa qua.

Lá thư cũng chỉ trích tình cảnh nghèo nàn mà người dân Cuba phải chịu trong hơn nửa thế kỷ qua, do thiếu cơ hội, và tiền lương chết đói, "không đủ để nuôi sống một gia đình."

Để đạt được những thay đổi này, các giám mục đã đề xuất việc tạo ra các cuộc đối thoại giữa người dân Cuba trong nước và những người Cuba lưu vong trên thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.

20 năm trước các Giám mục Cuba đã ban hành thư chung với tựa đề "Tình yêu có thể chinh phục tất cả" để đòi hỏi Fidel Castro phải cải cách kinh tế và tự do ở Cuba.

4. Thư của Đức Thánh Cha về lễ phong chân phước cho cha Brochero

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các linh mục và tín hữu noi gương tân chân phước José Gabriel Brochero ra khỏi chính mình, tìm đến các “ngoại ô” của cuộc sống, gặp gỡ và nói với tha nhân về Chúa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong thư gửi các tín hữu Công Giáo Á Căn Đình nhân dịp lễ Phong Chân Phước sáng thứ Bẩy 14 tháng 9 cho cha Brochero. Thánh lễ do Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đại diện Đức Thánh Cha chủ sự, tại làng Villa Cura Brochero, có gần 5 ngàn 100 dân cư, thuộc tỉnh Córdoba, Á Căn Đình.

Trong thư gửi đến Đức Cha José Maria Arancedo, Tổng Giám Mục Santa Fe, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình, và được công bố trong buổi lễ, Đức Thánh Cha gợi lại tấm gương của Chân Phước Brocero như mục tử nhiệt thành, tận tụy tìm đến và săn sóc đoàn chiên, kể cả tại nhưng gia cư hẻo lánh trên lãnh thổ giáo xứ rộng 200 cây số vuông. Cha đặt công việc mục vụ trên việc cầu nguyện. Vừa khi đến giáo xứ, cha đã bắt đầu mang các tín hữu nam nữ đến Córdoba để tham dự cuộc tính tâm với các cha dòng Tên.

Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng và tính chất thời sự của lễ phong chân phước cho cha Brochero và viết: Cha là một người tiên phong trong việc đi tới các khu ngoại ô về địa lý và của cuộc sống để mang đến cho mọi người tình thương, lòng từ bi của Thiên Chúa. Cha không ngồi yên trong văn phòng nhà xứ, nhưng cười lừa, lặn lội tìm đến với dân chúng. Ngày nay Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ của Ngài trở thành những thừa sai, những người rao giảng đức tin... Cha Brochero là một con người bình thường, mảnh khảnh, nhưng đã biết cách ra khỏi cái tôi và lòng ích kỷ hẹp hòi, khắc phục bản thân. Cha đã nghe tiếng gọi của Chúa, đã chọn lựa hy vọng để làm việc cho Nước Chúa, cho công ích mà phẩm giá vô biên của mỗi người đáng được hưởng như con Thiên Chúa, và cha đã trung thành đến cùng, tiếp tục cầu nguyện và cử hành thánh lễ, dù bị mù vì bệnh phong cùi”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Ngày hôm nay, anh chị em hãy để cho cha Brochero cưỡi lừa với tất cả hành trang của cha vào trong căn nhà tâm hồn của anh chị em, mời gọi anh chị em cầu nguyện và gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ và đi ra bên ngoài, tìm kiếm người anh em mình, động chạm đến mình Chúa Kitô đang chịu đau khổ và cần tình thương của Thiên Chúa. Chỉ như thế chúng ta mới có thể nếm hưởng niềm vui mà Cha Brochero đã cảm nghiệm, nếm hưởng trước niềm vui trên trời”.

Cha Brochero (1840-1914) sinh năm 1840, gia nhập chủng viện năm 16 tuổi và thụ phong linh mục năm 1826 khi được 26 tuổi. Cha nổi bật về lòng bác ái giúp đỡ các bệnh nhân và những người sắp chết, nhất là trong trận dịch tả tàn phá thành Cordoba năm 1867. Cha góp phần phát triển quê hương về mặt kinh tế và xã hội, cũng như kiến thiết các thành đường, nhà nguyện, trường học và mở đường xuyên qua miền núi. Cha Brochero rong ruổi mọi nơi trong giáo phận, mang Lời Chúa cho dân chúng.

Vào cuối đời, cha bị mù và điếc, vì bệnh phong cùi, và những lời cuối cùng của cha là: “Giờ đây tôi hoàn toàn sẵn sàng để du hành”. Cha qua đời năm 1914, thọ 74 tuổi.

5. Giáo Hội là Mẹ phải bảo vệ và cầu nguyện cho con cái mình

Trong Thánh lễ buổi sáng thứ Ba 17 tháng 9 tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã so sánh Giáo Hội với một người mẹ góa bụa là người bảo vệ con cái của mình. Suy tư về bài Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã nói vai trò quan trọng và đầy thử thách của những bà góa được đề cập đến trong Kinh Thánh. Đức Thánh Cha thậm chí còn so sánh những vai trò này với sứ mệnh của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nói:

"Hòa giải chúng ta với Chúa không kết thúc nơi cuộc đối thoại 'Giữa bạn, giữa tôi và với linh mục là người đã tha thứ cho tôi. Không! Nó kết thúc khi Chúa dẫn chúng ta đến Mẹ của chúng ta. Đó là một sự hòa giải thực sự, bởi vì không có con đường dẫn đến sự sống, không có sự tha thứ, không có hòa giải bên ngoài Mẹ Giáo Hội. Vì thế, khi suy nghĩ về bà góa nghèo này, dù những ý tưởng này đến với tôi hơi ngẫu nhiên - Nhưng tôi thấy nơi bà góa này hình ảnh biểu tượng cho sự góa bụa của Giáo Hội, là người đang trong cuộc lữ hành trình tìm kiếm phu quân của mình. Tôi cảm nhận được sự thúc bách phải cầu xin Chúa cho ơn luôn luôn vững tin nơi mẹ chúng ta, người bảo vệ chúng ta, dạy bảo chúng ta, giúp chúng ta phát triển và dạy chúng ta nói tiếng mẹ đẻ của mình. "

Đức Thánh Cha sau đó nói thêm rằng Giáo Hội, như những người mẹ khác, phải sống cả trong những niềm vui và những thử thách của con cái mình.

6. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15 tháng 9

Mặc dù mưa lớn, hàng ngàn người đã tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm Chúa Nhật 15 tháng 9 để đọc kinh Truyền Tin với Đức Giáo Hoàng Phanxicô . Đức Thánh Cha đã giải thích lý do tại sao lòng thương xót của Thiên Chúa là rất quan trọng với các Kitô hữu.

Trình bày về dụ ngôn người con hoang đàng, Đức Thánh Cha nói rằng hạnh phúc thật sự được tìm thấy trong sự tha thứ, chứ không phải nơi việc khoe khoang về những việc làm tốt đã làm cho người khác.

Đức Thánh Cha nói:

“Đó là tất cả Tin Mừng, là trọn Kitô giáo! Nhưng anh chị em hãy chú ý, đây không phải là tình cảm, là thái độ “xuề xòa, cái gì cũng chấp nhận”! Trái lại, lòng từ bi là một sức mạnh thực sự có thể cứu vớt con người và thế giới khỏi bệnh ”ung thư” là tội lỗi, là sự ác luân lý và tinh thần.”

Đức Thánh Cha cũng cảnh báo về sự nguy hiểm của việc đánh giá người khác, như đã được giải thích trong dụ ngôn người con hoang đàng.

Ngài nói:

“Nếu chúng ta sống theo luật ‘mắt đền mắt, răng đền răng’, thì chúng ta không ra khỏi cái vòng sự ác. Ma quỷ là kẻ tinh ranh, hắn đánh lừa làm cho chúng ta tưởng rằng sự công chính phàm nhân của chúng ta có thể cứu thoát chúng ta và thế giới. Trong thực tế, chỉ có sự công chính của Thiên Chúa mới có thể cứu thoát chúng ta! Và sự công chính của Thiên Chúa được biểu lộ trong Thập Giá: Thập Giá là sự phán xét của Thiên Chúa trên tất cả chúng ta và trên thế giới này.”

Đức Giáo Hoàng kêu gọi tất cả các khách hành hương ngay lập tức thực hành những gì Chúa Giêsu rao giảng về sự tha thứ, bất chấp cam go đến mức nào.

“Tôi mời gọi tất cả mọi người, trong thinh lặng, hãy nghĩ đến người mà mình không có quan hệ tốt, những người mà chúng ta giận dữ họ, chúng ta không yêu thương họ. Chúng ta hãy nghĩ đến người ấy và trong thinh lặng, trong lúc này đây, cầu nguyện cho họ, và chúng ta trở nên từ bi đối với họ”.

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha cũng nói rằng vào ngày trước đó một linh mục người Á Căn Đình là cha José Gabriel Brochero đã được phong chân phước. Ngài cũng cảm ơn tất cả những người tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin, mặc dù thời tiết xấu.

7. Chiến dịch khích lệ Đức Thánh Cha danh dự Bênêđíctô thứ 16 đừng ngưng viết

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 luôn sử dụng một cây bút chì để viết ra các suy tư của mình. Hiện đang có một chiến dịch trực tuyến được gọi là gởi tặng bút chì cho Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong đó thu thập những chứng tá về tầm ảnh hưởng của các huấn đức của ngài với mọi người trên toàn thế giới.

Những tác giả của chiến dịch này giải thích họ đã nghĩ ra ý tưởng này khi nghe câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô với các nhà báo trên chuyến bay trở về Rôma từ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã so sánh việc sống chung với Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 như "có ông nội ở nhà", nghĩa là có một người cố vấn thân cận. Và vì vậy họ đã nghĩ đến việc hình thành một cuốn sách với những chứng của nhiều người trên toàn thế giới.

Chứng từ có thể gửi qua e-mail trước ngày 30 tháng 9 đến địa chỉ info@georgganswein.com

Những người đề xướng chiến dịch này muốn tặng cho Đức Thánh Cha Benedict cuốn sách này cùng với một hộp bút chì. Món quà mang tính biểu tượng này được hiểu như là một dấu hiệu của sự yêu mến, tôn trọng và biết ơn đối với Đức Giáo Hoàng danh dự và cũng là một lời cầu xin ngài đừng ngưng sáng tác.

8. Sáng kiến phò sinh tại châu Âu đã thu thập đủ chữ ký

Trong hơn sáu tháng, qua sáng kiến của các công dân châu Âu mang tên "Là một trong chúng ta" đã làm việc không ngừng để thu thập một triệu chữ ký trình lên Nghị viện châu Âu hầu có thể yêu cầu một cuộc tranh luận chống lại những chính sách phò phá thai. Hôm thứ Thứ Sáu 13 tháng 9, nhóm này đã thông báo là họ đã đạt được mục tiêu. Những người ủng hộ cho sáng kiến này của họ bao gồm Đức Thánh Cha Phanxicô, là người hồi tháng Năm vừa qua đã chúc họ thành công.

Hôm 12 tháng 5, Đức Thánh Cha nói:

"Tôi rất vui mừng khi thấy rất nhiều giáo xứ Ý đã tham gia vào chiến dịch thu thập chữ ký ủng hộ sự sống. Sáng kiến này có tiêu đề 'Là một trong chúng ta, nhằm bảo đảm sự bảo vệ pháp lý cho phôi thai, tức là bảo vệ cuộc sống của con người từ khi bắt đầu."

Mặc dù họ đã vượt quá số lượng chữ ký yêu cầu, tổ chức cho biết họ sẽ tiếp tục thu thập chữ ký cho đến 31 tháng 10. Họ cũng sẽ ăn mừng thành công của mình vào ngày 22, với một bữa tiệc tại mỗi nước tham gia.

Cho đến nay, "Là một trong chúng ta" là sáng kiến thứ hai của các công dân châu Âu đã thu thập đủ một triệu chữ ký. Sáng kiến thứ nhất chủ trương rằng “quyền có nước uống sạch sẽ” phải là một nhân quyền cơ bản, đã được trình lên Nghị Viện Châu Âu một vài tháng trước. Sáng kiến này đã thu thập tất cả các chữ ký chỉ trong phạm vi nước Đức.

"Là một trong chúng ta" được sự hỗ trợ của nhiều nhóm ở các nước châu Âu. Số lượng lớn nhất các chữ ký đã thu được từ Ý là hơn 350.000.

9. Phép lạ bánh Trung Thu tại Hương Cảng

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, 81 tuổi, giám mục về hưu cuả Hương Cảng, từ 4 năm nay vẫn làm việc mục vụ để chăm sóc tù nhân, những người cải huấn, cai nghiện, phục hồi chức năng của Hương Cảng.

Ngài thường mua bánh trung thu mỗi năm cho nơi Ngài tới thăm, vì phong tục ở đây là tìm về gia đình trong ngày tết trung thu để có thể chia sẻ những tấm bánh với những người có mặt và không quên để dành những lát bánh cho những người vắng mặt cũng như những người quá cố.

Cho nên, theo Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, thì tấm bánh trung thu mang một ý nghĩa rất đặt biệt về niềm vui gia đình, về đoàn tụ và hạnh phúc. Tặng bánh trung thu cho tù nhân là một nghiã cử đem lại nguồn an ủi và hy vọng cho họ.

Năm nay, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân ước vọng có được 10.500 chiếc bánh để tặng cho tất cả mọi tù nhân vào dịp Tết Trung Thu, ngày 19 tháng 9 tới đây. Biết rằng Đức Phanxicô là một người đầy lòng thương xót, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân nói với AsiaNews, "Tôi đoán rằng Ngài cũng sẽ quan tâm đến việc tặng bánh trung thu cho các tù nhân ở đây". Ngài đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y đã đoán đúng. Ngài nhận được hồi âm vào ngày 7 tháng 8 cuả Đức Giáo Hoàng như sau: " Thưa Đức Hồng Y quí mến, tôi sẵn sàng tham gia việc tặng bánh trung thu cho các anh chị em của chúng ta trong các nhà tù của Hồng Kông, Chúa Giêsu sẽ nhận ra chúng ta ở ngưỡng cửa Thiên Đàng. Chúc mừng Tết Trung Thu! Thân ái ban phép lành, PP Phanxicô. "

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã nắm bắt lấy cơ hội, Ngài đã in nhiều tấm thiệp với lời hồi âm cuả ĐGH (dịch ra hán văn) và gửi cho những giáo hữu ở Hương Cảng xin họ hãy noi gương Đức Thánh Cha.

Chỉ khoảng 2 tuẩn lễ, tiền quyên góp aò ạt đổ về, lên tới 170,000 đôla Hương Cảng (tức là 22,000 Mỹ Kim), đủ để mua bánh cho mọi tù nhân.

Vào đầu tháng Chín, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cho biết, "Tôi đã gửi cho Đức Thánh Cha một hộp bánh Trung Thu và chúc lễ hội đến Ngài. " Đó là một hộp bánh nhân hạt sen có 2 lòng đỏ trứng muối.

Ngài cho biết thêm " Khi tôi đến thăm các tù nhân vào cuối tháng Tám, họ nhắc nhở tôi về bánh trung thu," Ngài mỉm cười. "Tôi chắc chắn rằng họ đã biết việc Đức Thánh Cha Phanxicô hổ trợ sự kiện này, vì họ thường theo dõi tin tức trên các báo. "

Câu chuyện vui đã không ngừng ở đây, nhiều nhà thờ và tổ chức dân sự cũng đã noi gương Đức Thánh Cha, quyên góp bánh trung thu và phân phối đến những người cao tuổi sống một mình và đến các gia đình có thu nhập thấp.

Niềm vui lễ hội đang lan rộng tới tất cả mọi người.

10. Đức Giáo Hoàng nói rằng không có tin đồn nào là vô hại

Trong Thánh lễ sáng hôm 13/09/2013 tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về những ảnh hưởng của tin đồn. Ngài giải thích rằng không có những tin đồn vô hại và nói thêm rằng khi các Kitô hữu nói xấu người khác, nó gây ra những tác động tàn phá tai hại.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Một Kitô hữu giết người... Không phải tôi nói điều này, mà là Chúa nói. Và không có khác biệt gì cả. Nếu anh nói xấu anh em mình, thì anh em giết chết anh em mình. Và mỗi lần chúng ta nói xấu người khác là chúng ta đang bắt chước cử chỉ của Cain, kẻ giết người đầu tiên trong lịch sử".

Khi bắt gặp người khác có những thiếu sót nghiêm trọng, Đức Thánh Cha nói rằng ta nên cầu nguyện và tìm cách giúp đỡ họ, thay vì đồn đãi công khai về những khuyết điểm của họ.

11. Đức Thánh Cha tiếp kiến Chủ tịch Phong trào Focolare, Maria Voce

Hôm 13/09/2013, lần đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp đón Chủ tịch của Phong trào Focolare, bà Maria Voce và Giancarlo Falleti, đồng chủ tịch của phong trào Công Giáo được chị Chiara Lubich thành lập năm 1944 tại Ý.

Phong trào Focolare đã lan rộng trên toàn thế giới, và hiện có khoảng hai triệu thành viên. Đặc sủng của họ là thúc đẩy sự hiệp nhất giữa tất cả mọi người. Họ cũng tìm cách tăng cường đối thoại đại kết, và giúp đỡ bất kỳ người nào đã bỏ đạo nhưng mong muốn trở lại với đức tin Công Giáo.

12. Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp Tân Đại sứ Brazil

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nồng nhiệt tiếp Tân Đại sứ Brazil cạnh Tòa Thánh, ông Denis Fontes, vào sáng thứ Sáu 13/09 tại Vatican. Tân Đại sứ của quốc gia Công Giáo lớn nhất thế giới đã trình quốc thư lên Đức Giáo Hoàng.

Đức Thánh Cha: "Chào mừng ngài!".

Tân Đại sứ Brazil: "Nếu ngài muốn, ngài có thể trò chuyện với tôi bằng tiếng Bồ Đào Nha".

Đức Thánh Cha: "Nhưng ngài nói với tôi bằng tiếng Brazil!"

Là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, ông Fontes đến Vatican sau khi đã làm việc tại các đại sứ quán ở Đức, Ecuador, Trung Quốc, Pháp, Nam Phi và Bỉ.

Sau cuộc trò chuyện ngắn, nhà ngoại giao giới thiệu phu nhân và một trong hai con trai của ông, cũng như các nhân viên Đại sứ quán. Chính phủ Brazil đã bổ nhiệm ông tới Vatican ngay trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Brazil nhân dịp Đại hội Giới trẻ Thế giới.

Đức Thánh Cha: "Thưa ngài, xin cầu nguyện cho tôi".

Tân Đại sứ Brazil: "Vâng, tất nhiên rồi"

Sau khi trao tặng phái đoàn huy hiệu giáo hoàng, Đức Thánh Cha yêu cầu họ cầu nguyện cho ngài. Ngài kết thúc cuộc hội kiến bằng cách yêu cầu ông đại sứ gửi lời chào của ngài đến Tổng thống Brazil Dilma Rousseff.

Đức Giáo Hoàng đã thể hiện sự yêu mến tuyệt vời dành cho rằng quốc gia Nam Mỹ này. Một trong những cuộc tiếp kiến đầu tiên của ngài dành cho các vị nguyên thủ quốc gia là tiếp bà Rousseff, trong khi chuyến tông du quốc tế đầu tiên của ngài là đến Rio de Janeiro vào tháng Bảy vừa qua.

13. Một nhân chứng mô tả vụ sát hại người Công Giáo ở một làng Kitô giáo Syria

Một người phụ nữ chứng kiến vụ sát hại ba người Công Giáo ở Ma'loula, một ngôi làng Kitô giáo ở Syria bị quân nổi dậy thánh chiến Syria tấn công, đã cung cấp những chi tiết về cái chết của họ cho Thông tấn xã Công Giáo Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc.

Đức Thượng Phụ Grégoire III (Loutfi) Laham, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Melkite Hy Lạp, đã chủ sự tang lễ của họ tại Damascus.

Theo tường thuật của Fides thì quân nổi dậy xông vào "nhiều gia đình thường dân hôm 07 Tháng Chín, phá hủy nhà cửa và khủng bố người dân, phá hoại tất cả những ảnh tượng thánh. Tại một ngôi nhà, có ba người đàn ông Công Giáo Hy Lạp: Mikhael Taalab, người anh em họ của ông là Antoun Taalab, Sarkis el Zakhm, cháu trai của Mikhael, và một người phụ nữ, người thân của họ, người đã thuật lại những gì đã xảy ra".

Bài báo cho biết thêm: "Những người Hồi giáo đã yêu cầu mọi người có mặt phải cải đạo sang Hồi giáo. Sarkis trả lời dứt khoát: ‘Tôi là một Kitô hữu, và nếu muốn giết tôi bởi vì tôi là một Kitô hữu, thì hãy cứ giết’. Người đàn ông trẻ tuổi cùng với hai người kia đã bị những kẻ máu lạnh sát hại. Người phụ nữ bị thương và được cứu sống một cách lạ lùng, sau đó bà được đưa đến một bệnh viện ở Damascus".

14. Đức Giáo Hoàng: Tất cả mọi người có trách nhiệm đối với các Kitô hữu tại Thánh Địa

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp đón phái đoàn của Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ, là nhữg người chịu trách nhiệm hỗ trợ về kinh tế cho các Kitô hữu tại Thánh Địa.

Trong diễn từ của mình, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài cầu nguyện hằng ngày cho tất cả các Kitô hữu sống trong khu vực. Ngài cũng cám ơn Tu hội về sự phục vụ của họ. Đức Thánh Cha nói thêm rằng vùng đất của Chúa Giêsu có nhiều người túng thiếu, nhưng cảnh báo rằng đức tin không loại trừ bất cứ một ai khỏi trách nhiệm ra sức xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

15. Đức Giáo Hoàng ra bài tập về nhà cho các tín hữu tham dự buổi triều yết chung: Anh chị em hãy tìm ngày mình được Rửa Tội!

Một điều khá rõ ràng là Đức Thánh Cha thích ở giữa mọi người, chào thăm họ, nhận thư và những món quà tượng trưng của họ. Phải mất khoảng 40 phút để ngài đi khắp Quảng trường Thánh Phêrô theo cách của mình khi ngài dừng lại dọc đường để chào mọi người trong buổi triều yết chung hàng tuần của ngài. Không muốn bỏ sót bất cứ ai, ngài đã chào thăm hơn 100 người.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tôi đã bỏ lỡ một người ở đó".

Trong buổi triều yết chung hôm nay, Đức Thánh Cha đã nói về mối quan hệ giữa những người mẹ và con cái họ. Ngài giải thích rằng Giáo Hội cũng giống như một Người Mẹ, bởi vì qua Bí tích Rửa Tội, Giáo Hội mang đến một đời sống – đời sống đức tin.

Đức Thánh Cha Phanxicô đặt câu hỏi: "Có bao nhiêu người trong anh chị em nhớ ngày Rửa Tội của mình? Có một vài cánh tay giơ lên ở đó... Nhưng nhiều người không biết! Họ nói rằng: Tôi nghĩ nó rơi vào Lễ Phục Sinh hay Giáng Sinh. Ngày Rửa Tội của chúng ta là ngày sinh của chúng ta trong Giáo Hội, ngày Giáo Hội Mẹ sinh ra chúng ta, thật đẹp làm sao".

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tầm quan trọng của Bí tích này, thậm chí ngài đã cho những người hành hương một số bài tập về nhà. Ngài hỏi họ tìm xem khi nào mình được Rửa Tội.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Để mừng nó, để dâng lên Chúa lời cảm tạ vì một món quà như thế. Anh chị em sẽ làm điều đó chứ? Đúng vậy, đó là bài tập về nhà, được chứ?".

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng Giáo Hội chăm sóc đứa con mình trong suốt cuộc đời của họ, giống như bất kỳ người mẹ nào. Đó là lý do tại sao tất cả mọi người được rửa tội là một phần của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Giáo Hội không chỉ dành cho các linh mục. Tất cả chúng ta là thành phần của Giáo Hội. Nếu anh chị em nói mình tin vào Thiên Chúa, mà không nằm trong Giáo Hội, là anh chị em nói rằng anh chị em không tin vào chính mình, và đó là sự mâu thuẫn. Tất cả chúng ta là Giáo Hội, tất cả chúng ta. Từ đứa trẻ mới Rửa Tội cho đến các giám mục và Giáo Hoàng, tất cả chúng ta".

Đức Thánh Cha cũng chỉ ra rằng con cái Giáo Hội cần phải nắm lấy tình huynh đệ, rao giảng Tin Mừng và giúp đỡ những người nghèo khó.

16. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Tổng Thư ký Tổ chức Các Quốc gia Mỹ Châu

Hôm 12/09/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thư ký Tổ chức Các Quốc gia Mỹ Châu (OSA), là ông José Miguel Insulza. Ông Insulza cho rằng việc bầu chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã là một sự công nhận sự lớn mạnh của Giáo Hội Công Giáo tại Mỹ Châu Latin.

Đức Thánh Cha nói: "Hân hạnh được gặp ngài".

Tổng thư ký José Miguel Insulza đáp: "Tôi cũng vậy"

Đức Thánh Cha: "Cảm ơn ngài rất nhiều vì đã thăm hỏi tôi".

Sau kết quả cuộc bầu chọn Giáo hoàng, ông Insulza thấy được tầm quan trọng của việc báo cáo với Đức Giáo Hoàng về các dự án ở OAS.

Tổ chức của ông cố gắng để tăng cường đối thoại giữa tất cả các quốc gia ở Mỹ châu về nhiều vấn đề, đặc biệt là các vấn đề về nhân quyền.

Cuộc hội kiến diễn ra trong bầu khí thân thiện. Như thường lệ, kết thúc cuộc gặp hai vị đã tặng quà lưu niệm cho nhau.

17. Đức Giáo Hoàng tiếp Thủ tướng Thái Lan: "Xin cầu nguyện cho tôi"

Hôm 12/09/2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra, đã có cuộc gặp gỡ tại Vatican. Trong cuộc hội kiến, họ trao đổi về mối quan hệ giữa Nhà Nước và Giáo Hội Á Châu, nhấn mạnh đến việc cùng nhau làm việc đã chứng minh cho sự thành công vượt bật trong các chương trình trợ giúp xã hội và giáo dục của đất nước này.

Thủ tướng Thái Lan đã tặng Đức Giáo Hoàng một bộ chân nến nạm đá quý. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng Nữ Thủ tướng một cây viết tương tự như thiết kế của chiếc cột bàn thờ Thánh Phêrô.

Khi họ nói lời chào tạm biệt, Đức Giáo Hoàng nói một vài từ bằng tiếng Anh, yêu cầu Thủ tướng dành cho một đặc ân:

"Xin cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa ban phép lành cho bà".

Sau cuộc hội kiến, phái đoàn Thái Lan đã có cuộc gặp gỡ Quốc Vụ khanh Toà Thánh, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone.